Đọc hiểu: ĐÔI MÓNG GIÒ - Nam Cao 1. Tóm tắt tiểu sử và con người Nam Cao - Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri. - Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam. - Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung. - Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học. - Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ. - Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may. - Khi trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội. - Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. - Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã. - Năm 1946 ông gia Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc - Năm 1948 ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam. - Năm 1950 ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại tạp chí văn nghệ. 2. Sự nghiệp văn học Quan điểm sáng tác của Nam Cao - Ông theo quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" : "Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than" - Ông quan niệm: Tác phẩm "phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng" và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có." Phong cách nghệ thuật của Nam Cao - Đề cao tư tưởng con người: Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người" - Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật - Thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc - Ông có phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh. 3- Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: "Sống mòn", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Giăng sáng", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Đôi mắt" Đôi móng giò đọc hiểu trắc nghiệm Đọc doạn văn sau: "Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là Kèo, là Cột, là Hạ, là Đông. Là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai. Đã thế cái mặt hắn lại vênh vênh, ngậu xị thế nào.. Nhưng tất cả những cái ấy còn có thể tha thứ được [..] . Song những con mắt, những con mắt nó là tấm gương của linh hồn mới đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ bé thôi nhưng chúng lăn tăn, chúng lấp lánh như nhạo, như cười, như khinh khỉnh với người ta. Chúng chẳng nhìn xuống bao giờ. Chúng nhìn thẳng, chúng nhìn nghiêng. Cái nhìn tự đắc như cái nhìn của một kẻ có thể nhắc người ta lên như nhắc một cái lông. Ghét lắm! [..] Hắn bỏ làng đi đó đi đây. Đi khắp nước Nam. [..] Hắn về làng với một con vợ theo, rất nhiều tiền (hồi ấy bạc trăm đã là to) và phẩm hàm. Hắn bỏ tiền ra, mổ bò, mổ lợn làm khao. Làng đến ăn rồi làng gọi hắn là ông. Một thằng bạch đinh, con một lão đi câu chết mất xác dưới sông, bỏ làng đi chán đi chê, rồi đột nhiên trở về nhảy tót lên bao lan ngồi làm một ông kì mục. Thế thì ai chẳng tức? Ai ở đây là những ông kì mục bỗng bị hắn đè đầu đè cổ. Đó chỉ là một lối nói, thực ra thì các ông chỉ phải nhường hắn ngồi chiếu trên. Nhường một thằng không chôn nổi bố ngồi chiếu trên. Như vậy thì nhục quá. Các ông không chịu được. Các ông về hùa với nhau để chành chẽ hắn, để động hắn mở miệng ra là chèn. Hắn đã khổ với các ông khá nhiều. Hơi thấy bóng hắn ra đình là các ông nói móc ngay. Các ông bình phẩm từ cái đầu của hắn rũ rượi như đầu đứa chết trôi (ấy là các ông móc đến cái chết của bố hắn), đến cái áo ba-đơ-xuy của hắn tã như cái áo thằng đánh giậm (ấy là các ông móc đến cái nghề đi câu). Các ông nói cạnh cả đến hàm răng của hắn, cái bộ ria của hắn, cái mặt vác lên trời của hắn. Nhưng vốn bướng bỉnh, hắn không lấy thế làm nao núng. Hắn chỉ mỉm cười chế nhạo hay khinh bỉ. Đôi mắt soi mói của hắn không thèm soi mói đến cái mũi, cái mồm hay cái áo the có mùi chua của các ông. Hắn ngấm ngầm theo dõi đến những việc của các ông làm ám muội. Một hôm, đùng một cái, hắn đưa bốn ông lên huyện vì việc bao chiếm công điền. Đùng một cái nữa, hắn đưa mấy ông khác lên huyện vì việc làm tiêu công quỹ. Rồi đùng một cái nữa, và cái nữa.. và cái nữa. Luôn năm sáu cái đùng như vậy hắn làm các ông liểng xiểng. Bởi tội của các ông nhiều như lá trên rừng. Con em chúng nó mù, nhưng hắn không mù. Hắn bới ra từng tội một, và nhất định sẽ bới ra đến hết. Các ông đâm hoảng. Các ông đành phải dàn với hắn. Các ông đấm mõm hắn một vài mối lợi. Hắn không thèm nhận, bởi hắn thừa biết nuốt vào thì há miệng mắc quai. Nhưng hắn bằng lòng thôi không kiện nữa. Các ông bắt đầu sợ hắn mà hắn cũng bắt đầu khinh nhờn các ông. Hắn coi các ông như những đồ trẻ con. Để những khi say rượu đùa.. Năm ngoái làng vào đám. Hôm giã đám, có mổ một con lợn tế thần rồi đồng dân hội ẩm. Đồng dân đây có nghĩa là các cụ.. Lúc tế, ông Cửu Đoành còn ngủ ở nhà [..] . Các cụ miễn đi cho ông vậy! Điều ấy thì ông không phải nài: Các cụ chẳng mong gì có ông; ông cứ ở nhà đến hết đám cho quan viên mừng! .. Hai bàn đã bưng mâm [..] . Các cụ đang hạch hai bàn làm sao lại thiếu hai cái móng giò? Móng giò có bốn ông to nhất. Lệ làng từ cổ đến giờ vẫn thế. Tuy trong số bốn ông to nhất chẳng ông nào còn khỏe răng để có thể gặm nổi cái móng giò nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. Một miếng giữa làng.. Đừng có tưởng.. Bây giờ còn có hai cái, thì ông nào ăn ông nào đừng? Các cụ quát hai bàn như vậy. Và hai bàn xanh mắt. Họ cãi nhau chí chóe. Anh nọ rằng anh kia để mất. Anh nào, mặc! Cứ biết là hai bàn sơ ý là hai bàn phải bắt mua can rượu tạ!.. Ông Cửu Đoành không nói gì. Ông chỉ cười. Bởi ông đã đi nhiều, từng trải nhiều nên thấy nhiều cái to tát hơn cái móng giò nhiều lắm. Hai cái móng giò không đáng kể. Ra quái gì mà ngậu lên! Các cụ uống rượu cũng xong rồi, hai bàn đã giải mâm.. Ông Cửu ngồi thưởng trống. Ông bảo đào, bảo kép: - Hát cho thật hay vào mới được. Tôi nghe hát, nếu vừa ý, bao giờ cũng có thưởng. [..] Khúc hát xong kép buông đàn, đào buông phách. Ông Cửu đứng lên để thọc hai tay vào túi áo ba-đơ-xuy màu chó gio. Ông bảo: - Tớ đã hứa tất cả là phải có. Nhưng tiền thì thật hết. Tớ đãi cho cái này, có lẽ còn quý hơn tiền nhiều.. Ông rút một tay áo ra, quẳng một cái móng giò cho anh kép. Ông rút nốt tay kia ra, quẳng một cái móng giò nữa cho cô đào. Rồi ông quay lại: – Chào các cụ! Tôi xin vô phép!.. Ông lẹp kẹp kéo lê đôi giày qua bọn trai em, hoan hô ông bằng những tiếng cười nổ như xe phành phành. (Trích Đôi móng giò, Nam Cao tuyển tập) Lựa chọn đáp án đúng nhất: Câu 1. Truyện xoay quanh tình huống nào? A. Sự tranh chấp đôi móng giò của hào lí trong làng B. Một vụ mất trộm đôi móng giò của làng C. Cuộc đối đầu trực diện giữa một người dân bao năm bị đè nén với bọn hào lí trong làng D. Đôi móng giò - phần thưởng đặc biệt cho anh kép và cô đào Câu 2. Trạch Văn Đoành được khắc họa qua? A. Nội tâm sâu sắc B. Điểm nhìn bên trong C. Hình dáng, đối thoại và hành động thể hiện cách ứng xử với hào lí trong làng D. Gián tiếp qua lời kể của một người dân trong làng Câu 3. Trạch Văn Đoành có cuộc đời ra sao? A. Cuộc sống xa hoa, sung sướng, được mọi người trong làng kính sợ B. Xuất thân tầm thường, cuộc đời khốn khó, bị khinh bỉ, phải bỏ làng mà đi, sau quay về làng, giàu có, mạnh mẽ đối đầu với bọn hào lí C. Cuộc sống cơ cực, khốn khó bị mọi người trong làng coi thường, khinh bỉ D. Cuộc sống êm đềm, yên ả, nhiều người mơ ước Câu 4. Trạch Văn Đoành lấy uy trước bọn hào lí bằng cách nào? A. Chỉ ra lỗi sai của chúng trước dân làng B. Chỉ thẳng mặt những tội lỗi bẩn thỉu của chúng C. Vẽ tranh biếm họa những tội lỗi bẩn thỉu của bọn hào lí D. Kiện chúng lên quan trên những việc làm sai trái của chúng Câu 5. Tác giả gửi gắm điều gì qua hình ảnh bọn trai em «hoan hô ông bằng những tiếng cười nổ như xe phành phành»? A. Mọi người hào hứng trước một vở hài kịch được hạ màn B. Mọi người sung sướng, thỏa nguyện vì đã tìm thấy đôi móng giò C. Sự đồng thuận của dư luận trước hành động sỉ nhục bọn hào lí của Trạch Văn Đoành D. Ủng hộ hành động hào phóng của Trạch Văn Đoành vì đã tặng đào, kép đôi móng giò Câu 6. Tại sao tác giả không hé lộ từ đầu buổi liên hoan về việc đôi móng giò bị Trạch Văn Đoành lấy mất? A. Tăng tính thuyết phục, tạo nhịp u buồn man mác, nhấn mạnh nhu cầu được thấu hiểu, được lắng nghe của mỗi người B. Tăng tính sinh động, hấp dẫn, tạo sự bất ngờ, kích thích sự tò mò tìm hiểu của mỗi độc giả C. Khơi gợi tưởng tượng, tạo nhịp hối thúc thiết tha, nhấn mạnh nhu cầu được trân trọng, yêu thương của mỗi người D. Tăng tính sinh động, hấp dẫn, tạo nhịp hối thúc thiết tha, nhấn mạnh nhu cầu được tận hưởng, tận hiến của mỗi người Câu 7. Chi tiết cuối truyện: Trạch Văn Đoành thưởng móng giò cho anh kép và cô đào có ý nghĩa gì? A. Tôn vinh những người là đào kép (do quan niệm của người xưa thường coi đào kép là nghề mạt hạng, đáng khinh bỉ) B. Thương xót những người đào kép (do quan niệm của người xưa thường coi đào kép là nghề mạt hạng, đáng khinh bỉ) chỉ biết mua vui cho mọi người C. Nhấn mạnh giá trị của đôi móng giò (trong quan niệm người xưa: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp) D. Những tên đầu sỏ của làng (vốn trọng danh dự) cũng chỉ tầm thường như bọn đào kép mà thôi (do quan niệm của người xưa thường coi đào kép là nghề mạt hạng, đáng khinh bỉ) Trả lời các câu hỏi tự luận: Câu 8. Nhận xét nhịp điệu của truyện. Câu 9. Nhà văn Nam Cao gửi gắm điều gì qua cuôc đối đầu của Trạch Văn Đoành và bọn hào lí trong làng qua Đôi móng giò ? Câu 10. Hãy viết đoạn văn ngắn (7 – 10 câu) về ý nghĩa của tinh thần đấu tranh trước cái ác, cái xấu. Đáp án tham khảo Câu1 -C: Cuộc đối đầu trực diện giữa một người dân bao năm bị đè nén với bọn hào lí trong làn Câu 2-C: Hình dáng, đối thoại và hành động thể hiện cách ứng xử với hào lí trong làng Câu 3-B: Xuất thân tầm thường, cuộc đời khốn khó, bị khinh bỉ, phải bỏ làng mà đi, sau quay về làng, giàu có, mạnh mẽ đối đầu với bọn hào lí Câu 4-D: Kiện chúng lên quan trên những việc làm sai trái của chúng Câu 5-C: Sự đồng thuận của dư luận trước hành động sỉ nhục bọn hào lí của Trạch Văn Đoành Câu6- B: Tăng tính sinh động, hấp dẫn, tạo sự bất ngờ, kích thích sự tò mò tìm hiểu của mỗi độc giả Câu 7- D: Những tên đầu sỏ của làng (vốn trọng danh dự) cũng chỉ tầm thường như bọn đào kép mà thôi (do quan niệm của người xưa thường coi đào kép là nghề mạt hạng, đáng khinh bỉ) Câu 8: - Lúc đầu truyện chậm rãi (tác giả ung dung tả dáng hình, kể lại xuất thân nhân vật, kể sự thay đổi số phận nhân vật, đến khi đi vào lõi của tình huống (đôi móng giò), tác giả cũng cố tình kéo giãn truyện. - Nhưng khi kết thúc truyện, đôi móng giò «lộ rõ tung tích» cũng là lúc mạch truyện được đẩy nhanh, diễn biễn bất ngờ chỉ qua vài đối thoại. Câu 9 - Nam Cao nhận thức rõ xung đột giai cấp, nhà văn cũng luôn nhận thấy tinh thần đấu tranh mãnh liệt của những người nông dân bé nhỏ. Tuy vậy, sự đấu tranh ấy vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mới chỉ đánh vào những góc độ sinh hoạt đời thường nơi làng quê Việt Nam trước cách mạng. Câu 10 Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu: - Hình thức: Đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy. - Nội dung: Ý nghĩa của tinh thần đấu tranh trước cái ác, cái xấu. + Khẳng định sức mạnh của cái thiện, cái chính nghĩa. + Bản lĩnh kiên cường không khuất phục trước cái xấu, cái ác. + Thể hiện niềm khao khát về một xã hội đẹp đẽ, nhân văn.