Đề văn nghị luận xã hội, phầm Tập làm văn, môn Ngữ văn: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết và ý nghĩa của khiêm nhường. Bài làm: Núi không nói về chiều cao nhưng không ảnh hưởng đến việc nó có thể chọc trời, biển không bàn về độ sâu nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc nó chứa trăm nghìn sông suối. Làm người, sống ở đời, cần có cho mình tính khiêm nhường, tao nhã. Khiêm nhường là thái độ sống lạc quan, giản dị, là một tâm hồn rộng mở, tâm thái phóng khoáng, khiêm nhường kết hợp với sự tế nhị, là cảnh giới cao nhất của tính cách con người. Người muôn làm nên nghiệp lớn cần có thái độ sống khiêm nhường, chỉ có khiêm nhường mới được người ta nể phục, coi trọng, được nhận sự công nhân và tán dương, khen thưởng. Đó chính là cái gốc để đạt được sự thành công ở đời. Sống khiêm nhường không chỉ để bảo vệ bản thân, hòa nhập vào cộng đồng, sống hòa thuận với người khác, mà còn có thể âm thầm tập trung sức mạnh, tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Trong xã hội hiện nay, khi giao tiếp với người khác, chỉ cần xử lí không thỏa đáng là đã gây ra rất nhiều phiền toái. Nhẹ thì làm mất vui, nặng thì có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp, đến tiền đồ bao năm gây dựng. Cây đứng một mình chắc chắn bị gió thổi bật gốc, người xuất chúng hơn người khác sẽ bị đám đông đố kị, bài xích, hãm hại, ụ đất cao bên bờ sông chắc chắn sẽ bị nước cuốn trôi. Vì vậy, để mọi sự êm đẹp bắt buộc phải khiêm nhường. Có điều, khiêm nhường không đồng nghĩa với sợ sệt, tự ti, mà phải hiểu rõ định hướng của bản thân, là thái độ tốt nhất để làm kiên cố gốc rễ của thành công, cũng là trạng thái tốt nhất để đi tới thành công.