Đọc hiểu: Cậu bé mù - Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng mười hai 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu văn bản: Cậu bé mù

    Đọc văn bản sau:

    Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi. Do mải mê trò chuyện nên cậu bé không hay trời đã tối, người bạn liền thúc giục cậu bé hãy mau ra về và đưa cho cậu bé một cây đèn. Cậu bé tức cười hỏi: "Anh đưa cây đèn cho một kẻ mù như tôi để làm gì?". Người bạn liền giải thích: "Anh cầm cây đèn này người ta thấy anh thì họ sẽ tránh".

    Nghe có lý, cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về. Cậu bé mạnh dạn lao thẳng về phía trước vì tin chắc rằng hôm nay ai cũng sẽ tránh mình. Nhưng chẳng bao lâu, có một người đâm sầm vào cậu và cả hai đều ngã nhào. Vừa đau vừa tức, cậu bé hét lên: "Bộ mù sao không thấy cây đèn của tôi vậy?". Người kia ôm bụng cười ngất: "Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi anh mù ơi!".

    Tự thân cậu bé mù có thể đi đường vào ban đêm cũng như ban ngày bằng kỹ năng đặc biệt mà cậu từng luyện tập. Nhưng từ khi được trao cây đèn, thay vì phối hợp cả hai thì cậu bé lại dựa hẳn vào cây đèn mà bỏ qua tài năng dò đường khéo léo của mình. Không thấy được chân tướng của cây đèn, không hề biết nó còn dầu nhiều hay ít hoặc có thể sẽ bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, vậy mà cậu bé cứ tin tưởng vào nó một cách tuyệt đối. Đến khi ngã một cú đau điếng rồi mà cậu bé vẫn chưa hay cây đèn đã tắt, lại còn đổ thừa kẻ khác. Thật tội nghiệp!

    (Nguồn Internet)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của văn bản.

    Câu 2. Truyện được kể bằng ngôi kể thứ mấy?

    Câu 3. Vì sao cậu bé bị mù mà lại "mạnh dạn lao thẳng về phía trước"?

    Câu 4. Vì sao có cây đèn mà cậu bé vẫn bị người khác đâm vào và ngã? Từ chi tiết này, em rút ra bài học gì cho bản thân?

    Câu 5. Có nên thay chi tiết cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về bằng chi tiết cậu bé từ chối cầm cây đèn và ra về không?

    Câu 6. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về hậu quả của sự ỷ lại.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    - Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

    - Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự

    Câu 2. Truyện được kể bằng ngôi kể thứ ba (người kể chuyện giấu mình).

    Câu 3. Cậu bé bị mù mà lại "mạnh dạn lao thẳng về phía trước" vì cậu tin chắc rằng với cây đèn trên tay, hôm nay ai cũng sẽ tránh mình.

    Câu 4.

    - Có cây đèn mà cậu bé vẫn bị người khác đâm vào và ngã vì cậu bé đã không dựa vào kĩ năng học được của người mù khi đi đường mà dựa hẳn vào cây đèn, trong khi cây đèn đã tắt từ lâu. Như vậy, cạu bé ngã là do ỷ lại, không tự chủ trong việc đi đường.

    - Từ chi tiết này, em rút ra bài học gì cho bản thân: Dù có điều kiện thuận lợi, nhưng con người không nên ỷ lại, mà cần phải có sự chủ động trong mọi tình huống của cuộc sống. Vì ỷ lại sẽ khiến ta trở nên thụ động, không thể ứng phó được với tình huống bất lợi, ngược lại, chủ động sẽ giúp ta tin vào bản thân, đưa ra cách giải quyết vấn đề sáng suốt, hợp lý..

    Câu 5. Không nên thay chi tiết cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về bằng chi tiết cậu bé từ chối cầm cây đèn và ra về.

    - Vì có chi tiết cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về mới có cơ sở để kể những chi tiết tiếp theo (cậu bé chủ quan, dựa hẳn vào cây đèn, sau đó đâm vào người khác do cây đèn tắt) ; bỏ đi chi tiết này thì ý nghĩa câu chuyện sẽ mất đi, không chuyển tải được bài học: Không nên ỷ lại.

    - Vì bỏ chi tiết cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về sẽ khiến câu chuyện mất đi sự hấp dẫn.

    Câu 6. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về hậu quả của thói ỷ lại.

    Cậu bé mù trong câu chuyện trên hoàn toàn có thể đi đường vào ban đêm cũng như ban ngày bằng kỹ năng đặc biệt mà cậu từng luyện tập. Nhưng từ khi được trao cây đèn, thay vì phối hợp cả hai thì cậu bé lại dựa hẳn vào cây đèn mà bỏ qua tài năng dò đường khéo léo của mình. Cuối cùng, cậu bé bị ngã do chủ quan, ỷ lại vào cây đèn mà không biết cây đèn đã tắt. Câu chuyện để lại cho chúng ta những suy ngẫm về hậu quả của thói ý lại. Ỷ lại là bản thân không tự chủ, tự lập mà dựa dẫm vào người khác, vào sự trợ giúp khách quan bên ngoài. Ỷ lại nảy sinh tâm lí phụ thuộc, không phát huy được sự chủ động, sáng tạo của chính bản thân. Với suy nghĩ đã có người khác giúp.. con người làm sao có thể đào sâu tư duy, vận dụng tối đa nội lực của mình để giải quyết công việc? Ví như một học trò có thể sẵn chép bài của bạn bên cạnh, sao có thể tự mình suy nghĩ, tìm cách làm để rèn luyện kĩ năng? Như vậy, ỷ lại chỉ khiến con người trở nên lạc hậu, ngày càng thụt lùi. Ỷ lại đánh mất cơ hội phát triển bản thân, vì thế cơ hội chạm đến những thành công lớn lao sẽ bị hạn chế. Ỷ lại còn khiến con người rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, thậm chí thất bại, sa ngã.. Cái cột mà ta quen dựa vào, bất ngờ bị đổ gãy, rất có thể khiến ta ngã theo. Cái ô, cái dù mà ta quen nấp núp, ngày nọ bị thổi bay, ta cũng sẽ bị phơi đầu dưới nắng mưa.. Vậy nên hãy dựa vào chính mình, sống chủ động, ta sẽ có đủ sức mạnh để đối mặt với bất cứ nghịch cảnh nào.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng ba 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...