Đọc hiểu đoạn trích: Những ngày mới - Thạch Lam: Thế là hôm sau, Tân xách khăn gói về

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 26 Tháng hai 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc đoạn trích sau:

    (Tóm tắt đoạn đầu: Tân là một chàng trai trẻ sống ở làng quê nghèo. Từ nhỏ, cha mẹ đã gửi Tân ở nhà ông chú trên Hà Nội với mong muốn Tân đi học để trở thành thầy thông hay thầy ký. Mười tám tuổi Tân đã thực hiện được điều mà anh và gia đình mong muốn. Anh ở lại Hà Nội làm việc. Khi có nạn kinh tế, Tân mất việc. Cha anh buồn rầu từ trần, anh sống cuộc đời vất vưởng của người thất nghiệp ở Hà Nội mấy tháng trời. Cuối cùng anh quyết định về quê sống)

    Thế là hôm sau, Tân xách khăn gói về. Rồi từ đấy chàng hoàn toàn là một người nhà quê dễ dãi. Mới đầu Tân cũng thấy nhiều sự thiếu thốn khổ sở. Nhưng dần dần chàng nghiệm ra rằng những cái thiếu thốn đó, không phải là những cái cần dùng cho cuộc đời, mà là những cái thừa. Sự cần dùng là ăn với mặc, chàng đã có đủ. Dần dần chàng mới thấy cái đời chàng sống trước ở tỉnh thành là một cuộc đời phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ việc có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.

    Tân tiếc hồi thủa nhỏ không sống ở thôn quê để được gần gũi với cảnh vật. Chàng thích sống bên cạnh những người nhà quê chất phác và mộc mạc. Bấy giờ chàng mới biết đến trời đất, đến thời tiết, đến sự thay đổi của mùa nọ sang mùa kia. Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng.

    Tân không dửng dưng như trước với những cái chung quanh mình. Tâm hồn chàng có liên lạc và rung động cùng với cảnh vật. Chàng có cái cảm giác rằng mình sống..

    Buổi chiều, thửa ruộng của Tân đã gặt xong. Cả một cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ. Bọn thợ gặt đều thu xếp liềm hái để trở về. Trên con đường vào làng, các lực điền gánh những gánh lúa vàng nặng trĩu. Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người.

    Khi vào đến con đường khuất khúc trong làng, trời nhá nhem tối. Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đập lúa trên cối đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ, cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng âm thầm thì chiều nay hoạt động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân cỏ, bốc lên khắp cả.

    Về đến sân nhà, mọi người ăn xong lại bắt đầu làm việc. Đàn bà vừa đập lúa vừa hát, còn bọn thợ hái ngồi quây quần bên chiếc đèn con nói chuyện. Ai cũng cười đùa tự nhiên. Họ đã tận tâm làm việc suốt ngày. Những lượm lúa vàng sẫm đem đến cho họ cái vui của ngày được mùa, cái hình ảnh của sự no ấm trong đời.

    Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.

    Sau khi hẹn thưởng cho bọn thợ nồi cơm nếp mới, Tân bước ra ngõ, nhìn xuống dưới đồi. Trên trời, ngàn sao lấp lánh. Gió dưới ruộng đưa lên mùi rạ ướt và hơi sương lạnh. Cả một vùng đêm rộng rãi và bình tĩnh trên cánh đồng yên lặng.

    Tân chợt thấy ở chân phía trời xa, cái khoảng ánh sáng mờ của tỉnh thành Hà Nội..

    Chàng sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở chốn thôn quê này. Một cuộc đời mới đương chờ đợi chàng..

    (Trích truyện ngắn Những ngày mới, Thạch Lam, Dẫn theo Tuyển tập Thạch Lam)

    *Chú thích:

    - Thạch Lam (1910 – 1942), sinh tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông thường viết về những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.

    - "Những ngày mới" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình.

    Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Đoạn trích trên được kể ở ngôi thứ mấy?

    - Đoạn trích trên được kể ở ngôi thứ ba.

    Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

    - Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật chính tên Tân.

    Câu 3. Theo đoạn trích, sau khi trở thành một "người nhà quê dễ dãi", Tân đã nhận ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống như thế nào?

    - Theo đoạn trích, sau khi trở thành một "người nhà quê dễ dãi", Tân đã nhân ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống: phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ việc có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.

    Câu 4. Anh/ chị hãy tóm tắt nội dung của đoạn trích trên?


    - Tóm tắt: Sau khi lựa chọn về quê sống, nhân vật Tân mới nhận ra cuộc sống trước kia nơi tỉnh thành phức tạp, vô vị, không có nghĩa lí. Cuộc sống hiện tại lại vô cùng ý nghĩa (anh thấy được cái tình của người quê; anh được hưởng thụ những thú nhà quê ngon lành, hấp dẫn; anh phát hiện ra tâm hồn mình sâu lắng đầy năng lực giao cảm cùng thế giới tự nhiên thuần khiết; anh thấy cuộc sống quê bình dị, lam lũ mà mến thương vô cùng;.)

    Câu 5. Anh/ chị hãy trình bày ngắn gọn về chủ đề của truyện.

    - Chủ đề của truyện: Tác phẩm kể về sự lựa chọn cuộc sống của người trí thức trẻ trước Cách mạng tháng Tám -nhân vật Tân. Tân nhận ra cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

    Câu 6. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống thôn quê được mô tả trong truyện?

    - Cuộc sống thôn quê được mô tả trong truyện: Cuộc sống thôn quê mang đến những nét đặc trưng riêng biệt so với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt của thành phố.

    + Môi trường sống trong lành: Không khí ở thôn quê thường trong lành, ít ô nhiễm hơn so với thành phố. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với những cánh đồng lúa xanh mướt, những con đường làng rợp bóng cây xanh mang đến cảm giác bình yên, thư thái.

    + Nhịp sống chậm rãi: So với nhịp sống hối hả, bận rộn của thành phố, thôn quê có nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng hơn. Con người ở đây thường sống chan hòa, thân thiện, hay giúp đỡ lẫn nhau.

    + Cơ hội để trải nghiệm văn hóa truyền thống: Thôn quê là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Sống ở đây, bạn có cơ hội để trải nghiệm những lễ hội truyền thống, thưởng thức những món ăn dân dã và tìm hiểu về phong tục tập quán của địa phương.

    + Cuộc sống êm ả, thanh bình

    + Cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn nhưng thuần hậu, ân tình.

    Câu 7. Anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc truyện ngắn trên?

    - Có thái độ sống lạc quan:

    Lạc quan là một thái độ sống tích cực, luôn hướng về phía trước, nhìn nhận mọi việc theo hướng tốt đẹp. Sống lạc quan mang lại nhiều lợi ích cho mỗi người, lạc quan giúp bạn vượt qua khó khăn: Khi bạn gặp phải khó khăn, thử thách, thái độ lạc quan sẽ giúp bạn có thêm động lực để vượt qua. Bạn sẽ tin tưởng vào bản thân và khả năng của mình, từ đó tìm ra giải pháp cho vấn đề. Giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc: Sống lạc quan giúp bạn luôn vui vẻ, yêu đời. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có và trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

    - Lựa chọn cách sống có ý nghĩa: Sống chậm.

    - Tránh lối sống hời hợt, vô vị..

    Câu 8. Từ truyện ngắn trên, nêu suy nghĩ của anh/chị về lối sống chậm.

    - Lối sống chậm là một phong cách sống đề cao sự bình yên, thư thái và trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Nó trái ngược với lối sống vội vã, hối hả của xã hội hiện đại, nơi mọi người luôn bận rộn với công việc và những lo toan.

    - Theo tôi, lối sống chậm có nhiều lợi ích:

    + Sống chậm sẽ giúp chúng ta có cảm giác thư thái, bình yên, giúp chúng ta có thời gian suy nghĩ, để thấu hiểu và thông cảm với những mảnh đời bất hạnh, giúp cho toàn xã hội gắn kết với nhau hơn. Đồng thời, sẽ giúp chúng ta thay đổi cả những suy nghĩ của mình.

    + Giảm stress: Lối sống chậm giúp chúng ta có thời gian để thư giãn, giải tỏa căng thẳng và lấy lại năng lượng.

    + Cải thiện sức khỏe: Sống chậm giúp chúng ta có thời gian để tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc.

    + Tăng cường sự tập trung: Sống chậm giúp chúng ta tập trung vào hiện tại và làm tốt những việc mình đang làm.

    + Cải thiện các mối quan hệ: Sống chậm giúp chúng ta dành thời gian cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu.

    - Tuy nhiên, lối sống chậm cũng có một số hạn chế:

    + Có thể khiến chúng ta trở nên lười biếng: Nếu không cẩn thận, lối sống chậm có thể khiến chúng ta trở nên lười biếng và thiếu động lực.

    + Có thể khiến chúng ta bị tụt hậu: Trong xã hội hiện đại, nơi mọi thứ thay đổi liên tục, sống chậm có thể khiến chúng ta bị tụt hậu so với những người khác.

    - Do đó, để áp dụng lối sống chậm một cách hiệu quả, chúng ta cần:

    + Có kế hoạch: Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể để sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả.

    + Có kỷ luật: Chúng ta cần có kỷ luật để tránh trở nên lười biếng và thiếu động lực.

    + Cân bằng: Chúng ta cần cân bằng giữa lối sống chậm và những yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

    - Nhìn chung, lối sống chậm là một phong cách sống tốt đẹp và có thể mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần áp dụng nó một cách hiệu quả để tránh những hạn chế.

    Câu 9: Phân tích, đánh giá về những đặc điểm trong cách kể của nhà văn Thạch Lam trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

    *Xác định và phân tích chủ đề của đoạn truyện (gắn với tác phẩm) : Xác định chủ đề: Tác phẩm kể về sự lựa chọn cuộc sống của người trí thức trẻ trước Cách mạng tháng Tám -nhân vật Tân. Tân nhận ra cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng giá trị cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

    * Đánh giá những nét đặc sắc về cách kể của tác giả Thạch Lam

    A. Nghệ thuật tự sự:

    - Xây dựng cốt truyện: Cốt truyện đơn giản được xây dựng dựa trên sự kiện chính là biến cố trong cuộc đời khiến Tân quyết định về quê sống.

    - Nghệ thuật xây dựng tình huống: Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn này chính là nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo. Tình huống chủ đạo của truyện chính là nhân vật Tân rơi vào tình trạng thất nghiệp, cha mất, sống vất vưởng mấy tháng trời và cuối cùng anh quyết định về quê sống. Tình huống đó đã thể hiện được vẻ đẹp nhân vật và chủ đề của truyện.

    B. Lời kể:

    - Câu chuyện được kể với ngôi kể thứ ba, là người ngoài truyện, có cái nhìn bao quát về toàn bộ câu chuyện. Việc sử dụng ngôi thứ ba giúp người đọc có điểm nhìn khách quan, chân thực, toàn diện hơn về cuộc sống lao động, đặc điểm của nhân vật Tân và những người nông dân chốn thôn quê.

    - Qua điểm nhìn của nhân vật Tân, người đọc cảm nhận chân thực, sinh động, gần gũi hơn về công việc của người nông dân, góp phần làm rõ hơn thái độ trân trọng của Tân cũng như người nông dân khác khi làm ra từng bó lúa, tạo ra những thành phẩm lao động.

    - Lời kể còn có sự kết hợp giữa các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm và nghị luận, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, qua đó gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc.

    C. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

    + Nhân vật "Tân" :

    - Tân là nhân vật chính, một chàng trai trẻ sống ở một làng quê nghèo.

    - Tân từ nhỏ đã khao khát được trải nghiệm những điều tân tiến và thành công ở thành thị, và điều này cũng là ước mơ của cha mẹ anh.

    - Tình hình kinh tế khó khăn, Tân mất việc và cha anh qua đời.

    => Anh quyết định trở về quê và bắt đầu một cuộc sống giản dị. Tân đã thích nghi và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống mới này.

    => Tân cũng như những nhân vật khác, dù đói nghèo họ vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Họ là những người lao động chân chất, chịu khó và tận hưởng những điều giản dị trong cuộc sống. Nhân vật Tân và những người dân quê đã cho thấy sự kiên nhẫn, sự đoàn kết và sức mạnh của tình người trong việc vượt qua khó khăn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...