Đọc hiểu: Lụm Còi - Nguyễn Ngọc Tư

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 26 Tháng mười hai 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu truyện ngắn Lụm Còi - Nguyễn Ngọc Tư bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Nhận diện đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, hạn tri, sự thay đổi điểm nhìn.. của các văn bản truyện; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài.

    Đọc hiểu truyện ngắn: Lụm Còi, Nguyễn Ngọc Tư

    Đọc văn bản sau:

    Truyện ngắn: Lụm còi


    Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Chị thường viết về những mảnh đời éo le, bất hạnh trong cuộc sống thường nhật với giọng văn giản dị, giàu cảm xúc, đậm chất Nam bộ. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận của chị gây được tiếng vang lớn, nhận được nhiều giải thưởng cũng như chuyển thể thành kịch, phim điện ảnh. Truyện ngắn Lụm còi là một trong những tác phẩm độc đáo như vậy của tác giả.

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong truyện. Tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn đó.

    Câu 2. Xác định đề tài của truyện ngắn trên.

    Câu 3. Xác định không gian, thời gian trong truyện. Tác dụng của yếu tố không gian, thời gian được miêu tả.

    Câu 4. Nhận xét về hoàn cảnh của nhân vật Lụm.

    Câu 5. Tình huống được kể trong truyện là tình huống gì? Ý nghĩa của việc dựng tình huống.

    Câu 6. Khao khát được gặp mẹ của thằng Lụm được thể hiện qua những chi tiết nào? Nhận xét về tình cảm mà Lụm dành cho mẹ.

    Câu 7 . Nhân vật "tôi" đã nhận thức được điều gì sau lần gặp gỡ với Lụm?

    Câu 8. Đầu truyện, nhân vật "tôi" cố tỏ ra mình là người lớn, gọi Lụm là "mày". Nhưng đến cuối truyện, nhân vât "tôi" đổi cách xưng hô với Lụm như thế nào? Việc đổi cách xưng hô đó nói lên điều gì?

    Câu 9. Theo em, có nên bỏ chi tiết kể về giọt nước mắt của Lụm ở cuối truyện không? Vì sao?

    Câu 10. Triết lí nhân sinh từ câu chuyện trên là gì?

    Câu 11. Nhận xét về ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư.

    Câu 12. Bài học ý nghĩa nhất với em sau khi đọc truyện ngắn trên là gì?

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.

    - Ngôi kể: Thứ nhất (người kể chuyện xưng tôi).

    - Điểm nhìn trong truyện: Điểm nhìn của nhân vật "tôi".

    - Tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn: Nhân vật tôi là người trực tiếp tham gia câu chuyện, vì vậy việc kể chuyện từ điểm nhìn của nhân tôi sẽ giúp cho câu chuyện trở nên chân thật và theo mạch cảm xúc của nhân tôi. Đồng thời, xây dựng điểm nhìn từ bên trong cho thấy được sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật cũng như cảm xúc của nhân vật "tôi" trước nỗi đau của bạn.

    Câu 2. Đề tài của truyện ngắn trên: Tình cảm gia đình.

    Câu 3.

    - Không gian: Ngã tư đường.

    - Thời gian trong truyện: Đêm tối.

    - Tác dụng của yếu tố không gian, thời gian được miêu tả: Tạo bối cảnh cụ thể cho cuộc gặp gỡ giữa nhân vật "tôi" và Lụm; đồng thời giúp nhấn mạnh hoàn cảnh đáng thương, khao khát tìm mẹ của Lụm.

    Câu 4.

    - Hoàn cảnh của nhân vật Lụm:

    + Mẹ bỏ rơi từ lúc còn bé xíu, được bà lão bán bành mì nhặt về nuôi.

    + Lớn lên. Lụm đi bán bánh mì, mỗi đêm lại ra ngã tư tìm mẹ, nhưng nhiều năm vẫn chưa tìm thấy.

    - Nhận xét: Hoàn cảnh đáng thương, phải vất vả mưu sinh, thiếu thốn tình cảm gia đình.

    Câu 5.

    - Tình huống được kể trong truyện là tình huống nhân vật "tôi" bỏ nhà ra đi gặp Lụm tại một ngã tư đường trong đêm, Lụm chờ tìm mẹ.

    - Ý nghĩa của việc dựng tình huống:

    + Giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoàn cảnh và tình mẫu tử thiêng liêng của nhân vật Lụm.

    + Tình huống giúp thúc đẩy sự thay đổi trong nhân vật "tôi" về nhận thức, suy nghĩ.

    + Tình huống giúp nhà văn thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc: Đồng cảm với khát khao về mái ấm gia đình của những con người bất hạnh..

    Câu 6.

    - Khao khát được gặp mẹ của thằng Lụm được thể hiện qua những chi tiết: Đêm đêm, Lụm ra ngã tư - nơi bị mẹ bỏ rơi ngày nhỏ mong gặp mẹ với niềm tin mãnh liệt: "Thế nào má đi qua má cũng nhìn ra tao." Lụm mong tìm lại má dù có bị đánh mắng cũng hạnh phúc: "Chẳng thà có má, có ba, bị rầy gì tao cũng chịu".

    - Nhận xét về tình cảm mà Lụm dành cho mẹ: Đó là tình mẫu từ thiêng liêng, sâu sắc, cảm động.

    Câu 7 .

    Qua những chi tiết:

    - Tôi hối hận và nhớ ba mẹ quá chừng. Tôi muốn trở về.

    - Sợ ba mẹ giận bỏ tôi luôn như thằng Lụm. Ba mẹ sẽ sanh nhiều thiệt nhiều em khác còn tôi thì biết kiếm đâu ra ba mẹ khác bay giờ.

    Ta thấy, nhân vật "tôi" đã nhận thức được nhiều điều sau lần gặp gỡ với Lụm: Nhận thức được việc mình bỏ nhà đi là sai, là quyết định nông nổi, bồng bột; nhận thức được ba mẹ chỉ có một, nhận thức được tình cảm gia đình là điều thiêng liêng, quý giá..

    Câu 8.

    - Đầu truyện, nhân vật "tôi" cố tỏ ra mình là người lớn, gọi Lụm là "mày".

    - Nhưng đến cuối truyện, nhân vât "tôi" đổi cách xưng hô, gọi Lụm là "anh".

    - Việc đổi cách xưng hô đó cho thấy, "tôi" thấy mình còn nông cạn, thấy Lụm mới thực sự chín chắn, trưởng thành. Cách xưng hô đó còn thể hiện sự biết ơn của "tôi" với Lụm, vì sự trải nghiệm và cuộc sống đầy đau khổ của Lụm đã đem đến cho nhân vật tôi nhiều bài học cuộc đời ý nghĩa, đặc biệt là bài học về tình cảm gia đình, về công cha nghĩa mẹ.

    Câu 9. Theo em, không nên bỏ chi tiết kể về giọt nước mắt của Lụm ở cuối truyện. Vì: Chi tiết đó nói lên sự thay đổi của nhân vật "tôi" : Nhân vật tôi đã hiểu chuyện và thực sự trưởng thành khi biết chia sẻ, đồng cảm với những đau khổ, với những khao khát của Lụm.

    Câu 10. Triết lí nhân sinh từ câu chuyện trên:

    - Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, quý giá.

    - Hạnh phúc của con người là được sống trong một gia đình trọn vẹn, có mẹ cha..

    Câu 11. Nhận xét về ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư: Ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư đậm chất miền Nam; không trau chuốt, bóng bảy mà giản dị, đời thường. Chị dường như mang ngôn ngữ trong đời sống vào tác phẩm. Đó còn là thứ ngôn ngữ rất giàu cảm xúc.

    Câu 12. Bài học ý nghĩa nhất với em sau khi đọc truyện ngắn trên là (HS tự làm).

    Gợi ý: Cần phải biết quý trọng tình cảm gia đình, yêu thương, cảm thông cho cha mẹ. Vì: Cha mẹ là người yêu thương chúng ta vô điều kiện; công lao nuôi dưỡng của cha mẹ là vô bờ bến. Không có được gia đình trọn vẹn sẽ là điều bất hạnh, thiệt thòi..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...