Đọc hiểu Chợ tình khau vai, phân tích tình cảnh khốn khổ của anh phu xe trong Một cơn giận (Văn 11)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 4 Tháng hai 2025.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    208
    I. ĐỌC HIỂU (5 điểm)

    Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu sau:


    (1) Chợ tình Khau Vai thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

    (2) Mới 3 giờ chiều ngày 26/3 (âm lịch), phiên chợ Khau Vai nằm trong làng người Nùng, trong một thung lũng khá rộng và bằng phẳng đã chật người. Đủ màu sắc phục trang của các dân tộc H'Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng.. khiến cả phiên chợ cứ rực lên như rừng hoa chuối. Các cô gái, chàng trai thậm chí cả người già, người trung tuổi ai nấy đều không giấu nổi được nét rạo rực, bồn chồn trên khuôn mặt, trong bộ quần áo mới phẳng phiu, có lẽ đã được dành cất cả năm đến phiên chợ trọng đại này mới đem ra dùng.

    (3) Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của những cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa, đã "xôi đùm, ngô nắm" lên yên ngựa hoặc thong thả theo đường núi cho kịp chợ tình trong tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt suốt ngày đêm không tắt trên các triền núi xa xa dẫn đến Khau Vai ngày chợ.

    (4) Cuộc sống ở vùng cao thường rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ vui như trảy hội. Thậm chí có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui..

    (5) Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện các cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và.. uống rượu. Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, có thể đằng đẵng, đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa, họ sẽ dắt tay nhau ra ngọn núi phía xa kia để lự tình thâu đêm đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình.

    (6) Những người già nhất xã Khau Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khau Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi. Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai H'Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải rời xa nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thể nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc H'Mông nhưng sau đó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ Khau Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.

    (7) Phiên chợ tình Khau Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chi có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa. Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khau Vai hẳn sẽ không quên được những phút giây đầy thi vị này.

    (Nguồn: Theo Lễ hội văn hóa và du lịch Việt Nam, NXB Lao Động, 2009, tr. 131-133)​

    Câu 1. Xác định mục đích chính của văn bản.

    Câu 2. Hãy chỉ ra các chi tiết miêu tả chợ tình Khau Vai.

    Câu 3. Nhận xét về bố cục của văn bản.

    Câu 4. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết được thể hiện trong đoạn văn bản trên.

    Câu 5. Sau khi đọc văn bản trên anh/chị suy nghĩ như thế nào về vai trò của Chợ tình Khau Vai đối với đời sống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá?

    II. VIẾT (5, 0 điểm)

    Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.

    Câu 2: Viết bài văn phân tích tình cảnh khốn khổ của anh phu xe trong đoạn trích sau:

    [​IMG]

    Một cơn giận

    (Trích)

    - Thạch Lam* -​

    (Tóm tắt phần trước: Thanh cùng những người bạn trò chuyện về những cơn giận và hậu quả của nó. Thanh cũng kể câu chuyện làm cho anh ân hận mãi. Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe. Sau hôm đó, cơn giận của anh cũng đã hết nhưng trong lòng lại dâng lên nỗi day dứt, kéo dài đến mấy ngày sau. Chính vì thế Thanh đã đi tìm đến nhà của người kéo xe đó)

    Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè lẻ, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. [..]

    Người phu xe Dư ở trong ấy. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà sẽ hỏi:

    - Bẩm thầy muốn gì?

    Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mặt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

    - Bác Dư có nhà không?

    - Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

    Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

    - Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

    Bà cụ nhìn tối nghĩ ngợi một lát rồi nói:

    - Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

    Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói.

    - Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai đề rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

    Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

    - Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

    - Thế bây giờ bác ta đâu?

    Bà cụ trả lời:

    - Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

    Tôi yên lặng.

    Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

    - Tội nghiệp cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không.

    Tôi đứng lại gần xem.

    - Cháu nó sài** đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

    Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc.

    Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực. I.. J

    - Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến tận bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi.

    (Trích Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2020, tr. 59 - 62)​

    Chú thích:

    (*) Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Lân - thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân.

    (**) sài: Tên gọi chung các bệnh nội khoa lâu khỏi ở trẻ em.

    GỢI Ý

    I. ĐỌC HIỂU


    Câu 1.

    Mục đích chính: Giới thiệu về chợ tình Khau Vai - phiên chợ tình độc đáo, thi vị của người dân tộc.

    Câu 2. Các chi tiết miêu tả chợ tình Khau Vai:

    - Đủ màu sắc phục trang của các dân tộc H'Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng.. khiến cả phiên chợ cứ rực lên như rừng hoa chuối.

    - Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của những cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ.

    - Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện các cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và.. uống rượu.

    - Phiên chợ tình Khau Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chi có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa.

    Câu 3. Nhận xét về bố cục của văn bản.

    Bố cục :3 phần

    - Phần 1 (Đoạn 1) : Giới thiệu khái quát về chợ tình Khau Vai

    - Phần 2 (Đoạn 2, 3, 4, 5) : Không khí tưng bừng, nhộn nhịp và diễn biến của phiên chợ tình

    - Phần 3 (Đoạn 6) : Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ

    - Phần 4 (Đoạn 7) : Nêu cảm nghĩ của người viết về phiên chợ

    Nhận xét:

    Câu 4. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết được thể hiện trong đoạn văn bản trên.

    Đặc điểm của ngôn ngữ viết:

    • Chỉ sử dụng một phương tiện biểu đạt là chữ viết - phương tiện ngôn ngữ
    • Sử dụng từ ngữ phổ thông. Trau chuốt, hoàn chỉnh về chữ và về nghĩa
    • Diễn đạt súc tích, trong sáng, tường minh, trọng tâm. Ít sử dụng câu đặc biệt, câu rút gọn
    • Văn bản có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc

    Câu 5. Sau khi đọc văn bản trên anh/chị suy nghĩ như thế nào về vai trò của Chợ tình Khau Vai đối với đời sống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá?

    Chợ tình Khau Vai là nét vẽ sống động góp phần khắc họa chân dung đời sống tâm linh và đời sống tinh thần phong phú, phóng khoáng, ấm áp của cộng đồng dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá. Chợ tình là phiên chợ hẹn hò, giúp mọi người tìm kiếm tình yêu, giúp các cặp đôi hâm nóng tình cảm, giúp cuộc sống thêm vui tươi, thú vị. Phiên chợ cũng là một nét văn hóa độc đáo giúp người dân tộc thể hiện bản sắc của họ và thu hút khách du lịch ghé thăm.

    II. VIẾT (5, 0 điểm)

    Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.

    Dàn ý:

    1. Mở đoạn: Trong thời đại hội nhập và phát triển, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm hay chính là tinh thần hợp tác chính là yêu cầu hàng đầu đối với một công dân toàn cầu.

    2. Thân đoạn:

    - Giải thích:

    • Hợp tác là quá trình con người cùng nhau trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau phát triển. Đó là sự kết hợp của nhiều người, nhiều ý tưởng, nhiều kỹ năng để hoàn thành một mục tiêu chung. Tinh thần hợp tác là sự chủ động, trách nhiệm khi làm việc với người khác, biết cân bằng lợi ích cá nhân để hướng đến lợi ích tập thể

    - Bàn luận

    • Tinh thần hợp tác giúp một người dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, nắm bắt được tiến độ làm nhóm, thấy được ưu nhược điểm của nhóm mình để đưa ra quan điểm, ý kiến có tính đóng góp, xây dựng phù hợp để phát triển nhóm

    Ví dụ: Khi tham gia vào một buổi học, thái độ hợp tác, lắng nghe, chăm chú giao lưu, phát biểu xây dựng bài sẽ giúp người học tiếp thu được nhiều kiến thức hơn, giúp buổi học diễn ra suôn sẻ, hiệu quả

    • Giúp tăng hiệu suất công việc, tăng sức mạnh, nội lực của tập thể khi đối mặt với khó khăn

    Dẫn chứng: Trong trận bão Yagi khắc nghiệt vừa qua, nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sự đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; cán bộ, chiến sĩ đã cùng chính quyền, nhân dân địa phương giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra và nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống nhân dân.

    • Khi hợp tác thì con người phải lắng nghe, thấu hiểu nhau -> Giúp gắn kết các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng

    - Mở rộng

    • Tinh thần hợp tác phải xuất phát từ sự tự nguyện, bình đẳng giữa các bên và chỉ có giá trị khi hướng đến mục đích cao đẹp
    • Không được nhầm lẫn thái độ hợp tác tốt với sự hùa theo đám đông, gió chiều nào theo chiều ấy. Thậm chí có người còn cho rằng, có thái độ hợp tác chính là sẵn sàng nhận việc về phần mình cho dù bản thân không có điều kiện thực hiện. Mục đích của hợp tác là để công việc được giải quyết hiệu quả nhưng khi chúng ta cứ ôm lấy quá nhiều vấn đề lại có thể dẫn tới thất bại không đáng có.

    3. Kết đoạn: Bài học

    • Để có thái độ hợp tác tốt với mọi người, chúng ta cần lắng nghe ý kiến của người khác, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong học tập và làm việc, biết đặt niềm tin đúng người, đúng chỗ; sẵn sàng góp ý trên tinh thần thân ái và xây dựng.
    • Trang bị những kỹ năng thiết thực như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình/nói trước đám đông, vốn ngoại ngữ phong phú linh hoạt
    • Biết công tư phân mình, trách nhiệm, không chây ì hay thiếu chuyên nghiệp, để việc cá nhân ảnh hưởng đến tiến độ của tập thể khi làm việc nhóm

    Câu 2:

    Dàn ý

    1. Mở bài:

    - Nêu một lý luận văn học về nhân vật, ví dụ: Nhà văn Tô Hoài đã từng nói rằng: "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác". Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của đứa con tinh thần mà nhà văn sáng tạo ra. Ở mỗi tác phẩm văn học, các nhà văn luôn dùng ngòi bút tài năng của mình để thổi hồn vào những nhân vật một cách độc đáo và tinh tế nhất.

    - Khái quát vấn đề nghị luận: Và trong truyện ngắn "Một cơn giận", nhân vật anh phu xe với tình cảnh khốn khổ đã góp phần khắc họa thế giới quan của nhà văn Thạch Lam.

    2. Thân bài:

    2.1. Dẫn dắt bằng một đoạn khát quát

    Ví dụ:

    - Khái quát về tác giả:

    • Là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn. (công lao lớn trong việc giúp nền văn học nước nhà những năm 30-45 được nở rộ)
    • Hội tụ đầy đủ yếu tố của một cây bút lãng mạn nhưng lại có khuynh hướng hiện thực
    • Các tác phẩm của ông luôn thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân

    - Hoặc khái quát về người nông dân giai đoạn 1930-1945

    • Giai đoạn 1930-1945 là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt đối với người nông dân.
    • Từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng gặp cảnh bất công, ngang trái, nhân dân bị đày đọa, bóc lột đến tận xương tủy. Cuộc sống khó khăn, bấp bênh với đủ nạn đói, thiên tai, chiến tranh, bệnh tật.
    • Đứng trước những bi kịch, bi kịch cơm áo gạo tiền, bi kịch bị bóp chết ước mơ, bị đẩy vào tình trạng sống mòn, không lối thoát. Thảm khốc nhất là bi kịch bị hủy hoại nhân tính, tha hóa phẩm chất.

    2.2. Phân tích tình cảnh nhân vật (chính)

    - Luận điểm 1: Tình cảnh khốn cùng của anh phu xe: Gia cảnh bi đát

    • Chỗ ở nghèo nàn, khổ sở: "Lụp xụp và thấp lè lẻ, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà", "mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà"
    • Con ốm dai dẳng mà không có tiền chạy chữa: "Ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không", "Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được."

    - > nghèo, đáng thương

    - > tình cảnh chung của người lao động thuộc tầng lớp bần cùng trong xã hội cũ

    - Luận điểm 2: Là nạn nhân của "một cơn giận"

    • "Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe."
    • "Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai đề rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay."
    • "Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì."

    - > sự bế tắc của nhân vật

    - > chân dung những con người yếu thế, dễ trở thành nạn nhân của cuộc sống

    2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

    - Đặt nhân vật vào tình huống éo le, gợi mở nhiều chua chát về thân phận con người

    - Đặt dưới điểm nhìn của nhân vật Thanh để mở rộng ý nghĩa câu chuyện => nghệ thuật truyện lồng truyện (có hai người kể chuyện, giúp câu chuyện đa chiều)

    - Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, chất chứa niềm cảm thương

    2.4. Ý nghĩa hình tượng

    - Thể hiện chủ đề tác phẩm (luôn kèm hai từ khóa: Thái độĐối tượng của thái độ ) :

    • Niềm thương xót đối với số phận bi thảm của con người dưới đáy xã hội
    • Phê phán, cảnh tỉnh về hậu quả của thái độ vô cảm và việc mất kiểm soát cảm xúc ở con người

    - Thể hiện phong cách sáng tác của nhà văn Thạch Lam:

    • Nhà văn lãng mạn có khuynh hướng hiện thực
    • Hướng ngòi bút đến những con sâu cái kiến trong xã hội
    • Mỗi tác phẩm như một bài thơ trữ tình đượm buồn
     
    Smilies thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...