Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang. "Có chắc không?" là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. "Chắc hẳn mà" là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và.. mơ về những thứ Mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn lại không dám ra ngoài và dám biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực? (Trích Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức, NXB Thế giới; 2016; trang 147 – 148) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên. Câu 3: Theo đoạn trích, tại sao nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình? Câu 4: Hãy nêu thông điệp ý nghĩa tác giả muốn gửi gắm thông qua đoạn trích trên. Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận Câu 2: Nội dung nói về nếu ta không biết thoát ra khỏi vùng an toàn của mình thì ta sẽ không thể nào chạm đến thành công. Rủi ro, thách thức luôn là cơ hội giúp ta biết đối mặt và vượt qua một cách đầy bản lĩnh, kiên cường và mạnh mẽ. Câu 3: Theo đoạn trích, nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Vì: - Họ sợ bị thất bại. - Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. - Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. - Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Câu 4: Thông điệp: - Nếu như ta chỉ biết khư khư sống trong vùng an toàn thì ta sẽ dần trở nên yếu đuối, nhút nhát và luôn sống trong nỗi lo sợ vô hình. - Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi ta biết cống hiến và thực hiện mục tiêu cao đẹp. - Những rủi ro sẽ giúp ta rèn luyện ý chí, nghị lực và không bao giờ bỏ cuộc trước mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời. - Tác giả phê phán lối sống ích kỷ, nhỏ nhen khi con người chỉ biết sống thụ động. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem