Đọc hiểu: Chiều thu, Nguyễn Bính Đọc văn bản sau: Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ, Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu. Con cò bay lả trong câu hát, Giấc trẻ say dài nhịp võng ru. Lá thấp cành cao gió đuổi nhau, Góc vườn rụng vội chiếc mo cau. Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác, Đàn kiến trường chinh tự thuở nào. Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non, Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con. Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín, Điểm nhạt da trời những chấm son. (...) (Trích Chiều thu, Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1993) Chọn đáp án đúng: Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản: A. Tự do B. Thất ngôn (bảy chữ) C. Thất ngôn bát cú C. Song thất lục bát Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Nghị luận Câu 3: Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai là: A. Nhân hóa, liệt kê B. Nhân hóa, so sánh C. Điệp từ, điệp ngữ D. Đối lập, tương phản Câu 4: Bài thơ chủ yếu được ngắt nhịp như thế nào? A. Nhịp 3/4 B. Nhịp 5/2 C. Nhịp 4/3 D. Nhịp 2/5 Câu 5: Đề tài của bài thơ là: A. Đề tài cuộc sống thôn quê B. Đề tài vẻ đẹp đồng quê C. Đề tài cảnh đẹp đất nước D. Đề tài vẻ đẹp thiên nhiên Câu 6: Chủ đề của bài thơ là: A. Tâm trạng bâng khuâng thương nhớ quê nhà của người con xa quê B. Tâm trạng lưu luyến của con người khi rời xa quê hương C. Vẻ đẹp thơ mộng, đầy sức sống của bức tranh thiên nhiên chiều thu D. Vẻ đẹp của cuộc sống lao động bình dị nơi quê nhà Câu 7: Bức tranh mùa thu được miêu tả trong bài thơ là bức tranh như thế nào? A. Bức tranh buồn, hiu hắt B. Bức tranh tươi tắn, đầy sức sống C. Bức tranh kì vĩ, tráng lệ D. Bức tranh bí ẩn, kì thú Trả lời câu hỏi: Câu 8: Phân tích tác dụng của 1 biện pháp nghệ thuật tiêu biểu sử dụng trong khổ thơ cuối. Câu 9: Nhận xét về nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu. Câu 10. So sánh bức tranh mùa thu trong bài thơ trên với bức tranh mùa thu trong hai câu thơ sau đây của Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng ( trích: Đây mùa thu tới) Gợi ý đọc hiểu: Câu 1: B. Thất ngôn (bảy chữ) Câu 2: A. Miêu tả Câu 3: A. Nhân hóa, liệt kê Câu 4: C. Nhịp 4/3 Câu 5: D. Đề tài vẻ đẹp thiên nhiên Câu 6: C. Vẻ đẹp thơ mộng, đầy sức sống của bức tranh thiên nhiên chiều thu Câu 7: B. Bức tranh tươi tắn, đầy sức sống Câu 8: Phân tích tác dụng của 1 biện pháp nghệ thuật tiêu biểu sử dụng trong khổ thơ cuối. - Biện pháp tu từ tiêu biểu: Nhân hóa (lúa - ngậm; lá - vươn, chim - mách lẻo) - Tác dụng: Tạo ấn tượng về bức tranh thiên nhiên mùa thu tươi tắn, sinh động, đầy sức sống; giúp cho các sự vật trở nên gần gũi, giúp tăng tính gợi hình, biểu cảm cho lời thơ. Câu 9: Nhận xét về nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu: Thi nhân cảm nhận mùa thu bằng tất cả các giác quan và lắng nghe mùa thu bằng cẩ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của mình: Bằng thị giác, nhà thơ cảm nhận được trời xanh, gió lộng, cánh cò, là thấp cành cao, trải na mở mắt, lúa trổ đòng; bằng thính giác, nhà thơ lắng nghe được tiếng câu hát, nhịp võng ru, tiếng chim mách lẻo; bằng khứu giác, nhà thơ cảm nhận được mùi của mùa thu: Mùi thiên lí.. Như vậy, cách cảm nhận mùa thu của nhà thơ rất đặc biệt, nhà thơ như căng mọi giác quan của mình để đón nhận cảnh thu. Câu 10. So sánh bức tranh mùa thu trong bài thơ trên với bức tranh mùa thu trong hai câu thơ sau đây của Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng ( trích: Đây mùa thu tới) Ta thấy bức tranh mùa thu trong bài thơ "Chiều thu" của Nguyễn Bính và bức tranh mùa thu trong hai câu thơ trên ( "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu) có sự khác biệt: - Bức tranh trong bài thơ "Chiều thu" sinh động, tươi tắn, đầy sức sống với những cảnh vật được miêu tả trong trạng thái sinh sôi, nhựa sống căng tràn: Trời xanh, gió lộng, mùi thiên lí thoảng bay, cánh cò bay lả, câu hát du dương, gió đuổi nhau, trái na mở mắt, lúa trổ đòng, chim ríu rít.. - Bức tranh mùa thu trong hai câu thơ Xuân Diệu mang vẻ buồn hiu hắt, tang thương: Rặng liễu đứng im lìm rủ những lá liễu dài tưởng chừng như hàng hàng dòng lệ đang tuôn xuống. Có sự khác biệt này bởi cảm xúc, tâm trạng của từng thi sĩ khi sáng tác có sự khác biệt. Chính cảm xúc ấy chi phối trạng thái của cảnh trong thơ.
Đọc hiểu: Chiều thu, Nguyễn Bính Trả lời các câu hỏi: (bộ câu hỏi đọc hiểu trong đề kiểm tra cuối học kì II - tp. Hồ Chí Minh) Câu 1 . Cảnh vật ở khổ thơ đầu được nhà thơ cảm nhận bằng những giác quan nào? Câu 2 . Chỉ ra cách gieo vần và ngắt nhịp trong hai câu thơ: Lá thấp cành cao gió đuổi nhau, / Góc vườn rụng vội chiếc mo cau. Câu 3 . Chỉ ra biện pháp tu từ nhân hóa và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong hai câu thơ: Lá thấp cành cao gió đuổi nhau, / Góc vườn rụng vội chiếc mo cau. Câu 4 . Phát biểu cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh mùa thu làng quê qua đoạn thơ: Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non, Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con. Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín, Điểm nhạt da trời những chấm son. Câu 5 . Xác định chủ đề và cảm hứng chủ đạo của đoạn trích Chiều thu. Câu 6 . Từ đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy cho biết ý nghĩa của của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người. (Trả lời khoảng 5 dòng). Định hướng làm bài: (do người đăng bài soạn, chưa phải đáp án chính thức) Câu 1 . Cảnh vật ở khổ thơ đầu được nhà thơ cảm nhận bằng những giác quan: - Bằng thị giác: Thấy trời xanh thăm thẳm, thấy gió lộng đáy hồ, thấy con cò bay lả - Bằng khứu giác: Thấy mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu. - Bằng thính giác: Nghe câu hát, nghe nhịp võng ru. Câu 2 . Lá thấp cành cao gió đuổi nhau, Góc vườn rụng vội chiếc mo cau. - Cách gieo vần trong hai câu thơ trên: Vần chân (gieo ở cuối câu) : nhau - cau - Cách ngắt nhịp trong hai câu thơ trên: Nhịp 4/3: Lá thấp cành cao /gió đuổi nhau - Góc vườn rụng vội/ chiếc mo cau. Câu 3 . Lá thấp cành cao gió đuổi nhau, Góc vườn rụng vội chiếc mo cau. - Biện pháp tu từ nhân hóa: Các sự vật lá, gió mang đặc điểm, hành động của con người: đuổi nhau - Tác dụng: + Làm cho câu thơ thêm sinh động, gợi hình, biểu cảm; + Giúp các sự vật lá, gió trở nên gần gũi, mang nét tinh nghịch như trẻ nhỏ + Khiến cảnh vật trở nên sinh động, đầy sức sống. Câu 4 . Phát biểu cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh mùa thu làng quê qua đoạn thơ: Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non, Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con. Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín, Điểm nhạt da trời những chấm son. Bức tranh mùa thu trong khổ thơ trên hiện lên thật đẹp, thật sống động. Trong phép liệt kê, nhà thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh làng quê yên bình, tươi vui với lúa trổ đòng tơ, ngậm trong lòng cốm non ngọt mát, những chiếc là lúa dài như lưỡi gươm con, với tiếng chim ríu rít, những trái hồng cũng chuyển màu, điểm trên nền trời những chấm son.. Lúa thì mơn mởn, đầy sức sống; trái cây đổ sắc chín hồng, âm thanh rộn rã.. Mùa thu trong bốn câu thơ không có cái tàn phai, héo úa, buồn man mác như trong thơ cổ, thơ mới, mà tất cả đều rạo rực, căng tròn sức sống. Câu 5 . Xác định chủ đề và cảm hứng chủ đạo của đoạn trích Chiều thu: - Chủ đề: Đoạn trích viết về bức tranh thiên nhiên làng quê khi vào thu - đây là chủ đề quen thuộc (từng xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Khuyến) - Cảm hứng chủ đạo: Đoạn trích thể hiện cảm xúc rộn rã, vui tươi, say đắm của tác giả trước khung cảnh làng quê vào buổi chiều thu. Cảm xúc ấy xuyên suốt đoạn thơ, tạo thành cảm hứng chủ đạo. Câu 6 . Ý nghĩa của của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người: Quê hương là nguồn cội, là nơi ta sinh ra, gắn bó một chặng đường đời, hoặc sống cả cuộc đời ở đó. Quê hương có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người. Đó là nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, nơi có mẹ cha, những người thân yêu - là nơi ta có sự kết nối với họ. Quê hương không chỉ nuôi dưỡng ta lớn lên về thể xác, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn. Hạt lúa củ khoai cho ta vóc dáng, văn hóa, truyền thống làng quê cho ta biết yêu nguồn cội, biết uống nước nhớ nguồn. Quê hương còn là động lực để mỗi con người lao động, sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho nơi mình đã sinh ra. Quê hương nâng đỡ tâm hồn ta mỗi lúc ta đi xa, chào đón ta mỗi khi ta trở về. Quê hương nuôi lớn tình yêu Tổ quốc và ý thức xây đắp, bảo vệ đất nước.