Đọc hiểu đoạn trích Gió lạnh đầu mùa - Thạch Lam - Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 26 Tháng mười hai 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    177
    Đọc đoạn văn bản sau:


    [..] Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.

    Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tách dưới nhịp guốc của hai chị em.

    Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

    Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo màu nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

    Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ, Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tặc lưỡi, nói:

    - Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ?

    Đứa khác nói:

    - Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.

    Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:

    - Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?

    Sơn ưỡn ngực đáp:

    - Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.

    Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:

    - Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.

    Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:

    - Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?

    Con bé bịu xịu nói:

    - Hết áo rồi, chỉ còn cái này.

    - Sao không bảo u mày may cho?

    Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

    - Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

    - Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

    Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui [..]

    (Trích Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam tuyển tập, NXB Văn học, 2016, trang 207-209)

    * Nhà văn Thạch Lam: Thạch Lam (1910-1942) tên thật là Nguyễn Tường Thạch, sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Ông là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học hiện thực Việt Nam. Thạch Lam bắt đầu sáng tác từ những năm 1930, với những truyện ngắn đầu tay như "Nắng trong vườn", "Cô hàng xén", "Gió lạnh đầu mùa".. Các tác phẩm của ông thường viết về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ, những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội cũ. Thạch Lam có phong cách sáng tác nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu chất thơ, thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học lãng mạn, hiện thực phê phán ở Việt Nam.

    [​IMG]

    * Tập truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" : "Gió lạnh đầu mùa" là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Thạch Lam. Truyện được in trong tập truyện cùng tên (1937).

    [​IMG]

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.


    - Ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích: Ngôi thứ ba.

    Câu 2: Hãy tìm một chi tiết miêu tả trang phục của nhân vật Hiên.

    - Chi tiết miêu tả trang phục của nhân vật Hiên: "manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay".

    Câu 3: Cảnh chợ phiên trong đoạn trích được tác giả miêu tả như thế nào?


    - Cảnh chợ phiên trong đoạn trích được tác giả miêu tả: "chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề"

    - Sự miêu tả của tác giả cho thấy quang cảnh buổi chợ phiên vắng vẻ, đìu hiu, chơ vơ và đầy rác.

    Câu 4: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật và tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy được sử dụng trong đoạn văn sau: "Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau."

    - Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn: "Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau." đó là biện pháp liệt kê: môi chúng nó tím lại; da thịt thâm đi; chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

    - Tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn: Nhà văn sử dụng biện pháp liệt kê, sắp xếp các ý lần lượt theo thứ tự, diễn tả cụ thể, toàn diện hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện của bọn trẻ dưới cái lạnh của cơn gió. Qua đó ta cảm nhận được sự khó khăn, khổ sở của lũ trẻ trong xóm khi không có quần áo ấm để mặc, cái nghèo hèn đã lấy đi những thứ đáng lẽ chúng nên được nhận.

    Câu 5: Hành động cho áo góp phần thể hiện tính cách gì của nhân vật Sơn?

    - Hành động cho áo của nhân vật Sơn góp phần thể hiện những tính cách sau:

    + Sơn là một người giàu tình yêu thương: Sơn có tầm lòng nhân hậu, nhân ái với tất cả mọi người, đặc biệt là lũ trẻ trong xóm.

    + Hòa đồng, thân thiện: Khi lũ trẻ mặc cảm vì thân phận nghèo khổ của chúng, không dám lại gần, chỉ dám đứng xa vui mừng thì Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

    + Tinh tế, nhạy cảm: Thấy Hiên đứng ở cột quán, Sơn đã gọi Hiên lại chơi cùng bọn chúng, Sơn không tỏ ra ghét bỏ hay chê bai gì Hiên và còn có mong muốn tạng hiên chiếc áo bông cũ.

    Câu 6: Việc miêu tả hoàn cảnh sống của những đứa trẻ trong đoạn trích thể hiện thái độ gì của nhà văn?

    Việc miêu tả hoàn cảnh sống của những đứa trẻ trong đoạn trích thể hiện thái độ của nhà văn Thạch Lam:

    - Giúp cho người đọc hình dung và thấy được hoàn cảnh sống khó khăn, khắc nhiệt và thiếu thốn đến đáng thương. Đọc truyện, độc giả không cầm được lòng mình khi nghe về những mảnh đời nghèo khổ, bế tắc. Gió lạnh đầu mùa, ấy là thân phận con người bị cơn gió lạnh thổi đến quay quắt, tiêu điều.

    - Nhà văn còn thể hiện sự thương xót, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh

    - Thạch Lam trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của những con người bình dị, đặc biệt là nhân vật Sơn và chị Lan khi có trái tim ấm áp, tình cảm yêu thương, lòng nhân ái khi sẵn sàng giúp đỡ những đứa trẻ không có quần áo để đối phó với những cơn gió lạnh.

    - Ngoài ra, nhà văn còn bày tỏ niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống.

    Câu 7: Vẻ đẹp của nhân vật Sơn trong đoạn trích được thể hiện như thế nào?

    - Sơn là một đứa trẻ hòa đồng, thân thiện

    + Sơn và chị mặc dù nhà có khá giả hơn nhưng vẫn thân mật chơi đùa với mấy đứa trẻ con ở dãy nhà lá, chứ không kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

    + Sơn chủ động chơi với những đứa trẻ con nhà nghèo, Sơn thấy chị gọi Hiên không lại thì tự bước đến gần.

    - Sơn là một đứa trẻ giàu tình yêu thương

    + Thấy thương khi nghĩ đến em Duyên.

    + Cho Hiên cái áo bông cũ.

    + Trong lòng thấy ấm áp, vui vui khi được cho người khác chiếc áo ấm.

    Câu 8: Qua câu chuyện của những đứa trẻ trên, em hãy nêu những hành động tích cực của thanh niên hiện nay đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

    Những hành động tích cực của thanh niên hiện nay đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: Thanh niên là lực lượng tiên phong trong các hoạt động xã hội, trong đó có các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những hành động tích cực của thanh niên đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thể được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, cụ thể như sau:

    - Tham gia các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hình thức giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phổ biến nhất của thanh niên. Các hoạt động này có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Quyên góp tiền, quần áo, đồ dùng học tập, thực phẩm..

    - Tham gia các hoạt động tình nguyện, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động này có thể được tổ chức tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các trường học, các khu vực dân cư có nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động này giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giáo dục đầy đủ, phát triển toàn diện.

    - Tuyên truyền, vận động xã hội giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thanh niên có thể tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động xã hội giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các phương tiện truyền thông, các hoạt động ngoại khóa.. nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, từ đó huy động sự chung tay giúp đỡ của mọi người.

    - Tham gia các hoạt động nghiên cứu, đề xuất giải pháp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thanh niên có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu, đề xuất giải pháp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng.. nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

    Câu 9: Từ nội dung của đoạn văn bản, em hãy trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự chia sẻ.

    Sự chia sẻ là một hành động mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Sự chia sẻ có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Chia sẻ vật chất, chia sẻ tinh thần, chia sẻ tình cảm..

    Sự chia sẻ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho con người, cả về vật chất lẫn tinh thần.

    - Về vật chất: Sự chia sẻ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có được những điều kiện cần thiết để sống và phát triển. Ví dụ, khi chúng ta quyên góp tiền, quần áo, thực phẩm cho những người nghèo, chúng ta đã giúp họ có thêm những nhu yếu phẩm thiết yếu để sinh hoạt.

    - Về tinh thần: Sự chia sẻ giúp con người gắn kết với nhau hơn, tạo nên một xã hội đoàn kết, giàu tình thương. Khi chúng ta giúp đỡ một ai đó, chúng ta đã thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của mình đối với họ. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy ấm áp, được yêu thương, từ đó có thêm động lực để vượt qua khó khăn.

    - Về bản thân: Sự chia sẻ giúp con người hoàn thiện bản thân, trở thành một người tốt đẹp hơn. Khi chúng ta chia sẻ, chúng ta đã biết quan tâm, giúp đỡ người khác, từ đó trở nên biết yêu thương, đồng cảm hơn. Điều này sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...