Đọc hiểu: Bài hát về cố hương, Nguyễn Quang Thiều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 27 Tháng mười 2024.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,022
    Đọc hiểu: Bài hát về cố hương, Nguyễn Quang Thiều


    Đọc văn bản sau:

    Bài hát về cố hương

    Tôi hát bài hát về cố hương tôi
    Khi tất cả đã ngủ say
    Dưới những vì sao ướt át
    Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về
    [...]
    Tôi hát bài hát về cố hương tôi
    Trong ánh sáng đèn dầu


    Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
    Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
    Thuở tôi vừa sinh ra
    Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
    Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc


    Tôi hát bài hát về cố hương tôi
    Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
    Nó không tiêu tan
    Nó thành con giun đất
    Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
    [...]


    Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
    Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
    Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
    [...]


    Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
    Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi.


    1991

    (Nguyễn Quang Thiều, Sự mất ngủ của lửa, NXB Văn học, Hà Nội, 1992, tr. 83-85)

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1:
    Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

    Câu 3: Bài thơ thể hiện tình cảm của tác giả đối với cố hương như thế nào?

    Câu 4: Hình ảnh "ngọn đèn dầu" trong bài thơ có ý nghĩa gì đối với tác giả và người đọc?

    Câu 5: Vì sao tác giả lại sử dụng hình ảnh "khúc ruột chôn ở đó" để nói về mối liên kết với quê hương?

    Câu 6: Nêu 2 biện pháp tu từ nào trong bài thơ, phân tích tác dụng.

    Câu 7: Cách dùng từ ngữ "con giun đất" và "chiếc tiểu sành" có vai trò như thế nào trong việc làm nổi bật chủ đề?

    Câu 8: Vì sao tác giả lại mong muốn "ở kiếp sau là một con chó nhỏ" để "canh giữ nỗi buồn" của cố hương?

    Câu 9: Bài thơ có sử dụng hình ảnh ẩn dụ không? Nếu có, hãy phân tích ý nghĩa của những hình ảnh ẩn dụ đó.

    Câu 10: Tâm trạng của tác giả trong bài thơ là gì, và điều đó được thể hiện qua những từ ngữ nào?

    Câu 11: Nêu giá trị văn hóa của bài thơ.

    Câu 12. Qua bài thơ, em nhận thức được điều gì về triết lí nhân sinh mà nhà thơ gửi gắm?

    Gợi ý:

    Câu 1:
    Bài thơ được viết theo thể thơ: Tự do.

    Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ: "Tôi" - tác giả.

    Câu 3: Tình cảm của tác giả đối với cố hương:

    Bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng, hoài niệm và thương nhớ của tác giả dành cho cố hương. Qua từng hình ảnh như "vì sao ướt át," "ngọn đèn dầu," và "con chó nhỏ canh giữ nỗi buồn," tác giả thể hiện một tình yêu bền bỉ, gắn bó và khao khát quay về quê hương, nơi chứa đựng quá khứ và ký ức của ông.

    Câu 4:

    Ý nghĩa của hình ảnh "ngọn đèn dầu" :

    Hình ảnh ngọn đèn dầu không chỉ là vật dụng ánh sáng mà còn là biểu tượng cho truyền thống gia đình, được ông bà để lại, chứa đựng kỷ niệm và nỗi buồn đẹp đẽ. Nó đại diện cho di sản tinh thần mà tác giả nhận từ thế hệ trước và cả quá trình trưởng thành, học cách buồn, yêu và khóc qua ánh đèn đó.

    Câu 5:

    Ý nghĩa của "khúc ruột chôn ở đó" : "Khúc ruột chôn ở đó" tượng trưng cho sự gắn bó máu thịt của tác giả với quê hương. Hình ảnh này khắc sâu vào lòng người đọc về sự ràng buộc chặt chẽ, không thể tách rời giữa tác giả và nơi chôn nhau cắt rốn. Nó còn biểu thị sự hy sinh, mong muốn mãi thuộc về quê hương của tác giả.

    Câu 6:

    - Hai biện pháp tu từ:

    + Ẩn dụ: "Ngọn đèn dầu" : Tượng trưng cho những hình ảnh thân thuộc của gia đình quê hương.

    + Nhân hóa: "Những ngọn gió hoang mê dại"

    - Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi nhớ quê da diết, khắc khoải của nhân vật trữ tình; tạo nên bầu không khí vừa thân thương vừa sâu lắng, thể hiện một tình cảm nồng cháy, day dứt; tạo sự sinh động, hấp dẫn cho lời thơ.

    Câu 7: Cách dùng từ ngữ "con giun đất" và "chiếc tiểu sành" có vai trò trong việc làm nổi bật chủ đề:

    Hình ảnh "con giun đất" gợi lên sự nhỏ bé, âm thầm nhưng liên kết mật thiết với mảnh đất quê hương. "Chiếc tiểu sành" là biểu tượng cho nơi yên nghỉ cuối cùng, giúp nhấn mạnh mong muốn được mãi mãi thuộc về cố hương, thậm chí là trong cái chết.

    Câu 8: Tác giả mong muốn "ở kiếp sau là một con chó nhỏ" để "canh giữ nỗi buồn" của cố hương vì:

    Tác giả mong muốn trở thành một "con chó nhỏ" để canh giữ nỗi buồn của quê hương, điều này thể hiện tình yêu và sự hy sinh tuyệt đối. Con chó nhỏ là hình ảnh của lòng trung thành và sự gắn bó đơn sơ, thể hiện mong muốn được mãi mãi ở bên cạnh, bảo vệ và giữ gìn kỷ niệm quý giá của quê hương.

    Câu 9:

    - Hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ: Bài thơ sử dụng nhiều ẩn dụ như "ngọn đèn dầu" (đại diện cho ký ức gia đình), "khúc ruột chôn" (tình cảm máu thịt với quê hương), và "con chó nhỏ" (sự trung thành và canh giữ).

    - Những hình ảnh này đều nhằm thể hiện sự gắn bó sâu sắc và tình yêu không dứt với quê hương.

    Câu 10:

    Tâm trạng của tác giả trong bài thơ: Bài thơ mang đậm nỗi buồn sâu lắng, một nỗi nhớ nhung da diết pha lẫn chút hoài niệm và khao khát. Những từ ngữ như "ướt át", "mê dại", "đẹp và buồn", "khóc", "âm thầm" đều góp phần diễn tả tâm trạng bồi hồi, day dứt của tác giả khi nghĩ về quê hương.

    Câu 11: Giá trị văn hóa:

    Đoạn trích cho thấy giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam: Luôn hướng về quê hương- nơi chôn nhau cắt rốn; quê hương, trước hết chưa phải là những cái cao sang mà là những gì gần gũi, đời thường nhất; quê hương gắn liền với những phong tục tập quán, những sinh hoạt đời sống đã sâu rễ bền gốc (ví dụ: Tục chôn nhau thai).

    Câu 12: Triết lí nhân sinh:

    Đoạn trích thể hiện quan niệm của nhà thơ về đời sống: Mỗi con người sinh ra, lớn lên, rồi khi chết cũng phải quay về với nơi chôn nhau cắt rốn; sự sống luôn luôn tái sinh không ngừng dưới những dạng tồn tại khác nhau.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...