Đọc hiểu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu

    Đọc đoạn trích sau:

    Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
    Chiến sĩ anh hùng
    Đầu nung lửa sắt
    Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
    Máu trộn bùn non
    Gan không núng
    Chí không mòn!
    Những đồng chí thân chôn làm giá súng
    Đầu bịt lỗ châu mai
    Băng mình qua núi thép gai
    Ào ào vũ bão,
    Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
    Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...
    Những bàn tay xẻ núi lăn bom
    Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện

    Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến
    Mấy tầng mây gió lớn mưa to
    Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
    Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
    Dù bom đạn xương tan, thịt nát
    Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...

    (Trích Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu, 7 - 5- 1954)


    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Liệt kê những từ ngữ thể hiện vẻ đẹp tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Điện Biên.

    Câu 3. Phân tích tác dụng của phép điệp, phép liệt kê trong đoạn thơ trên.

    Câu 4. Khái quát nội dung của đoạn trích.

    Câu 5. Chỉ ra chất trữ tình và chất chính trị của thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn trích.

    Câu 6. Nhận xét chung về giọng điệu của đoạn trích?

    Câu 7. Nhận xét về vẻ đẹp của những chiến sĩ Điện Biên trong đoạn trích trên và tình cảm thái độ mà Tố Hữu dành cho họ.

    Câu 8. Nêu tác dụng của thể thơ trong việc biểu đạt cảm xúc của tác giả.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    - Xác định thể thơ: Tự do

    - Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

    - Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Biểu cảm

    Câu 2. Liệt kê những từ ngữ thể hiện vẻ đẹp tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Điện Biên: anh hùng, đầu nung lửa sắt, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, gan không núng, chí không mòn, băng mình, thân làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai..

    Câu 3.

    - Phép điệp: Những..

    Tác dụng: Tạo ấn tượng về đông đảo những chiến sĩ anh hùng của Tổ quốc; tạo âm hưởng hào hùng cho lời thơ

    - Phép liệt kê: Liệt kê những người anh hùng (sau mỗi điệp từ những ) ; liệt kê những hành động anh hùng

    Tác dụng: Cùng với phép điệp, gây ấn tượng về những hành động anh hùng nhiều không kể xiết; thể hiện niềm tự hào của Tố Hữu; tạo giọng điệu hùng tráng cho lời thơ.

    Câu 4. Khái quát nội dung của đoạn trích: Đoạn trích ngợi ca vẻ đẹp của những người chiến sĩ Điện Biên: Anh dũng, bất khuất, sẵn sàng hi sinh thân mình vì Tổ quốc. Qua đó ta thấy được niềm tự hào và thái độ cảm phục của tác giả dành cho họ.

    Câu 5. Chỉ ra chất trữ tình và chất chính trị của thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn trích:

    - Chất trữ tình: Cảm xúc vui mừng trước chiến thắng; cảm hứng ngợi ca, tự hào về vẻ đẹp những người chiến sĩ.. làm nên mạch trữ tình của đoạn thơ.

    - Chất chính trị: Viết về sự kiện chính trị lớn của đất nước: Chiến thắng Điện Biên Phủ; viết về những con người anh hùng của đất nước trong chiến đấu..

    Hai yếu tố trên hòa quyện với nhau, tạo nên vẻ đẹp riêng của thơ Tố Hữu.

    Câu 6. Nhận xét chung về giọng điệu của đoạn trích: Giọng điệu nhanh, mạnh mẽ, hào hùng, sảng khoái như sóng xô, bão cuốn.. Giọng điệu đó phù hợp với việc biểu đạt niềm vui chiến thắng và cảm hứng ngợi ca nhân dân anh hùng.

    Câu 7.

    - Nhận xét về vẻ đẹp của những chiến sĩ Điện Biên trong đoạn trích trên: Họ là những con người kiên cường, bất khuất, khó khăn không làm họ chùn bước: Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn; Họ là những chiến sĩ dũng cảm, sẵn sàng hi sinh thân mình vì Tổ quốc: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót - lấy thân chèn pháo, lấp lỗ châu mai..

    - Tình cảm, thái độ mà Tố Hữu dành cho họ: Yêu mến, kính trọng, cảm phục, ngợi ca..

    Câu 8. Tác dụng của thể thơ trong việc biểu đạt cảm xúc của tác giả:

    Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do, đây là thể thơ không theo quy cách, ràng buộc về số câu, số tiếng, gieo vần, ngắt nhịp.. vì vậy phù hợp với việc biểu đạt những trạng thái cảm xúc dạt dào, cuồn cuộn. Trước niềm vui chiến thắng, trong lòng nhà thơ vỡ òa bao cảm xúc.. trạng thái ấy cần "tìm" đến thể thơ tự do mới có thể biểu đạt hết. Như vậy thể thơ tự do góp phần cho người đọc cảm nhận được niềm vui tràn ngập trong lòng tác giả trước tin chiến thắng.

    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Chọn 1 đáp án đúng nhất:

    Câu 1: Thể thơ của bài thơ trên giống với thể thơ của bài nào sau đây:

    A. Tự tình (Hồ Xuân Hương)

    B. Gương báu khuyên răn bài 43 (Nguyễn Trãi)

    C. Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

    D. Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)

    Câu 2: Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của?

    A. Tố Hữu

    B. Chiến sĩ Điện Biên

    C. Tôi

    D. Dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô

    Câu 3: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là:

    A. Cảm hứng ngợi ca, tự hào

    B. Cảm hứng xót xa, thương cảm

    C. Cảm hứng phê phán tội ác giặc

    D. Cảm hứng trào lộng

    Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích:

    A. Biểu cảm

    B. Tự sự

    C. Miêu tả

    D. Nghị luận

    Câu 5: Biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu thơ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt là:

    A. Nói quá

    B. So sánh

    C. Nhân hóa

    D. Liệt kê

    Câu 6: Dòng nào không nói về chất chính trị trong đoạn thơ?

    A. Đoạn thơ là dòng cảm xúc dạt dào nhiều cung bậc của Tố Hữu

    B. Đoạn thơ viết về sự kiện lịch sử lớn của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên

    C. Đoạn thơ ca ngợi những con người anh hùng của dân tộc trong chiến đấu

    D. Đoạn thơ ngợi ca truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc trong chiến tranh.

    Câu 7: Vẻ đẹp của người chiến sĩ Điện Biên trong đoạn thơ trên là:

    A. Bất khuất, dũng cảm, yêu nước

    B. Yêu gia đình, gắn bó với quê hương

    C. Lãng mạn, hào hoa

    D. Dí dỏm, hài hước, yêu đời

    Câu 8: Cho biết hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?

    A. Tố Hữu viết bài thơ khi quân ta chuẩn bị tiến công Điện Biên Phủ

    B. Bài thơ được sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    C. Tố Hữu viết bài thơ này ngay sau ngày Điện Biên Phủ chiến thắng.

    D. Bài thơ được sáng tác khi Tố Hữu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

    Câu 9: Nhận xét về giọng điệu, tiết tấu của bài thơ?

    Câu 10: Câu thơ: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" thể hiện cảm xúc, thái độ gì của nhà thơ?

    Câu 11: Đoạn thơ:

    Những đồng chí thân chôn làm giá súng

    Đầu bịt lỗ châu mai

    Băng mình qua núi thép gai

    Ào ào vũ bão

    Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

    Nát thân, nhắm mắt còn ôm..


    Tố Hữu ngợi ca những anh hùng nào của dân tộc?

    Câu 12: Những câu thơ: Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.. gợi cho em suy nghĩ gì?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1. C. Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

    Câu 2. B. Chiến sĩ Điện Biên

    Câu 3. A. Cảm hứng ngợi ca, tự hào

    Câu 4. A. Biểu cảm

    Câu 5. D. Liệt kê

    Câu 6. A. Đoạn thơ là dòng cảm xúc dạt dào nhiều cung bậc của Tố Hữu

    Câu 7. A. Bất khuất, dũng cảm, yêu nước

    Câu 8. C. Tố Hữu viết bài thơ này ngay sau ngày Điện Biên Phủ chiến thắng.

    Câu 9.

    - Giọng điệu: Hân hoan, vui mừng

    - Tiết tấu: Tiết tấu nhanh, mạnh; khỏe khắn, ào ào như sóng reo, thác cuốn..

    Câu 10. Câu thơ: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" thể hiện cảm xúc, thái độ:

    - Cảm xúc: Niềm vui to lớn quá làm cho nhà thơ không kìm nén nổi lòng mình, bật reo lên những lời xưng tụng, rất gần với khẩu ngữ mà vẫn tràn đầy chất thơ.

    - Thái độ: Ngợi ca, tự hào, cảm phục những chiến sĩ Điện Biên.

    Câu 11. Đoạn thơ ngợi ca:

    Những đồng chí thân chôn làm giá súng

    Đầu bịt lỗ châu mai

    Băng mình qua núi thép gai

    Ào ào vũ bão

    Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

    Nát thân, nhắm mắt còn ôm..


    Đoạn thơ ca ngợi những anh hùng cụ thể, có tên tuổi như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện.. đã được nhà thơ khắc ghi vào lịch sử văn học đời đời.

    Câu 12. Những câu thơ: Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.. gợi cho em suy nghĩ về tinh thần sẵn sàng hi sinh, cống hiến của những người chiến sĩ. Dù biết có thể đối diện với cái chết, nhưng họ vẫn không thoái chí, họ không tiếc hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước.

    Chínhý chí, lí tưởng và tình yêu đất nước của họ đã thôi thúc em cần biết ơn họ, có tinh thần học tập, rèn luyện, cống hiến để xây dựng, bảo vệ đất nước.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...