Đọc hiểu: Con Chim Quên Tiếng Hót, Nguyễn Quang Sáng Đọc văn bản sau: Bà nội tôi là kho chuyện đời xưa, mỗi đêm một chuyện cho đàn cháu nội, cháu ngoại, lũ nhỏ vây quanh bà trên bộ ván ngựa gỗ giữa nhà trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu. Chuyện này không phải là chuyện đời xưa. Chuyện của nhà mình nhưng lúc đó bà còn trẻ, tụi con chưa có, vậy cũng là chuyện đời xưa phải không? Đêm ấy, bà kể: Ông tôi có nuôi một con nhồng. Con nhồng đẹp lạ lắm. Nó như một cô công chúa khoác chiếc áo choàng đen, ấy là bộ lông mượt mà của nó, từ mí mắt kéo đến cổ nó là một đường vàng hình lưỡi câu. Viền quanh cổ là một đường mầu trắng, như công chúa quấn qua cổ chiếc khăn bằng lông cừu, mỏ vàng và đôi chân cũng vàng. Ông tôi vốn là một thợ mộc, cho nên cái lồng của nó như một cái lâu đài. Con nhồng lúc nào cũng vui tươi, nhảy nhót trong chiếc lồng lộng lẫy treo trước hiên nhà. Vừa đẹp, lại vừa biết nói, nó là niềm vui của cả xóm, không chỉ cho trẻ con mà cho cả người lớn. Thấy có người thoáng qua, nó cất tiếng: "Chào khách". Khi người dừng lại trước mặt nó, nó hỏi: "Khỏe không". Ai hỏi gì thì nó dạ. Nó bắt chước giọng ông, nó gọi bà: "Em ơi, em". Nó bắt chước giọng bà, nó gọi ông: "Anh ơi, anh". Trong nhà đang nói chuyện, bỗng chợt nghe tiếng cười, nó cười: "Khậc khậc" y như giọng cười của ông. Thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: "Thôi, thôi thôi" nghe như lời can gián thiết tha của một cô gái. - Khách! - Ngồi trong nhà nghe nó nói, biết là có khách sắp vào nhà. Người lớn hay trẻ nhỏ hàng xóm, mỗi lần đến chơi với nó cũng cho nó một trái ớt. Thò mỏ gắp trái ớt, nó mừng nó nhảy. Trong nhà ai cũng dạy nó tiếng nói lịch sự, lễ phép. Nhưng hình như bấy nhiêu tiếng đó, nghe hoài cũng nhàm, bớt vui. Chẳng biết đứa nhỏ nào cắc cớ dạy thêm cho nó vài tiếng chửi cục cằn: "Đồ đểu, cút, cút đi". Ngày đầu, nghe những tiếng lạ lùng đó, bọn nhỏ vỗ tay và nó được nhiều ớt hơn mọi ngày. Nhỏ vui đã đành, người lớn cũng vui... nghe nó chưởi "đồ đểu" người nghe không nghĩ là mình đểu nên chẳng ai giận, nghe nó bảo "cút, cút" người ta không cút mà cười và lại thưởng cho nó ớt ngon hơn, nhiều hơn. Nó nói riết thành quen không ai để ý nó quên tiếng hót từ lúc nào. Bỗng một hôm có một chiếc xe hơi đậu lại trước nhà. Quan huyện từ trong xe bước ra. Một người to lớn bệ vệ trong bộ đồ tây trắng, cà vạt đỏ, giày đen. Quan huyện đến để đặt ông đóng nhái bộ salon thời Louis. Đã là quan thì phải oai quyền, trước mặt ai không chào không hỏi. Quan huyện vào tới cửa thì con nhồng cất tiếng: - Đồ đểu! Quan huyện giật mình: - Đồ đểu! Đồ đểu! Thấy quan huyện không thưởng cho nó trái ớt, nó lại cất tiếng: - Đồ đểu! Đồ đểu! Quan huyện trợn tròn hai con mắt. Ông tôi thấy vậy sợ điếng, vội cúi rạp mình rước quan vào. Ông liếc nhìn bà. Hiểu ý ông, bà rối rít mời quan ngồi, rót nước mời quan uống. Đang chào đang hỏi khách, bà bỗng nghe bên ngoài có tiếng đánh "bốp" một cái. Bà bước ra, bà thấy con chim bị ông đập vào cây cột, nát đầu. Trên thân cột còn một đốm máu bê bết, còn con nhồng thì nằm dưới đất như một miếng giẻ rách đen. Chẳng biết ông sợ hay ông giận, bà chỉ nghe ông lẩm bẩm: - Không! Nó bảo "cút đi" thì nhà này chỉ có chết. Thương con nhồng, bà tôi quỳ xuống trước cái xác của nó. Chẳng biết lúc ấy bà tôi đau đớn thế nào, bây giờ trong ánh đèn dầu, tôi thấy hai giọt nước mắt của bà. Và sau câu chuyện bao giờ bà cũng rút lời răn dạy: - Cho nên, biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác, chết oan đó, các con! (Con Chim Quên Tiếng Hót, Nguyễn Quang Sáng, nguồn: Con Chim Quên Tiếng Hót - Nguyễn Quang Sáng) Trả lời câu hỏi: Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên. Đặc điểm nào của văn bản giúp em nhận diện được thể loại đó? Câu 2: Truyện được kể bằng ngôi kể thứ mấy? Câu 3: Nhân vật chính của câu chuyện là nhân vật nào? Câu 4: Tìm những chi tiết miêu tả vẻ đẹp của con nhồng. Mọi người dành tình cảm cho nó như thế nào? Câu 5: Theo em, vì sao con nhồng lại quên tiếng hót? Câu 6: Theo em, có nên lược bỏ chi tiết: Chẳng biết đứa nhỏ nào cắc cớ dạy thêm cho nó vài tiếng chửi cục cằn: "Đồ đểu, cút, cút đi" không? Vì sao? Câu 7: Em có đồng tình với câu nói của người bà: biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác không? Vì sao? Câu 8: Theo em, ý nghĩa khuyên răn của câu chuyện trên là gì? Gợi ý đọc hiểu: Câu 1: Thể loại của văn bản trên: Truyện ngắn. Đặc điểm nhận diện: Truyện có nhân vật, có cốt truyện 3 phần: Mở đầu, biến cố, cao trào, kết thúc; truyện mang thông điệp sâu sắc về cách ứng xử trong cuộc sống; Nhân vật trong truyện không nhiều, không gian thời gian hẹp, biến cố không liên tiếp, chống chéo.. (khác với tiểu thuyết). Câu 2: Truyện được kể bằng ngôi kể thứ nhất: Người kể chuyện xưng tôi (tôi là cháu của người bà). Câu 3: Nhân vật chính của câu chuyện là con nhồng - câu chuyện xoay quanh những biến cố liên quan đến cuộc đời con nhồng. Từ câu chuyện của con nhồng, tác giả gửi gắm thông điệp cuộc sống. Câu 4: - Những chi tiết miêu tả vẻ đẹp của con nhồng: Con nhồng đẹp lạ lắm. Nó như một cô công chúa khoác chiếc áo choàng đen, ấy là bộ lông mượt mà của nó, từ mí mắt kéo đến cổ nó là một đường vàng hình lưỡi câu. Viền quanh cổ là một đường mầu trắng, như công chúa quấn qua cổ chiếc khăn bằng lông cừu, mỏ vàng và đôi chân cũng vàng. Con nhồng lúc nào cũng vui tươi, nhảy nhót trong chiếc lồng lộng lẫy treo trước hiên nhà. - Mọi người đều yêu quý nó, vì nó đẹp, lại biết hót, biết nói tiếng người. Câu 5: Con nhồng lại quên tiếng hót vì con nhồng được lũ trẻ dạy mấy câu chửi cục cằn, nó nói riết thành quen. Khi nghe những câu lạ lẫm ấy, mọi người còn vui vẻ, cổ xúy cho nó, thưởng ớt cho nó. Được thưởng ớt nên nó chỉ thích nói mấy câu cục cằn ấy, quên đi tiếng hót và những lời lịch sự. Câu 6: Không nên lược bỏ chi tiết: Chẳng biết đứa nhỏ nào cắc cớ dạy thêm cho nó vài tiếng chửi cục cằn: "Đồ đểu, cút, cút đi" . - Lí giải: + Nếu lược bỏ chi tiết này, thì không có cơ sở để kể những chi tiết phía sau: Con vẹt quên tiếng hót, nhại lại những lời cục cằn ngay cả khi quan huyện đến nhà để rồi phải chết. Vì thế, câu chuyện sẽ mất đi ý nghĩa sâu sắc từ lời khuyên của người bà. + Lược bỏ chi tiết này sẽ làm mất đi sự hấp dẫn, lôi cuốn của câu chuyện, không thể để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Câu 7: Em đồng tình với câu nói của người bà: biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác . Vì bản thân không hiểu bản chất vấn đề mà nói theo lời người khác sẽ dẫn đến những hậu quả như: Nói không đúng hoàn cảnh, không đúng đối tượng, không đúng điều cần nói sẽ không đạt được hiệu quả giao tiếp; gây phiền phức cho người khác (như khi nói xấu về họ mà không biết sự thật) ; từ đó gây phiền phức cho chính mình; khiến bản thân trở thành người xấu xí, nhiều chuyện.. Nếu quen nói theo lời người khác, bản thân không chịu rèn luyện tư duy, dẫn đến lạc hậu hoặc đánh mất mình.. Câu 8: Ý nghĩa khuyên răn của câu chuyện trên: Câu chuyện khuyên mọi người không nên nói theo lời người khác; không nên đánh mất mình; không nên cổ xúy cho cái xấu.