Đọc hiểu: Biển - Xuân Diệu - Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 27 Tháng bảy 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Biển - Xuân Diệu, Ngữ văn 11

    Đọc đoạn trích sau:

    Anh không xứng là biển xanh
    Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
    Bờ cát dài phẳng lặng
    Soi ánh nắng pha lê...

    Bờ đẹp đẽ cát vàng
    – Thoai thoải hàng thông đứng
    Như lặng lẽ mơ màng
    Suốt ngàn năm bên sóng...


    Anh xin làm sóng biếc
    Hôn mãi cát vàng em
    Hôn thật khẽ, thật êm
    Hôn êm đềm mãi mãi

    Đã hôn rồi, hôn lại
    Cho đến mãi muôn đời
    Đến tan cả đất trời
    Anh mới thôi dào dạt...


    (Trích: Biển, Xuân Diệu, 4-4-1962)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Xác định đề tài của đoạn trích.

    Câu 3. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là ai? Đoạn trích bộc lộ cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

    Câu 4. Liệt kê các từ ngữ miêu tả bờ cát trong đoạn trích. Trong hình dung của nhân vật trữ tình, đó là bãi cát như thế nào?

    Câu 5. Nhân vật trữ tình khao khát hóa thân thành hình tượng nào? Tại sao nhân vật lại có ước muốn như vậy?

    Câu 6. Nhận xét về tình yêu mà "anh" dành cho "em".

    Câu 7. Phân tích tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong khổ thơ sau:

    Anh xin làm sóng biếc

    Hôn mãi cát vàng em

    Hôn thật khẽ, thật êm

    Hôn êm đềm mãi mãi.


    Câu 8. Người phụ nữ trong bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh) cũng từng ao ước:

    Làm sao đươc tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ.


    Anh/chị hãy nêu điểm tương đồng trong khát vọng tình yêu của hai nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ trên.

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Ngũ ngôn (5 chữ)

    - Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Biểu cảm

    Câu 2. Đề tài của đoạn trích: Đề tài tình yêu.

    Câu 3.

    - Nhân vật trữ tình trong đoạn trích: Nhân vật anh

    - Đoạn trích bộc lộ cảm xúc yêu đương, khát khao yêu và được yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

    Câu 4.

    - Các từ ngữ miêu tả bờ cát trong đoạn trích: bờ cát trắng, bờ cát dài, phẳng lặng, bờ đẹp đẽ, cát vàng.

    - Trong hình dung của nhân vật trữ tình, đó là bài cát đẹp, thơ mộng, hiền hòa.

    Câu 5.

    - Nhân vật trữ tình khao khát hóa thân thành hình tượng "sóng" : Anh xin làm sóng biếc

    - Nhân vật trữ tình "anh" có ước muốn hóa thân thành sóng vì trong tưởng tượng của "anh", "em" là bờ cát, khi được hóa thân thành sóng, anh sẽ mãi mãi được bên em, yêu em, "hôn" em. Ước muốn đó xuất phát từ tình yêu chân thành, mãnh liệt mà "anh" dành cho "em".

    Câu 6.

    - Trong đoạn trích, "anh" nhiều lần so sánh em với bờ cát xinh đẹp, phẳng lặng, hiền hòa. Sự hình dung ấy nói lên cái nhìn trìu mến, tôn vinh mà anh dành cho em. Không những vậy, anh dù khiêm nhường "không xứng là biển xanh", nhưng vẫn muốn làm "sóng" để được yêu em, hôn em. Điệp từ "mãi" được lặp lại nhiều lần thể hiện khao khát tình yêu vĩnh cửu, sự thủy chung trong tình yêu của "anh".

    - Như vậy, có thể thấy tình yêu mà "anh" dành cho "em" là tình yêu chân thành, mãnh liệt, sâu sắc, thủy chung. Đó là tình yêu đẹp, đáng để ngưỡng vọng, tôn vinh.

    Câu 7.

    Anh xin làm sóng biếc

    Hôn mãi cát vàng em

    Hôn thật khẽ, thật êm

    Hôn êm đềm mãi mãi.


    - Biện pháp lặp cấu trúc: Cấu trúc câu mở đầu bằng động từ "hôn" lặp lại 3 lần trong cả khổ thơ.

    - Tác dụng:

    + Thể hiện khát khao bộc lộ tình yêu đến cháy bỏng của nhân vật trữ tình;

    + Khẳng định tình yêu say đắm, mãnh liệt mà anh dành cho em;

    + Tăng tính nhạc, tạo nhịp điệu cuộn trào, da diết cho lời thơ.

    Câu 8. Người phụ nữ trong bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh) cũng từng ao ước:

    Làm sao đươc tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ.


    Điểm tương đồng trong khát vọng tình yêu của hai nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ trên: Cả hai đều mang trong mình khát khao yêu đương mãnh liệt, đều có mong muốn vĩnh cửu hóa tình yêu, được sống mãi trong tình yêu. Khát khao ấy xuất phát từ tình yêu đắm say, cuồng nhiệt.

    Khát vọng yêu đương của cả hai nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ trên đều được gửi vào hình tượng sóng - hình tượng nghệ thuật độc đáo. Họ nhìn thấy sự vĩnh hằng của sóng, quy luật sóng vỗ bỡ mà muốn hóa thân vào sóng để được sống mãi trong tình yêu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...