I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) Đọc văn bản sau: (Tóm tắt: Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là người họa sĩ và anh chiến sĩ. Người họa sĩ là một tài năng với sự nghiêm túc và đam mê trong công việc nghệ thuật. Bức tranh "Chiến sĩ giải phóng quân" của anh đã được nhiều người yêu thích và mua về trưng bày. Trên đường chuyển công tác, anh gặp tai nạn và bị thương, không thể vác nặng được. May mắn thay, anh nhận được sự giúp đỡ từ anh chiến sĩ, người mà anh từng từ chối vẽ một bức tranh cho. Anh chiến sĩ đã tận tình giúp đỡ anh, và từ lòng biết ơn và hối hận, người họa sĩ đã xin lỗi và vẽ một bức tranh tặng anh chiến sĩ. Bức tranh này đã làm nên danh tiếng của người họa sĩ, nhưng anh đã mất dần đi lòng biết ơn và hối hận trong cuộc sống đầy thành công của mình. Khi gặp lại anh chiến sĩ, anh nhận ra sự vô tâm của mình đã làm người mẹ anh chiến sĩ mù lòa vì thương nhớ con. Sau nhiều đấu tranh nội tâm, người họa sĩ quyết định nhận lỗi với anh chiến sĩ và giải bày hành động sai trái của mình) Cặp mắt anh lại đang nhìn xói vào cái mặt tôi đang được bàn tay anh dằn ngửa ra. Da mặt tôi cứ dày lên. Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt. Mỗi lúc mở mắt, tôi không thể nhìn đi đâu khác cặp mắt anh. Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỷ? Chốc nữa, sắp tới, anh sẽ làm gì tôi đây? - Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới, bên cạnh mấy chữ: "Chân dung chiến sĩ giải phóng". Thật là danh tiếng quá! - Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một cái chuyện riêng của anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức "chân dung chiến sĩ giải phóng" đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm! "A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả.. Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!". Một bận, đến hai ngày liền tôi không thấy anh thợ của tôi làm việc. Cái quán cắt tóc bỏ vắng hai ngày liền. Sáng ngày thứ ba vẫn thế. Và lại thấy một người đàn bà ra dọn dẹp, chứ không phải bà cụ già lòa như mọi ngày. Tôi chạy sang. Chiếc ghế cắt tóc không còn nữa. Chỉ còn chiếc gương và mấy cái chai lọ. Người đàn bà hỏi tôi: - Bác đến cắt tóc? - Vâng. - Nhà em mấy hôm nay đang dọn cái chỗ làm mới ở phố ngoài kia. Ngày mai xong. Xin mời bác đến. Vợ anh có vẻ trạc tuổi gần ba mươi. Một khuôn mặt đàn bà hiền lành. Chị vừa nói vừa bóc tấm tranh của tôi ra. Tôi gợi chuyện. - Bức tranh đẹp đấy chứ, chị nhỉ? Người đàn bà hơi đỏ mặt, cuốn tấm tranh lại một cách cẩn thận. Lâu sau mới đáp: - Anh nhà tôi bảo: Anh bộ đội trong tờ tranh này chính là người ta vẽ anh ấy. Hồi anh ấy còn ở bộ đội trong B. Cho nên mới mua về treo. - Anh ấy nói với chị thế? - Vâng. - Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ.. - Là mẹ anh nhà tôi. Thế ra bác là khách quen? - Vâng. Bà cụ bị tật lâu chưa? - Thưa đã lâu. Đã chín năm nay. - Vì sao? - Bà cụ lòa đi cũng vì anh nhà tôi. Ngày đó bỗng nhiên có tin ra nhà tôi hy sinh. Bà cụ đâm ốm. Anh ấy là con một. Bà cụ nhớ anh ấy, nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài.. - Bà cụ lòa từ năm nào, chị biết không? - Từ 69. - Từ tháng mấy? - Tôi cũng không nhớ thật rõ, có lẽ khoảng giữa năm. Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa? [..] Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Bà cụ lại ngước mắt lên nhìn tôi như lần trước khuôn mặt đờ đẫn và hoan hỉ: - Thưa ông đến cắt tóc? - Vâng ạ! Anh thợ cắt tóc nghe mẹ lên tiếng mới quay người lại. Tôi vừa kịp nhận ra được từ nơi cặp mắt vẫn còn trẻ của anh chiếu thẳng về phía tôi một cái nhìn ban đầu soi mói, ngạc nhiên, rồi hơi nghiêm mặt lại. Nhưng những diễn biến phản ứng trên cái mặt người thợ chỉ diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Ngay sau đó anh lại trở lại cái vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của một người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề. Da mặt tôi tự nhiên dày cộm lên. - Mời bác ngồi! Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run lập cập, bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện. - Bác vẫn cắt như cũ? - Vâng. * * * "Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?" "Phải". "Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?" "Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã hội". "Bây giờ anh nói với tôi một điều gì đi, khuyên tôi một nhời đi!" "Không". "Tôi có phải cút khỏi đây không?" "Không. Anh cứ đến đây. Tôi cắt cho anh kỹ lắm, anh biết đấy!" Gần nửa năm, tôi đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình. Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: Dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt mầu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm. (Trích truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu, tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, 1983) Trả lời các câu hỏi sau: Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Câu 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn nào? Nêu ý nghĩa của điểm nhìn đó? Câu 3. Vì sao bà mẹ (bà cụ) bị mù lòa cả hai mắt? Nêu ý nghĩa của chi tiết này đối với nhận thức của nhân vật tôi. Câu 4. Sau khi biết lí do mẹ của anh thợ cắt tóc bị mù, nhân vật "tôi" có thái độ như thế nào? Câu 5. Em hiểu như thế nào về lời đề nghị rụt rè của anh thợ cắt tóc trong quá khứ được gợi lại từ hồi tưởng của nhân vật "tôi" : Xin hãy tạm ngưng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình. II. Viết (4 điểm) Câu 1. Viết đoạn văn phân tích đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện trong trích đoạn truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu Câu 2. Viết bài văn 600 chữ nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc tự nhận thức về chính mình Tham khảo: Bấm để xem Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ nhất, người kể hạn tri, xưng "tôi" Câu 2. - Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn bên trong, cái nhìn đồng hành cùng nhân vật do người kể chuyện là nhân vật trung tâm trong truyện, tham gia vào cốt truyện và chỉ kể các nhân vật khác từ cái nhìn hạn tri và suy ngẫm, cảm xúc của nhân vật người họa sĩ. - Ý nghĩa: Trong việc thể hiện nội dung, tính cách nhân vật: Cho phép tác giả xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật trung tâm là người họa sĩ một cách chi tiết nhất qua từng thay đổi nhỏ nhất, từng cảm nhận, suy xét, mâu thuẫn, giằng xé, tranh cãi trong thế giới nội tâm của nhân vật. Từ đó khiến lôi cuốn người đọc vào thế giới nhân vật. Trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm: + Tạo sự linh hoạt về thời điểm, trật tự các sự việc trong câu chuyện, từ đó làm tăng tính hấp dẫn, gay cấn cho cốt truyện và giúp thông điệp được truyền tải vào đúng thời điểm thích hợp. + Giúp tác giả bộc lộ quan điểm, màu sắc cá nhân, vì người kể có thể thoải mái giải thích, diễn giải mọi khúc mắc, và tuỳ lúc đánh giá, bình phẩm mọi hành vi của nhân vật, từ đó câu chuyện dễ hiểu, chân thực, gần gũi hơn. Câu 3. - Bà mẹ bị mù lòa cả hai mắt vì khóc nhớ thương, đau xót con trai do tưởng con trai của mình hy sinh "nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài.." - Ý nghĩa của chi tiết này đối với nhận thức của nhân vật "tôi" : Chi tiết đã đánh vào lương tri của người họa sĩ, là bước ngoặt giúp thay đổi nhận thức nơi nhân vật "tôi". Bà khiến người họa sĩ cảm thấy xót đau, thương cảm, trăn trở, day dứt, giúp người họa sĩ nhận ra tính nghiêm trọng và tai hại của lỗi lầm của mình, nó không đơn thuần nằm ở việc ông đã dối trá, lật lọng anh thợ cắt tóc nữa, mà nó éo le, ác nhơn, bởi sai trái của ông còn là thu thêm được tiền của và tiếng tăm trên sự đau đớn của người khác. Đó là những cảm xúc đẹp và cần thiết, đại diện cho sự tỉnh thức, tự nhận thức về sai lầm của bản thân và có mong muốn hoàn thiện nhân cách. Nhận thức đó giúp lấn át, đào thải mọi ý nghĩ ích kỷ, tự cao, thấp hèn, trốn tránh lỗi lầm đang ngự trị trong người người họa sĩ, để họa sĩ đi đến quyết định sáng suốt và tốt đẹp hơn. Câu 4. Sau khi biết lý do mẹ anh thợ cắt tóc bị mù chính là gián tiếp từ sự vô tâm, vô ý của mình, nhân vật "tôi" lúc này đã nhận thức rõ lỗi lầm to lớn không thể chấp nhận của bản thân. Ông cảm thấy bàng hoàng, xót xa cho tình cảnh của bà cụ, thấy thấp thỏm lo âu anh thợ cắt tóc sẽ ghê sợ, ghi thù mình, và thấy hối hận vì hành động sai trái của mình. Ông sợ hãi, run rẩy, bồn chồn khi gặp lại người quen cũ. Ông xấu hổ, chột dạ vì mình là kẻ ích kỷ, thất hứa, vô ơn, chạy theo hào quang mà gây nên vết sẹo lòng cho hai người đáng kính, đáng thương khác. Sau đó, ông chìm trong đấu tranh, giằng xé giữa thiện và ác, giữa cao cả và thấp hèn, nửa muốn trốn tránh, biện minh cho lỗi lầm của mình, nửa muốn đàng hoàng nhận lỗi và sửa lỗi. Cuối cùng, sau bao cắn rứt, dằn vặt, ông đã quyết định nạp mình cho lương tâm. Có thể thấy, thái độ của nhân vật được tác giả khắc họa rất tỉ mỉ, chân thực, tự nhiên. Câu 5. "Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình". Lời đề nghị của anh thợ cắt tóc là một lời khuyên nhủ sâu sắc, cũng chính là thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện. Con người như một cái tàu hỏa lăn bánh không ngừng trên đường ray cuộc đời. Có những lúc ta chững lại vì hỏng hóc, có lúc tất bật, hối hả chạy, đuổi theo một đích đến hoàn hảo, đáng mong chờ. Hàng ngày, nhìn từ phía ngoài, có thể thấy con tàu vẫn "kình kịch.. tu u.." đều đặn, nhưng phía sau cửa sổ khung tàu, trên các toa xe, lại là cả một thế giới xô bồ khác. Những công việc, deadline, mối quan hệ, danh vọng, đam mê, sở thích, chuyện sinh hoạt, ăn uống, chuyện yêu thương, mệt mỏi, sung sướng, nhớ nhung, kỳ vọng.. đang chen lấn, xô đẩy, í ới nhau. Vậy nhưng đi qua mỗi vùng khác nhau, con tàu lại muốn đón nhận thêm những điều mới, những người khách mới, để rồi khi thoảng lại bỏ quên một vị khách lạc lối nơi góc toa nào đó, hay một điều gì, một lời hứa hay một việc gì đó bị lỡ hẹn lưng chừng, không xuống được điểm dừng thích hợp, giam mãi trên con tàu ấy, tồn tại mà không phát huy được giá trị. Bức tranh chân dung người lính giải phóng quân là một thứ như thế, nó bị kẹt lại trong cái toa hào quang của người họa sĩ, nó không về được hiệu cắt tóc nằm trên con phố nhỏ khuất nẻo phía tây bắc thành phố - nơi nó vốn thuộc về - để rồi khiến người mẹ đáng thương không bao giờ thấy được hình bóng người con trai yêu dấu. Việc chúng ta, những người lái tàu cần làm là cho tàu tạm ngừng một phút, sửa chữa, bảo trì, sắp xếp ngăn nắp lại những lộn xộn, lỡ làng trên các toa xe. Ấy chính là việc tự suy nghĩ về chính mình. Có thế thì những chặng đường sau, ta mới lái bon hơn, đúng lộ trình hơn, để đến được những cái đích cao xa phía trước cùng với sự trưởng thành và hoàn thiện trong nhân cách, tâm hồn. Khi chúng ta dành thời gian tập trung vào bản thân, tự vấn và suy xét, đánh giá các hành động, cư xử, suy nghĩ của mình, thì như người họa sĩ, tất cả những sai lầm, ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn đều sẽ bị soi ra, bị chùi sạch hết. Không chỉ vậy, ta còn cần cẩn trọng và có trách nhiệm với những việc mình làm, không nên vì vị kỷ cá nhân mà gây hại đến người khác. II. Viết Câu 1. Nhà phê bình Nikolai Nikulin từng nhận xét về Nguyễn Minh Châu rằng: "Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng". Điều này thật đúng khi soi chiếu vào nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật "tắm rửa nhân vật" tài tình của nhà văn họ Nguyễn trong trích đoạn truyện ngắn Bức tranh - tác phẩm tiêu biểu được rút trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, xuất bản năm 1983. Toàn bộ câu chuyện là lời tự thú chân thành của người họa sĩ danh tiếng sau hành trình tự vấn lương tâm đầy dai dẳng, khó nhọc. Thứ nhất, đoạn trích được kể theo ngôi thứ nhất xưng "tôi", người kể có cái nhìn hạn tri, chỉ kể các nhân vật khác từ suy ngẫm, cảm xúc của nhân vật trung tâm là người họa sĩ. Điều này giúp câu chuyện trở nên chân thực, sống động hơn, phù hợp với lối kể hồi tưởng, hoài niệm. Những quan điểm, màu sắc cá nhân cũng được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, vì người kể có thể thoải mái diễn giải mọi khúc mắc, và tuỳ lúc đánh giá, bình phẩm mọi hành vi của nhân vật. Thứ hai, truyện là sự kết hợp khéo léo giữa việc đặt tiêu điểm và điểm nhìn cùng ở bên trong. Nhà văn vẫn dùng hiểu biết của nhân vật để miêu tả các hiện tượng bên ngoài mà ai cũng thấy, nhưng đồng thời dùng đến điểm nhìn bên trong để khắc họa tâm lý nhân vật. Sự "gột rửa" diễn ra đầy tỉ mỉ, chi tiết, ngoạn mục. Bằng cách hướng ống kính vào nội tâm người họa sĩ, người đọc thấy được từng thay đổi nhỏ nhất, từng cảm nhận, suy xét, mâu thuẫn, tranh cãi diễn ra trong nhân vật "tôi". Đầu tiên là ông cảm thấy bàng hoàng, xót xa cho tình cảnh của mẹ anh thợ cắt tóc sau khi biết lý do bà cụ bị mù, tiếp đó ông thấy thấp thỏm lo âu anh thợ sẽ ghê sợ, ghi thù mình, và thấy hối hận vì hành động sai trái của mình. Ông sợ hãi, run rẩy, bồn chồn khi gặp lại người quen cũ. Ông xấu hổ, chột dạ vì nghĩ mình là kẻ ích kỷ, thất hứa, vô ơn, chạy theo hào quang nghề nghiệp. Sau đó, ông chìm trong đấu tranh, giằng xé giữa thiện và ác, giữa cao cả và thấp hèn, nửa muốn trốn tránh, biện minh cho lỗi lầm của mình, nửa muốn đàng hoàng nhận lỗi và sửa lỗi. Cuối cùng, sau bao cắn rứt, dằn vặt, ông đã quyết định nạp mình cho lương tâm. Hành trình hướng thiện này diễn ra rất tự nhiên, logic, gần gũi, không dồn dập, gượng ép. Với những người ở trong hoàn cảnh tương tự ông họa sĩ, đọc tác phẩm sẽ thấy nhà văn đang chạm đến mình, bóc mình như bóc từng lớp vỏ hành vậy. Điểm nhìn này còn giúp tạo sự linh hoạt về trật tự các sự việc trong câu chuyện, bởi tác giả có thể tùy ý thay đổi tuyến tính thời gian, ưu tiên việc nào trước việc nào sau, từ đó làm tăng tính hấp dẫn, gay cấn cho cốt truyện và giúp thông điệp được truyền tải vào đúng thời điểm thích hợp. Vai trò của điểm nhìn trong trích đoạn này hay trong cả tác phẩm là rất quan trọng, bởi chỉ từ điểm nhìn đã được lựa chọn sáng suốt ấy, bức tranh thế giới mà tác giả muốn kể mới hiện ra toàn vẹn nhất. Giống như trong hội họa, với mỗi bức tranh, họa sĩ đều cần xác lập cho nó một điểm nhìn có thể bao quát toàn bộ, gần quá hay xa quá, lệch phải hay lệch trái đều không nhìn thấy đúng bức tranh. Tự sự cũng vậy. Nếu là bà cụ, người lính hay đồng nghiệp của người họa sĩ nhìn vào và kể lại câu chuyện này, thì chúng ta sẽ không có một lời tự thú thầm kín, sẽ không rõ được nội dung tư tưởng của chủ đề "hãy biết vượt lên trên cái thấp hèn và ích kỉ, con người sẽ tìm được vẻ đẹp của cái thiện" bằng cách truyền tải gốc của tác giả. Nét đặc sắc nghệ thuật thứ ba của trích đoạn là lối kể điềm đạm, chậm rãi, thủ thỉ, thể hiện bởi nhiều yếu tố khác. Từ ngôn ngữ đời thường mộc mạc, giản dị, tự nhiên như văn nói, đến giọng điệu linh hoạt, đa âm: Một chút ngợi ca, tôn kính (đối với anh thợ cắt tóc) đặt vào cái nhìn sắc sảo, từng trải của người trần thuật, một chút thâm trầm, mang đậm tính triết lý, suy nghĩ, phẩm bình, khi nghiêm khắc trong tiếng nói cảnh dằn vặt, tự trách, lúc lại nhẹ nhàng trong lời bộc bạch riêng tư. Từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phương thức biểu đạt phụ là miêu tả (với các tính từ, động từ đắt đặc tả tâm trạng nhân vật) với biểu cảm (những câu bộc lộ cảm xúc trực tiếp, chân thực) đến cái nền tự sự cũng đa sắc màu, với hệ thống các câu đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, đối thoại giả tưởng xen kẽ nhau. Chúng cho ta thấy cái "tôi" ngôi một ấy không bao giờ đứng yên mà nó "đang tư duy", "đang cảm thấy", nó đồng thời đảm nhiệm hai chức năng: Nhận thức xã hội và ý thức về bản thân. Do đó, nhân vật trung tâm luôn luôn sống động và hết sức phức tạp. Kể và suy ngẫm, kể và tự ý thức, kể và độc thoại là những biểu hiện đặc biệt của phong cách Nguyễn Minh Châu. Tất cả những nét nghệ thuật kể chuyện trên đều góp phần gây được ấn tượng đẹp nơi bạn đọc, nhân vật vốn không hoàn hảo, không trong trẻo, nhưng ta lại càng thấy yêu thích, đồng tình, cảm thông, bởi cách xây dựng và phát triển nhân vật của truyện đã đi theo một quy luật tâm lý thú vị: "Ta ngưỡng mộ một nhân vật trước sự cố gắng của họ hơn là những thành tựu mà họ đạt được". Trích đoạn có khả năng tác động tới cả lý trí và tình cảm người đọc, cùng lúc khơi dậy nhiều xúc cảm và suy ngẫm thấm thía. Tựu chung lại, qua bút pháp trần thuật trầm tĩnh, tỉnh táo, nghiêm nghị cùng sự thành công trong nghệ thuật lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn, lời văn bình dị, sâu sắc, giọng kể đa thanh, phát hiện, phân tích, miêu tả hiện thực cuộc sống và tâm lí nhân vật tài hoa, tinh tế, trích đoạn truyện ngắn "Bức tranh" đã tạo dư ba nơi bạn đọc bao thế hệ, khẳng định sức hấp dẫn của ngòi bút Nguyễn Minh Châu. Câu 2. NLXH: Ý nghĩa của việc tự nhận thức về chính mình