Đọc hiểu: Chợ Đồng - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 5 Tháng mười một 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu: Chợ Đồng - Nguyễn Khuyến

    [​IMG]


    ĐỀ 1

    Đọc bài thơ sau, trả lời câu hỏi bên dưới:

    Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

    Năm nay chợ họp có đông không?

    Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.

    Nếm rượu, tường đền được mấy ông?

    Hàng quán người về nghe xao xác,

    Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.

    Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

    (Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến)

    (Tường đền: Chợ Đồng họp ngay ở bên cạnh một ngôi đền. Xung quanh đền lại đắp tường đất dày bao bọc, gọi là tường đền. Có bản chép là "tường đình")

    Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2. Xác định thời gian, không gian được miêu tả trong bài thơ.

    Câu 3. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu: Hàng quán người về nghe xao xác - Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    Câu 4. Nhận xét về tâm trạng, cảm xúc của Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ.

    Câu 5. Hình ảnh thôn quê trong bài thơ Chợ Đồng có nét gì giống và khác so với hình ảnh thôn quê trong bài thơ Câu cá mùa thu ?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

    Câu 2.

    - Thời gian: Tháng chạp hai mươi bốn - thời gian giáp Tết;

    - Không gian: Không gian của chợ quê - khi tan chợ

    => Thời gian gần hết một năm thường gợi lên nhiều suy tư; không gian quen thuộc gợi lên nhịp sống, bộ mặt của mỗi làng quê.

    Câu 3. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu: Hàng quán người về nghe xao xác - Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    - Biện pháp nghệ thuật: Đối lập Hàng quán >< Nợ nần; người về >< năm hết; nghe xao xác >< hỏi lung tung.

    -
    Tác dụng: Gợi lên không khí buồn của hình ảnh chợ tan, người về xao xác, xen vào đó là âm thanh hỏi - đòi nợ nhau của những người đi chợ. Hình ảnh được miêu tả trong hai câu thơ đặt trong sự đối lập nhưng bổ sung ý nghĩa cho nhau, tạo ấn tượng về cuộc sống túng thiếu, nợ nần của dân quê. Qua đây cho ta cảm nhận được tâm trạng buồn, xót xa của tác giả.

    Phép đối còn làm cho lời thơ thêm cân xứng, hài hòa.

    Câu 4. Nhận xét về tâm trạng, cảm xúc của Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ:

    Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn của Nguyễn Khuyến khi chứng kiến nhịp sống của người dân qua cảnh chơ Đồng. Tan chợ, phiên chợ Tết mà chỉ có tiếng đòi nợ, thúc nợ lung tung. Năm cũ sắp qua, năm mới đang dần đến mà cái cái nghèo, cái túng đói vẫn ám ảnh đời sống dân quê. Nỗi buồn khiến nhà thơ chìm vào suy tư, vậy nên âm thanh của "Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng" như khiến nhà thơ giật mình trở về với thực tại.

    Câu 5. Hình ảnh thôn quê trong bài thơ Chợ Đồng có nét giống và khác so với hình ảnh thôn quê trong bài thơ Câu cá mùa thu:

    -
    Giống: Đều là khung cảnh thôn quê với những hình ảnh mộc mạc, quen thuộc của vùng nông thôn xứ Bắc;

    - Khác: Cảnh thôn quê trong bài thơ Câu cá mùa thu dù phảng phất nỗi buồn của sự tĩnh lặng nhưng về tổng thể vẫn là một bức tranh thu đẹp, thơ mộng. Còn cảnh thôn quê trong bài Chợ Đồng dù có âm thanh ồn ào của cảnh chợ nhưng lại gợi lên nét vẽ đậm chất hiện thực của vùng quê nghèo đói, khổ cực.

    Xem tiếp bên dưới đề 2
     
  2. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    ĐỀ 2

    Đọc bài thơ sau, trả lời câu hỏi bên dưới:

    Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

    Năm nay chợ họp có đông không?

    Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.

    Nếm rượu, tường đền được mấy ông?

    Hàng quán người về nghe xao xác,

    Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.

    Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

    (Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến)

    Câu 1. Bài thơ không cùng thể thơ với bài thơ trên là:

    A. Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ)

    B. Tự tình bài 2 (Hồ Xuân Hương)

    C. Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)

    D. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)

    Câu 2. Khung cảnh chợ Đồng trong hai câu thực được miêu tả như thế nào?

    A. Chợ họp trong mưa rét, thưa thớt, vắng vẻ

    B. Chợ họp đông vui, dù trời mưa rét

    C. Các bô lão say sưa thử rượu khiến cảnh chợ thêm náo nhiệt.

    D. Trời đổ mưa đột ngột, người đi chợ vội vã ra về.

    Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?

    A. Hai câu thực

    B. Hai câu luận

    C. Hai câu thực và hai câu luận

    D. Hai câu thực và hai câu kết

    Câu 4. Cảnh chợ Đồng trong câu thơ "Hàng quán người về nghe xao xác" có nét tương đồng với cảnh chợ nào sau đây:

    A. Lao xao chợ cá làng ngư phủ (Thơ Nguyễn Trãi)

    B. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết (Thơ Đoàn Văn Cừ)

    C. Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm (Thơ Đoàn Văn Cừ)

    D. Chợ họp giữa phố đã vẫn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất (Truyện Thạch Lam)

    Câu 5. Câu thơ "Nợ nần năm hết hỏi lung tung" nói lên điều gì về cuộc sống của người dân?

    A. Cuộc sống dư dả, có của ăn, của để, của cho vay

    B. Cuộc sống vui vẻ, đầm ấm

    C. Cuộc sống nghèo túng, thiếu thốn, nợ nần

    D. Cuộc sống sa đọa, lầm lạc, nợ nần chồng chất

    Câu 6. Dòng nào không liên quan đến nội dung, nghệ thuật của hai câu thơ cuối: Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng ?

    A. Bút pháp cường điệu, phóng đại tiêu biểu

    B. Bút pháp lấy động tả tĩnh đặc sắc

    C. Câu thơ diễn tả trạng thái trầm lắng, suy tư của Nguyễn Khuyến khi chứng kiến cảnh sống cơ hàn của người dân quê ông. Lặng chìm trong suy tư, nhà thơ chợt giật mình trước âm thanh pháo trúc nổ "đùng".

    D. Câu thơ thể hiện tấm lòng Nguyễn Khuyến luôn đau đáu với dân, với nước.

    Câu 7. Giọng điệu chung của bài thơ là:

    A. Giọng điệu bi thương, ai oán, sầu đau

    B. Giọng điệu trầm lắng, suy tư, đượm buồn

    C. Giọng điệu thanh thản, nhẹ nhàng

    D. Giọng điệu rộn rã, tươi vui, khỏe khoắn.

    Câu 8. Nêu ba đặc điểm của thể thơ thể hiện trong bài thơ trên.

    Câu 9. Cảm nhận về không khí chợ Đồng và tâm trạng tác giả gợi lên từ hai câu thơ:

    Hàng quán người về nghe xao xác,

    Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    Câu 10. Tấm lòng Nguyễn Khuyến dành cho những người dân quê ông được thể hiện như thế nào trong bài thơ?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. D. Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão) - thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, những bài còn lại là thất ngôn bát cú Đường luật, cùng thể thơ với Chợ Đồng.

    Câu 2. A. Chợ họp trong mưa rét, thưa thớt, vắng vẻ

    Câu 3. C. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 4. D. Chợ họp giữa phố đã vẫn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất (Truyện Thạch Lam)

    Câu 5. C. Cuộc sống nghèo túng, thiếu thốn, nợ nần

    Câu 6. A. Bút pháp cường điệu, phóng đại tiêu biểu

    Câu 7. B. Giọng điệu trầm lắng, suy tư, đượm buồn

    Câu 8. Ba đặc điểm của thể thơ thể hiện trong bài thơ trên:

    Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với hai đặc điểm tiêu biểu:

    - Bài thơ tám câu, mỗi câu 7 tiếng;

    - Phép đối xuất hiện ở hai câu thực và hai câu luận

    - Vần gieo ở các tiếng cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8, vần bằng, độc vận.

    Câu 9. Cảm nhận về không khí chợ Đồng và tâm trạng tác giả gợi lên từ hai câu thơ:

    Hàng quán người về nghe xao xác,

    Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

    - Không khí chợ Đồng: Dù giáp Tết nhưng cảnh chợ vắng vẻ, tiêu điều. Chợ tan, người về xáo xác, đây đó là tiếng thúc nợ, đòi nợ. Cái nghèo như bao trùm lên xóm làng, thôn quê.

    - Tâm trạng Nguyễn Khuyến: Hai câu thơ mang đến những cảm nhận về nỗi buồn trĩu nặng trong tâm hồn Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến buồn vì cảnh nghèo của người dân quê ông. Ông đã nghe trong âm thanh chợ vãn bao cảnh ngộ cơ hàn. Nguyên cớ của cái nghèo ấy đã được Nguyễn Khuyến viết trong rất nhiều bài thơ:

    Năm nay cày cấy vẫn chân thua,

    Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

    Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

    Nửa công đứa ở, nửa thuê bò..

    Câu 10. Tấm lòng Nguyễn Khuyến dành cho những người dân quê ông:

    Qua bài thơ, ta nhận thấy ở Nguyễn Khuyến lòng yêu thương sâu sắc của ông đối với những người dân nghèo. Ông thấu hiểu và thương xót cho cuộc sống đói rét, nghèo khổ của người dân quê quanh năm nghèo đói vì lụt lội, mất mùa, thuế má.. Ông mong chờ cho người dân quê mình một năm mới thuận lợi, no ấm hơn. "Tin xuân tới" đã chuyên chở nỗi mong chờ ấy. Bài thơ thể hiện tấm lòng Nguyễn Khuyến thương dân, lo đời đáng quý.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...