Đọc hiểu: Căn nhà xưa - Vũ Quần Phương

Discussion in 'Học Online' started by Ôn An Na, Jul 2, 2025 at 7:32 PM.

  1. Ôn An Na

    Messages:
    85
    Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    "Căn nhà tạo nên hồn của phố,

    Phố tạo nên hồn của thủ đô.

    Viên gạch mới reo vui, viên gạch cũ nặng lòng.

    Đất lặng lẽ âm thầm dưới móng

    Ai đã nghĩ rộng xa trong căn nhà hẹp cũ,

    Xin chớ bị hẹp lòng khi ở chốn thênh thang.

    Người ăn xin không dám bấm chuông.

    Cho tôi đứng chút thôi trước căn nhà cũ ấy

    Sáng mai thôi nó hóa thân rồi.

    Cho tôi nghe tiếng rì rầm của bức tường long lở,

    Của mái ngói rêu phong,

    Của ấu thơ bàn tay đầy mực tím.

    Tôi từ giã bao lần những áo quần mặc chật,

    Những nỗi buồn cho tôi lớn lên.

    Nhưng lần này trước căn nhà cũ nát,

    Trái tim tôi thành viên gạch trong tường."

    (Trích "Căn nhà xưa" - Vũ Quần Phương)

    [​IMG]

    1. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

    2. Trong đoạn thơ, hình ảnh "viên gạch mới" và "viên gạch cũ" được dùng để nói đến điều gì?

    3. Câu thơ "Ai đã nghĩ rộng xa trong căn nhà hẹp cũ, / Xin chớ bị hẹp lòng khi ở chốn thênh thang."

    4. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu: "Viên gạch mới reo vui, viên gạch cũ nặng lòng."

    5. Cảm xúc của tác giả được thể hiện như thế nào khi đứng trước căn nhà cũ sắp bị phá bỏ?

    6. Câu thơ "Người ăn xin không dám bấm chuông." gợi cho em suy nghĩ gì về khoảng cách giữa người với người trong xã hội hiện đại?

    7. Theo em, tại sao tác giả nói: "Trái tim tôi thành viên gạch trong tường"?

    8.. Em rút ra bài học gì từ những tâm sự của tác giả trong đoạn thơ trên?

    Gợi ý giải:

    1. Bài thơ được viết theo thể tự do. Dấu hiệu: Không gò bó về vần điệu, số chữ.

    2. "Viên gạch mới" tượng trưng cho sự đổi mới, phát triển; còn "viên gạch cũ" chất chứa ký ức, gợi nỗi niềm tiếc nuối quá khứ. Hai hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa hiện tại và quá khứ.

    3. Câu thơ "Ai đã nghĩ rộng xa trong căn nhà hẹp cũ, / Xin chớ bị hẹp lòng khi ở chốn thênh thang." gợi nhắc bài học sống: Dù có xuất thân nghèo khó, từng sống chật vật, khi đã có điều kiện hơn cũng không nên ích kỷ, vô cảm với người khác. Hãy giữ tấm lòng rộng mở dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

    4. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu: "Viên gạch mới reo vui, viên gạch cũ nặng lòng."

    - Câu sử dụng nhân hóa: Viên gạch "reo vui", "nặng lòng".

    - Tác dụng:

    + Nội dung: Gợi cảm xúc của con người. Qua đó, tác giả thể hiện nỗi trăn trở về sự thay đổi – cái mới thì phấn khởi, cái cũ lại chứa đựng tâm tình, kỷ niệm.

    + Nghệ thuật: Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho câu thơ.

    5. Tác giả bồi hồi, tiếc nuối, xúc động sâu sắc khi đứng trước căn nhà cũ. Đó là nỗi buồn của sự chia ly với một phần ký ức, của việc chứng kiến thời gian và đổi thay cuốn đi những điều thân thuộc.

    6. Câu thơ "Người ăn xin không dám bấm chuông." gợi cho em suy nghĩ gì về khoảng cách giữa người với người trong xã hội hiện đại, đó là sự xa cách, rào cản vô hình giữa các tầng lớp xã hội. Nó phơi bày sự vô tâm, lạnh nhạt trong cuộc sống đô thị – nơi lòng người dường như khép kín dù nhà cửa thì rộng rãi, khang trang.

    7. "Trái tim tôi thành viên gạch trong tường" gợi mở nhiều suy nghĩ cho người đọc. Đó là cách nói ẩn dụ để diễn tả sự gắn bó sâu sắc của tác giả với căn nhà cũ – nơi chứa đựng kỷ niệm và một phần tâm hồn. Trái tim trở thành một phần của quá khứ, như viên gạch nằm lại mãi trong bức tường cũ ấy.

    8. Từ đoạn thơ trên, tác giả gửi gắm thông điệp sâu sắc: Trân trọng ký ức, quá khứ và những giá trị xưa cũ. Dù cuộc sống có thay đổi ra sao, con người vẫn cần giữ gìn lòng nhân hậu, sống chan hòa, giàu tình cảm và biết tri ân những điều đã nuôi dưỡng mình nên người.
     
Trả lời qua Facebook
Loading...