Đọc hiểu: Hát ru - Xuân Quỳnh: Bình hoa đã ngủ trên bàn/ Kìa trang sách gấp ngọn đèn thiu thiu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng mười 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,022
    Đề kiểm tra đọc hiểu bài thơ "Hát ru" - Xuân Quỳnh bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu:

    Nhận biết: Nhận biết được các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật; bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình; bối cảnh lịch sử - văn hóa; những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc; đề tài của bài thơ..

    Thông hiểu: Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, vần, nhịp và các biện pháp tu từ; ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình; nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp; phát hiện và lí giải các giá trị đạo đức, văn hóa từ bài thơ.

    Vận dụng: Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do bài thơ gợi ra; nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học; Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với các vấn đề đặt ra từ bài thơ.

    Vận dụng cao: Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ; Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu; so sánh được hai văn bản thơ cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; viết liên hệ với các vấn đề trong thực tiễn.

    Đọc hiểu: Hát ru - Xuân Quỳnh

    Đọc bài thơ sau:

    Bình hoa đã ngủ trên bàn
    Kìa trang sách gấp ngọn đèn thiu thiu
    Ngủ đi, người của em yêu
    Này, con tàu lạ vừa neo bến chờ
    Trời đêm nghiêng xuống mái nhà
    Biển xanh kia cũng đang mơ đất liền
    Anh mơ anh có thấy em
    Thấy bông cúc nhỏ nơi triền miền quê
    Chiếc mo rơi ở bờ tre
    Con sông thăm biển đã về rừng xưa
    Đám mây về với cơn mưa
    Con đường đi tới miền chưa có đường
    Ngủ đi vầng trán yêu thương
    Bức tranh đã ngủ mặt tường lặng im
    Ngủ đi, hòn đá thì mềm
    Bàn chân thì cứng ngọn đèn thì xa
    Thời gian như gió thoảng qua
    Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời
    Tay ta nắm lấy tay người
    Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua.

    ( Xuân Quỳnh- Tuyển thơKhông bao giờ là cuối - NXB Hội Nhà Văn, 2011)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định: Thể thơ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai? Bài thơ viết về đề tài gì?

    Câu 3. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên hát ru ai? Dấu hiệu của lời hát ru thể hiện qua điệp từ nào?

    [​IMG]

    Câu 4. Những sự vật được nhắc đến trong bài thơ đều đang trong trạng thái như thế nào? Tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì để miêu tả trạng thái đó? Ý nghĩa của những hình ảnh đó là gì?

    Câu 5. Nhân vật gửi gắm tình cảm, mong ước gì qua lời hát ru?

    Câu 6. Em hiểu ý nghĩa của những câu thơ sau như thế nào?

    Tay ta nắm lấy tay người

    Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua.

    Câu 7. Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

    Câu 8. Theo em, tứ thơ được gợi lên từ yếu tố nào trước tiên, tứ thơ chi phối hình ảnh, giọng điệu bài thơ như thế nào?

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.


    - Thể thơ: Lục bát;

    - Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm.

    Câu 2.

    - Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là người phụ nữ (xưng "em") ;

    - Bài thơ viết về đề tài: Tình yêu.

    Câu 3.

    - Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên hát ru "anh" - người của em yêu

    - Dấu hiệu của lời hát ru thể hiện qua điệp từ: Ngủ đi.

    Câu 4.

    - Những sự vật được nhắc đến trong bài thơ như bình hoa, ngọn đèn, con tàu, biển xanh, con sông, bức tranh đều ở trạng thái ngủ, trạng thái nghỉ ngơi hoặc ở trạng thái hoàn thành xong công việc, hoạt động.

    - Để miêu tả trạng thái đó, tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: ngọn đèn thiu thiu, trời đêm nghiêng, con tàu.. neo bến chờ, con sông thăm biển đã về, đám mây về, con đường đi tới, bức tranh đã ngủ, mặt tường lặng im..

    - Ý nghĩa của những hình ảnh trên: Nhân vật trữ tình nhắc đến những sự vật đang nghỉ ngơi, đang trong trạng thái ngủ để an ủi, động viên "anh", nhắc nhở anh cũng nên đi ngủ. Đó là sự quan tâm săn sóc ân cần.

    Câu 5. Tình cảm, mong ước của nhân vật trữ tình qua lời hát ru: Sự yêu thương, quan tâm sâu sắc, dịu dàng của "em" đến người yêu, mong muốn "anh" có thể yên tâm thư giãn, nghỉ ngơi và dễ ngủ.

    Câu 6.

    Tay ta nắm lấy tay người

    Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua.

    Có thể hiểu: "Tay ta nắm lấy tay người" là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu bền chặt. Còn "trăm suối ngàn đồi" là hình ảnh tượng trưng cho bao khó khăn, trắc trở trong cuộc đời. Một khi đã có tình yêu, thì sức mạnh của tình yêu sẽ giúp con người vượt qua được tất cả chông gai, thử thách để có thể ở bên nhau. Hai câu thơ khẳng định tình cảm bền chặt và sức mạnh của tình yêu.

    Câu 7. Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

    Trong bài thơ, nhân vật trữ tình bày tỏ tình yêu thương sâu sắc, sự quan tâm dịu dàng mà chu đáo dành cho người yêu. Qua đó, ta thấy "em" là người:

    - Là người phụ nữ dịu dàng, sâu sắc, tinh tế;

    - Là người biết quan tâm, thấu hiểu, biết yêu bằng tình yêu chân thành, sẵn sàng cùng người yêu chia sẻ, cố gắng.

    Câu 8.

    - Tứ thơ được gợi lên trước tiên từ nhan đề "Hát ru" : Sự quan tâm, săn sóc chân tình của "em" dành cho "anh" thể hiện qua những lời thủ thỉ, động viên anh hãy yên lòng nghỉ ngơi.

    - Tứ thơ chi phối hình ảnh, giọng điệu bài thơ:

    + Tất cả các hình ảnh thơ đều tập trung thể hiện trạng thái ngơi nghỉ của sự vật, để nhắc nhở "anh" cũng nên đi ngủ;

    + Giọng điệu nhẹ nhàng, du dương, điệp ngữ "ngủ đi" lặp lại nhiều lần phù hợp với lời "hát ru" của em.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...