VƯỜN CÂY CỦA BA - Nguyễn Duy Má trồng toàn những cây dễ thương Nào là hoa, là rau, là lúa Còn ba trồng toàn cây dễ sợ Cây xù xì, cây lại có gai Cái gai bưởi đụng vào thì chảy máu Trái sầu riêng rớt xuống thì đầu u Nhựa hột điều dính vào là rách áo Cây dừa cao eo ơi, cao là cao Cây ba trồng sống lâu thiệt là lâu Mưa chẳng dập gió lay chẳng đổ Thân xù xì cứ đứng trơ trơ Cành gai góc đâm ngang tua tủa Bưởi, sầu riêng, dừa, điều nhiều nhiều nữa Cho em bốn mùa vị ngọt hương thơm Vườn của ba cây trồng thì dễ sợ Mà trái nào cũng thiệt dễ thương. * Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào? Câu 2. Bài thơ trên có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào? Câu 3. Những cây "má trồng" và những cây "ba trồng" khác nhau ra sao? Câu 4. Nguyễn Duy là nhà thơ gốc Thanh Hóa, nhưng bài thơ "Vườn cây của ba" lại có màu sắc Nam Bộ. Em hãy chỉ ra màu sắc Nam Bộ trong bài thơ trên. Câu 5. Chỉ ra ít nhất một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong đoạn thơ sau: "Cây xù xì, cây lại có gai Cái gai bưởi đụng vào thì chảy máu Trái sầu riêng rớt xuống thì đầu u Nhựa hột điều dính vào là rách áo Cây dừa cao eo ơi, cao là cao" Câu 6. Hình ảnh những cây "ba trồng" "xấu xí", "dễ sợ" nhưng "sống lâu" và vẫn "đứng trơ trơ" giữa mưa sa, bão táp khiến cho em liên tưởng tới điều gì? Câu 7. Em cảm nhận như thế nào về mạch vận động trong cảm xúc của tác giả trong bài thơ trên? Câu 8. Qua bài thơ, em hãy chỉ ra một thông điệp có ý nghĩa mà tác giả muốn nhắn gửi bạn đọc và giải thích lí do lựa chọn thông điệp đó. (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng) *Đáp án tham khảo: Câu 1: Thể thơ tự do Câu 2: Bài thơ có sự kết hợp của phương thức biểu đạt biểu cảm và miêu tả. Câu 3: Những cây "má trồng" thì dễ thương còn những cây "ba trồng" thì dễ sợ. Câu 4: Màu sắc Nam bộ trong bài thơ: - Cách xưng hô đối với những người sinh thành ra mình: Ba, má - Những từ ngữ bộc lộ cảm xúc của người Nam Bộ: Dễ thương, dễ sợ, eo ôi - Cách nói quen thuộc của người Nam Bộ: Trái, đầu u, thiệt là, nhiều nhiều Câu 5: - Biện pháp tu từ: Liệt kê, điệp từ - Tác dụng: + Nhấn mạnh sự đa dạng của cây trái trong vườn do ba trồng + Gián tiếp bộc lộ sự ngưỡng mộ của người con đối với tài năng trồng cây của ba Câu 6: Hình ảnh những cây "ba trồng" "xấu xí", "dễ sợ" nhưng "sống lâu" và vẫn "đứng trơ trơ" giữa mưa sa, bão táp giúp chúng ta liên tưởng tới những con người có vẻ ngoài thô kệch, bị người đời coi khinh nhưng ý chí của họ thì kiên cường, vững vàng, mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu và vượt qua những thử thách trông gai trong cuộc sống. Câu 7: - Mạch vận động trong cảm xúc của nhà thơ + Chán ghét những cây trái trong vườn do ba trồng vì đó toàn là những cây "xấu xí", "dễ sợ". + Ngưỡng mộ tài năng trồng cây của ba + Cảm nhận được và ngưỡng mộ sự phi thường của những giống cây xấu xí, dễ sợ mà ba trồng + Yêu mến những cây trái trong khu vườn của ba vì những cây đó "dễ sợ" nhưng lại cho những trái ngọt "dễ thương". - Nhận xét: Mạch vận động trong cảm xúc của tác giả rất tự nhiên, chân thực, không chỉ cho thấy cái nhìn thiên nhiên sâu sắc, mà còn thể hiện sự thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu con người của tác giả. Câu 8: - Bài thơ truyền tải thông điệp về sự đối lập giữa vẻ bề ngoài và giá trị thực sự của những điều trong cuộc sống. Trong khi vườn của mẹ trồng những cây dễ thương, mịn màng, thì vườn của ba lại đầy những cây xù xì, có gai, thậm chí có thể gây đau đớn. Tuy nhiên, điều thú vị là mặc dù có vẻ ngoài "dễ sợ," những cây này lại cho trái ngọt, mang lại hương vị và sự phong phú cho cuộc sống. - Ý nghĩa của thông điệp này nhấn mạnh rằng không phải lúc nào vẻ bề ngoài cũng phản ánh giá trị bên trong. Những điều mà ta cho là khó khăn, thậm chí đáng sợ, lại có thể mang đến những điều tốt đẹp và quý giá. Nó khuyến khích người đọc nhìn nhận sự vật theo cách đa chiều, hiểu rằng giá trị đích thực thường ẩn giấu sau những điều không hoàn hảo. Qua đó, bài thơ cũng gợi nhắc về sự biết ơn đối với những nỗ lực, sự hy sinh của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc, giúp chúng ta trưởng thành