Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc. Ông có tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên từng được mệnh danh là Thi Thánh (thánh thơ). Dù có ước vọng làm quan để giúp dân, giúp nước, nhưng sinh ra vào thời loạn lạc, Đỗ Phủ không thực hiện được chí nguyện của mình. Loạn An Lộc Sơn nổ ra, cuối đời, Đỗ Phủ vẫn phải lưu lạc tại Tứ Xuyên (phía Tây Nam Trung Quốc). Ông viết bài thơ này thể hiện nỗi buồn nhớ quê hương. Đọc hiểu: Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ Đọc văn bản sau: Lác đác rừng phong (1) hạt móc sa, Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa. Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa. Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà (2). Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước, Thành Bạch (3), chày vang bóng ác tà (4) (Cảm xúc mùa thu (5), Đỗ Phủ - Nguyễn Công Trứ dịch, Thơ Đường, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1987) Chú giải: (1) Phong: Một loại cây có nhiều ở vùng ôn đới, về mùa thu lá chuyển sang màu đỏ úa. (2) Hai câu thơ 3 – 4 bản nguyên tác là: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm." (Khóm cúc nở hoa đã hai lần (làm) tuôn rơi nước mắt ngày trước Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ) (3) Thành Bạch, tức thành Bạch Đế: Thành cổ xây trên núi Bạch Đế, nay thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (4) Chày vang bóng ác tà: Chỉ tiếng chày đập áo lúc xế chiều, khi mặt trời sắp lặn. Người Trung Quốc xưa giặt áo, giặt vải thường dày và cứng bằng cách đặt lên một tảng đá lớn rồi dùng chày mà đập. Khi trời trở rét, nơi nơi sắm sửa may áo ấm và giặt giũ để chuẩn bị đón mùa đông và gửi tới người thân nơi biên ải. Bởi vậy, trong thơ cổ, tiếng chày đập áo trong bóng chiều tà trở thành âm thanh đặc trưng của mùa thu, gợi nỗi buồn thương nhớ cho kẻ tha hương. Đây là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ "Thu hứng" gồm 8 bài của nhà thơ Đỗ Phủ. Bài thơ được sáng tác năm 766 khi nhà thơ đang ngụ cư tại Quỳ Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Đây là giai đoạn Đỗ Phủ cùng gia đình phải chạy loạn An Lộc Sơn, phải sống xa quê nhà. Trả lời các câu hỏi: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính và thể thơ của văn bản. Câu 2. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ. Câu 3. Cảnh thiên nhiên mùa thu được gợi lên qua những hình ảnh nào ở 4 câu thơ đầu? Câu 4. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau: Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa Câu 5. Nhận xét sự thay đổi tầm nhìn từ bốn câu đầu đến bốn câu sau. Vì sao có sự thay đổi ấy? Câu 6. Hai câu thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình khi ở cách xa quê hương? Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà. Câu 7. Đề tài của bài thơ là gì? Kể tên 3 bài thơ cùng đề tài trên. Câu 8. Viết đoạn văn ngắn (7 - 10 dòng) nói lên suy nghĩ về tình cảm của Đỗ Phủ với quê hương được thể hiện trong bài thơ. Phải chăng đó chỉ là tâm sự của riêng tác giả? Gợi ý trả lời các câu hỏi: Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật Câu 2: Chủ thể trữ tình: Tác giả Đỗ Phủ Câu 3: Cảnh thiên nhiên mùa thu được gợi lên qua những hình ảnh ở 4 câu thơ đầu: Sương móc ở rừng phong – khí thu hiu hắt nơi núi cao - sóng ở lòng sông - mây đùn cửa ải. => Đó là khung cảnh vừa hùng vĩ, mĩ lệ, vừa hiu hắt, lạnh lẽo. Câu 4: - Nghệ thuật đối kết hợp đối lập: Sóng dưới lòng sông vọt lên lưng trời – Mây nơi cửa ải sà xuống mặt đất - Tác dụng của biện pháp tu từ: + Nêu bật sự vận động mạnh mẽ, dữ dội của thiên nhiên vùng rừng núi vào mùa thu. + Phần nào ẩn chứa nỗi lo lắng, bất an của tác giả cho tình cảnh của đất nước. + Làm cho cách diễn đạt sinh động, ấn tượng hơn. Câu 5: - Điểm nhìn của tác giả: Từ xa lại gần, thu hẹp dần (từ khung cảnh chung của thiên nhiên đến các sự vật cụ thể gắn bó với riêng tác giả, ở gần tác giả). - Do sự vận động của thời gian về chiều muộn, ngày tàn, sự nhạt dần của ánh sáng khiến tầm nhìn bị thu hẹp. Câu 6: Tâm trạng của tác giả thể hiện qua hai câu thơ là: - Hình ảnh khóm cúc là biểu tượng cho nỗi buồn đau dằng dặc, thường trực của tác giả. Đó là sự chất chồng của nỗi xót xa cho thân phận tha hương trôi nổi và nỗi nhớ quê hương da diết. - "Con thuyền buộc chặt mối tình nhà" : Mối buộc của con thuyền lại gắn kết với nỗi nhớ nơi vườn cũ (quê hương) => Hai câu thơ cho thấy nỗi nhớ quê hương, sự gắn bó sâu nặng với quê nhà của nhà thơ trong tình cảnh tha hương chạy loạn. Câu 7: - Đề tài: Tình yêu quê hương - 3 bài thơ về đề tài quê hương: Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) ; Côn Sơn ca (Nguyễn Trãi), Sông Lấp (Tú Xương) Câu 8: Bài thơ "Cảm xúc mùa thu" (Thu hứng) của Đỗ Phủ đã thể hiện rõ nỗi lòng của nhà thơ dành cho quê hương khi gia đình phải chạy loạn, phải sống xa quê nhà. Trong hoàn cảnh xa quê, chứng kiến 2 lần mùa thu đến trên đất người, nhìn cảnh vật mà thi nhân nhớ quê da diết. Tâm trạng, buồn thương đó được gửi gắm vào cảnh vật qua bút pháp tả cảnh ngụ tình độc đáo. Nhà thơ nhìn hoa nhìn hoa cúc nở nhớ về những mùa thu ở quê hương mà lòng u sầu, nghẹn ngào. Giọt nước mắt trong bài thơ rất khó phân biệt lệ của người hay của hoa. Con thuyền cô độc trôi nổi, lưu lạc là phương tiện nhà thơ gửi gắm ước nguyện về quê; con thuyền đã buộc chặt nỗi lòng con người với quê nhà thơ là nỗi lòng riêng tư của Đỗ Phủ nhưng cũng chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời; đó cũng là nỗi lòng chung của biết bao người trong thời buổi loạn li đã được gửi gắm qua nghệ thuật thơ Đường đạt tới trình độ mẫu mực.