Đọc hiểu: Háo danh nằm sâu trong nguồn gốc của văn hóa người Việt Đề 1 Đọc đoạn trích sau: "Háo danh là từ có ý nghĩa tiêu cực. Đầu tiên là anh coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết. Thứ hai là anh coi trọng danh tiếng trên mức mà anh có. Có lẽ, háo danh phản ánh cả hai khía cạnh đó", TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ. Xét trên nghĩa tích cực, ai cũng có nhu cầu trở thành một người có giá trị, có đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu khẳng định bằng chính năng lực của mình và được xã hội công nhận. Ngược lại, cái danh trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. "Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị. Giá trị của một doanh nghiệp, một con người, cộng đồng được xác định một cách chính xác, nhân văn, chứ không phải là đi quảng bá, tuyên truyền rầm rộ. Điều đó không được", PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật trung ương cho biết. Hội nghị văn hóa toàn quốc đã xác định giá trị của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, cần có giá trị cốt lõi là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Trung thực là một phẩm chất quan trọng. Muốn xây dựng nó phải nhận diện và thay đổi thói háo danh. Háo danh không chỉ kéo theo thói hư tật xấu mà còn khiến cho những người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu. Chúng ta cần phải xứng đáng với nhưng danh hiệu chúng ta có. (Trích Háo danh nằm sâu trong nguồn gốc của văn hóa người Việt, Báo điện tử Vtv.vn ngày 06/04/2023) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. Câu 2. Theo đoạn trích, người háo danh có những biểu hiện như thế nào? Câu 3. Theo em, thói háo danh để lại những hậu quả như thế nào? Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm cho rằng: Trung thực là một phẩm chất quan trọng không? Vì sao? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: Phong cách báo chí (nguồn: Báo điện tử Vtv.vn) ; Hoặc: Phong cách ngôn ngữ chính luận (bàn về lối sống, thái độ sống) ; Hoặc phong cách ngôn ngữ báo chí kết hợp phong cách ngôn ngữ chính luận Câu 2. Theo đoạn trích, người háo danh có những biểu hiện: Coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết; coi trọng danh tiếng trên mức mà bản thân có. Câu 3. Theo em, thói háo danh để lại những hậu quả như sau: - Làm cho kẻ quen háo danh không nhận thức được khuyết điểm của bản thân để điều chỉnh; - Khiến cho người háo danh không nhận thức được giá trị thực mà bản thân đang có; hay giá trị cuộc sống.. - Không gây được thiện cảm với những người xung quanh; khiến người xung quanh thất vọng, mất niềm tin khi phát hiện ra kẻ đó chỉ có danh hão mà không có thực tài; - Háo danh còn kéo theo những hệ lụy khác: Lãng phí; tham những, hối lộ, chạy chức quyền, tha hóa, đánh mất nhân cách.. Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm cho rằng: Trung thực là một phẩm chất quan trọng. Vì: + Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, tạo nên hảo cảm, sự yêu mến; từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Điều này vô cùng quan trọng, giúp công việc thuận lợi, các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa. Đó cũng là tiền đề để ta có được cơ hội và sự thành công trogn cuộc sống. + Sống trung thực sẽ đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp con người luôn vui vẻ, thoải mái. Điều này lại đem đến sự tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra những lựa chọn, những quyết định quan trọng trong cuộc sống, trong công việc, góp phần tạo nên thành công. Xem tiếp bên dưới: Đề 2
Đề 2 Đọc đoạn trích sau: "Háo danh là từ có ý nghĩa tiêu cực. Đầu tiên là anh coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết. Thứ hai là anh coi trọng danh tiếng trên mức mà anh có. Có lẽ, háo danh phản ánh cả hai khía cạnh đó", TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ. Xét trên nghĩa tích cực, ai cũng có nhu cầu trở thành một người có giá trị, có đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu khẳng định bằng chính năng lực của mình và được xã hội công nhận. Ngược lại, cái danh trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. "Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị. Giá trị của một doanh nghiệp, một con người, cộng đồng được xác định một cách chính xác, nhân văn, chứ không phải là đi quảng bá, tuyên truyền rầm rộ. Điều đó không được", PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật trung ương cho biết. Hội nghị văn hóa toàn quốc đã xác định giá trị của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, cần có giá trị cốt lõi là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Trung thực là một phẩm chất quan trọng. Muốn xây dựng nó phải nhận diện và thay đổi thói háo danh. Háo danh không chỉ kéo theo thói hư tật xấu mà còn khiến cho những người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu. Chúng ta cần phải xứng đáng với nhưng danh hiệu chúng ta có. (Trích Háo danh nằm sâu trong nguồn gốc của văn hóa người Việt, Báo điện tử Vtv.vn ngày 06/04/2023) Trả lời câu hỏi: (bộ câu hỏi của đề thi thử THPT tỉnh Hải Phòng) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Theo đoạn trích, giá trị cốt lõi của con người Việt Nam thời kì đổi mới là gì? Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: Thói háo danh trong xã hội khiến cho những người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu? Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm được nêu trong đoạn trích: "Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị"? Vì sao? Gợi ý đọc hiểu (do người đăng bài soạn, chưa phải đáp án chính thức) Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận (bàn về lối sống, thái độ sống). Câu 2. Theo đoạn trích, giá trị cốt lõi của con người Việt Nam thời kì đổi mới là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo (thông tin nằm ở đoạn cuối cùng) Câu 3. Tác giả cho rằng: Thói háo danh trong xã hội khiến cho những người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu vì: - Với thói háo danh, những người không có năng lực sẽ được ghi nhận, tôn vinh; ngược lại, những người có tài năng thực hoặc sẽ bị vùi dập, hoặc tài năng không được biết đến, không được coi trọng;.. những điều đó sẽ làm nảy sinh tâm lí tiêu cực, chán nản, mất ý chí phấn đấu. - Hiện tượng này lan rộng trong xã hội sẽ khiến mất dần những giá trị thực, người có tài năng sẽ không còn tin vào sự công bằng của xã hội, làm cùn nhụt ý chí phấn đấu, nảy sinh tâm lí tiêu cực, nghi ngờ.. Tóm lại, thói háo danh mang đến nhiều hệ lụy; thui chột nhân tài. Câu 4. Tôi đồng tình với quan điểm được nêu trong đoạn trích: "Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị". Vì: Công danh cho cá nhân là thứ công danh ích kỉ, chỉ phục vụ lợi ích cá nhân, không mang đến những giá trị lớn lao cho xã hội. Công danh gắn liền với sự cống hiến cho cộng đồng, cho Tổ quốc sẽ ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn nhiều. Bởi sự đóng góp ấy sẽ mang đến điều tốt đẹp cho nhiều người, thúc đẩy sự phát triển của xã hội; sẽ được mọi người ghi nhận công lao; con người mới có được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao.. Xem thêm: Tuổi trẻ cần làm gì để lập danh một cách chính đáng
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Tuổi trẻ cần phải làm gì để lập danh một cách chính đáng. Định hướng: đây là kiểu bài nêu giải pháp, cách giải quyết cho 1 vấn đề, vì vậy cần phải nêu giải pháp về nhận thức, thái độ, hành động cụ thể. Tham khảo: "Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông" Nhờ ý chí lập công để lại sự nghiệp, lập danh để lại tiếng thơm mà Nguyễn Công Trứ - tác giả của lời tuyên ngôn trên đã sống cả một cuộc đời hiển hách, tận tâm, tận lực cho vận mệnh nước nhà, danh thơm lưu truyền bao thế hệ. Đó là cái danh được tạo nên bởi tài năng, nhân cách. Cái danh đó luôn được tôn vinh, ngưỡng vọng. Vậy tuổi trẻ ngày nay cần làm gì để lập danh một cách chính đáng? Lập danh một cách chính đáng là làm cho tên tuổi của bản thân được mọi người biết đến bằng chính năng lực của mình. Muốn danh tiếng bản thân được ghi nhận, trước hết, chúng ta cần nhận thức được rằng, chỉ có lập danh chính đáng mới tạo nên giá trị đích thực cho bản thân; xây dựng được hình ảnh, uy tín lâu bền; bảo toàn được danh dự; tâm hồn mới an nhiên, thanh thản. Từ nhận thức đó, chúng ta cần có những hành động cụ thể: Nỗ lực học tập tích luỹ kiến thức, trau dồi kĩ năng, rèn luyện ý chí, nghị lực, vượt qua những khó khăn thử thách để vươn tới thành công bằng thực thực của chính mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Phải tự tin, bản lĩnh, dám khẳng định mình, dám chịu trách nhiệm, khiêm tốn trung thực, sống và làm việc có trách nhiệm, biết cống hiến cho cộng đồng, biết phê phán lên án những suy nghĩ và hành động mang tính háo danh, không đúng với năng lực và giá trị của mình. Làm được những điều đó, chúng ta không cần phải đánh bóng tên tuổi bằng con đường tắt, bằng những thủ đoạn đê hèn, mà tên tuổi của chúng ta, danh tiếng của chúng ta vẫn được mọi người ghi nhận. Thực tế, có những người nổi tiếng nhờ tự tạo scandals "bẩn", nhưng có những người lại ghi điểm trong lòng mọi người bằng những hành động thiện nguyện như ca sĩ Phi Nhung, Thủy Tiên.. Dĩ nhiên danh tiếng "bẩn" sẽ có lúc bị lật tẩy và chìm nghỉm, còn danh tiếng thực sẽ được mọi người tôn vinh, ngưỡng mộ.