Đọc hiểu: Có một ngày bố mẹ sẽ già đi: Giống như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 12 Tháng sáu 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu văn bản là một trong số những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện thường xuyên của người học sinh. Để đọc hiểu được văn bản, không chỉ là văn bản được hướng dẫn dưới sự định hướng của giáo viên mà còn là văn bản ngoài sách giáo khoa, người học phải vận dụng tất cả các kiến thức của ba phân môn: Văn học, tiếng Việt, làm văn trên nhiều phương diện như: Thể loại văn học, thể thơ, các yếu tố thuộc về hình thức, nội dung văn bản; phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, biện pháp tu từ..

    Sau đây là một số bài đọc hiểu về đoạn trích dẫn trong cuốn Có một ngày bố mẹ sẽ già đi (nhiều tác giả) nhằm luyện tập kĩ năng đọc hiểu cho các bạn học sinh:

    Đọc hiểu: Có một ngày bố mẹ sẽ già đi

    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1

    Đọc đoạn trích sau:

    Giống như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời, vào những ngày trời quang nắng đẹp, bạn cảm thấy ấm áp và dễ chịu, nó như một thứ đương nhiên nên có, hưởng thụ sự tốt đẹp nó mang lại đã trở thành thói quen của bạn. Nhưng nếu một ngày, có người nói với bạn mặt trời sẽ không mọc nữa, bạn cảm thấy thế nào? Có lẽ phần lớn mọi người đều cảm thấy sợ hãi và luống cuống.

    Bố mẹ cũng giống như mặt trời, luôn lặng lẽ ở sau lưng, cho bạn chỗ dựa và sự ấm áp, nhưng nếu một ngày bố mẹ không còn ở đấy nữa, cảm giác an toàn quen thuộc cũng lập tức biến mất, bấy giờ muốn tìm lại, sợ rằng đã quá muộn.

    Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu, đấy chẳng phải chuyện khó khăn. Chỉ là chúng ta có nghĩ đến điều này hay không mà thôi.

    (Có một ngày bố mẹ sẽ già đi, nhiều tác giả, Losedow dịch)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã so sánh bố mẹ với hình ảnh nào? Bố mẹ đã cho chúng ta những điều tốt đẹp gì?

    Câu 3. Nêu tác dụng của hình ảnh so sánh mà anh/chị xác định trong câu 2.

    Câu 4. Lời khuyên: "Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu.." có ý nghĩa như thế nào với anh/chị?

    Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Hình thành thói quen thể hiện cảm xúc với cha mẹ như thế nào?

    [​IMG]

    Định hướng làm bài:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Phương thức nghị luận.

    Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã so sánh bố mẹ với hình ảnh mặt trời. Bố mẹ đã cho chúng ta chỗ dựa, sự ấm áp, cảm giác an toàn.

    Câu 3.

    Hình ảnh so sánh: Mặt trời (Bố mẹ cũng giống như mặt trời ).

    Tác dụng: Nhấn mạnh những điều tốt đẹp lớn lao mà bố mẹ cho chúng ta: Chỗ dựa, sự ấm áp.. ; nhấn mạnh ý mà tác giả muốn biểu đạt: Nếu mặt trời không mọc nữa thì những điều tốt đẹp kia cũng không còn và bạn sẽ thấy sợ hãi và luống cuống.

    Làm cho câu văn sinh động, giàu hình ảnh.

    Câu 4. Lời khuyên: "Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu.." có ý nghĩa nhắc nhở bản thân em và mọi người hãy quan tâm nhiều hơn đến cha mẹ, thể hiện sự quan tâm ấy bằng hành động, lời nói chứ không phải chỉ là suy nghĩ, càng không nên viện lí do để trì hoãn việc bộc lộ tình cảm với cha mẹ. Vì cha mẹ một ngày nào đó cũng sẽ già đi và không ở với chúng ta mãi, chúng ta cần phải trân trọng những ngày tháng còn có cha mẹ bên cạnh.

    Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Hình thành thói quen thể hiện cảm xúc với cha mẹ như thế nào?

    Bạn có đang cảm thấy khó khăn khi nói câu "Con yêu bố mẹ"? Có cảm thấy ngại ngùng khi mua tặng bố hoặc mẹ món quà gì đó nhân ngày lễ, hoặc lúng túng, do dự không có cả đến cái can đảm ôm bố mẹ một cái? Nếu bạn rơi vào các tình huống đó, có nghĩa là bạn không tạo được cho mình thói quen bộc lộ cảm xúc với cha mẹ. Khi đã không có thói quen, thì làm việc gì cũng e ngại, sợ rườm rà.. Điều này là không nên. Để tạo sự gắn kết cha mẹ với con cái, mỗi chúng ta cần hình thành thói quen thể hiện tình cảm với cha mẹ mình. Tập thói quen này như thế nào? Trước hết, cha mẹ phải là người tạo cho con có được các thói quen này ngay từ khi các con còn nhỏ, và phải nuôi dưỡng chúng thường xuyên, đừng để chúng biến mất. Muốn vậy, cha mẹ cũng phải có thói quen thể hiện tình cảm với con cái, coi con cái như bạn bè để tâm sự, chia sẻ, gần gũi. Cuộc sống có bộn bề thế nào, cũng không được đẩy các con dần xa mình. Thứ hai, về phía con cái, đừng có suy nghĩ mình lớn rồi, cha mẹ hiểu mình rồi thì không cần bộc lộ cảm xúc, không cần một cái ôm, một câu hỏi han.. đến cha mẹ, cần luôn có ý thức nuôi dưỡng thói quen bộc lộ cảm xúc một cách tư nhiên thời thơ ấu. Lỡ có đánh mất thói quen thì cố gắng hình thành lại. Ban đầu có thể ngài ngùng, nhưng tất cả rồi sẽ quen. Bộc lộ bằng ngôn ngữ có khó khăn thì dùng hành động, việc làm. Không thể thể hiện trực tiếp bằng lời nói thì dùng thư viết, tin nhắn..

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để like bài, đọc nội dung ẩn nhé

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới: Đề ôn tập số 2
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười 2023
  2. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2

    Đọc đoạn trích sau:

    Giống như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời, vào những ngày trời quang nắng đẹp, bạn cảm thấy ấm áp và dễ chịu, nó như một thứ đương nhiên nên có, hưởng thụ sự tốt đẹp nó mang lại đã trở thành thói quen của bạn. Nhưng nếu một ngày, có người nói với bạn mặt trời sẽ không mọc nữa, bạn cảm thấy thế nào? Có lẽ phần lớn mọi người đều cảm thấy sợ hãi và luống cuống.

    Bố mẹ cũng giống như mặt trời, luôn lặng lẽ ở sau lưng, cho bạn chỗ dựa và sự ấm áp, nhưng nếu một ngày bố mẹ không còn ở đấy nữa, cảm giác an toàn quen thuộc cũng lập tức biến mất, bấy giờ muốn tìm lại, sợ rằng đã quá muộn.

    Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu, đấy chẳng phải chuyện khó khăn. Chỉ là chúng ta có nghĩ đến điều này hay không mà thôi.

    (Có một ngày bố mẹ sẽ già đi, nhiều tác giả, Losedow dịch)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, mỗi ngày nhìn thấy ánh mặt trời, lúc đó mỗi chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào?

    Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Bố mẹ chúng ta cũng giống như mặt trời..

    Câu 4. Từ lời khuyên của tác giả: Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu.. hãy viết một đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về sự quan tâm và tình cảm mà con cái dành cho bố mẹ.

    Định hướng làm bài:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Phương thức nghị luận.

    Câu 2. Theo tác giả, mỗi ngày nhìn thấy ánh mặt trời, lúc đó mỗi chúng ta sẽ cảm thấy: Ấm áp và dễ chịu.

    Câu 3. Trong câu: Bố mẹ chúng ta cũng giống như mặt trời..

    - Biện pháp nghệ thuật so sánh: Bố mẹ giống như mặt trời (Từ so sánh: giống như – so sánh ngang bằng).

    - Tác dụng:

    + So sánh bố mẹ như mặt trời, tác giả muốn nhấn mạnh: Những điều tốt đẹp mà cha mẹ mang đến cho chúng ta quen thuộc, hiển nhiên như mặt trời cho ánh sáng và nắng ấm vậy. Từ đó khẳng định tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái..

    + Biện pháp so sánh khiến cho lời văn giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn.

    Câu 4. Từ lời khuyên của tác giả: Vậy nên đừng tìm lí do, dù bận rộn đến mấy, mệt mỏi thế nào, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han đôi câu.. hãy viết một đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng trình bày suy nghĩ của em về sự quan tâm và tình cảm mà con cái dành cho bố mẹ.

    "Thương cha xuôi ngược giữa dòng – Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con". Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dành cho con cái là vô cùng vô tận. Phận làm con cũng cần báo đáp công ơn trời bể ấy bằng sự quan tâm, chăm sóc ân cần. Không khó để chúng ta bộc lộ tình cảm, sự quan tâm đến cha mẹ của mình. Một vài lời hỏi han khi cha mẹ ốm mệt còn có ý nghĩa hơn cả liều thuốc trị bệnh. Một vài việc làm nhỏ nhặt giúp đỡ cha mẹ bớt bận rộn có ý nghĩa hơn cả bạc tiền. Một cái ôm yêu thương dành cho cha mẹ còn ấm áp hơn bếp sưởi mùa đông. Một câu nói "Con yêu bố mẹ!" có sức mạnh gắn kết, lan tỏa tình thân kì diệu hơn bất cứ phép màu nào.. Trái tim yêu kính, thấu hiểu của người con sẽ luôn mách lối cho con muôn vàn cách thức để thể hiện tình cảm, sự quan tâm dành cho cha mẹ. Vậy nhưng, vẫn có những người con bạc đãi cha mẹ, thậm chí đánh đập cha mẹ, thật đau lòng. Đạo hiếu là đạo làm người căn bản, từ đạo hiếu, con người mới có thể bồi đắp những tình cảm cao đẹp khác. Đừng vì lí do bận rộn hay xa xôi mà không quan tâm thường xuyên đến cha mẹ. Thử hỏi mỗi năm, bạn gặp cha mẹ một lần, thì số lần gặp cha mẹ còn lại là bao nhiêu? Có ai giật mình khi nghĩ đến con số 30 – 20, thậm chí 10 lần hoặc ít hơn? Cha mẹ không thể sống mãi, vì vậy hãy quan tâm, yêu thương cha mẹ khi còn có thể.

    (Các câu hỏi trong đề số 2 dẫn từ đề thi tuyển sinh THPT tỉnh Bình Định năm 2022. Phần định hướng làm bài chỉ mang tính chất tham khảo, chưa phải đáp án chính thức).
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng sáu 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...