Đọc hiểu văn bản là một trong số những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện thường xuyên của người học sinh. Để đọc hiểu được văn bản, không chỉ là văn bản được hướng dẫn dưới sự định hướng của giáo viên mà còn là văn bản ngoài sách giáo khoa, người học phải vận dụng tất cả các kiến thức của ba phân môn: Văn học, tiếng Việt, làm văn trên nhiều phương diện như: Thể loại văn học, thể thơ, các yếu tố thuộc về hình thức, nội dung văn bản; phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, biện pháp tu từ.. Sau đây là một số bài đọc hiểu về bài thơNằm trong tiếng nói yêu thương của nhà thơ Huy Cận nhằm luyện tập kĩ năng đọc hiểu cho các bạn học sinh: Đọc hiểu: Nằm trong tiếng nói yêu thương - Huy Cận - ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1 Đọc văn bản sau: Nằm trong tiếng nói yêu thương Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời. Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con. Tháng ngày con mẹ lớn khôn, Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha, Đời bao tâm sự thiết tha Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ.. (Nằm trong tiếng nói yêu thương, Huy Cận) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ. Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha, Câu 3. Anh/chị hiểu hai câu thơ sau như thế nào: Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con. Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với tiếng Việt. Câu 5. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Định hướng làm bài: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Phương thức biểu cảm. Câu 2. Biện pháp tu từ trong câu: Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha. - Biện pháp tu từ: Nhân hóa: Thơ kể.. (kể là hoạt động của con người, trao cho thơ). - Tác dụng: Nhấn mạnh vai trò của thơ ca trong việc lưu giữ và truyền đạt lại cho con cháu đời sau tâm hồn, tình cảm, nét đẹp văn hóa.. của cha ông thời trước. Khiến cho lời thơ thêm sinh động, gợi cảm. Câu 3. Hai câu thơ: Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con. Giúp em hiểu rằng: Từ khi còn nằm trong nôi, tiếng Việt qua lời ru của mẹ đã mang cả "hồn thiêng" – giá trị văn hóa truyền thống của đất nước đến cho con. Tiếng Việt là nhịp cầu để mẹ truyền cho con tình yêu ngôn ngữ, yêu văn hóa dân tộc. Từ đó, hai câu thơ giúp ta hiểu được tầm quan trọng của tiếng nói và tình yêu của nhà thơ với tiếng nói dân tộc. Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với tiếng Việt. Qua bài thơ, em cảm nhận được tình yêu tha thiết, niềm tự hào, thái độ trân trọng, ngợi ca của nhà thơ đối với tiếng Việt. Câu 5. Đoạn văn khoảng 400 chữ: Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa Óng tre ngà và mềm mại như tơ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh." Tiếng Việt đẹp là thế, phong phú là thế nhưng có một thực trạng đáng buồn là giới trẻ ngày nay với việc sử dụng teencode, tiếng lóng, từ ngữ tục bậy, dùng tiếng nước ngoài bừa bãi.. đã khiến sự trong sáng của tiếng Việt ngày càng bị mai một. Sự trong sáng của tiếng Việt là vẻ đẹp tự thân, vốn có của ngôn ngữ tiếng Việt sau hàng ngàn năm chắt chiu tinh túy từ ngôn ngữ cha ông và tiếp thu chọn lọc ngôn ngữ nước ngoài. Làm thế nào để tiếng Việt mãi đẹp giàu? Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Là vấn đề luôn trăn trở trong lòng những người có tình yêu tha thiết với tiếng mẹ đẻ. Thiết nghĩ, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết mỗi người cần nhận thức được rằng, ngôn ngữ là vẻ đẹp văn hóa của một quốc gia, một nét son tô điểm lên diện mạo đất nước, cần có tình yêu sâu sắc dành cho ngôn ngữ dân tộc. Từ đó mỗi chúng ta cần không ngừng học tập để trau dồi ngôn ngữ dân tộc, làm giàu cho vốn ngôn ngữ cá nhân. Trong quá trình sử dụng, chúng ta phải có ý thức nói và viết phù hợp với các chuẩn mực tiếng Việt: Quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu, tạo văn bản, không sử dụng tiếng nước ngoài khi không cần thiết. Mặt khác, mỗi người nên cố gắng nói lời hay, ý đẹp để đạt hiệu quả giao tiếp cao. Muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trách nhiệm của mỗi cá nhân là quan trọng, nhưng để ai cũng ý thức được trách nhiệm ấy, cần có sự định hướng của gia đình, nhà trường. Cha mẹ, thầy cô phải là những người khơi dậy tình yêu tiếng Việt đến con trẻ, làm cho tình yêu ấy thấm dần vào nhịp tim, khối óc và lớn thêm lên mãi. Cần lắm những sân chơi, chương trình truyền thông, trang mạng xã hội được lập nên để đánh thức, nuôi lớn tình yêu tiếng Việt. "Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập dân tộc". Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để like bài, đọc nội dung ẩn nhé Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Xem tiếp bên dưới: Đề ôn tập số 2
Đọc hiểu: Nằm trong tiếng nói yêu thương - Huy Cận - ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2 Đọc đoạn trích sau: Nằm trong tiếng nói yêu thương Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời. Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con. Tháng ngày con mẹ lớn khôn, Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha, Đời bao tâm sự thiết tha Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ.. (Nằm trong tiếng nói yêu thương, Huy Cận) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Câu 2. Chỉ ra hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích. Câu 3. Xác định nội dung của đoạn trích trên. Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, em hãy viết đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. (Các câu hỏi của đề số 2 dẫn từ đề thi tuyển sinh THPT năm 2022 tỉnh Quảng Trị, phần định hướng làm bài chỉ mang tính chất tham khảo, chưa phải đáp án chính thức). Định hướng làm bài: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Lục bát. Câu 2. Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích: - Điệp ngữ: "Nằm trong" điệp lại hai lần ở hai câu đầu. - Nhân hóa: Hồn thiêng đất nước - ngồi ; thơ – kể (hồn là tâm hồn, linh hồn của con người được trao cho đất nước; ngồi – kể là hoạt động của con người được trao cho hồn đất nước, cho thơ). Câu 3. Nội dung của đoạn trích trên: - Đoạn trích trên thể hiện vai trò của tiếng Việt trong việc giữ gìn, phát huy, truyền lại cho con cháu đời sau truyền thống đất nước, vẻ đẹp tâm hồn ông cha, giúp con người bộc lộ tâm tư, tình cảm của chính mình. - Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu tha thiết, niềm tự hào, thái độ trân trọng, ngợi ca của nhà thơ đối với tiếng Việt. Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, em hãy viết đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. Cha ông là những người đã "truyền giọng điệu mình cho con tập nói" để tiếng Việt mãi trường tồn và trở thành phương tiện giao tiếp cộng đồng. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta cần phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghĩa là giữ gìn vẻ đẹp vốn có của ngôn ngữ cha ông, không làm cho nó xấu xí, lai căng, pha tạp. Để làm được điều đó, mỗi bạn trẻ cần ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ý thức được tiếng Việt chính là nét đẹp làm nên văn hóa đất nước. Từ đó không ngừng học tập, trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ để làm giàu cho vốn từ ngữ cá nhân. Trong quá trình nói và viết, mỗi bạn trẻ cần nói, viết cho đúng các quy tắc phát âm, quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản.. ; dứt khoát không dùng ngôn ngữ ngoại bang trong những trường hợp không cần thiết; "nói không" với tiếng lóng, nói tục, chửi bậy.. Đồng thời, mỗi người cũng cần có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở những người xung quanh cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc, để tiếng Việt mãi giàu và đẹp.