Đọc hiểu: Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa, Ngữ văn 10 Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 31 Tháng năm 2023.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,976
    Đọc hiểu: Lính đảo hát tình ca trên đảo – Trần Đăng Khoa

    "Đá san hô kê lên thành sân khấu
    Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
    Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
    Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

    Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
    Đá củ đậu bay như lũ chim hoang
    Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
    Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...

    Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
    Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
    Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
    Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

    Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
    Là bà con xa với bụt ốc đây mà
    Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh
    Hoá ra là sư cụ hát tình ca

    Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
    Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
    Đêm buông xuống nhình nhau không rõ nữa
    Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời...

    Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
    Gương mặt em dịu dàng hàng cây cũng tươi xinh
    Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
    Và tay mình lại nắm lấy tay mình

    Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
    Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được
    Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
    Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

    Nào hát lên cho mây nước biết
    Rằng chúng ta là những con người
    Yêu em thủy chung hơn muối mặn
    Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...

    Nào hát lên cho đêm tối biết
    Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
    Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
    Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

    Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
    Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
    Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
    Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu..."

    Đảo Sơn Ca, tháng 5-1982
    (Tuyển thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 2016)​

    Phần trắc nghiệm

    Chọn 1 đáp án đúng nhất

    Câu 1:
    Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

    A. Miêu tả

    B. Nghị luận

    C. Biểu cảm

    D. Tự sự

    Câu 2: Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

    A. Nghệ thuật

    B. Chính luận

    C. Hành chính

    D. Sinh hoạt

    Câu 3: Hãy cho biết thể thơ được tác giả sử dụng.

    A. Tám chữ

    B. Tự do

    C. Thất ngôn bát cú

    D. Lục bát

    Câu 4: Danh từ xưng hô nào được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên?

    A. Mình - ta

    B. Chú - cháu

    C. Ông - cháu

    D. Em - anh

    Câu 5: Trong khổ thơ 8, 9 tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì là chủ yếu?

    A. So sánh

    B. Nhân hóa

    C. Điệp ngữ

    D. Hoán dụ

    Câu 6: Nêu tác dụng chủ yếu của biện pháp tu từ đó?

    A. Nhấn mạnh tiếng hát của người lính đảo

    B. Giúp câu thơ sinh động

    C. Gợi hình, gợi cảm

    D. Tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ

    Câu 7: Bài thơ được tác giả viết vào thời gian nào?

    A. Những năm 80 của thế kỉ XIX

    B. Đầu những năm 80 của thế kỉ XX

    C. Nửa đầu những năm 20 của thế kỉ XX

    D. Đầu thế kỉ XXI

    Phần tự luận

    Câu 8:
    Hình tượng người lính hiện lên như thế nào trong bài thơ như thế nào?

    Câu 9: Anh/chị có cảm nhận gì về khổ thơ 4:

    "Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

    Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

    Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

    Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu"

    Câu 10: Anh/chị rút ra thông điệp gì sau khi đọc đoạn trích trên?

    [​IMG]

    Gợi Ý Đọc Hiểu

    Câu 1: C. Biểu cảm

    Câu 2: A. Nghệ thuật

    Câu 3: B. Tự do

    Câu 4: D. Em - anh

    Câu 5: C. Điệp ngữ

    Câu 6: A. Nhấn mạnh tiếng hát của người lính đảo

    Câu 7: B. Đầu những năm 80 của thế kỉ XX

    Câu 8:

    Hình tượng người lính hiện lên với ngoại hình đầu trọc, tác giả nói lên hoàn cảnh, điều kiện khắc nghiệt, gian khổ, nhưng người lính vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, không bao chịu khuất phục trước quân thù. Dù không phải là hình tượng đẹp, nhưng người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh đoàn kết của những người lính đảo dũng cảm, kiên cường, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ hòa bình cho quê hương, đất nước.

    Câu 9:

    "Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

    Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

    Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

    Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu"​

    Cảm nhận:

    Khổ thơ trên đề cập đến nỗi gian khổ, vất vả, nhọc nhằn của những người lính không quản ngại hy sinh vì tình yêu thiêng liêng, to lớn dành cho quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Những người lính không hề bi quan, chán nản khi đối mặt với muôn vàn khó khăn, chông gai, trở ngại mà ngược họ tràn đầy sức sống, niềm tin, hy vọng khi cứ ngân nga từng lời ca tiếng hát góp phần giúp cuộc đời trở nên tươi đẹp. Đọc những câu thơ trên ta cảm nhận được sự hào hùng, kiên cường, dũng cảm của người lính. Thanh âm lời ca tiếng hát luôn vang vọng, giúp bao người luôn ghi nhớ công ơn dành những người lính đảo.

    Câu 10:

    Thông điệp rút ra:


    Hãy luôn biết ơn sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ đã dành mọi điều tốt đẹp nhất cho quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Các thế hệ mai sau hãy luôn học tập, rèn luyện ý chí, nghị lực, phấn đấu để giúp ích cho đất nước ngày càng phát triển hơn. Những người chiến sĩ bảo vệ hòa bình chính là tấm gương sáng trong, tốt đẹp để chúng ta học hỏi và noi theo không ngừng trau dồi hoàn thiện bản thân hơn từng ngày.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...