Đọc hiểu: Hạt gửi mùa sau - Nguyễn Ngọc Tư

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng sáu 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu văn bản: Hạt gửi mùa sau - Nguyễn Ngọc Tư

    Đọc văn bản sau:

    Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá. Tụi nhỏ cũng chạy lại, nghiêng chỗ này, ngó chỗ kia, cũng nói lạ quá trời, tự nhiên mất vậy cà. Nói, mà sợ tím ruột bầm gan, vì cái vật mà ông già muốn tìm tụi nhỏ đã cương quyết giấu biệt rồi.


    Ai mà biết ông già coi trọng mớ bông vạn thọ, mồng gà khô đó dữ vậy, tụi nhỏ chống chế. Nhưng rõ ràng, tụi nhỏ biết. Sống chung một nhà, làm gì mà không rõ mỗi lần chim én bay hấp háy, đậu trên đám chà dưới mé sông, ông già lại đi lật lịch thăm chừng. Một tháng trước tết, ông vác cuốc ra sân, tụi nhỏ dù muốn dù không cũng phải vác cuốc đi theo, xới nhừ mảnh sân trước nhà, lụi hụi tưới nước cho mềm xốp lại. Ông già đi lục lọi mớ bông để giống từ tết năm ngoái, rải hạt. Kế Tết, lúc ông già đứng tỉa lại hàng bông bụp, bông lồng đèn thì bông vạn thọ, mồng gà, sao nhái đã nở rực cả vạt sân. Bông móng tay thấy thân phận nhợt nhạt của mình, nép thành một hàng dài dọc đường đi. Nghỉ tay, ông đứng chống nạnh, khoan khoái đứng ngắm bông, hết đứng gần rồi lại lùi ra, cười khà khà khà, khoái trá.

    Với ông, Tết mà không trồng bông thì mất vui đi. Dù cực, dù ngày mấy lượt khệ nệ xách thùng đi tưới. Có cho đi, thì mới nhận lại, thử hỏi, ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng! Vì vậy mà khi trời bắt đầu trở chướng, ông già thì trở.. chứng, không chịu ở trong nhà. Suốt ngày tha thẩn ngoài sân, sửa sang, uốn lại mấy bụi chùm rụm, tỉa hai cây sộp, chăm sóc đám bông.. Ông gọi là bông thì tụi nhỏ không được gọi hoa, ông nói hoa là hoa hồng hoa huệ gì đó, còn mồng gà, vạn thọ hay sao nhái thì phải kêu bằng bông, cũng như núm mối mà cứ học đòi nấm mối, cái thứ dân dã, mọc vườn hoang phải kêu sao cho dân dã, dễ nghe (ông mà đọc được bài này, hẳn ông giãy nảy lên, cái gì mà gửi, gì mà hạt, sao không nói "gởi hột..").

    Đám trẻ tịt ngòi. Tụi nó thấy đám bông đúng là mang rắc rối tới cho tụi nó. Mấy bữa ông đi đám giỗ xa, về nhà, thấy bông héo, ông rầy tụi nó cả buổi. Mà, tụi nhỏ thấy bông cũng có ích lợi gì lắm đâu, ừ, có bông thì nhà sẽ đẹp mấy ngày Tết, nhưng mắc công. Sau tết, bông tàn, lại phải chọn những bông lớn nhất, đẹp nhất, già nhất đem phơi khô, lại phải nhổ bỏ đám cây rụi lá, dọn dẹp cho sạch, chuẩn bị sân phơi lúa. Tụi nhỏ nghĩ, đẹp, mà không ăn được, thì cũng phí.


    Một phần, tụi nhỏ thương ông già, cứ lụi hụi cho cực thân. Ba năm rồi, đất nhiễm mặn, tan hoang, trồng bông cũng không nước tưới. Ngày xưa còn bờ dừa còn liếp chuối, bông trên sân phối hợp với cảnh chung quanh, giờ cây cỏ đìu hiu, cái màu vàng rực lên của sao nhái, vạn thọ càng làm khó chịu, chói gắt con mắt. Một bữa dọn dẹp ổ mối trong tủ, tụi nhỏ lén đem cái gói bông khô giấu trên giàn củi. Và ông già tìm kiếm trong tuyệt vọng.

    Không thể tưởng tượng được, tết này lại không có bông, ông già rầu rĩ, nằm gác tay lên trán. Ngày dài, nằm chán, ông già ra đằng trước, nhìn cái sân chang chang nắng, thở dài ứ hự, mắt hoang vắng, thất thần. Tụi nhỏ đã dự tính trước, ông già sẽ buồn, nhưng nghĩ nỗi buồn qua mau, mai mốt ông quên tuốt. Nhưng ngó bộ dạng ông vẫn long đong tìm kiếm, tụi nó hoảng hồn, Tết sau, sau nữa, ông cũng sẽ nhớ hoài mùa bông cũ. Tụi nhỏ nhận ra, ông già trồng bông không hẳn vì chúng đẹp (bởi thật ra chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình), trồng để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu.

    Bữa sau, ông tìm được gói bông khô trên cái gióng cá khô treo đầu bếp. Ông mừng quýnh, nói kỳ quá, kỳ quá, tao kiếm ở đây nát hết mà không thấy, vậy mà bây giờ tự nhiên nằm chình ình, y như ma giấu. Tụi nhỏ ngó nhau cười cười, mếu mếu.


    Lại phải phụ ông già cuốc đất, lại gieo, lại đeo cây nước bơm từng thùng đem tưới. Bông lại nở rực trước sân nhà. Và tết tàn, ông già lại nâng niu đi hái từng bông hoa héo khô, rũ cánh, giữ hạt cho mùa sau. Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.

    Tụi nhỏ ngậm ngùi, ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm). Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ..

    Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà..


    [​IMG]

    Trắc nghiệm - Chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Xác định thể loại của văn bản:

    A. Truyện ngắn

    B. Tiểu thuyết

    C. Nhật kí

    D. Hồi kí

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản:

    A. Miêu tả

    B. Tự sự

    C. Biểu cảm

    D. Nghị luận

    Câu 3. Truyện được kể bằng ngôi kể nào?


    A. Ngôi kể thứ nhất - điểm nhìn toàn tri

    B. Ngôi kể thứ nhất - điểm nhìn hạn tri

    C. Ngôi kể thứ ba - điểm nhìn toàn tri

    B. Ngôi kể thứ ba - điểm nhìn hạn tri.

    Câu 4. Ông già trong truyện có thói quen gì?

    A. Thói quen cằn nhằn

    B. Thói quen vứt đồ bừa bài rồi đi tìm

    C. Thói quen giữ hạt, trồng bông vào dịp Tết

    D. Thói quen bắt lũ trẻ phụ mình làm việc vườn tược.

    Câu 5. Cảm xúc của ông già như thế nào khi không tìm thấy gói hạt?

    A. Hoang mang, lo sợ

    B. Rầu rĩ, thất thần

    C. Giận dữ, than trách

    D. Thất vọng, buồn chán

    Câu 6. Lí do quan trọng nhất khiến ông già luôn giữ hạt để gieo bông vào dịp Tết là gì?

    A. Vì hoa đẹp

    B. Vì ông thích hoa

    C. Vì lũ trẻ thích hoa

    D. Vì muốn cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng, muốn giữ nếp nhà, phong tục.

    Câu 7. Lí do khiến bọn trẻ giấu gói hạt là gì?

    A. Vì bông không đẹp

    B. Vì phải vất vả tưới bông

    C. Vì sở thích giấu đồ trêu đùa người khác

    D. Vì thương ông ụi cụi vất vả

    Câu 8. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật chêm xen trong câu sau là: Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm).

    A. Giúp bổ sung thêm thông tin về tình trạng căn bệnh "xuề xòa, lười biếng" đang có xu hướng lây lan nhanh chóng.

    B. Giúp cho câu văn tăng thêm tính nhạc.

    C. Tạo sự cân xứng, hài hòa cho lời văn

    D. Giúp bổ sung thêm thông tin về sở thích giữ hạt, trồng bông của ông già.

    Câu 9. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh trong câu: Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.

    A. Nhấn mạnh sự tàn tạ của hoa

    B. Nhấn mạnh sự tàn tạ của tuổi già

    C. Nhấn mạnh giai điệu du dương của bài ca cuộc sống

    D. Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của hành động giữ hạt.

    Câu 10. Dòng nào không biểu đạt ý nghĩa nhân văn của câu chuyện?

    A. Cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường

    B. Trân trọng, ngợi ca nét đẹp giản dị trong cuộc sống đời thường

    C. Trân trọng ý thức giữ gìn nếp nhà, giữ gìn phong tục cũ.

    D. Truyện để lại lời nhắn nhủ sâu sắc đối với thế hệ trẻ: Không xuề xòa, lười biếng, cần biết yêu quý, lưu giữ cái đẹp

    Tự luận - Trả lời câu hỏi:

    Câu 11.
    Nhận xét về cách tác giả mở đầu câu chuyện:

    Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá. Tụi nhỏ cũng chạy lại, nghiêng chỗ này, ngó chỗ kia, cũng nói lạ quá trời, tự nhiên mất vậy cà. Nói, mà sợ tím ruột bầm gan, vì cái vật mà ông già muốn tìm tụi nhỏ đã cương quyết giấu biệt rồi.

    Câu 12. Em hiểu như thế nào về nhan đề của truyện: Hạt gửi mùa sau ?

    Câu 13. Nêu nhận xét về thói quen giữ hạt, trồng bông của ông già?

    Câu 14. Từ câu chuyện trên, em có suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc giữ gìn những vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống con người?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A. Truyện ngắn

    Câu 2. B. Tự sự

    Câu 3. C. Ngôi kể thứ ba - điểm nhìn toàn tri

    Câu 4. C. Thói quen giữ hạt, trồng bông vào dịp Tết

    Câu 5. D. Thất vọng, buồn chán

    Câu 6. D. Vì muốn cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng, muốn giữ nếp nhà, phong tục.

    Câu 7. D. Vì thương ông lụi cụi vất vả

    Câu 8. A. Giúp bổ sung thêm thông tin về tình trạng căn bệnh "xuề xòa, lười biếng" đang có xu hướng lây lan nhanh chóng.

    Câu 9. D. Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của hành động giữ hạt.

    Câu 10. A. Cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường

    Câu 11. Tác giả mở đầu câu chuyện bằng tình huống ông già lật tung đồ đạc trong nhà, chui cả vào gầm giường, tủ chén để tìm "cái vật" - chưa biết vật gì mà lũ trẻ đã giấu. Cách mở đầu cau chuyện tự nhiên, gợi sự tò mò trong lòng người đọc: Vật đó là vật gì lại khiến ông già phải vất vả tìm như thế? Vật đó là vật gì mà dù biết ông già yêu quý lắm nhưng lũ trẻ lại giấu chúng đi?

    Câu 12. Nhan đề của truyện: Hạt gửi mùa sau:

    Nghĩa đen: Gom hạt, giữ hạt từ mùa trước để dành cho mùa sau gieo trồng.

    Nghĩa tượng trưng: Giữ gìn những điều tốt đẹp cho thế hệ sau: Cái đẹp của hoa, cái đẹp của thói quen tốt, của nếp nhà, phong tục.. Đồng thời giáo dục thế hệ saucũng phải có ý thức gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp mà thế hệ trước để lại.


    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để like bài, đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Tham khảo thêm tư liệu về Hạt gửi mùa sau

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguồn: Trang Người kế môn

    Ngày đăng: Thứ Bảy, 19/5/2012


    Năm Tân Mão đang rục rịch chuyển giao thời gian lại cho Nhâm Thìn. Không biết ông rồng hay bà rồng (chắc là ông vì "Nhâm" mà) sẽ làm chủ 366 ngày như thế nào, nhưng ai cũng mong và tin sẽ tốt đẹp; mọi việc trong cuộc sống, từ cá nhân đến gia đình, từ làng xã đến xã hội sẽ bay lên, sẽ sáng lán như rồng thiêng chầu mặt trời, biểu tượng văn hóa trên nóc các đình chùa miếu mạo Việt Nam. Tôi cũng như thế, nên cứ nhẩn nha đợi Tết, đón ông rồng mong có thể "mãn đình hồng" suốt năm. Thế là tôi đã thích thản tìm đọc những tác phẩm văn chương viết về ngày Tết để được đắm mình vào trong cái không khí mang màu sắc dân tộc, tỏa lừng hương vị quê nhà. May sao, tôi được gặp một tản văn thú vị "Hạt gửi mùa sau" của Nguyễn Ngọc Tư.

    Sống cùng trang văn của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc như nghe được từng giọng nói, thấy được từng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của con người miệt vườn, sông nước Nam Bộ. Hay có cảm giác, giữa trang văn của tác giả nữ này, ta như lạc vào không khí vùng đất cực Nam Tổ quốc. Ở đấy, ta như được sống giữa nhưng con người chân chất, giản dị, giàu nghĩa khí, phóng khoáng, luôn giữ gìn nếp quê. Nếu trong trang văn của Sơn Nam, ở "Hương rừng Cà Mau", ta gặp cái không khí rờn rợn, hoang dã của "Bắt sấu rừng U Minh Hạ", lam sơn chướng khí, muỗi ken dày đặc của cái xứ Cà Bây Ngộp trong "Tình nghĩa Giáo khoa thư".. thì với Nguyễn Ngọc Tư, ta được hít thở luồng gió thời hiện đại phả ra từ nhưng con người đang sống trong hiện tại ở quê nhà của họ. Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên, nếu ta cùng đắm mình vào tản văn "Hạt gửi mùa sau" của nhà văn vùng đất mũi Cà Mau này.

    Khác với "Cánh đồng bất tận", "Cải ơi", "Hiu hiu gió bấc".. tản văn "Hạt gửi mùa sau" chỉ là tản mạn về một sự việc trong đời của một ông già. Đó là chuyện ông già cất giữ hạt bông vạn thọ, bông mồng gà để đến một tháng trước Tết năm tới đem ra gieo trồng cho ngày xuân thắm đượm sắc màu dân dã. Bao nhiều mùa bông Tết đã qua, đến năm nay, tụi nhỏ thấy ông vất vả mà chả đâu vào đâu nên đem giấu hạt bông đi. Tết lại sắp về, ông già tìm mãi, tìm mãi gói hạt bông để gieo trong nhưng chẳng thấy. May thay ông đã tìm được hạt bông "trên cái gióng cá khô treo đầu bếp". Ông vui mừng đem trồng để "gửi hạt mùa sau". Câu chuyện không có tình tiết li kì, chỉ xoay quanh một nếp sống thường ngày, một thú chơi ngày Tết của một ông già, nhưng giàu ý nghĩa nhân văn

    Ý nghĩa nhân văn của truyện được chưng kết và thác gửi vào trong hình tượng ông già. Mùa Tết này sang mùa Tết khác ông trồng bông vạn thọ, bông mồng gà vừa để thưởng thức cái đẹp, vừa tô điểm thêm cho không gian Tết những sắc màu vàng chanh, đỏ tía – những gam màu có vẻ đẹp âm thầm – nhưng nó mang phong vị chốn quê, vừa để giữ một nếp nhà, một phong tục đẹp cho muôn đời sau. Thực ra, ông già trồng bông không chỉ để "ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng!" Hay "ông đứng chống nạnh, khoan khoái đứng ngắm bông, hết đứng gần rồi lại lùi ra, cười khà khà khà, khoái trá" mà còn, nói như Nguyễn Ngọc Tư: "Ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm). Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ.. Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà..". Tư tưởng trong trang văn của tác giả là đây. Cho nên, ta hiểu tại sao tản văn này lại có nhan đề "Hạt gửi mùa sau" chứ không phải là "giữ hạt mùa sau" hay "hạt giữ mùa sau". Ta cũng hiểu tại sao ông già trong trang viết lại tìm khổ tìm sở, "vẫn long đong tìm kiếm" cái gói hạt bông đến vậy. "Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá.". Để đến khi tìm được, ông như bắt được chỉnh vàng, ông không còn bần thần nữa mà đang sung sướng, hạnh phúc tột cùng. Rồi ông lại lật đất, gieo hạt, tưới tẩm.. để "Bông lại nở rực trước sân nhà."; để khi "tết tàn, ông già lại nâng niu đi hái từng bông hoa héo khô, rũ cánh, giữ hạt cho mùa sau. Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.".

    Đọc những dòng văn này, ta có vừa cảm giác ngậm ngùi vừa hân hoan. Ngậm ngùi bởi ông già như người lẩm cẩm, bảo thủ, hân hoan bởi "một người tà và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống". Con người cao quý là ở đấy chăng. Suốt một đời, con người vừa lo kiếm sống, vừa lo sao cho cuộc sống của mình có ý nghĩa và có ích, vừa gìn giữ nhân cách, phẩm chất của bản thân vừa nâng niu những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc để truyền lại cho các thế hệ sau như ông già kia mãi mãi "cũng sẽ nhớ hoài mùa bông cũ" và ông trồng "để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu". Kì diệu thay con người nơi đồng đất phương Nam ấy, dù lúc đúng ngọ hay khi xế chiều, ông gia vẫn không quên trách nhiệm của mình với con cháu, với quê hương. Ông luôn có ý thức gìn giữ bản sắc quê hương qua việc trồng hai thứ hoa quê mùa: Vạn thọ và mồng gà, cho dù "chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình"; thậm chí có vẻ cực đoan hơn, ông già không cho con cháu gọi vạn thọ, mồng gà là "hoa" mà phải gọi là "bông". "Ông nói hoa là hoa hồng hoa huệ gì đó, còn mồng gà, vạn thọ hay sao nhái thì phải kêu bằng bông, cũng như núm mối mà cứ học đòi nấm mối, cái thứ dân dã, mọc vườn hoang phải kêu sao cho dân dã, dễ nghe".

    Đối lập với ông già là tụi nhỏ. Chúng nó thương ông vất vả, nhưng cũng thực dụng lắm. Chúng sợ phải cuốc, phải tưới khó nhọc bởi "đám bông đúng là mang rắc rối tới cho tụi nó" hơn nữa "bông cũng có ích lợi gì lắm đâu". Và thế là chúng âm thầm đem giấu cái bọc hạt giống đi. Với chúng bông vạn thọ, bồng mào gà cũng làm đẹp cho ngày Tết đấy, nhưng "Tụi nhỏ nghĩ, đẹp, mà không ăn được, thì cũng phí". Nói như vậy, có lẽ cũng hơi oan cho tụi nhỏ. Tụi nhỏ không đến nỗi thực dụng đến máy móc, vô tâm, chúng cũng "ngậm ngùi" nhận thức được "ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt.. Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ.. Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà..". Có trách chăng là trách chúng nó "xuề xòa, lười biếng", một căn bệnh thời đại mà chúng nó nhiễm phải như Nguyễn Ngọc Tư khéo léo chua thêm "bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm".

    Tản văn "Hạt gửi mùa sau" đậm chất Nam Bộ, từ lối kể đến tả, từ ngôn ngữ đến giọng điệu, nhưng không phải không có chiều sâu triết lí. Ai dám bảo rằng khi Nguyễn Ngọc Tư viết như thế này lại không có chất triết văn: "Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống".

    Đọc "Hạt gửi mùa sau" mà rưng rưng nhớ ngày Tết xưa lắc ở quê nhà. Thuở ấy tôi còn nhỏ lắm nhưng cũng đã vun trồng được một đám nhỏ bông vạn thọ, bông mười giờ để làm rực rỡ thêm sắc màu ngày Tết. Nhưng rồi khóm hoa vàng kia cũng phai dần theo thời gian khi tôi sống giữa thị thành, giữa bao nhiêu là thứ hoa như hoa li, hoa huệ, hoa cúc, lay dơn.. Để hôm nay, đọc văn Nguyễn Ngọc Tư mà giật mình.. Càng giật mình hơn khi Tết Nhân Thìn sắp đến. Năm Nhâm Thìn là năm nhuận, có nghĩa là nó thêm một ngày – tổng số dư gần 8 giờ trong một năm của 3 năm trước – vào tháng 2. Người ta nói thời gian vô tình sao lại biết giữ gìn không để mất những giờ phút dôi ra thế kia.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...