Đọc hiểu: Đoạn trích Người gánh nước thuê - Võ Thị Hảo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 20 Tháng ba 2025.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    81
    Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:


    "Chẳng ai biết lai lịch của bà, chỉ biết tên bà là Diễm. Diễm là đẹp, là diễm lệ. Ngoài vẻ đẹp, còn mang vẻ sang. Có ai gọi một củ khoai là diễm lệ đâu. Hẳn bố mẹ xưa đặt tên cho con cũng thầm ao ước sao cho con vừa đẹp lại vừa khỏi lầm than. Nhưng trông bà cả một sự nhạo báng cái mong ước đó.

    Dáng người bà Diễm bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt. Bà vừa đi vừa lắc lư cái lưng còng. Chiếc đòn gánh không bao giờ rời khỏi đôi vai còm cõi của bà. Nó bám chặt lấy bà như một thứ nghiệp chướng. Chiếc đòn gánh của bà cũng thật đặc biệt. Nó nhẵn bóng. Ngay cả những vết sẹo cũng đã nhẵn bóng và cũng khó đoán tuổi như chủ nhân của nó vậy. Nó đã tồn tại cùng bà không biết tự bao giờ. Nó được đẽo gọt từ một thân tre cong hằn dấu vết của những cơn gió táp và ra đời chỉ để đón đợi đôi vai còm cõi của bà Diễm mà thôi. Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập. Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi. Những lúc đôi vai được rảnh rang, đôi môi bà lại lẩm nhẩm những câu không đầu không cuối. Bà đi và nói như người lẩn thẩn, nhưng những cử chỉ của bà vẫn chính xác một cách kỳ lạ. Đến máy nước bao giờ bà cũng đi sát mép đường bên phải và lặng lẽ đợi đến lượt mình, không xin xỏ, không tranh giành.


    Những nhà có máu mặt trong khu này thuê bà gánh nước. Họ chẳng ưa gì bà. Họ săm soi xem thùng nước bà gánh về có trong không. Có đáng đồng tiền của họ bỏ ra không. Có người nghi ngờ, bắt bà tháo cả bể nước đầy ra gánh lại, lấy cớ là bà đã lấy nước bẩn vào bể của họ. Cũng có những người trả tiền sòng phẳng, hậu hĩnh là khác nhưng họ đưa tiền cho bà rồi vội quay đi như chỉ sợ dềnh dàng bà nhỡ mồm bắt chuyện thì mất cả thì giờ và mất cả thể diện nữa. Con người ta thường hay chối bỏ quá khứ, nếu quá khứ đó là không vẻ vang. Người đời nay coi nó là bệnh" sĩ ". Nếu như những năm sáu mươi của thế kỷ này người ta cố chứng minh rằng gốc gác của mình là bần cố nông thì trong những năm tám mươi người ta lại cố khoe rằng nhà mình giàu có ra sao, bịa cả những chuyện đài các rởm không biết ngượng mồm. Thôi thì cũng chẳng trách họ, âu cũng là do cách nhìn người của thời đại mà ra. Những bộ mặt đần độn trát bự son phấn vênh váo, đầy kiêu hãnh giả tạo. Và trong cơn mơ đài các sang giàu của họ, bà Diễm chỉ là một kẻ làm thuê, một người gánh nước cho nhà họ. Một thời, chúng ta đã ghê tởm những từ" con ở "," đầy tớ "," gái điếm ".. Nhưng giờ đây, những từ đó đã và đang lặng lẽ trở về nhắc nhở người ta rằng, chúng có mặt trên đời này. Vậy là bà Diễm hệt như con gà trụi lông giữa đàn công sặc sỡ. Nhưng bà gắn bó với họ, đúng hơn là với bể nước nhà họ, vì chỉ có họ mới đủ sức thuê bà gánh nước. Còn đa số" người nhà nước "trong khu này chẳng ai đủ tiền để mà thuê, dù muốn giúp bà. Cơm ăn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền mà thuê gánh nước. Đành phải xếp hàng dài dằng dặc, hoặc thức đến hai ba giờ sáng để lấy mấy thùng nước.



    Với đôi thùng gánh nước, cứ thế, bà Diễm đi trong đời như kẻ mộng du và rồi có lẽ với cung cách mộng du ấy bà sẽ lặng lẽ đi xuống mồ, như một hạt bụi tan biến vào không gian chẳng để lại một mảy may dấu vết.."


    Câu 1: Xác định ngôi kể và nêu dấu hiệu nhận biết ngôi kể trong đoạn trích trên.

    Câu 2: Chỉ ra những chi tiết miêu tả ngoại hình bà Diễm.

    Câu 3: Chỉ ra biện pháp so sánh trong câu văn: "Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi ."

    Câu 4: Anh/chị hiểu câu văn cuối đoạn truyện có ý nghĩa gì?

    Gợi ý trả lời

    Câu 1: Xác định ngôi kể và dấu hiệu nhận biết ngôi kể trong đoạn trích trên?

    => Cách làm: Chỉ ra ngôi kể cụ thể và nêu dấu hiệu nhận biết

    - Ngôi kể thứ ba

    - Dấu hiệu: Người kể giấu mình, gọi tên nhân vật, và tham gia vào mọi diễn biến, sự kiện trong truyện

    Câu 2: Hãy nêu những chi tiết miêu tả ngoại hình của bà Diễm?

    - Chi tiết miêu tả ngoại hình bà Diễm: Bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt, cái lưng còng, đôi vai còm cõi.

    Câu3: Chỉ ra tác dụng của biện pháp so sánh trong câu văn: "Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi."

    - Phép so sánh: "Những vết nước rỏ rõ ràng như vệt suối nước mắt"

    - Tác dụng:

    - Sự vất vả, cực khổ của bà Diễm, cuộc sống lao động mưu sinh khó khăn, nặng nhọc của người lao động nghèo

    - Cuộc đời lặng lẽ, âm thầm của người gánh nước thuê

    - Thái độ tác giả: Sẻ chia, yêu thương, thấu hiểu; ngòi bút tài hoa, giàu cảm xúc của nhà văn

    Câu4: Ý nghĩa câu văn cuối truyện:

    - Con người lãng quên giữa cuộc đời, liên tưởng, suy ngẫm về triết lí về mối quan hệ giữa thời gian với đời người. Nhà văn đã liên tưởng nhưng gánh nước thuê như bà Diễm là những kẻ mộng du, là những người rong chơi giữa cuộc đời, tạm quên đi những khốn khó của cuộc đời. Nhưng rồi khi những người như bà Diễm chết đi, thì hình ảnh những người gánh nước thuê chỉ còn trong kí ức. Cuộc đời lao động của những người như bà Diễm lặng lẽ sống, lặng lẽ trôi đi như hạt bụi. Đó là sự ngắn ngủi và vô thường của đời người.

    - Thái độ: Yêu thương, trân trọng, thấu hiểu với những con người dù nhỏ bé nhưng đã sống và cống hiến bằng công việc lao động chân chính. Sự tiếc nuối của nhà văn nếu một ngày những người gánh nước thực sự không còn rõ là một thời kì đã đi qua.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...