Đọc hiểu: Mẹ vắng nhà ngày bão - Đặng Hiển Đọc văn bản sau: Mẹ vắng nhà ngày bão Mấy ngày mẹ về quê Là mấy ngày bão nổi Cơn mưa dài chặn lối. Con đường mẹ đi về. Hai chiếc giường ướt một Ba bố con nằm chung Vẫn thấy trống phía trong Nằm ấm mà thao thức. Nghĩ giờ này ở quê Mẹ cũng không ngủ được Thương bố con vụng về Củi mùn thì lại ướt. Nhưng chị vẫn hái lá Cho thỏ mẹ, thỏ con Em thì chăm đàn ngan Sớm lại chiều no bữa Bố đội nón đi chợ Mua cá về nấu chua... Thế rồi cơn bão qua Bầu trời xanh trở lại Mẹ về như nắng mới Sáng ấm cả gian nhà. (Tác giả: Đặng Hiển, Trích Hồ trong mây) Chọn 01 đáp án đúng: Câu 1. Bài thơ trên được làm theo thể thơ nào? A. Thể thơ tự do B. Thể thơ ngũ ngôn C. Thể thơ lục bát D. Thể thơ bốn chữ. Câu 2. Bài thơ là lời của ai? A. Lời của người mẹ B. Lời của người bố C. Lời của người con D. Lời của người hàng xóm. Câu 3. Bài thơ được ngắt nhịp như thế nào? A. Nhịp 2/3 kết hợp 3/2 B. Nhịp 1/4 kết hợp 4/1 C. Nhịp 2/2/1 D. Nhịp 1/2/2 Câu 4. Những câu thơ nào thể hiện tình ảm mẹ dành cho ba bố con? A. Vẫn thấy trống phía trong - Nằm ấm mà thao thức. B. Mẹ cũng không ngủ được - Thương bố con vụng về C. Bố đội nón đi chợ - Mua cá về nấu chua D. Mẹ về như nắng mới - Sáng ấm cả gian nhà. Câu 5. Câu thơ "Mẹ về như nắng mới" biểu đạt điều gì? A. Vẻ đẹp của ánh nắng bừng lên sau ngày bão B. Niềm vui của cả nhà khi cơn bão đi qua, nắng ấm tràn về C. Niềm vui của mẹ khi cơn bão đi qua D. Niềm vui của cả nhà khi mẹ trở về. Câu 6. Khổ thơ: Nhưng chị vẫn hái lá Cho thỏ mẹ, thỏ con Em thì chăm đàn ngan Sớm lại chiều no bữa Bố đội nón đi chợ Mua cá về nấu chua... Nói lên điều gì về cuộc sống của ba bố con khi mẹ vắng nhà? A. Cuộc sống vẫn diễn ra như thường nhật vì hai con đã trưởng thành hơn, người bố cũng biết lo toan hơn. B. Cuộc sống đảo lộn do thiếu bàn tay sắp xếp của người mẹ. C. Cuộc sống buồn tẻ do mẹ không thể về vì mưa bão. D. Cuộc sống tự do vì không có mẹ o ép như mọi ngày. Câu 7. Ý nghĩa của bài thơ là: A. Nói lên những giông bão của cuộc đời rồi cũng sẽ qua. B. Con người sẽ trưởng thành hơn khi không còn nơi dựa. C. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn con người mới biết quý trọng những gì thường ngày không nhận thấy. D. Tôn vinh vị thế của người phụ nữ trong gia đình, ca ngợi tình cảm gia đình. Câu 8. Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật sử dụng trong 2 câu thơ: Mẹ về như nắng mới Sáng ấm cả gian nhà. Câu 9. Hãy nêu một vài nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ. Câu 10. Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Thể thơ ngũ ngôn Câu 2. C. Lời của người con Câu 3. A. Nhịp 2/3 kết hợp 3/2 Câu 4. B. Mẹ cũng không ngủ được - Thương bố con vụng về Câu 5. D. Niềm vui của cả nhà khi mẹ trở về Câu 6. A. Cuộc sống vẫn diễn ra như thường nhật vì hai con đã trưởng thành hơn, người bố cũng biết lo toan hơn. Câu 7. D. Tôn vinh vị thế của người phụ nữ trong gia đình, ca ngợi tình cảm gia đình. Câu 8. Mẹ về như nắng mới Sáng ấm cả gian nhà. - Biện pháp nghệ thuật so sánh: Mẹ về như nắng mới. - Tác dụng: Nhấn mạnh niềm vui của cả nhà khi mẹ về; làm cho lời thơ trở nên sinh động, giàu hình ảnh. Câu 9. Một vài nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ: - Tác giả viết một bài thơ có cấu trúc như câu chuyện ngắn, kể về một lần mẹ đi xa nhà. - Ngôn ngữ không hoa mỹ, cầu kỳ mà tác giả sử dụng những từ đơn giản. Những hình ảnh xuất hiện trong bài thơ cũng là những hình ảnh đặc trưng của làng quê và cảnh sinh họa của những gia đình Việt Nam. - Thông qua ngôi kể, những hình ảnh và phép nghệ thuật, tác giả đã nâng cao vị trí người mẹ. Đây có thể coi là một thành công, làm nên sự đặc sắc của tác phẩm. Câu 10. Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão: Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão được kể trên góc nhìn của người con, qua đó người đọc có thể nhận thấy hình ảnh người mẹ hiện lên với những đức tính đáng quý. Mẹ là người giàu tình yêu thương, luôn chăm lo, vun vén cho gia đình. Về quê đúng ngày bão, mẹ vẫn mong ngóng trở về, thương cảnh bố con ở nhà không có người phụ nữ. Hình ảnh mẹ tựa cửa, thao thức không ngủ vì lo cho gia đình đã khiến người đọc cảm động. Qua bài thơ, ta còn thấy người mẹ ở đây là người đảm đang, tháo vát, cuộc sống hàng ngày của gia đình đều là do người mẹ chăm lo. Vì vậy, khi mẹ vắng nhà, mẹ đã lo lắng không biết ba bố con sẽ xoay sở như thế nào. Chỉ một hình ảnh "củi mùn ướt" xẹt qua trong trí nghĩ của mẹ cũng cho thấy mẹ không yên lòng khi nghĩ đến việc ba bố con phái chịu đói vì không nấu được cơm ăn. Có thể nói, mẹ là người luôn quan tâm, săn sóc cho cả gia đình từng li từng tí. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của người mẹ, đồng thời khẳng định vị thế quan trọng của người phụ nữ trong gia đình.