Đọc hiểu đoạn trích: Bóng Của Thành Phố - Nguyễn Ngọc Tư - Như bao bà mẹ khác

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 16 Tháng ba 2025.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    177
    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

    Như bao bà mẹ khác, mẹ tiễn con gái về nhà chồng cũng sụt sịt lấy tay áo lau nước mắt. Mọi người xúm lại kêu, gả con về chợ, mắc gì mà khóc. Trong lòng những bà dì bà thím ở quê, về chợ nghĩa là ăn sung mặc sướng, đèn đóm sáng trưng, thiếu thứ chi chỉ cần bước ngay ra cửa là có, "mãn năm móng chân không dính miếng sình".

    Nhưng chỉ bữa sau đám cưới, cô dâu mới đã phải xoắn tay áo hì hụi tát nước, kê cao những vật dụng trong nhà. Sau trận mưa khuya đường sá biến thành sông, nước tràn vào lòng những căn nhà thấp hệt thung lũng, sau mấy bận người ta cơi cao mặt đường chống ngập. Nước mưa và triều cường cứ dùng dằng mãi trên đường không chịu rút. Cô thấy cái cảnh mình xoắn quần lội lò dò đi giữa rác rưởi và nước cống rảnh đen ngòm, có khác gì ở quê những ngày lụt. Thành phố cuối năm, những bữa tiệc nước không mong đợi cứ theo gió chướng mà về.

    Nhưng cô dâu mới không vỡ mộng, cái nơi chốn cô vừa trở thành nông dân chính thức không lạ gì sau năm năm trọ học. Cũng có thể cô đã từng hơi thất vọng, vào những ngày đầu khăn gói đến đây. Thấy chợ cũng như cái xóm quê mình, mưa đầu mùa cũng gặp mấy con cá rô ốm ròm vác cái bụng lặc lè trứng lóc qua sân nhà trọ. Chạng vạng ễnh ương, nhắc nheng kêu sầu trời đất. Có bữa dậy thấy rắn nước nằm khoanh tìm hơi ấm trong giày. Đường sá quãng cuối năm thành sông, lút nửa vành bánh xe đạp. Ở cái nơi là chợ, lâu lâu thấy một ông già lùa đàn bò ngang qua, nhiều khu dân cư mới người tới chưa đông, cỏ dại mọc đầy. Cái anh trọ ở đầu dãy, suốt ngày vác trúm đặt lươn quanh quanh mấy mương cống, mà đủ sống.

    /.. /

    Nhưng cư dân xóm chợ nào đã trải qua những tối dài nhàm chán không cách chi làm đầy, những khi khách xa đòi ngồi ở quán cà phê ngắm mấy dòng sông mà thành phố đã quyết liệt giấu chúng sau những dãy phố ken chật, những lần trẻ con níu áo hỏi ba ơi mình đi đây vậy, lúc ấy, mới thấy thành phố vẫn chưa đủ sáng, thứ ánh sáng không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy.

    (Trích "Bóng của thành phố" của Nguyễn Ngọc Tư)

    * Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau trong một gia đình nông dân. Cô học hết cấp Phổ Thông Cơ Sở đã nghỉ học, mong muốn xin làm việc tại một cơ quan văn nghệ báo chí tỉnh Cà Mau, môi trường thuận tiện có thể phát triển nghề cầm bút mà cô đam mê. [1] Các truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư viết về tình bạn ở đồng quê, được ba cô gửi tạp chí Văn nghệ Bán đảo Cà Mau và đã được đăng. Cô đã kết hôn và cũng đã có con.

    Cô được biết đến với tập truyện mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2010

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?

    Câu 2. Xác định ngôi kể của văn bản?

    Câu 3: Em hiểu như thế nào về câu "mãn năm móng chân không dính miếng sình"?

    Câu 4: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu "mưa đầu mùa cũng gặp mấy con cá rô ốm ròm vác cái bụng lặc lè trứng lóc qua sân nhà trọ. Chạng vạng ễnh ương, nhắc nheng kêu sầu trời đất. Có bữa dậy thấy rắn nước nằm khoanh tìm hơi ấm trong giày"?

    Câu 5: Giải thích nghĩa của từ ngữ được in đậm trong trường hợp sau. "/.. / Nước mưa và triều cường cứ dùng dằng mãi trên đường không chịu rút /.. /"

    Câu 6: Tác giả cho rằng: "Thành phố vẫn chưa đủ sáng, thứ ánh sáng không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy". Em có đồng ý với ý kiến của tác giả không? Vì sao? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 5 đến 7 dòng).

    Câu 7: Em hãy viết một văn bản nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về nét đặc sắc nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích "Bóng của thành phố" của Nguyễn Ngọc Tư.

    *Đáp án tham khảo

    Câu 1:

    Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm

    Câu 2:

    Ngôi kể của văn bản: Ngôi thứ Ba toàn tri.

    Câu 3:


    Câu "mãn năm móng chân không dính miếng sình" có thể hiểu là:

    - Cuộc sống hạnh phúc, giàu có, được yêu thương viên mãn.

    - Sống sung sướng, không vất vả, lo toan, nhọc nhằn.

    Câu 4:

    Tác dụng của phép tu từ liệt kê được sử dụng trong câu "mưa đầu mùa cũng gặp mấy con cá rô ốm ròm vác cái bụng lặc lè trứng lóc qua sân nhà trọ. Chạng vạng ễnh ương, nhắc nheng kêu sầu trời đất. Có bữa dậy thấy rắn nước nằm khoanh tìm hơi ấm trong giày" là:

    - Diễn tả sự vật, sự việc cụ thể toàn diện, tạo sự thu hút, thuyết phục, cảm xúc, cân đối cho câu văn.

    - Miêu tả những hình ảnh gần gũi, giản dị, mộc mạc của thành phố gợi thú vị không khác gì với làng quê.

    Câu 5:

    – Nghĩa của từ "dùng dằng" :

    + Lưỡng lự không quyết định, thường là trong việc đi hay ở, vì còn muốn kéo dài thêm thời gian.

    + Chưa muốn chia tay, nửa ở nửa đi

    Câu 6:

    Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả. Ánh sáng của một thành phố không chỉ đến từ những ngọn đèn rực rỡ, mà còn từ sự văn minh, trật tự và chất lượng cuộc sống của người dân. Một thành phố "sáng" thực sự cần có những con người "sáng" về nhận thức, hành động, và tinh thần. Ánh sáng ấy phải lan tỏa đến mọi ngóc ngách, mọi tầng lớp trong xã hội, chứ không chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm.

    Câu 7:

    *Dàn ý tham khảo:

    *Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm vấn đề nghị luận

    *Thân bài:

    - Nội dung:

    + Cốt truyện xoay quanh cuộc sống, tâm trạng của cô dâu khi lấy chồng nơi thị thành.

    + Nhân vật là cô gái trẻ đã từng học tập sinh sống ở thành phố nên cũng không có gì bỡ ngỡ trước sự việc xảy ra và niềm khao khát một "ánh sáng" mới nơi thị thành.

    - Nghệ thuật.

    + Cốt truyện đơn giản, xoay quanh tình huống cụ thể.

    + Ngôi kể thứ Ba toàn tri tạo điều kiện khách quan trong cách nhìn và thể hiện cảm xúc nhân vật.

    + Nhân vật thể hiện qua hành động để khắc họa tâm lí tinh tế.

    + Sử dụng bút pháp tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm và biện pháp tư từ: Liệt kê, so sánh, ẩn dụ.. thể hiện tâm lí, khát vọng của nhân vật.

    *Kết bài: Khẳng định vấn đề, nêu ý nghĩa nhận thức và thực tiễn của vấn đề.

    *Bài viết tham khảo:

    Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn đương đại nổi bật của văn học Việt Nam, với lối viết chân thực, giàu cảm xúc và đậm chất Nam Bộ. Tác phẩm của chị thường khai thác những khía cạnh đời thường, những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Đoạn trích "Bóng của thành phố" là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách ấy, thể hiện những suy tư, trăn trở của con người về cuộc sống đô thị hiện đại.

    Đoạn trích xoay quanh cuộc sống và tâm trạng của một cô gái trẻ khi về làm dâu ở thành phố. Qua những quan sát và cảm nhận của cô, tác giả đã khắc họa bức tranh sinh động về cuộc sống đô thị, với những ánh đèn rực rỡ, những con người hối hả, và cả những góc khuất, những nỗi cô đơn. Nhân vật chính là một cô gái từng có thời gian học tập và sinh sống ở thành phố, nhưng khi trở lại với vai trò là một người vợ, người dâu, cô vẫn không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ và khao khát một "ánh sáng" mới, một cuộc sống ý nghĩa hơn giữa lòng đô thị.

    Cốt truyện đơn giản, tập trung vào những tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại chứa đựng những suy tư sâu sắc về con người và xã hội. Ngôi kể thứ ba toàn tri giúp tác giả có cái nhìn khách quan, đa chiều về nhân vật và sự việc, đồng thời tạo điều kiện để thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ thầm kín của nhân vật. Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua hành động, lời nói và những suy nghĩ nội tâm, qua đó thể hiện tâm lý tinh tế và những khát vọng sâu sắc. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng bút pháp tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm và các biện pháp tu từ như liệt kê, so sánh, ẩn dụ.. để diễn tả một cách sinh động và chân thực những cảm xúc, suy tư của nhân vật, đồng thời tạo nên một không gian nghệ thuật đầy ám ảnh. Tác giả qua tác phẩm cũng muốn gửi gắm đến người đọc một thông điệp "thành phố vẫn chưa đủ sáng, thứ ánh sáng không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy".

    Đoạn trích "Bóng của thành phố" của Nguyễn Ngọc Tư là một tác phẩm giàu giá trị nội dung và nghệ thuật, thể hiện những suy tư sâu sắc về cuộc sống đô thị hiện đại và khát vọng của con người về một cuộc sống ý nghĩa hơn. Tác phẩm không chỉ mang đến cho người đọc những trải nghiệm thẩm mỹ độc đáo mà còn gợi lên những suy ngẫm về giá trị của ánh sáng, không chỉ là ánh sáng vật chất mà còn là ánh sáng của tâm hồn, của tình người.
     
    Hoa Nguyệt Phụng thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...