Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về đức tính khiêm tốn. Khiêm tốn không chỉ là một đức tính tốt đẹp của con người mà còn là nghệ thuật sống, là nền tảng để dẫn tới thành công. Trước hết, ta có thể hiểu khiêm tốn là biết đánh giá đúng mức khả năng của bản thân, không kiêu căng, tự mãn, không cho mình giỏi hơn mọi người mà luôn biết lắng nghe và học hỏi. Đức tính này được thể hiện rõ nét qua cách ăn mặc, qua lời ăn tiếng nói và phong cách, thái độ sống. Người có lòng khiêm tốn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong công việc và cuộc sống, người khiêm tốn luôn nhận thức được cái chưa đúng, cái sai, mặt mạnh và những hạn chế của mình. Họ thường không thỏa mãn với những gì mình đạt được mà ngược lại, họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể đạt được những thành quả cao hơn và những thành công mĩ mãn. Thực tế, ta bắt gặp không ít người có phẩm chất này, ví dụ điển hình là Bác Hồ. Mặc dù là một lãnh đạo, một Chủ tịch nước nhưng Bác không hề kiêu căng, cậy quyền, quên đi trách nhiệm của bản thân mà Người luôn khiêm tốn và tôn trọng mọi người. Vì thế mà Bác được bao thế hệ con dân Việt Nam yêu mến và kính trọng. Tri thức của nhân loại rộng lớn như đại dương mà sự hiểu biết của mỗi người chỉ như giọt nước. Vì thế chúng ta phải khiêm tốn. Khi biết khiêm tốn, chúng ta sẽ luôn biết cầu tiến, biết lắng nghe và học hỏi, nhờ vậy sẽ tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm, làm tiền đề cho những thành công cao hơn nữa, từ đó khẳng định được tài năng và giá trị của bản thân. Người sống khiêm tốn sẽ dễ dàng hòa nhập với mọi người, được mọi người yêu mến, tôn trọng và nể phục. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay còn nhiều người có tính kiêu căng, tự mãn, khoe khoang thành công, ngủ quên trên chiến thắng để rồi tụt lùi. Khiêm tốn không đồng nghĩa với nhút nhát, rụt rè, tự ti, hạ thấp khả năng của bản thân, sống khép kín, không dám thử sức. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải hiểu được tầm quan trọng của tính khiêm tốn và có ý thức rèn luyện cho mình phẩm chất ấy từ những điều nhỏ nhất ngay từ sớm. Đồng thời, hãy luôn sống khiêm nhường, hòa đồng, cởi mở với mọi người; có ý thức cầu tiến, biết lắng nghe, học hỏi mọi người; đừng bao giờ thỏa mãn với thành công hiện tại mà phải luôn nỗ lực cố gắng để thành công hơn nữa. Có như vậy chúng ta mới khẳng định được giá trị bản thân và được mọi người yêu quý.
Có rất nhiều ý kiến, nhận xét hay về khiêm tốn nhưng có lẽ ý kiến mà tôi tâm đắc nhất có lẽ là "Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời". Khiêm tốn là lối sống không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang thành công và không ngừng học hỏi từ những người khác. Người khiêm tốn là người ham học hỏi những điều hay, lẽ phải từ người khác, không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống, những người như thế sẽ rèn luyện được cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp khác như kiên trì, nỗ lực.. xứng đáng được người khác học tập theo. Nếu trong xã hội ai cũng có lòng khiêm tốn và ý chí vươn lên thì xã hội này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Người có lòng khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng, tin tưởng và sẽ thành công rực rỡ hơn những người khác. Bác Hồ là tấm gương sáng cho đức tính khiêm nhường. Suốt cuộc đời mình bác luôn giữ cho mình một lối sống giản dị, thanh đạm. Dù trên cương vị là một vị chủ tịch nhưng Bác vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ sử dụng đồ dùng giản dị, vẫn nuôi cá, trồng hoa như thú vui của bao người dân thường khác. Phong cách sống của Bác cũng rất đẹp và đúng mực, không bao giờ khoe tài, khoe giỏi, khoe đẹp trước mọi người. Tuy nhiên, nếu không có khiêm tốn, con người sẽ luôn ngủ trên vinh quang không tự mình vươn lên, không tự mình tiến bộ sẽ bị tụt hậu bị mọi người xung quanh căm ghét vì quá kiêu ngạo. Vậy mà vẫn có những người khác, cho mình là số một. Còn một số người khác thì rụt rè, tự ti, xem nhẹ giá trị bản thân mình. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc. Từ đó dẫn đến những hậu quả rất lớn và kiến thức bị thu hẹp, gây mất đoàn kết. Bởi thế, lòng khiêm tốn là một thái độ rất cần thiết đối với mỗi người giống như Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Quốc đã từng nói: "Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật"