Đọc hiểu đoạn trích: Rơi xuống biển cả - Ma Văn Kháng - Theo sóng, Tần như cái xác dật dờ trên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 23 Tháng tư 2025.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    178
    Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

    Tóm lược: Tần một chiến sĩ trên đường làm nhiệm vụ, con tau vận tải mà anh phụ trách gặp phục kích. Tần rơi xuống biển cả. Biển cả nuốt chửng Tần một cách thật thản nhiên. Anh thoáng nghĩ: Thế là hết, chào các đồng chí. Nhưng vừa chìm xuống nước độ hai sải tay, anh lại nổi bồng lên, giống như một chuyển động tất yếu, thật là giản dị và hết sức khó hiểu! Không! Đời anh chưa hết. Chết vậy mà khó đấy!

    Theo sóng, Tần như cái xác dật dờ trên biển cả.

    Ngày thứ mấy rồi, những nỗ lực của anh chỉ có thể dồn vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình truồi theo chiều sóng đổ. Nhưng buồn thay, chỉ những nỗ lực ấy thôi, chúng cũng đã hút cạn dần nguồn sinh lực ở anh rồi. Bây giờ thì nước mặn đã ngấm qua da thịt anh, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng anh, người anh đang nhão ra, có cảm giác nó sũng nước. Có cảm giác anh sắp hòa tan với biển. Không còn là một thực thể nữa, anh rơi vào trạng thái nửa mơ nửa thức. Bảng lảng xa gần trong anh những ý nghĩ kỳ quặc, những hình ảnh nhòe nhẹt, thực thực hư hư..

    Và sau cùng thì có lúc anh nhận ra, có một gương mặt con gái vẫn thi thoảng lại chập chờn hiện về trong óc anh. Cô gái tóc tết đuôi sam, mặc áo xanh, da nâu hồng, rắn rỏi. Cô vẫy tay khi con tàu anh nhổ neo. Còn thuyền trưởng của anh là một ông già xuất thân ngư dân, một con người lý thú. Ông nói: Các chú phải đi biển cả đời mới hiểu biển được. Tất cả các dòng nước của các con sông lớn đều hợp lưu về đây mà không làm nó đầy. Tất cả các dòng nước từ nó chảy ra mà không làm nó vơi. Rồi ông thêm: Thần tình chưa? Ðó là lời của Trang Tử!

    [..]

    Phiêu du trên vòm trời bát ngát nên có thể nhìn thấy một sớm mai trên bờ biển nọ, dạt vào cùng vỏ sò, vỏ ốc, mai mực là hình xác anh. Mai mực, vỏ ốc, vỏ sò, cụm bèo thì quen quá rồi. Lạ chăng là hình xác anh. Và vì vậy, những người dân ở bờ biển nọ đã kéo đến và họ đưa anh vào một mái lều trên bờ cát, cạnh những con thuyền đang úp mặt để đốt hà. Anh đã chết rồi. Lấy gì ăn mà chẳng chết. Nhưng, người này là ai vậy? Người này là ai đây? Đó là một câu hỏi muôn thuở không thể trả lời ngay và rất có thể là chẳng bao giờ trả lời được. Vì có dấu chứng gì làm căn cứ để trả lời. Con tàu đi vào trong kia rất có thể sẽ gặp trắc trở, không tới đích hoặc có tới đích thì mọi người rồi cũng tản mát vào mớ công việc bận rộn, cấp bách khác. Người này là ai đây? Những vết chai sần trên bàn tay thủy thủ của anh ngâm trong nước đã nhão nát rồi còn đâu nữa. Anh và tên biệt kích người nhái, kẻ bán mình cho bọn xâm lược, thì cũng một cái mặt bợt bạt giữa đám râu tóc rậm cứng vì nước biển thôi!

    Nhưng mà thôi, cuộc sống là vậy đấy, có gì mà phải than van. Tần mở mắt lần này, cùng với sự tan biến của ảo ảnh là cơn đói ngấu nghiến bào xé ruột gan. Đói quá, đói như sau một buổi làm việc căng thẳng trên boong tàu. Cơn đói đến đồng thời với sự cơn thức tỉnh của xúc giác. Ngứa ran lên, anh nhận ra khắp chân tay, mình mẩy như được bao bọc bằng một lớp vải rất dày nặng. Anh đưa tay sờ soạng. Trời! Thì ra từ cổ anh trở ra đến hai vai đã bám đầy một lớp rong rêu xanh lè. Ôi! Rêu rong biển cả đã bám vào anh, như bám vào một đồ cổ chìm dưới đáy biển. Anh thấy buồn buồn ở cổ. Một con cua gại gại cái mũi chân sắc nhọn lên da thịt anh. Anh cố nhô người lên trên ngọn sóng. Trên người anh là cả một công ty hải sản: Ốc, cua, sò, tôm, hến. Chúng đến kết bạn với anh.

    Bảy ngày sau, Tần theo sóng biển dạt vào đất liền. Da mặt bóc đi một lớp. Khắp người, da tróc những mảng lớn. Mắt thụt sâu. Tóc soăn rít. Lớp rong rêu kết một mảng trước ngực vẫn còn bám riết anh như những người bạn đồng hành tự nguyện dâng đời mình cho sự sống của anh.

    Đất nước mình với diện tích 329.600 km2, chiếm phần phía đông bán đảo Trung Ấn trải dài trên những 3.260 km dọc theo bờ biển. Đất nước mình là đất nước của biển. Chà! Bài học đầu tiên! Ưu thế đặc hữu ấy, giờ thể hiện ở ngay số phận anh.


    (Nguồn: Rơi xuống biển cả – Truyện ngắn của MA VĂN KHÁNG (nhandan.vn)​

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính.

    Câu 2. Xác định ngôi kể và điểm nhìn trong câu chuyện.

    Câu 3. Xác định lời người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn văn sau:

    "Phiêu du trên vòm trời bát ngát nên có thể nhìn thấy một sớm mai trên bờ biển nọ, dạt vào cùng vỏ sò, vỏ ốc, mai mực là hình xác anh. Mai mực, vỏ ốc, vỏ sò, cụm bèo thì quen quá rồi. Lạ chăng là hình xác anh. Và vì vậy, những người dân ở bờ biển nọ đã kéo đến và họ đưa anh vào một mái lều trên bờ cát, cạnh những con thuyền đang úp mặt để đốt hà. Anh đã chết rồi. Lấy gì ăn mà chẳng chết. Nhưng, người này là ai vậy? Người này là ai đây? Đó là một câu hỏi muôn thuở không thể trả lời ngay và rất có thể là chẳng bao giờ trả lời được."

    Câu 4. Nội dung và chủ đề "Rơi xuống biển cả"

    Câu 5. Nhận xét về nhân vật Tần trong câu chuyện.

    Câu 6. Chi tiết làm bạn ấn tượng trong đoạn trích trên? Vì sao?

    Câu 7. Từ truyện "Rơi xuống biển cả" bạn hãy viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của nghịch cảnh trong cuộc sống.

    *Gợi ý đáp án

    Câu 1:

    Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

    Câu 2:

    - Truyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể chuyện không xưng "tôi" mà dùng cách gọi nhân vật chính là "Tần" hoặc "anh".

    - Điểm nhìn tập trung vào nhân vật Tần.

    + Mặc dù kể ở ngôi thứ ba, nhưng điểm nhìn trần thuật chủ yếu gắn với Tần – một chiến sĩ rơi xuống biển khi đang làm nhiệm vụ.

    + Người kể chuyện đi sâu vào suy nghĩ, cảm giác, trạng thái tâm lý của Tần: Từ tuyệt vọng đến khát khao sống, từ hoang mang đến mơ hồ nửa tỉnh nửa mê..

    + Nhờ điểm nhìn này, người đọc hiểu rõ sự khốc liệt của thiên nhiên, sự bền bỉ kỳ diệu của con người, và ý nghĩa ẩn dụ của biển cả gắn với số phận dân tộc và đất nước.

    Câu 3: Lời người kể chuyện và lời nhân vật

    - Lời người kể: Phiêu du trên vòm trời bát ngát.. mặt để đốt hà; Đó là một câu hỏi muôn thuở không thể trả lời ngay và rất có thể là chẳng bao giờ trả lời được

    - Lời nhân vật:

    + Lời gián tiếp của nhân vật Tần: Anh đã chết rồi. Lấy gì ăn mà chẳng chết

    + Các ngư dân: Nhưng, người này là ai vậy? Người này là ai đây?

    Câu 4:

    - Nội dung của đoạn trích: Kể về nhân vật Tần, một chiến sĩ, gặp nạn khi tàu bị phục kích và bị rơi xuống biển. Ban đầu anh tưởng mình đã chết, nhưng một lực sống mãnh liệt khiến anh nổi lên và kiên cường chống chọi giữa biển cả mênh mông suốt bảy ngày. Trong cơn mê sảng, anh nhớ về đồng đội, người con gái tiễn biệt, những lời của thuyền trưởng già – tất cả như tiếp sức cho anh. Cơ thể anh dần hòa vào biển cả: Rêu, cua, sò, hến bám lấy anh như những người bạn đồng hành. Cuối cùng, anh được sóng đưa vào bờ, cơ thể rã rời, tàn tạ nhưng vẫn sống sót kỳ diệu. Đoạn kết mở ra suy ngẫm về đất nước Việt Nam – một đất nước của biển cả, nơi từng con người cũng mang trong mình phẩm chất đặc trưng của biển: Kiên cường, rộng lớn, sâu sắc và bất diệt.

    - Chủ đề của đoạn trích: Ca ngợi sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường của con người Việt Nam trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Bên cạnh đó, biển cả không chỉ là không gian tự nhiên mà còn là biểu tượng của cuộc sống, của thử thách, của quê hương và dân tộc. Ngoài ra, đoạn trích còn khẳng định vẻ đẹp của lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu bất khuất, vượt lên trên cả cái chết, hòa vào thiên nhiên rộng lớn. Đồng thời, đoạn trích cũng gợi lên sự trân trọng sự sống, gợi suy tư sâu xa về cá nhân trong guồng quay của lịch sử và vận mệnh đất nước.

    Câu 5:

    Nhân vật Tần trong truyện ngắn "Rơi xuống biển cả" của Ma Văn Kháng là một hình tượng đầy cảm xúc và chiều sâu, tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời chiến.

    - Anh là người chiến sĩ kiên cường, bất khuất: Dù rơi xuống biển cả mênh mông – nơi tưởng chừng là dấu chấm hết cho sự sống – Tần vẫn không đầu hàng số phận. Anh chiến đấu với sự mệt mỏi, đói khát, lạnh lẽo, mê sảng, bám lấy sự sống bằng bản năng và ý chí phi thường. Hình ảnh anh trôi dạt suốt 7 ngày, cơ thể bào mòn bởi nước biển nhưng vẫn còn sống, là biểu tượng của sự bền bỉ, không khuất phục trước hoàn cảnh.

    - Anh là người có chiều sâu nội tâm, giàu cảm xúc: Trong cơn mê sảng, anh nhớ về người con gái tóc tết đuôi sam, nhớ lời dặn dò của thuyền trưởng già, nghĩ về đồng đội.. → điều này cho thấy Tần là người sống tình cảm, có trách nhiệm và giàu kỷ niệm. Những suy tư của anh về thân phận, về biển, về đất nước chứng tỏ Tần không chỉ là một người lính bình thường, mà là người biết triết lý, biết suy ngẫm về cuộc đời.

    - Anh là biểu tượng cho con người Việt Nam thời chiến: Tần đại diện cho lớp người thầm lặng, tận hiến, sống và chiến đấu trong âm thầm, nhưng mang trong mình phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Anh là hiện thân của một dân tộc có khả năng vượt qua gian khổ, đối mặt với cái chết mà không run sợ, luôn tìm cách sống, chiến đấu và tiến về phía trước.

    - > Tần là biểu tượng của sức sống, niềm tin và lòng kiên cường. Qua nhân vật này, Ma Văn Kháng không chỉ kể một câu chuyện cảm động, mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về con người, thiên nhiên và tổ quốc.

    Câu 6:

    Một trong những chi tiết ấn tượng nhất trong đoạn trích "Rơi xuống biển cả" là: "Trên người anh là cả một công ty hải sản: Ốc, cua, sò, tôm, hến. Chúng đến kết bạn với anh".

    Tác giả không dùng ngôn ngữ hoa mỹ mà chọn cách diễn đạt rất gần gũi, dí dỏm: "Một công ty hải sản" – một cách gọi tưởng như nhẹ nhàng, nhưng lại gợi lên một hiện thực khốc liệt và kỳ lạ: Tần đã nằm giữa biển suốt bảy ngày đến mức sinh vật biển bám vào người anh như bám vào một xác chết trôi dạt. Tuy nhiên, cách dùng từ "kết bạn với anh" lại biến nỗi bi thương thành một điều nhân văn, thấm đẫm tình cảm: Thiên nhiên không tàn nhẫn, mà lặng lẽ song hành cùng con người trong cơn hoạn nạn.

    Bên cạnh đó, lúc này, Tần trông giống một xác chết hơn là người sống, nhưng cái cách sinh vật biển "kết bạn" với anh lại mang một sức sống kỳ diệu, như thể thiên nhiên đang tiếp sức cho con người. Đây không chỉ là sự sống còn về thể xác, mà còn là sự sống của tinh thần – lòng tin, ý chí, bản năng sinh tồn mãnh liệt.

    Câu 7:

    *Dàn ý

    – Khái quát nội dung câu chuyện Tần chiến sĩ hải quân trên đường thực hiện nhiệm vụ, tàu anh rơi vào phục kích của giặc Tần rơi xuống biển cả. Bằng sức mạnh ý chị nghị lực phi thường, sau nhiều ngày chóng chọi với sóng to gió lớn anh dạt vào bờ và được trở về cùng đồng đội.

    – Từ hoàn cảnh tuyệt vọng khi đối mặt với tình huống rơi xuống biển cả. Nhưng vừa chìm xuống nước độ hai sải tay, anh lại nổi bồng lên, giống như một chuyển động tất yếu, thật là giản dị và hết sức khó hiểu! Không! Đời anh chưa hết. Chết vậy mà khó đấy!

    –Tần đấu tranh với chính mình và với biển cả, để có thể lênh đênh suốt bảy ngày chìm nổi "Ngày thứ mấy rồi, những nỗ lực của anh chỉ có thể dồn vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình truồi theo chiều sóng đổ."

    – Có những lúc, Tần như bỏ cuộc vì kiệt sức dường như con người phải chịu khất phục trước nghịch cảnh "nước mặn đã ngấm qua da thịt anh, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng anh, người anh đang nhão ra, có cảm giác nó sũng nước. Có cảm giác anh sắp hòa tan với biển. Không còn là một thực thể nữa, anh rơi vào trạng thái nửa mơ nửa thức. Bảng lảng xa gần trong anh những ý nghĩ kỳ quặc, những hình ảnh nhòe nhẹt, thực thực hư hư.."

    – Với bản năng sinh tồn đấu tranh với nghịch cảnh. Tần đã vượt qua ranh giới của tử để có thể vào bờ

    * Giải thích

    Nghịch cảnh là các tình huống éo le, khó khăn và thách thức trong cuộc sống mà con người phải đối mặt. Đây giống như một phép thử cho lòng kiên trì, dũng cảm, và sự bản lĩnh của mỗi cá nhân.

    * Bàn luận, lí giải về vai trò, ý nghĩa của nghịch cảnh

    – Thông qua cách ứng xử và đối diện với nghịch cảnh, con người sẽ thấy được tình cảm, cảm xúc của bản thân; đồng thời thấu hiểu thêm về năng lực và trí tuệ của chính mình.

    – Nghịch cảnh là một quy luật tất yếu trong cuộc sống con người.

    – Con người cần phải kiên cường trước mọi nghịch cảnh.

    – Không ngừng làm đầy khoảng trống tâm hồn, tình cảm và rèn luyện, nâng cao trí tuệ và lòng kiên cường.

    Mở rộng, phản đề

    – Tuy nhiên không chỉ trong nghịch cảnh, con người mới nhận thức được nhiều điều mà ngay trong hoàn cảnh bình thường của cuộc sống thường ngày, chỉ cần con người luôn có ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức, cầu tiến, tỉnh táo trong nhận thức.. thì con người hoàn toàn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân và rèn giũa năng lực trí tuệ lẫn bản lĩnh của mình.

    – Phê phán quan niệm và hành động sai lầm: Chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng.

    Chứng minh: Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, thuyết phục.

    * Bài viết tham khảo

    Cuộc sống chưa bao giờ là một hành trình bằng phẳng. Trên mỗi chặng đường, con người luôn phải đối mặt với muôn vàn thử thách, đôi khi là những nghịch cảnh khắc nghiệt đến mức tưởng chừng như không thể vượt qua. Truyện ngắn "Rơi xuống biển cả" của nhà văn Ma Văn Kháng kể về hành trình sinh tồn phi thường của người chiến sĩ hải quân – anh Tần, là một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh ý chí vượt lên nghịch cảnh của con người.

    Tần là một chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên biển thì tàu bị địch phục kích. Anh rơi xuống biển cả – nơi mênh mông sóng nước tưởng như là dấu chấm hết cho cuộc đời. Nhưng không, khi vừa chìm xuống nước khoảng hai sải tay, anh lại bất ngờ nổi lên. Chính khoảnh khắc ấy đã khơi dậy trong Tần ý nghĩ: "Không! Đời anh chưa hết. Chết vậy mà khó đấy!" Đó là thời khắc đánh dấu sự trỗi dậy của bản năng sinh tồn và ý chí sống mạnh mẽ.

    Trong suốt bảy ngày lênh đênh giữa đại dương, Tần chỉ còn biết dõi theo mặt trời, con sóng để tìm phương hướng. Những nỗ lực ấy tuy nhỏ bé nhưng chính là chỗ bấu víu cho sự sống. Có những lúc anh tưởng như không thể tiếp tục: "Người anh đang nhão ra.. có cảm giác anh sắp hòa tan với biển..". Nhưng chính trong hoàn cảnh tưởng như tuyệt vọng ấy, khát vọng sống vẫn âm ỉ cháy trong anh, đưa anh vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, để rồi dạt vào bờ, trở về với sự sống, với đồng đội.

    Từ câu chuyện của Tần, ta nhận ra nghịch cảnh chính là những tình huống éo le, những thử thách khắc nghiệt mà mỗi người đều phải đối mặt trong cuộc đời. Đó có thể là thất bại, là mất mát, là đau thương.. Nhưng cũng chính trong nghịch cảnh, con người mới thấy rõ được sức mạnh nội tại, nhận ra giới hạn và khả năng phi thường của bản thân.

    Nghịch cảnh không chỉ là phép thử cho ý chí và nghị lực, mà còn là môi trường để con người học hỏi, trưởng thành và rèn luyện bản lĩnh sống. Nó khiến ta nhìn sâu vào chính mình, hiểu được những giá trị sống cốt lõi như tình yêu thương, niềm tin, lòng dũng cảm và sự hy sinh. Trong truyện, hình ảnh những sinh vật biển "kết bạn" với Tần không chỉ tạo nên cảm xúc mà còn cho thấy mối liên kết kì diệu giữa con người và thiên nhiên – một dạng nâng đỡ tinh thần trong nghịch cảnh.

    Tuy nhiên, không cần đợi đến khi rơi vào nghịch cảnh mới có thể rèn luyện bản thân. Ngay trong đời sống thường nhật, nếu con người luôn giữ được tinh thần cầu tiến, ý thức học hỏi và sự tỉnh táo trong nhận thức, thì họ vẫn có thể trưởng thành, vẫn có thể vững vàng trước mọi biến động.

    Ngược lại, những ai chọn cách đầu hàng, bỏ cuộc, hay mất niềm tin vào bản thân khi gặp nghịch cảnh thì sẽ dễ đánh mất cơ hội bứt phá và trưởng thành. Đó là một lối sống tiêu cực cần được phê phán. Cuộc sống vốn không thiếu thử thách, nhưng sức mạnh tinh thần chính là thứ vũ khí quan trọng giúp con người chiến thắng mọi nghịch cảnh.

    Trong thực tế, chúng ta từng biết đến những con người như Nick Vujicic – người không có tay chân nhưng vẫn truyền cảm hứng cho hàng triệu người; hay thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – người tật nguyền nhưng dùng đôi chân để viết nên cuộc đời. Họ đều là minh chứng sống động cho sức mạnh vượt lên số phận.

    Nghịch cảnh không phải là kẻ thù, mà là một phần tất yếu của cuộc sống. Điều quan trọng là ta đối diện với nó như thế nào: Gục ngã hay kiên cường bước tiếp? Giống như chiến sĩ Tần, chỉ cần còn một tia hy vọng, một động lực sống – dù là mơ hồ nhất – thì con người vẫn có thể vượt qua. Chính những thời khắc ấy, phẩm chất thật sự của con người mới được bộc lộ rõ nhất – như viên ngọc sáng nhất được tôi luyện từ đá thô dưới áp lực.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...