Đọc hiểu: Hoa Cỏ May - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hậu Minh, 30 Tháng mười một 2023.

  1. Hậu Minh

    Bài viết:
    87

    Đọc văn bản sau:

    Hoa cỏ may

    Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

    Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.

    Tên mình ai gọi sau vòm lá,

    Lối cũ em về nay đã thu.

    Mây trắng bay đi cùng với gió,

    Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

    Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,

    Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

    Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

    Áo em sơ ý cỏ găm đầy

    Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,

    Ai biết lòng anh có đổi thay?

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản.

    Câu 2: Bài thơ viết về đề tài gì? Kể tên ba bài thơ có cùng đề tài với bài thơ trên.

    Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Dựa vào yếu tố nào để xác định điều đó.

    Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

    Mây trắng bay đi cùng với gió,

    Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.

    Câu 5: Thiên nhiên trong bài thơ được khắc họa qua những chi tiết nào? Từ đó nêu nhận xét về bức tranh thiên nhiên được thể hiện trong bài thơ.

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:

    - Thể thơ: 7 chữ

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 2:

    - Bài thơ viết về đề tài: Tình yêu;

    - Ba bài thơ viết cùng đề tài với bài thơ trên: Sóng, Thuyền và biển, Tự hát (Xuân Quỳnh).

    Câu 3:

    - Nhân vật trữ tình là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là người con gái (em).

    - Căn cứ xác định: Xuyên suốt bài thơ là những nỗi niềm xưa, những trăn trở, đau khổ của nhân vật "em" khi giãi bày tình cảm của mình.

    Câu 4:

    - Biện pháp tu từ: So sánh "Lòng như trời biếc"

    - Tác dụng: Phép so sánh được khéo léo dùng để lấy một hình ảnh trừu tượng là "lòng người" so sánh với hình ảnh cụ thể "trời biếc". Màu xanh gợi ngay cho ta đến niềm tin và hy vọng. Bởi lẽ mỗi một màu sắc có một thứ ngôn ngữ riêng, hiểu được ngôn ngữ của sắc màu đó bằng chính những rung động của trái tim, của cảm tính. Màu xanh trong câu thơ này gợi cho người đọc hình dung về tấm lòng thuần khiết của tình yêu thuở ban đầu.

    Câu 5:

    - Thiên nhiên trong bài thơ được khắc họa qua những chi tiết: Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ, vòm lá, mây trắng, gió, trời biếc, hoa cỏ may

    - Bức tranh thiên nhiên được thể hiện trong bài thơ: Bức tranh được phác họa với những nét tương đối nhẹ nhàng tĩnh lặng, để nhà thơ sống với tâm trạng của người đang tìm về kỷ niệm chốn xưa. Khoảnh khắc giao mùa vốn luôn làm xao xuyến tâm hồn. Nhà thơ như nghe thấy trong không gian với cát trắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ ấy tiếng gọi tên mình. Mùa thu đã đến rõ nhất trên lối cũ em về. Mùa thu thấm đẫm không gian và thấm đẫm hồn người. Bức tranh thiên nhiên dưới ngòi bút của Xuân Quỳnh sống động hơn khi nhà thơ khoác lên vạn vật sự sống, nghệ thuật nhân hóa đã được dùng khéo léo với hai từ 'ngẩn ngơ' và 'xao xuyến'. Đất trời bao la đang lắng nghe tiếng vạn vật chuyển mình trong thời khắc giao mùa. Hình ảnh "Hoa cỏ may" ở đây biểu trưng cho tình yêu dung dị, cho hạnh phúc đời thường và cho cả khát khao được yêu đương nồng cháy, thủy chung.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...