Tên truyện: Đoàn viên Thể loại: Truyện ngắn Tác giả: Quỳnh Lam Thu *** Mẹ đang ngồi ngoài sân gói bánh chưng với bà nội. Những hạt gạo nếp trắng tròn thích mắt, chen nhau trong chậu nhỏ. Cái rá đựng đậu xanh cũng đầy ắp, vàng ruộm như màu nắng. Tay mẹ tay bà cứ thoăn thoắt trải lá rồi đổ gạo, những chiếc bánh vuông vức chồng lên nhau ngày một nhiều. Tôi ngồi bên cạnh chỉ nhìn mà không giúp gì được, nói trắng ra là ăn hại, cái tay thi thoảng còn cho vào vốc ít đậu ăn. Mẹ nhìn thấy thì trừng mắt, lẩm bẩm bảo sắp 20 cái xuân rồi mà không bằng đứa trẻ con, tôi nghịch ngợm làm mặt xấu với mẹ. Nội ngồi bên cạnh bật cười: - Con bé này được anh trai chiều hư mất rồi.. Không khí chợt ngưng lại, mẹ cúi đầu tiếp tục gói bánh không nói, tôi phụng phịu: - Bà đừng nhắc tới anh trai nữa, năm nay anh ấy chẳng về được đâu! Nói rồi tôi chạy lên phòng, đóng cửa lại. Đúng vậy, tôi bị anh hai chiều chuộng đến nỗi phụ thuộc quá nhiều vào anh. Anh hơn tôi 10 tuổi, cũng có mỗi đứa em gái này nên từ bé đã bảo vệ hết mực, tôi cũng quen với sự bảo bọc của anh. Sau đó anh xa nhà đi làm, mỗi năm chỉ về nhà được vài lần, cũng đã gần 1 năm rồi tôi chưa gặp anh. Ngày 26, tôi với tâm trạng chờ mong đợi anh về, nhưng lại chỉ nhận được cuộc gọi báo bình an, cùng với đó là lời xin lỗi vì năm nay không thể về ăn Tết. Chỉ nghe anh bảo: - Công ty con làm có ông sếp dương tính rồi, đang ở công ty cách ly chưa ra được. Em gái đừng buồn, dịp sau anh về mang nhiều quà cho em nhé, ngoan. Tôi ghét anh. Anh không thực hiện lời hứa của mình. Tôi không muốn nói chuyện với anh nữa, cũng chẳng trả lời mấy tin nhắn anh gửi. Tôi tủi thân muốn bật khóc. Lát sau, mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng, xếp lại mấy cuồn sách vừa bị tôi xô ngã rồi ngồi cạnh tôi. Mẹ nghiêm nghị: - Vừa rồi con biết mình không lễ phép với bà không? Tôi cũng biết là mình đã sai, không nên to tiếng như vậy. Tôi cúi đầu, giọng lí nhí: - Con biết ạ, con xin lỗi mẹ. - Người con nên xin lỗi là bà. Anh trai cũng không phải là cố ý, đừng giận dỗi nữa. Mẹ thở dài rồi đi xuống nhà. Tôi cũng biết là vậy, nhưng mà vẫn rất khó chịu. Bố tôi đi nước ngoài làm ăn mấy năm chưa về, ông nội cũng đã qua đời nhiều năm. Căn nhà thiếu bóng đàn ông, càng thêm hiu quạnh và chẳng có cảm giác an toàn. Cả năm tôi chỉ đợi ngày anh trai về, vậy mà anh lại trễ hẹn, nói không thất vọng đúng là nói dối. Tôi đợi cho tâm trạng tốt lên rồi đi xuống nhà, đi tìm bà bóp vai đấm lưng, nịnh nọt xin lỗi bà. Nội cười vỗ nhẹ đầu tôi rồi bảo không sao, miệng nhai miếng trầu đỏ chót, tay vẫn nhanh nhẹn têm trầu. Năm nay trời không mưa, thời tiết rất đẹp. Cứ phải đi ra ngoài thì mới cảm nhận được không khí của ngày Tết, ồn ào và nào nhiệt. Người người kéo nhau đi sắm đồ, rồi đi mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu. Tết quê chính là có những điểm đặc sắc đó, mọi người quen biết nhau, chuyện trò rôm rả. Tôi theo mẹ ra chợ mua hoa, len lỏi trong dòng người nhưng chẳng cần lo nghĩ vội vàng, khéo còn từ vài cái chạm nhẹ mà có hai người lại thành đôi. Chợ quê vẫn như trong trí nhớ bao năm của tôi, đủ loại hàng hóa màu sắc, trăm loài hoa đua nở như chỉ trực chờ thời khắc này. Bên tai có tiếng nói chuyện vồn vã làm vơi đi nỗi buồn của tôi. Thật vậy, chẳng mấy ai u sầu trong tiết xuân đẹp đẽ như này cả. Tiếng ríu rít của bọn trẻ vang lên ngoài sân, mẹ gọi với vào: - Xuống đây chơi với mấy em đi. Bọn trẻ choai choai ấy thì chơi cái gì, khéo còn làm cản trở chúng nó. Tôi vẫn ngồi canh cái điện thoại, chỉ sợ bất chợt anh gọi bảo về. Tôi cũng chẳng muốn như vậy đâu, vì càng hi vọng thì càng thất vọng, nhưng lại không ngăn được mình. Thằng cháu nhỏ chạy lên phòng, bám cửa ngó vào bảo: - Cô ơi xuống ăn cơm! Vậy mà trời đã tối rồi. Tôi cắm sạc điện thoại rồi đi theo thằng nhỏ xuống nhà. Nó vừa nhảy vừa nghêu ngao hát bài gì đó. Nghe mãi mới ra là bài Xuân đã về, lạc điệu đến nỗi không nhận ra bản gốc. Nay nhà bác gái cả xuống ăn tất niên, bà ngồi nói chuyện với bác và mẹ mà cứ cười mãi. Mấy đứa nhỏ được dịp đông đủ reo hò ầm ĩ, mấy đĩa bánh kẹo trên bàn vơi đi hẳn. Cả nhà quây quần bên bàn ăn, tôi cũng nói chuyện với mọi người, bỏ qua hết những khó chịu buồn bã. Vì ngày vui mau qua, chẳng biết bao giờ mới có lại những khoảnh khắc yên bình này. Lên phòng, tôi lại cầm điện thoại mở lên. Có một tin nhắn từ anh trai. "Năm nay anh có món quà lớn tặng em đấy. Đừng giận nữa, khi nào về anh đưa nhé!". Tôi trả lời lại anh, bảo anh giữ sức khỏe. Tôi không còn là trẻ con nữa, phải biết suy nghĩ cho người khác. Đấy là trước kia anh nói với tôi như vậy. Lần này tôi nghe anh. Đợi đến đêm cũng chẳng thấy anh trả lời. Mẹ dưới nhà rủ xem Táo Quân, tôi liền bỏ điện thoại đi xuống. Bà đã đi ngủ, chỉ còn mẹ ngồi trên ghế. Tôi lập tức nhào tới ôm mẹ, lại bắt đầu mè nheo: - Năm nay mẹ vẫn phải cho con một bao lì xì to đó. Mẹ đang cắn hạt dưa phải dừng lại để đỡ lấy tôi: - Rồi rồi, lớn rồi vẫn còn đòi lì xì. Hai mẹ con vừa ngồi xem vừa câu được câu không chuyện trò. Đúng 12h, mẹ đứng dậy thắp hương trên bàn thờ các cụ, tôi chạy ra sân nhìn xem có thấy cái pháo hoa nào không. Bất chợt, cửa ngõ vang lên vài tiếng lạch cạch. Tôi quay đầu lại. Anh trai khoác ba lô, một tay còn cầm bọc lớn đang loay hoay xách vào sân. Anh nhìn tôi đang sững sờ, bật cười nói to: - Anh hai em về rồi đây! Vừa lúc đó, một chùm pháo hoa nở đỏ rực góc trời. Tôi chạy như bay về phía anh, nhảy lên ôm lấy anh thút thít khóc. Anh bỏ đồ xuống vỗ lưng tôi, giọng anh trầm ấm: - Đã cố hết sức rồi, nhưng vẫn về hơi muộn. Em gái ngoan đừng trách anh nhé! Không, sao em lại trách anh được. Anh chính là món quà to nhất năm mới mà em nhận được. Vậy là, xuân này đã đủ đầy! Hết.