Đọc hiểu: Nắng mới - Lưu Trọng Lư ĐỀ 1 Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới: Nắng mới Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác, gà trưa gáy não nùng, Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng Chập chờn sống lại những ngày không. Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời Lúc người còn sống, tôi lên mười; Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước dậu phơi. Hình dáng me tôi chửa xóa mờ Hãy còn mường tượng lúc vào ra; Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè trước dậu thưa. (Lưu Trọng Lư, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1998, trang 288) Lựa chọn phương án trả lời đúng nhất cho các câu hỏi từ 1 đến 4: Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Nắng mới là ai? A. Nắng mới C. Người mẹ B. Tôi D. Con gà Câu 2. Bài thơ được viết theo thể thơ gì? A. Lục bát C. Song thất lục bát B. Thất ngôn bát cú D. Thất ngôn Câu 3. Cho biết hoàn cảnh làm nảy sinh tâm trạng nhớ thương của nhân vật trữ tình. A. Khi "nắng mới hắt bên song" B. Khi nghe tiếng "xao xác, gà trưa gáy não nùng" C. Mỗi khi nhìn thấy nắng đầu mùa báo hiệu kết thúc những ngày lạnh ẩm, nghe tiếng gà trưa xao xác gợi lại dĩ vãng khi xưa, mỗi lúc như thế mẹ thường mang áo ra phơi. D. Mỗi khi nhớ lại dĩ vãng năm xưa có mẹ Câu 4. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là A. Nghị luận C. Miêu tả B. Tự sự D. Biểu cảm Câu 5. Câu thơ nào không miêu tả hình ảnh người mẹ? A. Áo đỏ người đưa trước dậu phơi. B. Hình dáng me tôi chửa xóa mờ C. Nét cười đen nhánh sau tay áo D. Mỗi lần nắng mới hắt bên song Câu 6. Tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ là: A. Yêu thương, nhớ nhung, nuối tiếc.. B. Hối hận, day dứt vì chưa làm tròn bổn phận người con C. Tự hào, ngợi ca người mẹ tần tảo, anh hùng D. Xót xa, đau khổ vì sự ra đi của mẹ. Câu 7. Dòng nào khái quát nội dung của bài thơ: A. Bài thơ là cảm xúc của người con trai đã thành đạt trong cuộc sống vẫn không nguôi nhớ về những ngày mẹ tảo tần nuôi các con thuở còn nhiều khốn khó. B. Bài thơ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, đồng thời thể hiện lòng yêu thương, nỗi nhớ và niềm nuối tiếc của tác giả. C. Bài thơ biểu đạt nỗi đau mất mát, nỗi ân hận khôn nguôi, rằng chúng ta đã chưa trọn đạo làm con khi cha yếu mẹ già, để khóc hoài như một đứa trẻ. D. Bài thơ hồi tưởng về mẹ, về kí ức tuổi thơ khốn khó đồng thời khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả. Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu: Câu 8. Hãy tìm lỗi dùng từ trong câu sau và nêu cách sửa: Bài thơ "Nắng mới" là một trong những bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. Câu 9. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong câu: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội. Câu 10 . Nêu nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Tôi Câu 2. D. Thất ngôn Câu 3. C. Mỗi khi nhìn thấy nắng đầu mùa báo hiệu kết thúc những ngày lạnh ẩm, nghe tiếng gà trưa xao xác gợi lại dĩ vãng khi xưa, mỗi lúc như thế mẹ thường mang áo ra phơi. Câu 4. D. Biểu cảm Câu 5. D. Mỗi lần nắng mới hắt bên song Câu 6. A. Yêu thương, nhớ nhung, nuối tiếc.. Câu 7. B. Bài thơ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, đồng thời thể hiện lòng yêu thương, nỗi nhớ và niềm nuối tiếc của tác giả. Câu 8. - Lỗi dùng từ: Lặp từ "bài thơ" - Sửa lại: "Nắng mới" là một trong những bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. Câu 9. - Biện pháp tu từ: Nhân hóa (nắng reo) - Tác dụng: + Diễn tả sinh động, hấp dẫn, gợi cảm ý thơ; giúp ta hình dung vẻ tươi tắn, rạng rỡ của nắng sớm, nắng đầu mùa. + Thể hiện không khí vui tươi, náo nức của bức tranh thôn quê và nỗi nhớ tha thiết trong hoài niệm của tác giả. Câu 10. Nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: Thể thơ bảy chữ, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, phép nhân hóa đặc sắc, âm điệu da diết lắng sâu, các thanh bằng trắc, các từ láy giàu giá trị biểu cảm.. Xem thêm bên dưới: Đề 2
ĐỀ 2 Đọc văn bản sau: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác, gà trưa gáy não nùng, Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không. Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời Lúc người còn sống, tôi lên mười; Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước giậu phơi. Hình dáng me tôi chửa xoá mờ Hãy còn mường tượng lúc vào ra: Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè trước giậu thưa. (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân NXB Văn học, 2000, tr. 288) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là: A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Nghị luận Câu 2. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai? A. Tôi B. Mẹ C. Tôi và mẹ D. Nắng mới Câu 3. Từ ngữ biểu đạt rõ nhất cảm xúc của người con là: A. Áo đỏ B. Xao xác, não nùng C. Rượi buồn, nhớ D. Mường tượng Câu 4. Nhịp thơ chủ yếu của bài thơ trên là gì? A. 3/4 B. 2/5 C. 4/3 D. 3/1/3 Câu 5. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên hiện lên như thế nào? A. Hối hận, luyến tiếc B. Vui mừng, sung sướng C. Dửng dưng, lạnh lùng D. Buồn nhớ, khắc khoải Câu 6. Câu thơ "Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội," sử dụng biện pháp tu từ gì? Tác dụng? A. Phép nhân hóa, gợi hình ảnh nắng mới tươi rắn, rạng rỡ; B. Phép so sánh, khiến nắng mang tâm trạng giống như con người; C. Phép ẩn dụ, gợi hình ảnh người mẹ trẻ trung, xinh đẹp; D. Phép ẩn dụ, gợi vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, chân chất của mẹ. Câu 7. Bài thơ cùng chủ đề với bài thơ trên là: A. Đoàn thuyền đánh cá B. Mẹ ta trả nhớ về không C. Tiểu đội xe không kính D. Mùa xuân nho nhỏ Trả lời các câu hỏi: Câu 8. Khái quát nội dung chính của bài thơ. Câu 9. Hình ảnh nắng mới hắt bên song và nắng mới reo ngoài nội theo em có điểm gì khác biệt? Câu 10. Cảm nhận về tình cảm của người con dành cho mẹ thể hiện trong bài thơ trên. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Biểu cảm Câu 2. A. Tôi Câu 3. C. Rượi buồn, nhớ Câu 4. C. 4/3 Câu 5. D. Buồn nhớ, khắc khoải Câu 6. A. Phép nhân hóa, gợi hình ảnh nắng mới tươi rắn, rạng rỡ; Câu 7. B. Mẹ ta trả nhớ về không. Câu 8. Nội dung bài thơ Nắng mới: Bài thơ là những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về mẹ, qua đó thể hiện tình yêu thương mẹ của chủ thể trữ tình - tác giả. Câu 9. Cũng là "nắng mới" nhưng cái nắng của hiện tại "hắt bên song" buồn bã, hiu hắt vì cái nắng ấy được cảm nhận qua cảm xúc của người con khi đã mất mẹ, nhìn nắng mà buồn nhớ về mẹ. Còn cái nắng của quá khứ "reo ngoài nội" lại rạng rỡ, tươi tắn, tràn đầy sức sống, niềm vui vì đó là nắng của những ngày còn mẹ. Câu 10. Bài thơ là dòng hồi tưởng đầy xúc động của chủ thể trữ tình về hình ảnh người mẹ đã mất. Hình ảnh người mẹ thân yêu của tác giả hiện lên, lúc đầu còn mờ nhạt nhưng càng về sau càng rõ nét và choán đầy tâm trí. Cảm xúc bâng khuâng, buồn nhớ của chủ thể trữ tình trong bài thơ khi nhớ về mẹ khiến người đọc có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương da diết của người con dành cho mẹ. Với con, mọi cảnh, mọi vật gắn với kỉ niệm về mẹ đều khiến con rưng rưng nhớ mẹ. Qua cách nói dường như đang cố nén niềm thương nhớ chỉ chực dâng trào, ta chợt hiểu ra và đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn mất mẹ của tác giả.
ĐỀ 3 Đọc bài thơ sau: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác, gà trưa gáy não nùng, Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không. Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời Lúc người còn sống, tôi lên mười; Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước giậu phơi. Hình dáng me tôi chửa xoá mờ Hãy còn mường tượng lúc vào ra: Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè trước giậu thưa. (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, 2000, tr. 288) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Bài thơ nào sau đây cùng thể thơ với bài Nắng mới? A. Mùa hoa mận B. Đoàn thuyền đánh cá C. Lính đảo hát tình ca trên đảo D. Đồng dao mùa xuân Câu 2. "Tôi" trong bài thơ là: A. Chủ thể trữ tình B. Nhân vật trữ tình C. A và B D. Không là ai Câu 3. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc của "tôi" về: A. Nắng mới B. Mẹ C. Thời dĩ vãng D. Những ngày không Câu 4. Giá trị biểu đạt của chữ "reo" trong câu: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội A. Chữ "reo" như một nốt nhạc lảnh lót, tươi vui gợi hình ảnh nắng mới tươi tắn, rực rỡ, đầy sức sống. B. Chữ "reo" diễn tả cái nắng ấm áp mỗi độ xuân về. C. Chữ "reo" diễn tả cái nắng trong trẻo, tinh khôi mỗi độ xuân về. D. Chữ "reo" diễn tả cái nắng tinh nghịch như con trẻ. Câu 5. Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ được phác họa qua những chi tiết nào? A. "Gà trưa gáy" B. "Nét cười", "bên song" C. "Nắng mới", "áo đỏ" và "nét cười" D. "Nắng mới", "cánh đồng lúa", "con đường làng" Câu 6. Câu thơ nào sau đây có điểm tương đồng về hình ảnh thơ với bài thơ trên: A. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên B. Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu C. Trong làn nắng ửng khói mơ tan D. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng Câu 7. Giọng điệu chung của bài thơ là: A. Giọng điệu ảo não, thê lương B. Giọng điệu bi thương, thống thiết C. Giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết D. Giọng điệu hào hùng, sáng khoái. Trả lời câu hỏi: Câu 8. Liệt kê các từ láy được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất, nêu tác dụng. Câu 9. Khái quát bố cục của bài thơ. Câu 10. Những kí ức của nhân vật trữ tình về người mẹ đã khuất gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của những kỉ niệm trong cuộc sống mỗi người? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Đoàn thuyền đánh cá Câu 2. C. A và B Câu 3. B. Mẹ Câu 4. A. Chữ "reo" như một nốt nhạc lảnh lót, tươi vui gợi hình ảnh nắng mới tươi tắn, rực rỡ, đầy sức sống. Câu 5. C. "Nắng mới", "áo đỏ" và "nét cười" Câu 6. A. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Câu 7. C. Giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết Câu 8. Các từ láy: Xao xác, não nùng, chập chờn Tác dụng: Nhấn mạnh âm thanh gợi buồn của tiếng gà trưa cùng cảm xúc bâng khuâng, buồn nhớ của chủ thể trữ tình về những ngày đã lùi vào quá khứ. Từ láy được sử dụng trong khổ thơ không chỉ tăng tính gợi hình, biểu cảm mà còn tăng nhạc điệu cho lời thơ. Câu 9. - Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên "nắng mới" - Khổ 2+3: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình Câu 10. Những giá trị của kỉ niệm trong cuộc sống mỗi người: Cơ sở để hình thành, vun đắp tình cảm tốt đẹp, trong sáng, chân thành; tạo động lực, nâng đỡ con người trong hiện tại..