Đọc bài thơ sau: BẢO KÍNH CẢNH GIỚI (Bài 38) Mấy phen lần bước dặm thanh vân(1), Đeo lợi(2) làm chi luống nhọc thân. Nhớ chúa lòng còn đơn một tấc(3), Âu thì(4) tóc đã bạc mười phân. Trì thanh cá lội in vừng nguyệt, Cây tĩnh chim về rợp bóng xuân. Dầu phải dầu chăng mặc thế, Đắp tai biếng(5) mảng sự vân vân. (Theo Nguyễn Trãi - phần Vô đề- Quốc âm thi tập, Phạm Luận phiên âm và chú giải NXB Giáo dục Việt Nam, 2012) * Chú thích: (1) Dặm thanh vân: chỉ con đường làm quan, con đường công danh. (2) Đeo lợi: đeo đuổi con đường danh lợi. (3) Lòng còn son một tấc: một tấc lòng son, một lòng trung thành, do chữ "nhất thốn tâm đan". (4) Âu thì: lo việc đời. (5) Mảng: có nghĩa là "nghe". Nghĩa cả câu: bịt tai không muốn nghe việc này việc nọ. Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên? Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ chỉ thái độ, cảm xúc của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ sau Nhớ chúa lòng còn đơn một tấc, Âu thì tóc đã bạc mười phân. Câu 3. Em hiểu như thế nào về thái độ sống của Nguyễn Trãi thể hiện qua câu thơ Đeo lợi làm chi luống nhọc thân? Câu 4. Phân tích hiệu quả của phép đối qua hai câu thơ: Trì thanh cá lội in vừng nguyệt, Cây tĩnh chim về rợp bóng xuân. Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một biểu hiện về quan niệm sống nhàn của Nguyễn Trãi mà anh/ chị thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hôm nay và giải thích lí do. Đáp án gợi ý: Câu 1. Thể thơ: Thất ngôn xen lục ngôn Câu 2. Những từ ngữ chỉ thái độ, cảm xúc của nhà thơ qua hai câu thơ là: Nhớ, âu . Câu 3. Thái độ của nhà thơ qua câu thơ Đeo lợi làm chi luống nhọc thân - Phủ định vai trò của danh lợi trong cuộc đời - Thái độ mệt mỏi, ngại chen vào chốn lợi danh khiến bản thân nhọc nhằn. Câu 4. Tác dụng của phép đối trong hai câu thơ: - Tạo sự cân đối hài hòa, nhịp nhàng. - Gợi vẻ đẹp trong trẻo, thanh khiết của thiên nhiên; tâm thế thanh nhàn, tự do tự tại, hòa hợp với thiên nhiên của nhà thơ. Câu 5. Gợi ý: hoà hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, tránh xa danh lợi...