Đọc hiểu bài thơ Mẹ - Đỗ Trung Lai: Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng ba 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt. Bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu. Người mẹ đã dành cho ta tất cả yêu thương bằng đức hi sinh vô bờ bến.

    Bài thơ "Mẹ" của Đỗ Trung Lai là một trong số những bài thơ hay viết về mẹ. Trong bài thơ, tác giả đã chọn hình ảnh cây cau, trái cau xuất hiện song hành cùng mẹ. Đây là một phát hiện khá tinh tế, nhiều biểu cảm. Cây cau muôn đời thẳng, lưng mẹ mỗi ngày còng; lá cau mãi vẫn xanh, tóc mẹ ngày thêm bạc; cau cao rồi cao mãi, mẹ lại thấp dần đi; trái cau xưa bổ sáu, nay bổ tám ngại to. Duy nhất một nét tương đồng giữa mẹ và cau thì gợi lên bao xót xa: Cau khô - khô như mẹ. Vậy là thời gian đã lấy đi tuổi xanh, rút cạn sức lực của mẹ, khiến con đau lòng mà tự vấn trời xanh. Nhưng câu hỏi đâu có lời hồi đáp.. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của loài người.



    Tri thức ngữ văn:

    Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Sinh năm 1950, quê Hà Nội.

    Bài thơ Mẹ - Đỗ Trung Lai:

    Lưng mẹ còng rồi
    Cau thì vẫn thẳng
    Cau - ngọn xanh rờn
    Mẹ - đầu bạc trắng

    Cau ngày càng cao
    Mẹ ngày một thấp
    Cau gần với giời
    Mẹ thì gần đất!

    Ngày con còn bé
    Cau mẹ bổ tư
    Giờ cau bổ tám
    Mẹ còn ngại to!

    Một miếng cau khô
    Khô gầy như mẹ
    Con nâng trên tay
    Không cầm được lệ

    Ngẩng hỏi giời vậy
    - Sao mẹ ta già?
    Không một lời đáp
    Mây bay về xa.


    - Xuất xứ bài thơ Mẹ: Bài thơ được in trong tập thơ Đêm sông Cầu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003.

    - Bố cục bài thơ Mẹ:

    + Câu 1 - câu 14: Hình ảnh người mẹ trong sự đối sánh với hình ảnh cau.

    + Câu 15 - câu 20: Cảm xúc của người con.

    - Nội dung, nghệ thuật bài thơ Mẹ:

    + Bài thơ Mẹ khắc họa hình ảnh mẹ trong sự đối sánh với hình ảnh cau, qua đó bộc lộ tình cảm yêu thương, xót xa, ngậm ngùi của người con khi đối diện với tuổi già của mẹ.

    + Bài thơ sử dụng thể thơ 4 chữ hàm súc, kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa; lời thơ dung dị, tự nhiên; biện pháp nghệ thuật đối lập được sử dụng một cách hiệu quả.

    [​IMG]

    Đề đọc hiểu bài thơ Mẹ - Đỗ Trung Lai

    Câu 1. Bài thơ được làm theo thể thơ nào? Chỉ ra đặc điểm của thể thơ đó ở các yếu tố: Số tiếng và nhịp ở các dòng thơ; vần của bài thơ.

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 3. Bài thơ Mẹ là lời của ai? Bộc lộ cảm xúc gì? Nêu cảm nhận chung của em sau khi đọc bài thơ.

    Câu 4. Hình ảnh mẹ trong bài thơ được đặt trong sự đối sánh với hình ảnh nào, trên những phương diện nào? Vì sao tác giả lại chọn hình ảnh đó?

    Câu 5. Liệt kê những từ ngữ được tác giả dùng để nói về mẹ và cau trong bài thơ. Để thể hiện hình tượng mẹ và cau, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Hãy chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

    Gợi ý

    Câu 1.

    - Bài thơ được làm theo thể thơ 4 chữ.

    - Đặc điểm của thể thơ 4 chữ:

    + Số tiếng và nhịp ở các dòng thơ: Số tiếng 4, nhịp chủ yếu là 2/2, có câu ngắt nhịp 1/3 (Cau - ngọn xanh rờn - Mẹ - đầu bạc trắng ).

    + Vần của bài thơ: Bài thơ gieo vần ở cuối câu 2 và câu 4 của mối khổ thơ.

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm

    Câu 3.

    - Bài thơ Mẹ là lời của người con

    - Bài thơ bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc: Yêu thương, xót xa, ngậm ngùi trước tuổi già của mẹ; trách giận thời gian.

    - Cảm nhận chung của em sau khi đọc bài thơ: Bài thơ ngắn, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị mà đọng lại cảm xúc, thể hiện được tình cảm yêu kính đối với mẹ và tâm trạng buồn, day dứt của người con khi mẹ ngày càng già và đến gần hơn với sự chia lìa cõi sống. Không nhiều dụng công nghệ thuật nhưng bài thơ vẫn gây xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, chạm đến những gì thiêng liêng nhất của mỗi người: Tình mẫu tử.

    Câu 4.

    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK


    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Câu 5.

    - Liệt kê những từ ngữ được tác giả dùng để nói về mẹ và cau trong bài thơ:

    Lưng còng – thẳng

    Ngọn xanh rờn - đầu bạc trắng

    Cao – thấp

    Gần giời – gần đất

    Cau khô – (mẹ) gầy

    - Để thể hiện hình tượng mẹ và cau, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ:

    + Đối lập: Giữa mẹ và cau trong dáng hình, màu sắc, chiều cao..

    + So sánh: Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ

    - Tác dụng của các biện pháp tu từ đó:

    + Gợi lên một cách xót xa hình ảnh người mẹ khi già đi, biểu đạt niềm thương cảm của người con đối với mẹ.

    + Làm cho bài thơ tăng tính gợi hình, biểu cảm.

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu bài thơ Mẹ - Đỗ Trung Lai (tt)

    Câu 6. Câu thơ "Cau gần với giời – Mẹ thì gần đất" gợi lên điều gì? Hai câu thơ khiến em liên tưởng đến câu thành ngữ dân gian nào?

    Câu 7. Nét tương đồng duy nhất giữa mẹ và cau được thể hiện qua những câu thơ nào?

    Câu 8. Chỉ ra và phân tích những câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ. Em hiểu nội dung của hai dòng thơ cuối bài như thế nào?

    Câu 9. Phân tích giá trị biểu đạt của từ "nâng" và từ "cầm" trong câu:

    Con nâng trên tay

    Không cầm được lệ

    Câu 10. Khái quát nội dung của bài thơ.

    Gợi ý trả lời

    Câu 6. Câu thơ "Cau gần với giời – Mẹ thì gần đất" gợi lên sự đối lập giữa cau và mẹ: Cau qua thời gian càng ngày càng lớn thêm, vươn cao lên bầu trời. Còn mẹ mỗi ngày một già đi, đến gần hơn với sự chia lìa cõi sống. "Gần với đất" là phép ẩn dụ gợi lên sự ra đi mãi mãi của một kiếp người.

    Hai câu thơ khiến em liên tưởng đến câu thành ngữ dân gian "gần đất xa trời".

    Câu 7. Nét tương đồng duy nhất giữa mẹ và cau được thể hiện qua những câu thơ:

    Một miếng cau khô

    Khô gầy như mẹ

    Hình ảnh người mẹ được ví như miếng cau khô gầy, thời gian đã bào mòn tất cả, khiền lưng mẹ còng, tóc mẹ bạc, sức sống cũng héo hắt, vơi vợi dần đi. Đằng sau hình ảnh so sánh là nỗi niềm rưng rưng, đau xót của người con.

    Câu 8.

    Những câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ:

    Ngẩng hỏi giời vậy

    - Sao mẹ ta già?

    Không một lời đáp

    Mây bay về xa.


    Tình cảm của người con dành cho mẹ được thể hiện trong cả bài thơ và đọng lại nghẹn ngào trong 4 câu kết. Sau những cảm nhận thấm thía về sự đối lập giữa mẹ và cau trong bốn khổ đầu người con đến đây thảng thốt nhận ra quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều. Quy luật sinh lão bệnh tử không ai tránh được và ngày con xa mẹ đang đến gần. Đau xót trước quy luật nghiết ngã ấy, người con ngẩng đầu tự vấn trời xanh: Vì sao mẹ lại già? Câu hỏi vang lên không lời hồi đáp dội lại lòng con bao nỗi niềm nhức nhối.

    Hai câu cuối như muốn nhấn mạnh thêm quy luật nghiệt ngã – sự vô tình của thời gian. Hình ảnh mây bay về xa, giữa bầu trời cao rộng là hình ảnh của thiên nhiên bất diệt, vình hằng. Sự vĩnh hằng của thiên nhiên đặt trong sự đối lập với sự hữu hạn của đời người càng làm tăng thêm nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng người con về tuổi già và sự ra đi của mẹ.

    Câu 9. Giá trị biểu đạt của từ "nâng" và từ "cầm" trong câu:

    Con nâng trên tay

    Không cầm được lệ

    Con "nâng" trong câu thơ trên là nâng miếng cau khô, héo. Không phải là "cầm", "nắm" bình thường mà là "nâng" – Từ "nâng" thể hiện hành động nhẹ nhàng, cẩn trọng. Vì cau đã khô, héo nên người con không nỡ dùng sức khi cầm trên tay. Hay vì miếng cau gợi liên tưởng đến mẹ: Cau khô gầy như mẹ, nên người con cảm thấy xót xa và muốn nâng giữ, trân quý như mẹ?

    Cảm xúc của người con gói trọn trong câu thơ kết. Chữ "cầm" đặt trong sự phủ định "không cầm được" thể hiện sự trào dâng của cảm xúc. Nghĩ đển tuổi già và sự lìa xa của mẹ, người con không ngăn được nỗi đau đớn, xót xa trong lòng mình. Cảm xúc nghẹn ngào kết tinh thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của tình yêu, tình thương..

    Câu 10. Khái quát nội dung của bài thơ: Bài thơ Mẹ khắc họa hình ảnh mẹ trong sự đối sánh với hình ảnh cau, qua đó bộc lộ tình cảm yêu thương, xót xa, ngậm ngùi của người con khi đối diện với tuổi già của mẹ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng ba 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề tham khảo dẫn từ FB thầy Đỗ Ngọc Thống

    (bài viết: ĐA DẠNG HÓA ĐỀ KIỂM TRA NGỮ VĂN)


    I. Trắc nghiệm

    Câu 1.
    Dòng nào nêu đúng 2 bài thơ đã học ở Ngữ văn 6 có cùng đề tài với bài Mẹ của Đỗ Trung Lai?

    A. Về thăm mẹ, Trong lòng mẹ

    B. Trong lòng mẹ, Những điều bố yêu

    C. À ơi tay mẹ, Về thăm mẹ,

    D. À ơi tay mẹ, Những điều bố yêu

    Câu 2. Về thể loại, bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai giống bài thơ nào sau đây?

    A. Ông đồ (Vũ Đình Liên)

    B. Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh)

    C. Một mình trong mưa (Đỗ Bạch Mai)

    D. Sao không về vàng ơi (Trần Đăng Khoa)

    Câu 3. Câu nào nêu đúng đặc điểm hình thức của thơ bốn chữ?

    A. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng thường ngắt nhịp 2/2

    B. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng thường ngắt nhịp 2/2 hoặc 1/3

    C. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng ngắt nhịp 3/1 hoặc 1/3

    D. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng ngắt nhịp 2/2 hoặc 3/1

    Câu 4. "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng/ Cau- ngọn xanh rờn/ Mẹ- đầu bạc trắng." Dòng nào nêu đúng cách ngắt nhịp của khổ thơ trên?

    A. 1/3 và 2/2

    B. 2/2 và 3/1

    C. 2/2/ và 1/3

    D. 3/1 và 1/3

    Câu 5. Trong bài thơ, hình ảnh người mẹ được so sánh với hình ảnh nào?

    A. Ngọn cau

    B. Thân cau

    C. Miếng cau khô

    D. Quả cau

    Câu 6. Biện pháp so sánh nêu ở câu 5 có tác dụng gì?

    A. Diễn tả được hình ảnh khô gầy, ngày một yếu đi của mẹ

    B. Diễn tả được hình ảnh nhỏ bé, tiều tụy của mẹ

    C. Diễn tả được hình ảnh thân thiết, ngày một già đi của mẹ

    D. Diễn tả được hình ảnh dáng mẹ cao, gầy, thanh thoát

    Câu 7. Chữnâng trong câu: Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ thể hiện được điều gì?

    A. Sự kính trọng, thiết tha, quý mến

    B. Sự lo lắng, yêu thương, quý mến

    C. Sự xúc động, ân hận, lo lắng

    D. Sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ

    - Đọc khổ thơ thứ 2: "Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp/ Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất!" Và trả lời câu 8, 9, 10.

    Câu 8. Hình ảnh caumẹ được dùng để thể hiện mối quan hệ nào?

    A. Giống nhau

    B. Bổ sung

    C. Ngược nhau

    D. Tương đồng

    Câu 9. Dòng nào nêu đúng các cặp từ đối lập trong khổ thơ trên?

    A. Cao/ thấp; cau/ mẹ ;

    B. Cao / thấp; đất/ trời ;

    C. Đất/ trời/; mẹ/ cau ;

    D. Càng/ một; với/ gần

    Câu 10. Dòng nào nêu đúng ý của khổ thơ trên?

    A. Cau ngày càng cao lớn, mẹ ngày một già yếu

    B. Cau ngày một xanh tốt, tóc mẹ ngày càng bạc

    C. Cau ngày một nhiều quả, lưng mẹ ngày càng còng

    D. Cau ngày càng yêu trời, mẹ ngày càng yêu đất

    II. Tự luận

    Câu 1.
    Chuyển nội dung bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai thành bài văn biểu cảm theo cách hiểu của em.

    Câu 2. Chỉ ra tác dụng của một biện pháp nghệ thuật mà em thấy đặc sắc nhất trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai.

    Câu 3. Kết thúc bài thơ, tác giả viết: "Ngẩng hỏi giời vậy/ Sao mẹ ta già? / Không một lời đáp/ Mây bay về xa.". Em hiểu nhà thơ muốn nói điều gì qua đoạn thơ trên?

    Câu 4. Tình cảm sâu nặng của tác giả qua một số câu chữ, hình ảnh mà em thấy độc đáo trong bài thơ Mẹ.

    Câu 5. "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ/ Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ." Theo em có từ nào thay được từ "nâng" trong khổ thơ trên không? Vì sao?

    Câu 6. Hình dung mình là nhà thơ để viết bài giới thiệu với bạn đọc một số nét đặc sắc của bài thơ Mẹ.

    Câu 7. Tưởng tượng mình là người mẹ; sau khi đọc bài thơ này, "người mẹ" ấy sẽ nói với con những gì?

    Câu 8. Theo em, qua bài Mẹ, nhà thơ Đỗ trung Lai đã nói được điều gì? Nội dung nào là nội dung nhà thơ nói hộ cho rất nhiều người?

    Câu 9. Hình ảnh hoặc một khổ thơ nào trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai để lại nhiều ấn tượng nhất với em? Vì sao?

    Câu 10. Điểm giống và khác nhau giữa bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai và bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương đã học ở Ngữ văn 6 hoặc với bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm đã học ở Ngữ văn 7, tập hai (sách CD).

    Câu 11. Viết lại những suy nghĩ và tình cảm của em về người mẹ của mình, sau khi học bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai.

    Câu 12. Theo em ở thời hiện đại (thời cách mạng 4.0), những người con có còn suy nghĩ về mẹ như trong bài thơ của Đỗ Trung Lai? Vì sao?

    Định hướng làm bài

    (Bài soạn của cá nhân người viết, chỉ mang tính chất tham khảo; tôn trọng bài làm thể hiện quan điểm cá nhân của học sinh)

    I. Trắc nghiệm

    Câu 1. C - cùng viết về đề tài mẹ.

    Câu 2. C - cùng thể thơ 4 chữ

    Câu 3. A - Mỗi dòng 4 chữ, các dòng thường ngắt nhịp 2/2

    Câu 4. B - Hai câu đầu nhịp 2/2, hai câu sau nhịp 1/3

    Câu 5. C - Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ

    Câu 6. A - Diễn tả được hình ảnh khô gầy, ngày một yếu đi của mẹ.

    Câu 7. D - Sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ

    Câu 8. C - Ngược nhau

    Câu 9. B - cao / thấp; đất/ trời;

    Câu 10. A - Cau ngày càng cao lớn, mẹ ngày một già yếu

    II. Tự luận

    Câu 1.
    Chuyển nội dung bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai thành bài văn biểu cảm:

    "Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần". Mỗi khi giai điệu của bài hát da diết vọng đến là lòng con lại bồi hồi. Mẹ của con đã không còn trẻ nữa. Xuân đi rồi xuân trở lại theo quy luật tuần hoàn. Nhưng buồn thay, mùa xuân trở về đồng nghĩa với tuổi xuân của mẹ trôi dần vào quá khứ.

    Nhìn hàng cau trước sân mỗi ngày một lớn thêm, ngọn thẳng mũi tên vươn lên bầu trời, con lại chạnh lòng nghĩ về mẹ. Khi mẹ còn trẻ, cau mới thấp ngang ngực người. Vậy mà giờ đây, cau đã vươn lên tăm tắp, cao hơn cả chái rơm, cao hơn cả mái nhà mình nữa. Còn mẹ? Cũng là sự đổi thay, sao mà nghe nghèn nghẹn: lưng mẹ đã còng, dáng mẹ đã thấp gầy hơn trước. Ngọn cau sau bao năm vẫn xanh mướt mượt mà, tóc mẹ sau bao năm đã phai màu năm tháng - bạc trắng. Cau càng lớn, càng gần bầu trời. Mẹ của con lại gần hơn với đất. Thời gian đã lấy đi của mẹ tuổi xuân, đã nhuốm màu mái tóc, đã hằn in trên dáng lưng còng. Và thời gian còn khiến mẹ đến gần hơn với sự giã biệt cõi bụi trần. Sao không khỏi xót xa?

    Con còn nhớ ngày con còn nhỏ, mỗi khi ăn trầu, mẹ có thói quen bổ trái cau làm bốn. Lúc ấy răng mẹ còn khỏe, miếng cau bổ tư ấy đâu có làm khó được mẹ. Vậy mà bây giờ, cau bổ thành tám, mẹ vẫn ngại to. Răng mẹ đã yếu rồi, cái còn cái mất. Miếng cau cắt nhỏ vậy vẫn khiến mẹ trệu trạo khó khăn.

    Cau ăn không hết, mẹ mang phơi nắng dùng dần. Nâng trên tay những miếng cau khô ấy, sao con thấy chúng giống mẹ quá chừng. Cũng khô héo, gầy mòn như mẹ của con. Thời gian nghiệt ngã quá. Còn bao mùa cau con được bên mẹ? Còn bao tháng ngày được nhìn mẹ bỏm bẻm nhai trầu? Nhìn miếng cau khô trên tay, con không khỏi lo sợ hình dung đến ngày mẹ rời bỏ chúng con mà đi về với đất. Nước mắt con rưng rưng, lòng con đau như thắt. Tự vấn trời xanh: Sao mẹ lại già đi? Làm sao giữ được mẹ của chúng con mãi mãi chốn này? Câu hỏi ném vào giữa trời xanh, mây trắng, không một lời đáp!

    Thời gian nhẹ bước mỏi mòn. Xin đừng bước nữa để còn mẹ đây...

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười 2022
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Câu 2.

    - Biện pháp nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai là biện pháp đối lập, phát huy tối đa hiệu quả nghệ thuật trong 3 khổ thơ đầu:

    Lưng mẹ còng >< Cau vẫn thẳng; Cau - ngọn xanh rờn >< Mẹ - đầu bạc trắng; Cau ngày càng cao >< Mẹ ngày một thấp; Cau gần với giời >< Mẹ thì gần đất; cau bổ tư >< cau bổ tám

    -
    Tác dụng:

    + Hình ảnh đối lập giữa cau và mẹ nhấn mạnh sự nghiệt ngã của thời gian, sự già đi của mẹ; nhấn mạnh nỗi xót xa, lòng thương mẹ của người con.

    + Khiến cho lời thơ cân xứng, hài hòa, tăng nhạc tính.

    Câu 3. "Ngẩng hỏi giời vậy/ Sao mẹ ta già? / Không một lời đáp/ Mây bay về xa." . Điều nhà thơ muốn nói qua khổ thơ:

    - Sự vô vọng, bất lực của con người, không thể níu giữ được thời gian. Sự trôi chảy của thời gian là dòng chảy tự nhiên, tuyến tính, không thể nào níu kéo được.

    - Nhà thơ xót xa nghẹn ngào khi mẹ ngày một già đi theo thời gian.

    - Khơi dậy niềm trắc ẩn trong lòng mỗi người làm con về tuổi già của mẹ; nhắc nhở mỗi chúng ta hày yêu thương, trân quý mẹ khi mẹ còn sống trên cõi đời này.

    Câu 4. Tình cảm sâu nặng của tác giả qua một số câu chữ, hình ảnh mà em thấy độc đáo trong bài thơ Mẹ .

    Tình cảm sâu nặng của tác giả được thể hiện trong cả bài thơ, nhưng em thấy xúc động nhất là hai câu:

    Con nâng trên tay

    Không cầm được lệ

    Con "nâng" trong câu thơ trên là nâng miếng cau khô, héo. Không phải là "cầm", "nắm" bình thường mà là "nâng" – Từ "nâng" thể hiện hành động nhẹ nhàng, cẩn trọng. Vì cau đã khô, héo nên người con không nỡ dùng sức khi cầm trên tay. Hay vì miếng cau gợi liên tưởng đến mẹ: Cau khô gầy như mẹ, nên người con cảm thấy xót xa và muốn nâng giữ, trân quý như mẹ?

    Cảm xúc của người con gói trọn trong câu thơ kết. Chữ "cầm" đặt trong sự phủ định "không cầm được" thể hiện sự trào dâng của cảm xúc. Nghĩ đển tuổi già và sự lìa xa của mẹ, người con không ngăn được nỗi đau đớn, xót xa trong lòng mình. Cảm xúc nghẹn ngào kết tinh thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của tình yêu, tình thương..

    Câu 5. "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ/ Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ."

    Theo em có thể thay từ "nâng" trong khổ thơ trên không bằng các từ khác như: Cầm, giữ, nắm.. Tuy nhiên, không nên thay như vậy, vì khi thay, sẽ mất đi ý nghĩa câu thơ. Từ "nâng" thể hiện sự nâng niu, trân trọng của người con đối với mẹ. Nếu thay bằng các từ khác thì ý nghĩa này mất đi, cảm xúc thơ cũng mất đi..
     
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Câu 7. Tưởng tượng mình là người mẹ; sau khi đọc bài thơ này, "người mẹ" ấy sẽ nói với con những gì?

    "Ồ, lại viết về mẹ đó sao Lai? Mà sao cái bài này nó lại buồn vậy chứ? Mẹ đã già, đã yếu đến thế sao? Không nhé, mẹ còn khỏe chán. Lưng còng à, ai về già chẳng thế! Tóc bạc à, có người mới ngũ tuần cũng bạc đấy thôi. Chả có gì phải buồn đâu. Mẹ còn khỏe, còn sống lâu lâu nữa với các con. Việc gì mà phải khóc chứ?

    Mi tệ thiệt đó, sao lại ví mẹ như miếng cau khô? Mẹ làm gì khô héo đến thế chứ! Mẹ đề nghị viết lại câu này, và cả câu" Mẹ gần với đất nữa ". Sống là phải vui vẻ, lạc quan, cứ nghĩ xa xôi đâu đâu vậy? Mẹ mi còn sống sờ sờ đây này.

    Ví thử mẹ có phải về với đất, thì đó là quy luật thôi. Mẹ còn chả lo, chả buồn, mi lo chi vội. Cứ chăm chỉ về thăm mẹ, yêu thương hiếu thuận với mẹ là mẹ vui lòng rồi, có đi cũng mãn nguyện. Lần sau viết thơ về mẹ, nhớ phải viết vui vui đấy!"
     
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Câu 8. Theo em, qua bài Mẹ, nhà thơ Đỗ trung Lai đã nói được điều gì? Nội dung nào là nội dung nhà thơ nói hộ cho rất nhiều người?

    Qua bài thơ "Mẹ", Đỗ Trung Lai đã nói được nhiều điều:

    - Tình yêu thương, kính mến của nhà thơ đối với người mẹ của mình;

    - Sự nghiệt ngã của thời gian, sự ngắn ngủi của kiếp người. Thời gian không bỏ qua một ai, ai rồi cũng già đi và về gần hơn với đất, mẹ cũng vậy. Bài thơ nói lên nỗi lo sợ của người con khi đối diện với tuổi già và sự ra đi của mẹ.

    - Bài thơ còn nói lên trách nhiệm của con đối với mẹ: Yêu thương và quan tâm mẹ khi mẹ còn sống giữa cuộc đời..

    Nội dung mà nhà thơ nói hộ rất nhiều người đó là tình cảm yêu thương của con dành cho mẹ. Đây là tình mẫu tử thiêng liêng sâu nặng của bất cứ người con nào. Ai cũng đều yêu thương mẹ (trừ số ít kẻ bất hiếu, vô đạo). Nhưng không phải ai cũng có thể nói được với mẹ những lời yêu thương ấy. Bài thơ đã nói "giùm" rất nhiều người..

    Câu 9. Hình ảnh hoặc một khổ thơ nào trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai để lại nhiều ấn tượng nhất với em? Vì sao?

    Hình ảnh "Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ" khiến em xúc động. Tất cả các hình ảnh đối sánh bên trên đều tương phản nhau, đây là hình ảnh tương đồng duy nhất giữa mẹ và cau mà gợi lên bao xót xa: Mẹ được so sánh với miếng cau khô, khô và gầy. Sự so sánh ấy khiến ta hình dung dáng người gầy guộc, da dẻ nhăn nheo và sức lực cạn khô của mẹ khi về già. Thời gian nghiệt ngã đã cướp đi tuổi xuân, rút cạn sức lực của mẹ. Đọc câu thơ, ta như thấy từng giọt nước mắt mặn mòi của người co đang âm thầm nhỏ xuống và thấy chính lòng mình như quặn lên nỗi đau xót, ngậm ngùi.
     
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Câu 10. Điểm giống và khác nhau giữa bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai và bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương đã học ở Ngữ văn 6:

    - Giống nhau:

    + Nội dung: Đều viết về mẹ; đều thể hiện những cảm nhận của con về cuộc đời lam lũ, vất vả của mẹ; đều thể hiện tình yêu thương, đức hi sinh cao cả của mẹ ành cho con cũng như lòng biết ơn, tình yêu thương của con dành cho mẹ.

    + Nghệ thuật: Giọng điệu lời thơ ở cả hai bài đều da diết, trầm buồn; hình ảnh, ngôn từ giản dị, tự nhiên mộc mạc.

    - Khác nhau:

    + Nội dung: Bài thơ "Về thăm mẹ" của Đinh Nam Khương ghi lại một tình huống cụ thể: Con về thăm mẹ, mẹ vắng nhà, con nhìn những sự vật quanh nhà mà suy ngẫm về cuộc đời và vẻ đẹp của mẹ, như vậy cảm xúc của nhân vật trữ tình được khơi gợi từ tình huống cụ thể. Bài thơ "Mẹ" của Đỗ Trung Lai, cảm xúc của nhân vật trữ tình lại được khơi gợi từ một hình ảnh vốn gắn liền với mẹ: Hình ảnh cau. Nếu trong bài thơ "Về thăm mẹ", người mẹ hiện hữu qua những sự vật như chum tương, nón mê, áo tơi, đàn gà hay quả na thì trong bài thơ "Mẹ", hình ảnh mẹ lại hiện hữu song hành với hình ảnh cau. Trong bài thơ "Về thăm mẹ" ta nhận thấy, đồ dùng vẫn như xưa, và đồ dùng nào cũng chất chứa kỷ niệm về đức hy sinh và tình thương của mẹ. Trong bài thơ "Mẹ", hình ảnh cau thay đổi theo thời gian, mẹ cũng thay đổi theo thời gian. Nhưng cau thì lớn lên, còn mẹ lại già đi. Bài thơ "Về thăm mẹ" gợi cảm xúc yêu thương, trìu mến của người đọc đối với mẹ thì bài thơ "Mẹ" lại gợi bao nỗi niềm xót xa, thương cảm vì dòng thời gian đẩy mẹ gần hơn đến tuổi già và cái chết.

    + Nghệ thuật:

    - Bài thơ "Về thăm mẹ" viết bằng thể thơ lục bát; bài thơ "Mẹ" viết bằng thể thơ bốn chữ

    - Biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong bài "Về thăm mẹ" là liệt kê (các sự vật gắn với mẹ) ; biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong bài "Mẹ" là đối lập.

    Câu 11: Sau khi đọc bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai, em càng cảm nhận sâu sắc tình yêu thương, hy sinh to lớn của mẹ dành cho con. Mẹ là người luôn lặng thầm lo toan, chăm sóc cho con từ những điều nhỏ nhất mà không mong cầu gì cho riêng mình. Bài thơ khiến em trân trọng hơn những lúc mẹ ở bên, sẵn sàng che chở và hi sinh. Tình yêu mẹ dành cho con là nguồn động lực giúp em sống tử tế, mạnh mẽ hơn.

    Câu 12: Trong thời đại 4.0, những người con vẫn giữ suy nghĩ và tình yêu thương với mẹ như trong bài thơ của Đỗ Trung Lai, nhưng cách thể hiện có phần thay đổi. Công nghệ hiện đại đôi khi làm giảm sự giao tiếp trực tiếp, nhưng tình yêu và lòng biết ơn dành cho mẹ vẫn tồn tại và được thể hiện qua nhiều cách khác nhau, từ việc nhắn tin, gọi video, hay chia sẻ những kỷ niệm, bày tỏ lòng biết ơn trên mạng xã hội.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...