Đọc hiểu lớp 8 bộ Kết nối tri thức tập 1 - Bài 1 - Câu chuyện của lịch sử: Chiếc đồng hồ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Camellia Do, 28 Tháng một 2024.

  1. Camellia Do

    Bài viết:
    6
    [​IMG]

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    CHIẾC ĐỒNG HỒ​

    Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

    - Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

    - Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

    - Thưa không được ạ.

    Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

    - Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ.. cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

    Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

    Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

    Bác vui vẻ nói tiếp: "Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy", nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!

    Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.

    Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi để trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư - tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.

    Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế "Cứu Tế đỏ" tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

    (Chiếc đồng hồ - Bài học về sự đoàn kết, Tuổi trẻ Trà Vinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn sưu tầm)​

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là:

    A. Tự sự

    B. Miêu tả

    C. Biểu cảm

    D. Nghị luận

    Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích trên là:

    A. Hồ Chí Minh giảng về chức năng của đồng hồ.

    B. Hồ Chí Minh và câu chuyện về mặt đồng hồ.

    C. Hồ Chí Minh giảng về sự quý trọng của đồng hồ quả quýt.

    D. Hồ Chí Minh và câu chuyện về chiếc đồng hồ.

    Câu 3: Giữa mùa thu năm 1954, tại hội nghị ở Hà Bắc, Bác Hồ được miêu tả như thế nào?

    A. Mặc áo đen ướt đẫm hai vai do mồ hôi.

    B. Mặc áo nâu ướt đẫm hai vai do mồ hôi.

    C. Mặc áo nâu ướt đẫm hai vai do mưa.

    D. Mặc áo vải với quần kaki.

    Câu 4: Bác Hồ đã làm gì để các cán bộ "thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình"?

    A. Chỉ ra tầm quan trọng của tình yêu nước qua chiếc đồng hồ quả quýt.

    B. Chỉ ra tầm quan trọng của đồng hồ qua chiếc đồng hồ quả quýt.

    C. Chỉ ra tầm quan trọng của tình cảm gia đình qua chiếc đồng hồ quả quýt.

    D. Chỉ ra tầm quan trọng của tình đoàn kết qua chiếc đồng hồ quả quýt.

    Câu 5: Mục đích của Bác Hồ khi hỏi các cán bộ trong hội trường "Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?"

    A. Vì Bác muốn mọi người nhận ra tầm quan trọng của vị trí các cây kim.

    B. Vì Bác muốn mọi người nhận ra tầm quan trọng của chiếc đồng hồ.

    C. Vì Bác muốn mọi người nhận ra tầm quan trọng của các bộ phận như nhau.

    D. Vì Bác muốn mọi người nhận ra tầm quan trọng của các bộ phận khác nhau.

    Câu 6: Ý nghĩa của câu chuyện Chiếc đồng hồ?

    A. Mỗi công việc đều quan trọng và đáng quý, cần làm việc theo đúng phân công, không nên so bì hoặc ích kỉ chỉ nghĩ đến việc riêng của mình.

    B. Đồng hồ là thứ mà mỗi chúng ta đều phải có và giữ trong người.

    C. Trong mỗi cuộc họp dù là quy mô nhỏ hay lớn mọi người đều phải nghiêm túc, không được nói chuyện riêng.

    D. Thời gian là thứ vô cùng quan trọng. Chúng ta cần biết trân trọng và sử dụng thời gian một cách hợp lí.

    Câu 7: Chi tiết "Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận", tác giả đã cho chúng ta thấy Bác Hồ là một người như thế nào?

    A. Dịu dàng, trung trực.

    B. Gần gũi, dịu dàng.

    C. Ngang ngược, tự kiêu.

    D. U yếm, trung trực.

    Câu 8: Bài học trong câu chuyện trên gắn liền với câu nói nào của Bác Hồ?

    A. Chính lòng yêu nước, chứ không phải lý tưởng cộng sản, là nguồn cảm hứng cho tôi.

    B. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

    C. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công.

    D. Trẻ em như búp trên cành; biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

    Câu 9: Hãy chỉ ra biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong đoạn trích và chỉ ra tác dụng của chúng.

    Câu 10: Từ văn bản trên, em hãy chỉ ra tầm quan trọng của đoàn kết.

    Gợi ý đọc hiểu​

    Câu 1: A

    Câu 2: D

    Câu 3: B

    Câu 4: D

    Câu 5: C

    Câu 6: A

    Câu 7: B

    Câu 8: C

    Câu 9:

    - Biện pháp nghệ thuật nhân hóa ở chỗ "trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ..".

    - Tác dụng:

    + Giúp cho lời văn thơ tăng tính biểu cảm.

    + Giúp cho các bộ phận của đồng hồ hiện ra gần gũi, sinh động và có hồn hơn.

    Câu 10:

    - Đoàn kết giúp chúng ta không cô đơn, trở nên mạnh mẽ hơn, dễ dàng đối đầu với khó khăn để đi đến thành công.

    - Đoàn kết giúp chúng ta luôn có động lực phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn.
     
    THG NguyenLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng hai 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...