Đọc hiểu: Bên đường chiến tranh - Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 17 Tháng năm 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu truyện ngắn Bên đường chiến tranh - Nguyễn Minh Châu bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Nhận diện đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, hạn tri, sự thay đổi điểm nhìn.. của các văn bản truyện; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài.

    Đọc hiểu: Bên đường chiến tranh - Nguyễn Minh Châu

    Đọc đoạn trích sau:

    (Lược: Thụy (An) cùng những đồng đội đến thị xã Bắc Cạn trong một đợt công tác. Anh rất mong đợi chuyến đi này vì lần trước khi đến đây, đôi mắt đầy dò hỏi, ngạc nhiên của nữ chủ nhà (Hạnh) khiến anh vô cùng băn khoăn. Về phía nữ chủ nhà, sau lần gặp ấy vẫn hồi hộp, phấp phỏng chờ anh trở lại. Hơn ba mươi năm trước, Hạnh là cô bé mười bốn, mười lăm tuổi đã dành tình cảm đặc biệt cho An (tức Thụy). Sau nhiều biến cố lớn: Bố Hạnh hi sinh, mẹ hóa điên, phải gồng gánh chăm sóc em nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nên Hạnh và An dù đã rất cố gắng nhưng vẫn mất liên lạc. Hơn ba mươi năm sau)

    Đổ òa gầu nước trong mát vào giữa lòng chiếc chậu thau đồng, người đàn bà như đã kiệt sức, buông thõng hai tay, đứng nhìn Thụy bằng cặp mát đau đáu vẫn đầy vẻ dò hỏi, y như lần trước trong buổi mờ sáng khi Thụy từ đây ra đi lên biên giới.

    - Trời ơi, không biết tôi có nhầm không? – Người đàn bà chủ nhà bỗng thốt lên bằng một giọng đầy khắc khoải.

    - Hạnh! Tôi là An đây!

    - Anh! Em đi tìm anh suốt bao nhiêu năm trời, anh có biết không?

    Thụy gật đầu:

    - Anh cũng đã từng đi tìm Hạnh.

    Người đàn bà chủ nhà trong một phút cứ để mặc cho tất cả nỗi xao động về mối tình đầu từ thuở còn xa lắc trong quá khứ và không bao giờ quên được tự do chiếm đoạt lấy tâm hồn mình, phủ lên người đàn ông đã già mặc bộ quân phục dã chiến đứng im lặng trước mặt trong một cái nhìn đầy âu yếm rồi vội vã đưa bàn tay gạt một giọt nước mắt tự nhiên cứ ứa ra, đoạn lấy lại cái dáng thong thả, bình thản quay trở vào nhà.

    [..]

    Trong khi ông Phái (chồng Hạnh) say sưa luận giải về lý thuyết nấu ăn y như một người nội trợ lành nghề thì bà vợ ông; người đàn bà mặc áo dài màu thiên thanh ấy đang bay lượn trong một vùng tưởng tượng huyền ảo: "Hôm nay là cuộc vui gặp mặt của chúng ta, anh có hiểu không, là đêm đám cưới của hai ta khi còn đầu xanh tuổi trẻ để rồi sau đó đưa nhau về sống chung dưới một mái nhà. Điều đó đã không đến và chỉ là một mộng tưởng. Anh hãy cùng em sống đôi phút trong những điều mộng tưởng rồi lại trở về cõi thực..".

    Thụy đã nhận lời Phái ở lại đến sáng hôm sau. Đêm hôm ấy, Hạnh ngồi nói chuyện với Thụy đến khuya. Anh không ngờ đời Hạnh tiếp sau đó đến ngày lấy chồng đã phải lưu lạc khắp nơi và trải qua lắm bận gian truân đến như thế. Bây giờ Hạnh là một bác sĩ và con cái đã lớn cả.

    Đêm hôm ấy, vào lúc gần sáng người đàn bà đánh thức chồng dậy. Lần đầu tiên từ ngày lấy ông Phái, Hạnh âu yếm đặt một cái hôn lên môi chồng rồi nói: "Anh Phái ạ, em đã tính toán, nay mai em đã có thể thu xếp về dưới Thái công tác với anh được rồi"..

    (Trích "Bên đường chiến tranh" – Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu)​

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.

    Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể đó.

    Câu 3. Xác định đề tài của truyện.

    Câu 4. Nhân vật trung tâm của truyện là nhân vật nào? Nhận xét về nhân vật đó.

    Câu 5. Câu văn "người đàn bà như đã kiệt sức, buông thõng hai tay, đứng nhìn Thụy bằng cặp mát đau đáu vẫn đầy vẻ dò hỏi" biểu đạt tâm trạng gì của nhân vật Hạnh?

    Câu 6. Sau những giây phút chìm đắm trong mộng tưởng rồi trở về cõi thực, Hạnh quyết định cùng chồng về Thái làm việc. Quyết định đó nói lên điều gì về nhân vật này?

    Câu 7. Em hiểu như thế nào về nhan đề "Bên đường chiến tranh".

    Câu 8. Nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà văn đối với nhân vật Hạnh.

    Câu 9. Triết lí nhân sinh mà em rút ra từ câu chuyện trên là gì?

    Câu 10. Kể tên 3 tác phẩm viết cùng đề tài với tác phẩm trên.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Thể loại của văn bản: Truyện ngắn.

    Câu 2.

    - Truyện được kể theo ngôi thứ ba.

    - Tác dụng của ngôi kể thứ ba: Tạo nên tính khách quan, thuyết phục cho câu chuyện. Đồng thời bức tranh cuộc sống được bao quát toàn diện với từng mảng màu, từng nhân vật.

    Câu 3. Đề tài của truyện: Chiến tranh.

    Câu 4.

    - Nhân vật trung tâm của truyện: Hạnh.

    - Nhận xét:

    + Hạnh là người phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh, là nạn nhân của chiến tranh: Bố hi sinh. Mẹ hóa điên. Hạnh phải chăm lo cho các em nhỏ khi cô mới 14, 15 tuổi trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên. Người cô đem lòng yêu thương cũng bị thất lạc, đến hơn 30 năm sau mới gặp lại, lúc đó Hạnh đã có gia đình.

    + Ở Hạnh hiện lên phẩm chất kiên cường, bản lĩnh đáng khâm phục: Gánh vác việc gia đình khi cha hi sinh, mẹ điên dại. Đặc biệt, nổi bật ở cô là vẻ đẹp của tình yêu, của niềm tin vượt lên trên mọi trở ngại, khó khăn. Suốt 30 năm, Hạnh luôn giữ trong tim hình bóng của An. Khi gặp lại, cô vô cùng xúc động nhưng cũng ý thức rõ về thực tại đã có gia đình. Cô lựa chọn toàn tâm toàn ý với gia đình. Quyết định khó khăn ấy nói lên bản lĩnh và sự chín chắn của Hạnh.

    Câu 5. Câu văn "người đàn bà như đã kiệt sức, buông thõng hai tay, đứng nhìn Thụy bằng cặp mát đau đáu vẫn đầy vẻ dò hỏi" biểu đạt tâm trạng vừa xúc động, vừa dè dặt sợ nhận nhầm người của nhân vật Hạnh?

    Câu 6. Sau những giây phút chìm đắm trong mộng tưởng rồi trở về cõi thực, Hạnh quyết định cùng chồng về Thái làm việc. Đây là quyết định khó khăn, vì Hạnh vẫn còn tình cảm với An. Nhưng cô vẫn quyết định chọn gia đình hiện tại. Quyết định đó chứng tỏ Hạnh rất bản lĩnh, cứng cỏi, biết rõ hoàn cảnh thực tế, biết phân biệt điều gì nên làm. Hạnh hi sinh tình yêu để trọn nghĩa với chồng và giữ gia đình được trọn vẹn. Đó là phẩm chất đáng quý của người phụ nữ chín chắn trong suy nghĩ, lựa chọn.

    Câu 7. Nhan đề "Bên đường chiến tranh" : "Bên" chứ không phải "trong", "bên" gợi liên tưởng về những thứ ngoài lề. Trong truyện, nó gợi lên nỗi đau lứa đôi xa cách, tâm trạng mòn mỏi đợi chờ của người con gái suốt hơn ba mươi năm. Đó không phải là nỗi đau thể xác do bom đạn mang đến. Đó là nỗi đau tinh thần dai dẳng ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Mặt khác nhan đề còn gợi lên những giá trị, vẻ đẹp trường tồn vượt qua sự tàn phá của bom đạn, sự hủy hoại của thời gian.

    Câu 8. Nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà văn đối với nhân vật Hạnh: Trong tác phẩm, người kể chuyện bày tỏ niềm đồng cảm sâu sắc với nhân vật, xót thương trước những mất mát của họ trong chiến tranh. Đồng thời khẳng định niềm tin, sự trân trọng vẻ đẹp tâm hồn vĩnh cửu của con người.

    Câu 9. Triết lí nhân sinh mà em rút ra từ câu chuyện:

    - Chiến tranh đã qua đi, nhưng có những nỗi đau vẫn âm thầm dai dẳng, ám ảnh con người.

    - Con người đôi khi phải hi sinh tình cảm cá nhân vì những điều lớn lao hơn.

    Câu 10. Ba tác phẩm viết cùng đề tài chiến tranh: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) ; Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) ; Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu)..
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười một 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...