Đọc hiểu: Chiều xuân - Anh Thơ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 19 Tháng chín 2020.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,909


    Đọc văn bản:


    (1) Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

    Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;

    Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

    Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.


    (2) Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

    Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ

    Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.

    Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.


    (3) Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng

    Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

    Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.

    Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

    (Trích Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, NXB Văn học, 2018)

    [​IMG]

    Lựa chọn đáp án đúng nhất:

    Câu 1: Văn bản được viết theo thể thơ nào?

    A. Thể thơ thất ngôn bát cú

    B. Thể thơ tám chữ

    C. Thể thơ lục bát

    D. Thể thơ thất ngôn

    Câu 2: Bài thơ sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào:

    A. Tự sự, biểu cảm

    B. Biểu cảm, thuyết minh

    C. Biểu cảm, miêu tả

    D. Biểu cảm, nghị luận

    Câu 3. Cảnh được miêu tả trong bài thơ lần lượt là:

    A. Cảnh bến sông, cảnh bờ đê, cảnh đồng lúa

    B. Cảnh bờ đê, cảnh bến sông, cảnh đồng lúa

    C. Cảnh đồng lúa, cảnh ven sông, cảnh vườn tược

    D. Cảnh vườn tược, cảnh cánh đồng, cảnh núi non

    Câu 4: Câu thơ: Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi sử dụng biện pháp tu từ gì?

    A. Hoán dụ

    B. So sánh

    C. Ẩn dụ

    D. Nhân hóa

    Câu 5: Cảnh vật mùa xuân được miêu tả trong bài thơ đem đến những cảm nhận về một bức tranh thiên nhiên như thế nào?

    A. Tưng bừng, náo nhiệt

    B. Kì vĩ, dữ dội

    C. Hiu hắt, hoang sơ

    D. Yên tĩnh, thanh bình

    Câu 6: Bài thơ nào không cùng đề tài với bài thơ trên:

    A. Mùa xuân xanh

    B. Mùa xuân nho nhỏ

    C. Tự tình (bài 2)

    D. Mùa xuân chín

    Câu 7: Thủ pháp nghệ thuật nào được nhà thơ sử dụng trong hai câu thơ Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra - Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.

    A. Lấy động tả tĩnh

    B. Vẽ mây nẩy trăng

    C. Tả cảnh ngụ tình

    D. Lấy hữu thanh tả vô thanh

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 8. Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh cỏ non tràn biếc cỏ trong câu thơ: Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ.

    Câu 9. Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể trữ tình trong văn bản.

    Câu 10. Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài thơ.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. B. Thể thơ tám chữ

    Câu 2. C. Biểu cảm, miêu tả

    Câu 3. A. Cảnh bến sông, cảnh bờ đê, cảnh đồng lúa

    Câu 4. D. Nhân hóa

    Câu 5. D. Yên tĩnh, thanh bình

    Câu 6. C. Tự tình (bài 2)

    Câu 7. A. Lấy động tả tĩnh

    Câu 8. Hình ảnh cỏ non tràn biếc cỏ trong câu thơ: Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ miêu tả vẻ đẹp non tơ, mơn mởn, đầy sức sống của cỏ mùa xuân. Mùa xuân mang theo mưa bụi và nắng ấm khiến cây cỏ tốt tươi, đua nhau vươn lên, cảm giác như cỏ tràn lên cỏ hết lớp này đến lớp khác.

    Câu 9. Vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể trữ tình trong văn bản:

    - Bài thơ thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật, yêu con người tha thiết của chủ thể trữ tình.

    - Bài thơ thể hiện tấm lòng tha thiết gắn bó với quê nhà của chủ thể trữ tình.

    Câu 10. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp thấm đẫm hồn quê Việt. Cảnh vật từ bến sông, con đò, quán tranh, chòm xoan, cỏ biếc, đàn sáo, cánh bướm, trâu bò, đến đồng lúa, cánh cò... đều mang những nét thân thương, mộc mạc của làng quê đồng bằng bắc bộ. Qua cách cảm nhận và miêu tả cả nhà thơ, cảnh hiện lên thật êm đềm, bình lặng. Êm đềm, bình lặng như nhịp sống thanh đạm chốn quê nhà.

    Xem tiếp bên dưới: Đề 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng bảy 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,909
    Đọc hiểu: Chiều xuân - Anh Thơ

    Đề 2

    Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu sau:

    "Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

    Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

    Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

    Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

    (Chiều xuân – Anh Thơ)

    Câu 1. Chỉ ra những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ trên.

    Câu 2. Bức tranh chiều xuân được gợi tả qua nhừng hình ảnh đặc sắc nào?

    Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thứ hai và thứ ba của đoạn thơ?

    Câu 4. Em cảm nhận được những điều gì trong tâm hồn tác giả qua đoạn thơ trên?

    Gợi ý đọc hiểu


    Câu 1.

    Phương thức biểu đạt: Biểu cảm và miêu tả.

    Câu 22.

    Bức tranh chiều xuân được tác giả gợi tả qua các các hình ảnh:

    - "Mưa đổ bụi ; bến vắng ;

    - Con đò

    - Quán tranh

    - Chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

    Câu 3.

    - Biện pháp tu từ nhân hóa: "Đò- biếng lười- mặc", "quán tranh- đứng im lìm"

    - Tác dụng biện pháp tu từ:

    + Biến những vật vô tri, vô giác thành sống động có hồn, gợi hình, gợi cảm.

    + Góp phần khắc họa hình ảnh thiên nhiên, làng quê vắng lặng, im lìm, bình yên nhưng cũng đượm buồn

    Câu 4.

    Tâm hồn của tác giả trong đoạn thơ:

    + Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời buổi chiều xuân.

    + Tấm lòng yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc.

    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng bảy 2023
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,909
    Nội dung bài thơ Chiều xuân - Anh Thơ

    Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp, yên bình, tràn đầy sức sống:

    Khổ thơ thứ nhất: Cảnh bến sông. Ba sự vật được phân bố theo ba tầng không gian: Con đò ở dưới sông, quán tranh trên bến vắng, hoa xoan nở trong không trung. Tất cả nằm trong màn mưa bụi. Không gian rất tĩnh lặng, thanh bình, thoáng chút buồn lãng mạn của thơ mới: Bến vắng, con đò nằm im, quán tranh im lìm. Điểm thêm vào đó là một vài chuyển động, nhưng sự chuyển động ấy không đủ tạo nên âm thanh xáo động không gian yên tĩnh: Mưa đổ bụi êm êm, hoa xoan rụng tơi bời. Khổ thứ nhất chỉ có gam màu duy nhất là màu tím hoa xoan. Sắc tím hòa trong mưa bụi, trong bến vắng, trong quán tranh im lìm đã tạo nên một bức tranh hài hòa tuyệt đẹp.

    Khổ thơ thứ hai: Cảnh đường đê. Hình ảnh được miêu tả trong khổ thơ này là đàn sáo, đàn bướm và đàn trâu bò. Cảnh vật trên đường đê tràn ngập sự sống. Nếu so với khổ thơ trước thì sự vật ở cảnh này sống động hơn hẳn. Tất cả tồn tại trong thế giới động; cỏ non tràn, đàn sáo sà xuống, bướm rập rờn, trâu bò cúi ăn mưa. Có thể nói nhãn tự của khổ thơ đều rơi hết vào động từ. Những động từ: Tràn, trôi.. khiến cho cảnh vật sinh động lạ thường.

    Khổ thơ thứ ba: Cảnh đồng lúa. Các sự vật được miêu tả trong khổ thơ là lúa, cánh cò, cô gái, cỏ ruộng. Đến khổ thơ này, sự tương phản về màu sắc hiện ra rất rõ: Đồng lúa xanh, cánh cò trắng, cô nàng yếm thắm. Tất cả gợi lên một khung cảnh mùa xuân sống động, thanh bình của vùng đồng quê miền bắc.

    Cả ba khổ thơ đều có sự liên ứng trong một bố cục chặt chẽ, biểu đạt khối thâm tình của thi nhân với quê nhà. Bài thơ là bức tranh đặc sắc thấm đãm hồn quê Việt, thể hiện tình yêu thiên nhiên, cảnh vật, con người tha thiết của một tâm hồn thơ tinh tế, dạt dào cảm xúc.
     
    LieuDuongchiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...