Đọc hiểu: Mời Trầu - Hồ Xuân Hương - Đừng Xanh như lá, bạc như vôi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 7 Tháng một 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Đọc hiểu Mời trầu- Hồ Xuân Hương.

    Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu

    "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

    Này của Xuân Hương mới quệt rồi

    Có phải duyên nhau thì thắm lại

    Đừng xanh như lá bạc như vôi."

    (Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, H, 1987

    [​IMG]

    Câu 1:
    Bài thơ Mời trầu được viết theo thể thơ gì?

    Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ Mời trầu là ai?

    Câu 3: Hình ảnh quả cau và miếng trầu trong câu thơ thứ nhất gợi cho em suy nghĩ gì?

    Câu 4: Chỉ ra thành ngữ được sử dụng trong bài thơ Mời trầu và nêu giá trị nghệ thuật của thành ngữ đó.

    Câu 5: Nêu hiệu quả biểu đạt của việc tác giả tự xưng tên mình trong câu thơ: "Này của Xuân Hương mới quệt rồi".

    Câu 6: Nêu suy nghĩ của anh/chị về khát vọng của người phụ nữ được thể hiện trong bài thơ?

    Đáp án tham khảo

    Câu 1. Thất ngôn tứ tuyệt

    Câu 2. Người phụ nữ/ Hồ Xuân Hương

    Câu 3: Hình ảnh: "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi" Là hình ảnh ẩn dụ để chỉ ra thân phận nhỏ bé, số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

    Câu 4.

    - Thành ngữ được sử dụng: "Xanh như lá, bạc như vôi"

    - Giá trị nghệ thuật:

    Câu thành ngữ được sử dụng như là tiếng nói răn đe, cảnh tỉnh, hàm ý phê phán khinh bạc: Loại người "xanh như lá, bạc như vôi'. Câu thành ngữ được sử dụng ở đây quả là đắc dụng. Ý thơ gợi ra một khát vọng đầy ưu tư, khắc khoải của một tâm hồn đã ít nhiều nếm trải dư vị chua chát, đắng cay của sự lạnh lùng, giả dối.

    Câu 5. Thể hiện một cá tính mạnh mẽ, dõng dạc, dứt khoát → Là sự thách thức sâu cay vào chế độ xã hội phong kiến tồi tàn, mục nát. Là sự khẳng định về quyền bình đẳng của con người.

    Câu 6

    Xã hội phong kiến xưa quan niệm về thân phận của phụ nữ:" Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử "từ quan niệm trên ta có thể thấy đó là một" xã hội nam quyền "hay nói cách khác là" trọng nam, khinh nữ"chính vì vậy mà người phụ nữ bị kìm kẹp, hạn chế về mọi mặt, họ phải chịu đủ mọi sự bất công, oan trái, không có tiếng nói và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới. Hồ Xuân Hương chính là một trong số ít những người phụ nữ dám đứng lên để bày tỏ tiếng lòng của mình, để đòi lại sự tự do, quyền bình đẳng cho phụ nữ. Khát khao đó của nữ sĩ là nỗi khát khao mãnh liệt về tình yêu, về sự sắt son chung thủy và hạnh phúc. Nhưng chính xã hội phong kiến với những luật lệ hà khắc khiến cho những ước mơ hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở nên xa vời. Họ mong muốn được sống bên người mình yêu thương, ước mong có được một tình yêu trọn vẹn, thủy chung, nhưng tất cả đều chỉ là vô vọng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...