Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi - Tây Ban Nha hát nghêu ngao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 29 Tháng mười hai 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 5:

    "Những tiếng đàn bọt nước
    Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
    li-la li-la li-la
    Đi lang thang về miền đơn độc
    Với vầng trăng chếnh choáng
    Trên yên ngựa mỏi mòn

    Tây Ban Nha hát nghêu ngao
    Bỗng kinh hoàng
    Áo choàng bê bết đỏ
    Lorca bị điệu về bãi bắn
    Chàng đi như người mộng du
    Tiếng ghi-ta nâu bầu trời cô gái ấy
    Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
    Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
    Tiếng ghi-ta ròng ròng
    Máu chảy"

    (Trích "Đàn ghi ta của Lor-ca" – Thanh Thảo)

    Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

    Trả lời:

    Đoạn thơ trên viết theo thể thơ tự do.

    Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

    Trả lời:

    Đoạn thơ nói về hình ảnh cô đơn của người nghệ sĩ Lorca trong hành trình cách tân nghệ thuật và cái chết đầy bi phẫn của Lorca.

    Câu 3. Xác định biện pháp nghệ thuật trong câu thơ "những tiếng đàn bọt nước" và nêu tác dụng.

    Trả lời:

    Câu thơ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ tượng trưng để gợi tả, giúp câu thơ giàu sức gợi hình. Giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về tiếng đàn không chỉ ở phương diện âm thanh mà còn ở phương diện hình ảnh.

    Câu thơ "những tiếng đàn bọt nước" gợi lên hình ảnh những khối hình cầu đẹp đẽ, hoàn hảo nhưng cũng rất mong manh, dễ vỡ. Đồng thời cũng gợi lên cuộc sống ngắn ngủi, mong manh của người nghệ sĩ Lorca.

    Câu 4. Các hình ảnh "đi lang thang", "vầng trăng chếnh choáng", "yên ngựa mỏi mòn", "hát nghêu ngao" "li-la li-la li-la.." gợi liên tưởng đến điều gì?

    Trả lời:

    Các hình ảnh "đi lang thang", gợi lên liên tưởng về cuộc hành trình đơn độc và vô định, mệt mỏi, và không có một ai thấu hiểu.

    "Vầng trăng chếnh choáng" gợi lên liên tưởng về một nguồn sáng mờ ảo, không sáng tỏ, mạnh mẽ.

    "Yên ngựa mỏi mòn" gợi lên cảm giác mệt mỏi, kiệt sức do thể chất và tinh thần bị bào mòn theo thời gian.

    Trên hành trình cách tân nghệ thuật, người nghệ sĩ Lorca phải một mình đương đầu với thế lực phát xít tàn bạo, tự mình đấu tranh với nền nghệ thuật già nua suốt một thời gian rất dài mà không có một người nào cùng đồng hành, cùng chiến đấu.

    Các chi tiết "hát nghêu ngao", "li-la li-la li-la..." gợi lên hình ảnh một người nghệ sĩ ngông nghênh, tự do và yêu đời. Chuỗi hợp âm "li-la li-la li-la" đã cho thấy nghệ sĩ Lor-ca đang bay bổng với những giai điệu mới, với khát vọng cách tân nghệ thuật.

    Tất cả những chi tiết trên là một khúc tiền tấu về người nghệ sĩ Lorca trên hành trình thực hiện ước mơ cách tân nghệ thuật. Khúc nhạc này có giai điệu mạnh mẽ, hào hùng, rồi lắng xuống nhẹ nhàng, tạo cảm giác bi thương, day dứt không nguôi.

    Câu 5. Viết bài văn nêu cảm nhận của anh, chị về đoạn thơ:

    "Tây Ban Nha hát nghêu ngao
    Bỗng kinh hoàng
    Áo choàng bê bết đỏ
    Lorca bị điệu về bãi bắn
    Chàng đi như người mộng du

    Tiếng ghi-ta nâu bầu trời cô gái ấy
    Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
    Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
    Tiếng ghi-ta ròng ròng
    Máu chảy"

    Bài viết tham khảo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thơ văn là cảm xúc, là bao nhiêu trăn trở, suy tư của con người khi nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Có những vầng thơ không dễ dàng thấu hiểu bởi lẽ, con người ta không có một quy luật cụ thể nào để hiểu được cảm xúc hay dự đoán về tương lai của một người một cách cặn kẽ. Thơ của Thanh Thảo cũng vậy. Tựa như một "Khối vuông rubik" sáu mặt với muôn vàn khối vuông nhỏ khác màu nằm liền kề, hỗn loạn, thoạt nhìn qua sẽ thấy rất phức tạp, khó hiểu nhưng một khi đã tìm ra quy luật để sắp xếp thống nhất các khối màu, con người ta lại thấy thích thú và càng thêm say mê. Nhiều người nói rằng "Tiếng đàn ghi-ta của Lorca" cũng là một khối rubik. Thật vậy, không mấy ai có thể hiểu cặn kẽ ngay từ lần đầu mà phải trải qua nhiều lần đọc hiểu, nghiên cứu mới thấm thía hết cái cảm xúc bi phẫn của tác giả trước cái chết quá đột ngột và oan khuất của Lorca.

    "Tây Ban Nha hát nghêu ngao
    Bỗng kinh hoàng
    Áo choàng bê bết đỏ
    Lorca bị điệu về bãi bắn
    Chàng đi như người mộng du

    Tiếng ghi-ta nâu bầu trời cô gái ấy
    Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
    Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
    Tiếng ghi-ta ròng ròng
    Máu chảy"

    Những cái chết trẻ, những sự ra đi đột ngột thường khiến lòng người bàng hoàng, xót xa. Trước cái chết của Lorca và dù không phải là người trực tiếp chứng kiến, nhà thơ Thanh Thảo vẫn không khỏi bi phẫn và đau đớn. Bọn phát xít độc tài đã lén lút ám sát Lorca một cách hèn hạ rồi gắn án tử cho nhà cách tân nghệ thuật để hợp thức hóa cái chết của Lorca và lấp liếm, che đậy hành động dơ bẩn, hèn nhát của bọn chúng.

    "Tây Ban Nha hát nghêu ngao
    Bỗng kinh hoàng
    Áo choàng bê bết đỏ
    Lorca bị điệu về bãi bắn
    Chàng đi như người mộng du"

    Người nghệ sĩ Lorca cùng với nghệ thuật và khao khát cách tân đã bị thế lực tàn ác giết hại vào khoảnh khắc không ngờ nhất. Khi vẫn còn đang "hát nghêu ngao", say sưa với những giai điệu cuộc đời và đắm mình với đam mê thì điềm báo cái chết ập đến. Tấm "áo choàng bê bết đỏ" ướt đẫm màu máu và thấm đẫm nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Lorca bị buộc phải chết ngay cả khi không thể tin vào sự thật trước mắt, và những khát khao cách tân nghệ thuật cùng ước mơ đấu tranh cho sự tự do, dân chủ sẽ tạm thời bị chôn vùi. Bọn phát xít và nền chuyên chính độc tài từ lâu đã xem Lorca là một mối tai họa, thế nên, chúng chọn cách giết chết Lorca trước khi ngọn lửa ấy bùng lên thành một đám cháy lớn.

    Đối với những kẻ đứng đầu nền chuyên chính độc tài, giết chết Lorca là tiêu diệt một kẻ địch. Còn với những người đam mê cái đẹp, hướng về cái mới, khao khát tự do và sự cách tân thì sự ra đi của Lorca là một nỗi đau, sự mất mát quá lớn bởi cái chết ấy cũng đồng nghĩa với việc một khát vọng, một giá trị nhân văn cao đẹp bị mất đi.

    Khoảnh khắc bị "điệu về bãi bắn", khi cái chết đã cận kề, Lorca bước đi như một người mộng du. Bởi lẽ, đến lúc sắp phải ra đi, Lorca vẫn không hiểu tại sao mình phải chết. Hoặc tận sâu trong tiềm thức, dù đã ý thức được mọi chuyện, Lorca vẫn giữ một tư thế bất khuất, hiên ngang, xem thường cái chết, xem thường cả lũ người hèn hạ đã giết mình và nhất quyết không cúi đầu.

    Lorca ra đi, tiếng đàn ghi-ta cũng không còn nguyên vẹn. Bản nhạc cuộc đời mang hoài bão cách tân, khao khát tự do liên tiếp vỡ tan. Đó không còn là những tiếng li-la li-la đơn thuần mà còn là những hình ảnh đối lập đầy đau thương, bi tráng.

    "Tiếng ghi-ta nâu bầu trời cô gái ấy
    Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
    Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
    Tiếng ghi-ta ròng ròng
    Máu chảy"

    Mỗi lần vỡ tan là một lần tiếng ghi-ta mang thêm một hình ảnh, một tầng nghĩa riêng biệt. Đó là "tiếng ghi-ta nâu" mang màu của đất, mang theo sự tiếc nuối, xót thương cho một tuổi trẻ với "bầu trời" hoài bão to lớn và "cô gái ấy" với một tình yêu chung thủy, sắt son. Tiếng đàn còn là sự tiếc nuối cho một tài năng phải ra đi khi còn rất trẻ "tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy", tiếc cho một khát vọng mới thành hình, chưa kịp vững chắc đã phải vỡ tan "tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan". Bao nhiêu đau thương, bao nhiêu căn phẫn đều thấm đẫm trong từng âm thanh, từng tiếng nhạc và khơi gợi, dẫn dắt người đọc đến từng cung bậc cảm xúc khác nhau để thấu hiểu và căm tức, oán hận một chế độ chuyên chính bảo thủ do lũ người độc tài, tàn ác cầm quyền.

    "Tiếng ghi-ta ròng ròng
    Máu chảy"

    Hành trình đấu tranh cho tự do, công lí và những khát vọng cách tân của người nghệ sĩ Lorca tạm thời dừng lại. Lorca ra đi, bao nhiêu tâm nguyện chưa vẹn tròn cũng hóa thành "bọt nước vỡ tan", điều duy nhất ở lại là sự tiếc nuối, căm hận và đau xót.

    Xuyên suốt đoạn thơ viết về cái chết bi phẫn của Lorca, cụm từ "tiếng ghi-ta" lặp đi lặp lại cùng những hình ảnh, những cảm xúc mãnh liệt, dồn dập. Có lẽ, khi Lorca đột ngột ra đi, những người yêu mến Lorca không thể nào chấp nhận được. Càng ngạt thở trước hiện thực, họ càng bối rối, cuống cuồng tìm lại chút dĩ vãng, chút dấu ấn xa xưa để rồi phải tự thức tỉnh và gục ngã trước hiện thực phũ phàng.

    Bằng cách lựa chọn thể thơ tự do, dùng những thủ pháp chuyển đổi cảm giác, đoạn thơ trên đã xuất sắc gợi lại hình ảnh Lorca vào những giây phút cuối đời. Đồng thời, thủ pháp nghệ thuật này tạo nên một làn gió nghệ thuật rất mới, rất độc đáo, rất phù hợp với những nỗ lực cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ Lorca. Nhà thơ Thanh Thảo đã dồn tất cả tâm tư, cảm xúc vào từng câu chữ để "Tiếng đàn ghi-ta của Lorca" thêm một lần đến với công chúng qua từng dòng thơ. Bài thơ bi tráng, giàu hình ảnh, nhạc điệu đã tái hiện một khung cảnh đầy ám ảnh về cái chết của người nghệ sĩ thiên tài và những ước nguyện dở dang, không người tiếp nối.

    Lưu ý: Bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, vui lòng không bê vào phòng thi. Tác giả viết bài không dựa vào kiến thức đã học nên không khẳng định bài viết này giúp điểm môn Văn khá hơn.

    Lục Huyền Cầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười hai 2021
  2. Thursday Lyen Uống nước, ăn trái cây rất có lợi cho sức khoẻ.

    Bài viết:
    104
    Eo, tưởng đọc thơ xong cái trả lời câu hỏi của người viết bài ở trên chứ.

    Nhờ vậy mà hay, vừa nghĩ ra ý tưởng viết thơ tương tác với khán giả.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...