Đọc hiểu đoạn thơ: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt - Xếp bút nghiên theo việc đao cung

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu đoạn trích "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt - Xếp bút nghiên theo việc đao cung..." trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Mời các bạn cùng tham khảo:

    Đọc hiểu đoạn thơ:

    Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

    Xếp bút nghiên theo việc đao cung...


    Trích Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm

    Đọc đoạn văn bản sau:

    "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

    Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

    Thành liền mong tiến bệ rồng,

    Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

    Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

    Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

    Giã nhà đeo bức chiến bào,

    Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

    Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

    Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

    Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,

    Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền".

    (Trích Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)

    Chú thích: Thành liền: Bởi chữ "liên thành" (những thành liền nhau). Nước Triệu có hai hòn ngọc bích, vua nước Tần viết thư xin đem năm thành trì đổi ngọc ấy. Về sau, vật gì quý báu gọi là có giá "liên thành";

    Giặc trời: Bởi chữ "thiên kiêu". Hán thư có câu "Hồ giả thiên chi kiêu tử" (giặc Hồ là đám con khó dạy của trời).

    Da ngựa: Bởi chữ "mã cách" (mã: ngựa; cách: da). Đời Đông Hán, Mã Viện, tướng giỏi, từng nói: "Làm trai nên chết chốn sa trường biên ải, lấy da ngựa bọc thây chôn mới gọi là trai".

    Thái Sơn, hồng mao: Tư Mã Thiên nói "Người ta vẫn có cái chết, song có cái chết đáng nặng như núi Thái Sơn, có cái chết không đáng nhẹ như lông chim hồng". Ý nói có sự đáng chết và không đáng chết.

    Cầu Vị: Bởi chữ "Vị kiều". Lý Bạch có câu thơ "Tuấn mã nhược phong phiêu, minh tiên xuất Vị kiều" (Ngựa giỏi đi nhanh như gió cuốn, thét roi ra lối cầu sông Vị).

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, 02 phương thức biểu đạt trong đoạn thơ.

    Câu 2. Đoạn trích trên kể lại sự việc gì? Xác định hình tượng nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

    Câu 3. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích, qua đó em cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đó như thế nào?

    Câu 4. Em hiểu câu "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa - Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" như thế nào?

    Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh ở câu thơ "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao"?.

    Câu 5. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật người chinh phụ trong đoạn trích? Theo anh/chị, từ "dặc dặc buồn" có giá trị biểu đạt như thế nào?

    Câu 6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu thơ sau:
    Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

    Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

    Câu 7. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

    Câu 8. Khái quát nội dung chính của đoạn thơ?

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    - Thể thơ: Song thất lục bát;

    - Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật;

    - 02 phương thức biểu đạt trong đoạn thơ: biểu cảm, tự sự (hoặc miêu tả).

    Câu 2.

    - Đoạn trích trên kể lại sự việc người chinh phụ tiễn chồng đi chinh chiến;

    - Hình tượng nhân vật trữ tình trong đoạn trích: người chinh phu (chàng) và người chinh phụ (đưa chàng).

    Câu 3.

    Những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích: ào ào gió thu, nước trong như lọc, cỏ mọc còn non. Qua đó, hiện lên bức tranh thiên nhiên đẹp, tươi sáng, đầy sức sống.

    Câu 4.

    - Câu "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa - Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao"

    thể hiện chí khí của người trai thời loạn: sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, với cái chết (da ngựa bọc thây); coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, không có gì đáng để bận tâm, lo lắng (hồng mao).

    - Biện pháp tu từ so sánh đối lập được sử dụng "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao":

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh ý chí, lí tưởng của kẻ làm trai;

    + Làm cho câu thơ thêm tăng thêm tính gợi hình, biểu cảm; tạo sự hàm súc cho lời thơ.

    Câu 5.

    - Những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật người chinh phụ trong đoạn trích: lòng dặc dặc buồn;

    - Cụm từ "dặc dặc buồn" biểu đạt nỗi buồn dai dẳng, không nguôi, cứ kéo dài, kéo dài triền miên.

    Câu 6.

    - Biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu thơ sau:

    Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

    Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

    là: so sánh: nước trong như lọc,

    - Tác dụng:

    + Tạo ấn tượng về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: xanh tươi, đầy sức sống;

    + Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, giàu tính nghệ thuật.

    Câu 7. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích:

    - Trong hai câu cuối, tâm trạng người chinh phụ được biểu đạt qua cụm từ "dặc dặc buồn" và qua lời than trách, hờn oán mình không thể biến thành ngựa, thành thuyền để đồng hành với chồng:

    Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,

    Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền".

    - Như vậy, người vợ nặng trĩu buồn sầu, phiền muộn vì phải chia xa người chồng đầu gối, tay ấp.

    Câu 8. Nội dung đoạn trích:

    Đoạn trích miêu tả cảnh chia tay giữa người chinh phu và người chinh phụ: Người chinh phu lên đường trong tư thế hiên ngang, lẫm liệt; mang trong mình khát vọng lập công danh, đeo ấn phong hầu và ý chí quyết tâm không hề nao núng. Còn người chinh phụ thì trong lòng bao buồn phiền, sầu muộn vì còn trẻ mà phải xa cách chồng, tương lai mờ mịt không biết chồng sống chết ra sao, bao giờ mới gặp lại...

    Qua đó, đoạn trích thể hiện tấm lòng đồng cảm của tác giả đối với cảnh ngộ của chinh phu – chinh phụ; lên tiếng tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đề cao khát vọng hạnh phúc lứa đôi của con người...
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng ba 2023
  2. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    Chào cô Thuỳ Minh. Lúc nãy tôi có thỉnh giáo cô về một chỗ tôi chưa hiểu ý người ra đề trong bài tập này. Ta đang thảo luận thì không hiểu sao tôi không trả lời bình luận được nữa. Sau đây tôi xin vô phép chép lại nơi đây cuộc trao đổi ấy và vài lời dông dài tôi muốn trình bày.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi có hỏi cô Thuỳ Minh rằng:

    Chào bạn Thuỳ Minh. Hôm nay tôi đọc đề văn về tác phẩm "Chinh phụ ngâm" (Link *link*), trong đáp án có ý "Mong chồng kiếm tước hầu để rạng đường công danh, hoạn lộ", và "mong chồng công thành danh toại, được đeo ấn phong hầu". Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn trích nhưng không thấy có ý đấy, chỉ thấy tâm trạng của người chinh phụ "dặc dặc buồn" mà thôi. (Trong trích đoạn, "nhân vật trữ tình" người chinh phụ thậm chí còn không được nêu tên, chỉ được thể hiện qua hành động "đưa chàng" ở những câu cuối). Tôi có sót chỗ nào mong bạn chỉ giúp ạ.

    Cô Thuỳ Minh đã có lòng giải thích rằng:

    Cảm ơn bạn đã đọc bài nha! Đoạn thơ bạn đọc là một đoạn nhỏ trong hơn 400 câu thơ của bản dịch. Bản dịch đầy đủ có nói đến tâm trạng hối hận của người chinh phụ khi khuyên chồng đi đánh giặc:

    Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,

    Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.


    Khi tiếp cận văn bản, giáo viên giới thiệu thêm hoặc yêu cầu HS tìm hiểu.. thì HS sẽ biết và làm bài. Đây là câu hỏi vận dụng mức độ cao để phân loại HS, nên HS chịu tìm tòi cả văn bản mới có thể hiểu, làm được thấu đáo.

    Còn sau đây là lời bình luận mà tôi muốn gửi đến cô giáo nhưng không hiểu sao thử mấy lần vẫn không gửi được. Tôi nghĩ có lẽ vì tôi viết quá dài, nên mạn phép chép cả vào đây ạ.

    Thưa cô (tôi đoán có lẽ cô là cô giáo dậy Văn). Tôi xin được có mấy ý kiến sau:

    1. Căn cứ vào loại hình kiểm tra kỹ năng Đọc hiểu văn bản mà tôi được biết (ví dụ như đề thi THPT của Bộ GD-ĐT cũng như một số đề kiểm tra đánh giá năng lực tuyển sinh của một số trường đại học trong các năm gần đây), các câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh thể hiện năng lực đối với các nội dung bao hàm trong văn bản (đoạn trích). Đơn giản là không thể hỏi những nội dung nằm ngoài phạm vi trình bày của văn bản vì như thế sẽ mâu thuẫn với khái niệm "đọc"- "hiểu" văn bản. Mặt khác, các đề thi hầu như đều ra văn bản ngoài sách giáo khoa, việc tìm tòi nội dung nằm ngoài đoạn trích trong lúc làm bài là bất khả thi.

    2. Thật ra trước khi góp ý, ngoài đọc đoạn trích mà đề bài nêu ra theo đúng tinh thần đọc hiểu, tôi cũng đã đọc lại toàn bộ tác phẩm "Chinh phụ ngâm khúc" bao gồm nguyên bản chữ Hán, bản dịch chữ Nôm cùng chú thích chữ Hán. Tôi cũng chú ý đến hai câu thơ mà cô giáo nhắc đến:

    Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,

    Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.


    a. Trong nguyên bản chữ Hán:

    Hồi thủ trường đê dương liễu sắc

    Hối giao phu tế mịch phong hầu

    Bất thức ly gia thiên lý ngoại

    Quân tâm hữu tự thiếp tâm phù?

    Quân tâm thảng dữ thiếp tâm tự

    Thiếp diệc ư quân hà oán vưu?


    Dịch nghĩa:

    Quay đầu (thấy) màu dương liễu đầu con đê dài

    Hối hận vì để chồng kiếm tước hầu

    Không biết nơi xa nhà nghìn dặm

    Lòng chàng có như lòng thiếp không?

    Nếu lòng chàng giống lòng thiếp

    Thiếp còn oán trách chàng nữa?


    Có thể thấy chinh phụ không hề "khuyên chồng đi đánh giặc", mà ngược lại, nàng không muốn như thế, khác với ý chồng ban đầu, và khi xa nhau, nàng mong chồng nghĩ lại. Ngay từ đầu tác phẩm, nàng đã oán thán "Xanh kia thăm thẳm tầng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?", nhưng đành dằn lòng bởi "Phép công là trọng, niềm tây sá nào", dẫu lòng nàng thì "Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng". Tâm trạng bi ai, đau khổ, nhớ mong rồi thất vọng não nùng của chinh phụ được thể hiện nhất quán xuyên suốt tác phẩm và được khẳng định ngay từ đầu. Như thế thì phù hợp với giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, tố cáo chiến tranh phong kiến triền miên, vô nghĩa, gây ra đau thương, ly tán, đồng thời đề cao khát vọng chính đáng về hạnh phúc gia đình, lứa đôi.

    b. Hai câu:

    Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu

    Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong


    Mang đến một sắc thái tương đối đột ngột trong toàn thể hơn 400 câu thơ của bản dịch thơ.

    Chúng ta thấy rằng thái độ của người vợ với chồng trong hai câu này tương đối chủ động, khác hẳn sự cam chịu, ẩn nhẫn của một hình ảnh người chinh phụ xuất hiện mờ nhạt một cách vô nhân xưng, cố nén nỗi đau khổ khi tiễn biệt chồng và chỉ dám bộc bạch tâm sự khi xa cách. "Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền" nghĩa là sao?

    Quân đăng đồ hề thiếp hận bất như câu

    Quân lâm lưu hề thiếp hận bất như chu

    Thanh thanh hữu lưu thuỷ

    Bất tẩy thiếp tâm sầu

    Thanh thanh hữu phương thảo

    Bất vong thiếp tâm ưu


    Dịch nghĩa:

    Chàng lên đường thiếp hận không bằng con ngựa

    Chàng xuống nước thiếp hận không bằng chiếc thuyền

    Nước chẩy trong trong

    Không rửa được nỗi sầu trong lòng thiếp

    Cỏ thơm xanh xanh

    Không vơi được nỗi lo trong lòng thiếp


    "Thiếp tâm tuỳ quân tự minh nguyệt", tức là nàng chỉ có thể, chỉ dám, chỉ đành lặng lẽ mà gắn bó như cái bóng trăng theo chàng thôi!

    Xin làm bóng theo cùng chàng vậy

    Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên


    Còn chàng thì nào có đoái hoài gì đến thiếp:

    Hướng dương lòng thiếp dường hoa

    Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương

    Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái

    Hoa để vàng vì tại bóng dương


    Nàng hạ mình trước chồng như thế, muốn làm cái bóng dõi theo chồng mà còn chẳng được.

    c. Trong bản chữ Hán "Chinh phụ ngâm khúc" có ba lần nhắc đến hình ảnh "dương liễu". Ngay lần thứ nhất (câu thứ 54, 55) đã cho thấy ý nghĩa của hình ảnh này trong tác phẩm:

    Kỵ xa tương ủng quân lâm tái

    Dương liễu na tri thiếp đoạn trường


    Nghĩa là:

    Ngựa xe sẽ đưa chàng ra biên ải

    Dương liễu đâu hay thiếp đoạn trường!


    Xé gan xé ruột như thế mà nỡ lòng nào "khuyên chồng" ra trận được?

    Hai câu thơ

    Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu

    Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong


    Bản gốc chữ Hán trong tác phẩm là:

    Hồi thủ trường đê dương liễu sắc

    Hối giao phu tế mịch phong hầu


    回首長堤楊柳色

    悔教夫婿覓封侯

    Tác giả "Chinh phụ ngâm" đã cắt gần như nguyên vẹn hai câu cuối của bài "Khuê oán" (Vương Xương Linh), chỉ thay thế địa điểm thành "đầu con đê" đặng khơi gợi lại màu xanh dương liễu buổi tiễn đưa. Tầm chương trích cú là một hiện tượng thường gặp trong văn học cổ - trung đại, thế nhưng ở mỗi ngữ cảnh thì ý nghĩa của câu chữ có thể khác nhau, dù là người chinh phụ (hoặc đúng hơn là tác giả với tư cách chủ thể trữ tình) đồng cảm với tâm sự của người đi trước. Trong bài "Khuê oán" :

    Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

    Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu

    Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

    Hối giao phu tế mịch phong hầu.


    Nghĩa là:

    Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu

    Ngày xuân trang điểm bước lên lầu

    Chợt thấy đầu đường màu dương liễu

    Hối để chồng đi kiếm tước hầu.


    Thì nhân vật thiếu phụ phòng khuê, ngoài nỗi hối hận thoảng qua, có thể nói là đối lập với hình tượng người chinh phụ tiều tuỵ, vò võ, bi thiết từ nội tâm đến ngoại hình. Cho nên tác giả trích hai câu thơ mà dễ gây ngộ nhận, đặc biệt với một số học sinh chưa thấu hiểu được phong cách sáng tác thơ văn cổ - trung đại.

    d. Cuối tác phẩm, chinh phụ đã bày tỏ ước mơ chàng bằng an trở về, vẻ vang như ý chàng muốn, và nàng được hưởng hạnh phúc cùng chàng, nhưng đấy là vì nàng yêu thương, muốn chàng toại nguyện:

    Chàng nương vừng nhật phỉ nguyền

    Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn tròn


    Nàng luôn kính mến, tự hào về đấng trượng phu của mình, lòng thương yêu tôn kính ấy nằm ngoài công danh chức tước:

    Thiếp chẳng dại như người Tô phụ

    Chàng hẳn không như lũ Lạc dương


    (Truyện Tô Tần trong "Chiến quốc sách" kể lúc Tô Tần đi du thuyết thất bại về đến quê nhà thì cả nhà thờ ơ, hắt hủi, vợ đang dệt không thèm ngẩng đầu lên, nhưng đến lúc sang cả thì cả nhà từng người quỵ luỵ, nơm nớp lo sợ ông)

    Những câu cuối tác phẩm thể hiện niềm khát khao cháy bỏng của người chinh phụ. Đó là gì?

    Nguyện châm cửu uấn hề xướng song liên

    Dữ quân chỉnh đốn hề cựu nhân duyên

    Giao cảnh thành song đáo lão thiên

    Thường liễu công danh ly biệt trái

    Tương liên tương thủ thái bình niên

    Thái bình niên nguyện quân chỉ qua trí

    Nhược nhiên thử biệt thiếp hà lệ

    Tương hội chi kỳ tương ký ngôn

    Ta hồ trượng phu đương như thị


    Dịch nghĩa:

    Cầu được rót rượu "cửu uấn", hát kiểu "song liên" (1)

    Cùng chàng sắp lại mối duyên xưa

    Kề cổ thành đôi đến lúc trời già (2)

    Thỏa nợ xa cách công danh

    Cùng bên nhau qua năm tháng thái bình

    Năm tháng thái bình cầu cho chàng treo giáo mác

    Nếu như lần này xa nhau thiếp rơi bao nhiêu nước mắt

    (Thì) sẽ gặp lại, sẽ trao lời:

    Hỡi ôi, đấng trượng phu phải thế.


    (1) một thứ rượu ngon ủ chín lần, một lối hát một lần hai vở

    (2) bên nhau như đôi chim uyên ương mãi mãi

    Những câu thơ tôi đã trình bày trên đây, cũng như nhiều câu khác mà tôi không có thời gian phân tích trong toàn bộ chỉnh thể tác phẩm có thể "minh oan" cho nàng thiếu phụ, rằng nàng không hề "xui" chồng ra trận.
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười hai 2023
  3. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    Xin lỗi, máy tính tôi có trục trặc, tôi đăng bài bị trùng
     
    Nguyễn Ngọc NguyênTiên Nhi thích bài này.
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Xin chào bạn! Đọc bình luận đoán chắc bạn là người rất hiểu về Hán văn. Mình thì không biết nhiều về tiếng Hán, tiếng Hán Việt cũng không hiểu nghĩa được tất cả. Nên tiếp cận văn bản chủ yếu ở bản dịch Nôm (thậm chí bản dịch Nôm cũng có nhiều từ cổ khó hiểu) và tài liệu tham khảo. Có lẽ mình đã đọc một tài liệu nào đó chưa chính thống chăng, mình sẽ tìm hiểu lại và điều chỉnh.

    Cảm ơn bạn đã giúp mình hiểu hơn về văn bản.

    Từ cách bạn giải thích "Đau thiết thiệt van" đã ngưỡng mộ sự hiểu biết của bạn lắm lắm. Sau này xin tiếp tục được thỉnh giáo ạ!

    Mình đang tìm hiểu về thơ Nôm Nguyễn Trãi mà thấy khó khăn trong tiếp cận văn bản quá, tài liệu thì không có.

    Ví dụ bài Thuật hứng số 9 này:

    Ở thế nhiều phen thấy khóc cười,

    Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.

    Lòng người một sự yêm chưng một,

    Đèn khách mười thu lạnh hết mười.

    Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng,

    Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.

    Ai ai đều có hai con mắt,

    Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.

    Câu 3, 4, 7, 8 thực sự mình không hiểu được rõ nghĩa.

    Tiện ghi lên biết đâu gom lượm được chút gì quý báu! @thaihuyen99
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng hai 2023
  5. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    Trước hết xin cám ơn các anh chị, các bạn, cô Thuỳ Minh đã ủng hộ tôi.

    Tôi không dám nhận mình hiểu chữ nghĩa, dù là thứ chữ nào cô ạ. Tôi là một đứa học trò thuộc hàng dốt nhất của các thầy cô, vừa ham chơi lại rất mau quên. Khi phân tích thơ văn thì ai cũng tiếp cận bản dịch có bình chú, hưởng thành quả của những bậc thầy đi trước. Như trong bài phân tích "Chinh phụ ngâm khúc" trên đây, tôi dựa phần nhiều vào bản dịch thơ, một số chỗ dùng bản chữ Hán vì dễ trình bày hơn, nhưng những chỗ đó hoàn toàn có thể dùng bản dịch Nôm thay thế. Đọc một câu nào, tôi chỉ biết cố gắng nghiền ngẫm nhiều lần để hiểu ra ý nghĩa.

    Về bài thơ Tự thuật số 9 của Nguyễn Trãi mà cô Thuỳ Minh hỏi.

    Ở thế nhiều phen thấy khóc cười

    Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi

    Lòng người một sự yêm chưng một

    Đèn khách mười thu lạnh hết mười

    Phượng những tiếc cao diều hãy liệng

    Hoa thì hay héo cỏ thường tươi

    Ai ai đều có hai con mắt

    Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.

    Đây là một bài thơ ít ỏi cho thấy rõ tuổi của tác giả, từ đó cho phép xác định năm sáng tác. Đi kèm với điều thuận lợi ấy là một vấn đề về văn học - sử học. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, thế thì bài này được viết vào quãng năm 1420, và thể hiện giọng điệu của một người quá mệt mỏi, thất vọng vì thời cuộc, lý tưởng và định hướng trong đời dường như mờ nhạt đi. Đây là những điều góp phần khẳng định rằng Nguyễn Trãi sẽ gặp vị minh chủ là Lê Lợi tại Lỗi giang sau đấy (bên cạnh một số thư tịch khác). Vấn đề nằm ở chỗ quãng thời gian "mười năm" lưu lạc (được chính Nguyễn Trãi thường nhắc đến) và đặc biệt là hành trạng của ông sau khi trở về, trong thời kỳ "quá độ" trước Lỗi giang dâng sách Bình Ngô vẫn còn chưa được xác quyết. Có thể nói đó là một vấn đề tương đối "nhậy cảm", dù nó rất cần thiết cho việc thấu hiểu bài thơ này nói riêng và những tác phẩm khác trong cùng thời kỳ sáng tác của ông. Rất cần ý kiến của những bậc thầy về vấn đề này, chứ Mộng Huyền tôi không đủ kiến thức, mà cũng không có tư cách lạm bàn cô ạ. Tôi chỉ dám trộm thưa một vài điểm sau, không biết có chính đáng hay không.

    Ý nghĩa câu 3, câu 4 chỉ có thể phỏng đoán, và mỗi người có thể có cách diễn giải khác nhau. Chữ "chưng" tức là "ở chỗ", chữ "yêm" 厭 hầu như mọi người đều dịch là "chán ghét". Tôi có cách nghĩ khác nhưng không tiện nói ra.

    Hai câu luận là tiêu biểu và thường được trích dẫn nhất trong bài thơ này. Câu 5 lấy ý từ "Điếu Khuất Nguyên phú" do Giả Nghị đời Tây Hán soạn. Song tôi vụng nghĩ căn cơ của hình ảnh phượng hoàng này có lẽ sâu sắc hơn, xin mời cô tham khảo các tác phẩm của Khuất Nguyên và thiên Khổng tử thế gia trong Sử ký của Tư mã Thiên.

    Hai câu kết ví lại sự thuyết về nhân vật Nguyễn Tịch, người nước Nguỵ thời Tam quốc, cùng thời với Kê Khang, thích ai thì nhìn người ấy bằng mắt xanh, không ưa ai thì nhìn bằng mắt trắng, xin tham khảo Tấn thư.

    Tôi đồng ý với nhiều bạn rằng, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, đặc biệt là thơ Nôm còn nhiều chỗ khó cần nghiên cứu. Đó là lý do mà số bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi được chọn dậy trong chương trình phổ thông trước nay rất có giới hạn. Đối với chương trình mới, trường tôi chọn bộ Cánh diều, chỉ thấy cho học bài Bảo kính cảnh giới số 43, tương đối rõ ràng về tư tưởng và phong cách.
     
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Làm khó bạn rồi, chắc bạn phải tìm hiểu lung lắm! Cảm ơn bạn. Đọc hiểu thơ văn trung đại quả không dễ dàng gì.
     
  7. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    Vì thế tôi ngày càng trân trọng và khâm phục công phu, tâm huyết, tài năng của các thầy giáo, cô giáo đã cống hiến cho các thế hệ học sinh, đúng như câu ngạn ngữ Palextin đã nói đại ý rằng: Người thầy như ngọn nến đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian. Tôi đã có may mắn được thụ giáo những nhân cách lớn, những tấm gương trau dồi về cả thái độ và kiến thức của người thầy.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...