Đọc hiểu: Kiều gặp Kim Trọng, Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du, Đề ôn tập Ngữ văn 11 - Chương trình mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 19 Tháng mười 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu Kiều gặp Kim Trọng, trích Truyện Kiều - Nguyễn Du bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Vận dụng những hiểu biết về đặc trưng của thơ trữ tình (giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố như ngôn từ; hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ) và đặc điểm của truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm (cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp, ngôn ngữ) để đọc hiểu các bài thơ, đoạn thơ.

    Đọc hiểu: Kiều gặp Kim Trọng, Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

    Đề ôn tập Ngữ văn 11 - chương trình mới

    Đọc đoạn thơ sau:

    Dùng dằng nửa ở nửa về,
    Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
    Trông chừng thấy một văn nhân
    Lỏng buông tay khấu[1], bước lần dặm băng[2].
    Đề huề lưng túi gió trăng[3],
    Sau lưng theo một vài thằng con con.
    Tuyết in sắc ngựa câu[4] dòn,
    Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.
    Nẻo xa mới tỏ mặt người,
    Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình[5]
    Hài văn[6] lần bước dặm xanh[7],
    Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao[8]
    Chàng Vương quen mặt ra chào,
    Hai Kiều[9] e lệ nép vào dưới hoa.
    Nguyên người quanh quất đâu xa,
    Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh[10].
    Nền phú hậu[11], bậc tài danh,
    Văn chương nết đất[12], thông minh tính trời
    Phong tư[13] tài mạo[14] tuyệt vời,
    Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa[15]
    Chung quanh vẫn đất nước nhà,
    Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân[16].
    Trộm nghe thơm nức hương lân[17],
    Một nền Đồng Tước[18] khoá xuân hai Kiều.
    Nước non cách mấy buồng thêu[19],
    Những là trộm dấu, thầm yêu chốc mòng[20].
    May thay giải cấu tương phùng[21],
    Gặp tuần đố lá[22] thoả lòng tìm hoa.
    Bóng hồng[23] nhác thấy nẻo xa,
    Xuân lan, thu cúc[24], mặn mà cả hai
    Người quốc sắc[25], kẻ thiên tài,
    Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

    Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê,
    Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn[26] khôn.
    Bóng tà như giục cơn buồn
    Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
    Dưới dòng nước chảy trong veo,
    Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

    Chú thích:

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định hình thức ngôn ngữ của đoạn trích.

    Câu 2. Nhân vật được miêu tả trong đoạn trích là nhân vật nào? Tìm những từ Hán Việt mà tác giả sử dụng để miêu tả nhân vật đó.

    Câu 3. Phân tích tác dụng của phép đối trong các câu thơ: Nền phú hậu, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh tính trời.

    Câu 4. Nhận xét về nhân vật Kim Trọng được khắc họa trong đoạn trích.

    Câu 5. Em hiểu câu thơ sau như thế nào: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

    Câu 6. Câu thơChập chờn cơn tỉnh cơn mê cho thấy cảm xúc của Kiều khi gặp Từ Hải là cảm xúc gì?

    Câu 7. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của Nguyễn Du đối với nhân vật Kim Trọng?

    Câu 8. So sánh vẻ đẹp của Kim Trọng trong hai câu thơ: Phong tư tài mạo tuyệt vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa với vẻ đẹp của Từ Hải trong những câu thơ sau: Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Hình thức ngôn ngữ: Gián tiếp – lời tác giả.

    Câu 2.

    - Nhân vật được miêu tả: Kim Trọng.

    - Những từ Hán Việt: Văn nhân, hài văn, trâm anh, phú hậu, tài danh, văn chương, thông minh, phong tư, phong nhã, hào hoa, thiên tài..

    Câu 3.

    - Phép tiểu đối:

    + nền phú hậu >< bậc tài danh

    + văn chương nết đất >< thông minh tính trời.

    - Tác dụng:

    + Làm nổi bật xuất thân giàu có và vẻ đẹp của Kim Trọng: Nổi tiếng tài giỏi, thông minh, thạo văn chương..

    + Tạo sự cân xứng, hài hòa, tăng tính nhạc cho lời thơ.

    Câu 4. Nhân vật Kim Trọng được miêu tả trong đoạn trích là người:

    - Xuất thân giàu có;

    - Dung mạo khôi ngô, tuấn tú;

    - Phong thái: Ung dung, đường hoàng, nho nhã, hào hoa, quý phái;

    - Tài năng xuất chúng: Nổi tiếng thông minh, giỏi văn chương, thơ phú..

    => Kim Trọng mang vẻ đẹp điển hình, mẫu mực của một nho sinh theo quy chuẩn phong kiến.

    Câu 5. Tình trong như đã, mặt ngoài còn e có thể hiểu: Hai người đã dành cho nhau tình cảm yêu mến, nhưng bên ngoài thì e thẹn, không dám bộc lộ.

    Câu 6. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê: Cho thấy cảm xúc của Kiều khi gặp Kim Trọng là cảm xúc đắm say, mê mẩn. Kiều đã hoàn toàn bị choáng ngợp bởi dung mạo, phong thái, tài năng của Kim Trọng.

    Câu 7.

    - Tình cảm, thái độ của Nguyễn Du đối với Kim Trọng: Yêu mến, ngợi ca;

    - Nguyễn Du khắc họa Kim Trọng với vẻ đẹp toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Dung mạo, phong thái, tài năng.. Nhà thơ dành những từ ngữ trang trọng, nhiều điển tích, điển cố khi viết về tình đầu của Kiều.

    Câu 8.

    - Giống nhau: Đều là những nhân vật mang vẻ đẹp xuất chúng, đều được khắc họa qua ngòi bút lí tưởng hóa của Nguyễn Du.

    - Khác nhau: Vẻ đẹp của Kim Trọng là vẻ đẹp của một thư sinh hào hoa, phong nhã theo chuẩn mực của xã hội phong kiến. Vẻ đẹp của Từ Hải là vẻ đẹp gân guốc, mạnh mẽ của một người anh hùng vượt khỏi quy chuẩn xã hội.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bấm để xem
    Đóng lại
    [đang cập nhật]
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...