Đọc hiểu: Hơi ấm ổ rơm - Nguyễn Duy: Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 23 Tháng bảy 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Hơi ấm ổ rơm - Nguyễn Duy - Đề 1

    - Trắc nghiệm kết hợp tự luận -

    Đọc văn bản sau:

    Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
    Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
    "Nhà mẹ hẹp, nhưng còn mê chỗ ngủ"
    Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
    Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.


    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,
    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,
    Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm
    Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.


    Hạt gạo nuôi tất thảy chúng ta no,
    Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
    Cái dịu ngọt lên hương của lúa
    Đâu dễ chia cho tất cả mọi người./


    (Nguyễn Duy – Cát trắng)

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1.
    Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

    A. Tự do

    B. Bảy chữ

    C. Tám chữ

    D. Song thất lục bát

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

    A. Miêu tả

    B. Biểu cảm

    C. Tự sự

    D. Nghị luận

    Câu 3. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là:

    A. Người mẹ

    B. "Tôi"

    C. Mọi người

    D. Hơi ấm ổ rơm

    Câu 4. "Tôi" trong bài thơ nhớ lại kỉ niệm nào trong quá khứ?

    A. Kỉ niệm một lần về quê với mẹ

    B. Kỉ niệm một lần về quê với ngoại

    C. Kỉ niệm một lần được nằm ổ rơm của một người mẹ nghèo không quen biết

    D. Kỉ niệm một lần gười con (tôi) được về nằm ổ rơm của mẹ nơi quê nhà

    Câu 5. Hoàn cảnh của nhân vật "tôi" trong bài thơ là:

    A. Đêm khuya, không có chỗ ngủ, phải chui vào đống rơm nhà dân ngủ tạm

    B. Đêm khuya, bị lạc đường, phải ngủ tạm trong đống rơm bên vệ đường

    C. Đêm khuya, bị truy sát, xin vào trốn

    D. Đêm khuya, bị lỡ đường, xin ngủ nhờ

    Câu 6. Hoàn cảnh của bà mẹ trong bài thơ là:

    A. Nghèo khổ, không có giường đệm tử tế, chỉ có ổ rơm

    B. Nghèo khổ, không có giường đệm tử tế, đến rơm cũng không có để trải

    C. Tuy nhà nghèo, nhưng vẫn có đủ giường chiếu cho anh lính ngủ nhờ

    D. Nhà đông con, chật chội, chỉ có chiếc giường cũ ọp ẹp nhường cho anh lính

    Câu 7. Cảm xúc của nhân vật "tôi" khi được nằm ổ rơm của người mẹ là:

    A. Lạ lẫm, ngủ không yên giấc

    B. Khó chịu, ngứa ngáy

    C. Xúc động, hạnh phúc, nhớ mãi

    D. Buồn, thương xót cho bà mẹ nghèo

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8.
    Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh trong khổ thơ sau:

    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,

    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,

    Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm

    Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.


    Câu 9. Theo em, vì sao nhân vật "tôi" lại "thao thức"?

    Câu 10. Nêu cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ Hơi ấm ổ rơm

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A. Tự do

    Câu 2. B. Biểu cảm

    Câu 3. B. "Tôi"

    Câu 4. C. Kỉ niệm một lần được nằm ổ rơm của một người mẹ nghèo không quen biết

    Câu 5. D. Đêm khuya, bị lỡ đường, xin ngủ nhờ

    Câu 6. A. Nghèo khổ, không có giường đệm tử tế, chỉ có ổ rơm

    Câu 7. C. Xúc động, hạnh phúc, nhớ mãi

    Câu 8.

    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,

    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,

    Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm

    Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.


    - Biện pháp nghệ thuật so sánh ở câu 1 và câu 3:

    Câu 1: Hình ảnh so sánh: rơm vàng bọc tôi, từ ngữ so sánh: như ; hình ảnh được so sánh: kén bọc tằm,

    Câu 3: Phương diện so sánh: hơi ấm, từ ngữ so sánh: hơn ; hình ảnh được so sánh: ngàn chăn đệm

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh những cảm nhận của nhân vật tôi về chiếc ổ rơm của người mẹ: Ấm áp, an toàn, nâng niu, bao bọc

    + Thể hiện niềm xúc động rưng rưng của nhân vật tôi khi được người mẹ chở che, bao bọc.

    Câu 9. Theo em, nhân vật "tôi" lại "thao thức" vì cảm động mãnh liệt trước tình cảm của người mẹ nghèo; đồng thời, "tôi" thao thức còn vì cảm nhận được những gì rất đỗi thân quen, ấm áp khi nằm giữa rơm.

    Câu 10. Cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ trong bài thơ:

    - Trước hết, đó là người mẹ nghèo, khách đến nhà ngủ nhờ nhưng mẹ không có giường chiếu tươm tất, chỉ có ổ rơm.

    - Tuy nghèo nhưng mẹ lại có lòng thương người, sẵn sàng nhường ổ rơm cho người lính lỡ độ đường. Có thể thấy người mẹ trong bài thơ là người phụ nữ bình dị mà nhân hậu, giàu tình yêu thương..

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: "Hơi ấm ổ rơm" - Nguyễn Duy (tt)

    Đọc văn bản sau:

    Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm

    Bà mẹ đón tôi trong gió đêm

    "Nhà mẹ hẹp, nhưng còn mê chỗ ngủ"

    Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ

    Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.


    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,

    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,

    Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm

    Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.


    Hạt gạo nuôi tất thảy chúng ta no,

    Riêng cái ấm nồng nàn như lửa

    Cái dịu ngọt lên hương của lúa

    Đâu dễ chia cho tất cả mọi người. /


    (Nguyễn Duy – Cát trắng)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Khái quát nội dung chính của bài thơ Hơi ấm ổ rơm.

    Câu 2. Xác định lời của người mẹ trong bài thơ Hơi ấm ổ rơm . Lời nói ấy nói lên điều gì về tấm lòng của mẹ?

    Câu 3. Tình cảm, cảm xúc mà nhân vật tôi dành cho người mẹ trong bài thơ là gì?

    Câu 4. Ghi lại những câu thơ thể hiện những cảm nhận của nhân vật "tôi" về chiếc ổ rơm của người mẹ. Trong cảm nhận của "tôi", ổ rơm của mẹ có ý nghĩa như thế nào?

    Câu 5. Thông điệp của bài thơ Hơi ấm ổ rơm là gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Nội dung bài thơ Hơi ấm ổ rơm: Bài thơ là những dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động của nhân vật trữ tình khi nhớ về kỉ niệm một lần được nằm ổ rơm của người mẹ nghèo trên đường hành quân chiến đấu. Qua đó, bài thơ tái hiện vẻ đẹp của người mẹ kháng chiến cũng như tình quân dân ấm áp, cảm động.

    Câu 2. Lời của người mẹ trong bài thơ Hơi ấm ổ rơm: "Nhà mẹ hẹp, nhưng còn mê chỗ ngủ"

    Lời nói ấy nói lên tấm lòng của mẹ nhân hậu, giàu tình yêu thương. Dù nhà mẹ hẹp, nhưng mẹ sẵn lòng chở che, bao bọc cho người con xa lạ. Nhà mẹ hẹp, nhưng tấm lòng mẹ bao la, lớn rộng.

    Câu 3. Tình cảm, cảm xúc mà nhân vật tôi dành cho người mẹ trong bài thơ: Lòng biết ơn, sự xúc động bồi hồi trước tình yêu thương, tấm lòng ấm áp của mẹ. Hình ảnh người mẹ và hơi ấm ổ rơm mãi trở thành kỉ niệm, thành dấu ấn theo người con suốt cuộc đời.

    Câu 4. Những câu thơ thể hiện những cảm nhận của nhân vật "tôi" về chiếc ổ rơm của người mẹ:

    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,
    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,
    Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm
    Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.

    Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
    Cái dịu ngọt lên hương của lúa


    Trong cảm nhận của "tôi", ổ rơm của mẹ là nơi bao bọc, chở che, an toàn như nằm trong "kén" vậy; đó còn là nơi ngọt ngào, thơm mát hương đồng gió nội- mùi hương mà tôi ưu ái gọi là mật ong của ruộng; Đó cũng là nơi ấm áp hơn ngàn chăn đệm - sự ấm áp đâu chỉ ở ổ rơm, mà ấm áp bởi tình người - lòng mẹ..

    Như vậy, hơi ấm ổ rơm đối với "tôi" là một kỉ niệm vô cùng xúc động, đáng nhớ.

    Câu 5. Thông điệp của bài thơ Hơi ấm ổ rơm:

    - Tình người trong hoàn cảnh khó khăn thật ấm áp, cảm động/

    - Dù trong nghèo khổ, con người vẫn đối xử với nhau bằng tình người ấm áp/

    - Sự kì diệu của tình yêu thương..
     
    Admin, Dana Lê, Annie Dinh4 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...