Đọc hiểu: Một cảnh thu muộn - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 12 Tháng một 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu: Một cảnh thu muộn, Nguyễn Tuân

    Đọc đoạn trích sau, thực hiện yêu cầu bên dưới:

    Ông Cử Hai có khoa mà không có hoạn, và cái khoa mục ấy giá không nói ra thì không ai biết. Người có hoa tay, thêm được chút tâm hồn lãng tử, nên ông Cử Hai sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi. Người ấy thật là một người không có lấy một giây phút trịnh trọng đối với nhân sinh. Ông ta sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra để mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình. Hồi cụ Thượng còn ngồi nhậm ở dưới Sơn Nam Hạ, cái gia đình lớn ấy chưa quy về một mối, ông Cử Hai quanh năm đi dạy học ở bốn tỉnh tứ chính Đông Nam Đoài Bắc. Không cần phụ huynh học sinh xử hậu hay bạc, không cần địa phương ấy là có đất văn tự hoặc dân ấy là có nếp văn chương muốn cầu học chữ của thầy, có khi tới ở đó ít ngày, ngồi giảng bài chưa ấm phòng học, ông đã quảy khăn gói tráp chiếu lên đường. Người tuổi tác có hỏi, ông trả lời là vì cảnh ấy không dung được người: "Bậc trượng nhân thử nghĩ, cái gì mà nước chảy xiết không bao giờ tụ, cây trồng đến ba năm bói không có quả, ớt nhấm không thấy cay, hoa chỉ có mùi thơm về phần đêm; núi chỉ bằng đầu chứ không có chỏm nhọn, và mây trời không bao giờ hiện đủ năm sắc. Cảnh như thế tôi ngồi mà làm gì. Chữ thánh hiền không phải ở chỗ nào cũng bố thí được."

    Ông Cử Hai đi dạy học, đã lấy cái việc dạy học làm như một hồ khẩu mà y như đi ngoạn cảnh hoặc đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích. Và những lúc mỗi chân phải ngừng ở lại các thôn ổ, ông lại còn thỉnh thoảng ngừng cả cái miệng giảng sách hoặc ngừng chấm nét son lên quyển bài để đề một bức châm lên lá quạt tặng một ông bạn đồng song, để khắc chữ triện và chạm trổ một hòn đá sù sì cho thành một con thạch ấn, để dúng ngón tay trỏ vào chậu mực vẽ một bộ tứ bình thủy mặc có hình đủ bốn thứ cây cỏ tứ hữu: Cúc, trúc, lan, mai treo chơi trên vách đất quán trọ nơi ngồi dạy học.

    Gần ngày tết nhất, người trưởng tràng lúc thu xong sổ đồng môn, chỉ khổ lên vì đi tìm thầy; Tết mồng ba, ông Cử Hai đã trốn khỏi nhà trọ từ hôm trước để đi ăn hàn thực và đi hội đạp thanh với các bạn sính làm thơ tức cảnh. Tết Đoan Ngũ, ông lên núi hái lá thuốc, những mong được gặp tiên; Tết Trung Thu, ông lên Chùa Thầy ngắm trăng Chợ Trời họp trên đỉnh núi Sài Sơn. Gần tết Nguyên đán, nếu chưa về nhà, thì ông ẩn ở trong một mái đình vắng nào để gọt cho hết một lắp thủy tiên. Cái hành tung của người nghệ sĩ không chịu sống cho người và hùa theo với người chung quanh ấy, thực khó mà dò hỏi. Lùng tìm cái dấu bàn chân một chính khách thất quốc lúc vượt bể ra ngoài mưu việc lớn, thực còn dễ hơn đi đuổi theo ông Cử Hai những lúc hứng giang hồ ở người ông nổi dậy.

    (Trích Một cảnh thu muộn, Nguyễn Tuân)​

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ, các phương thức biểu đạt của đoạn trích

    Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích là ai? Là người có tâm hồn như thế nào?

    Câu 3. Lối sống phóng túng của nhân vật trong đoạn trích được thể hiện như thế nào?

    Câu 4. Em có đồng tình với lối sống của nhân vật trong đoạn trích không: không chịu sống cho người và hùa theo với người chung quanh ? Vì sao?

    Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc được theo đuổi đam mê.

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    - Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật (văn chương, văn học) ;

    - Các phương thức biểu đạt của đoạn trích: Tự sự, biểu cảm

    Câu 2.

    - Nhân vật chính trong đoạn trích: Ông Cử Hai.

    - Ông Cử Hai là người có tâm hồn lãng tử.

    Câu 3. Lối sống phóng túng của nhân vật trong đoạn trích được thể hiện qua những chi tiết:

    - ông Cử Hai sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi

    - Người ấy thật là một người không có lấy một giây phút trịnh trọng đối với nhân sinh

    - đem ngay cái tài hoa của mình ra để mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình

    - quanh năm đi dạy học ở bốn tỉnh tứ chính Đông Nam Đoài Bắc; nhưng đi dạy mà y như đi ngoạn cảnh hoặc đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích, ngừng giảng bài để đề thơ, vẽ tranh, khắc triện..

    - Dạy học chưa nóng chõ đã khăn gói lên đường chỉ vì cảnh không dung được người ; hành tung khó dò, khi ở chỗ này, khi ở chỗ khác: mồng ba, ông Cử Hai đã trốn khỏi nhà trọ từ hôm trước để đi ăn hàn thực và đi hội đạp thanh với các bạn sính làm thơ tức cảnh. Tết Đoan Ngũ, ông lên núi hái lá thuốc, những mong được gặp tiên; Tết Trung Thu, ông lên Chùa Thầy ngắm trăng Chợ Trời họp trên đỉnh núi Sài Sơn..

    Câu 4.

    (Nếu) đồng tình với lối sống không chịu sống cho người và hùa theo với người chung quanh, lí giải:

    - Con người trước hết phải sống là chính mình, sống theo đam mê, mơ ước và những giá trị mà mình theo đuổi, có như vậy mới phát huy hết năng lực, sở trường và cuộc sống mới có ý nghĩa.

    - Nếu sống hùa theo xung quanh thì sẽ đánh mất chính mình, dần dần bị thao túng, không còn được là mình nữa.

    (Nếu) vừa đồng tình, vừa không đồng tình, lí giải:

    - Không đồng tình với cách nghĩ "không chịu sống cho người" bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, không thể chỉ biết sống cho mình, như vậy là ích kỉ, chỉ biết nhận mà không biết sống vì người khác.

    - Đồng tình với quan điểm không hùa theo người xung quanh, vì hùa theo người xung quanh sẽ đánh mất mình.. (như trên).

    Câu 5. Ý nghĩa của việc được theo đuổi đam mê:

    Các ý chính:

    - Giải thích đam mê

    - Ý nghĩa của việc được theo đuổi đam mê:

    Việc theo đuổi đam mê đem đến nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Có câu: "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". Câu nói đó khẳng định ý nghĩa lớn lao nhất của theo đuổi đam mê là có được thành công.

    Vì sao đam mê sẽ đi đến thành công?

    Thứ nhất, đam mê tạo nên niềm vui trong công việc. Đó là động lực tinh thần trước tiên;

    Thứ hai, đam mê thôi thúc sự sáng tạo trong công việc. Không một thành quả nào lại không đi cùng vai trò của sự sáng tạo;

    Thứ ba, đam mê thôi thúc hành động. Khi hành động, ước mơ sẽ được thực hiện hóa, không chỉ là dự định, mục tiêu nữa;

    Thứ tư, đam mê nuôi dưỡng lòng kiên trì. Có đam mê, con người sẽ kiên trì với mục tiêu mà mình theo đuổi..

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    - Dẫn dẫn chứng về tấm gương theo đuổi đam mê có được thành công (Edison, Bill Gate)

    - Khẳng định lại vấn đề, nêu bài học cho bản thân.
     
    Last edited by a moderator: 14 Tháng tư 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...