Đề bài: Viết đoạn văn 12 - 15 câu cảm nhận về hình ảnh vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) - NV9 TP. Hồ Chí Minh, 1978 Trong thi ca trung đại, trăng là biểu tượng của cái đẹp, của thiên nhiên vô tư và thuần khiết, trong thi ca kháng chiến, trăng là ánh sáng, là người bạn, người thân cùng con người sống và chiến đấu mọi lúc mọi nơi và một lần nữa, trăng lại hiện lên với đầy đủ ý nghĩa ấy qua bài thơ Ánh trăng. Thứ nhất, vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn suốt thời ấu thơ và thời chiến tranh ở rừng. Vầng trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống. Trăng là "tri kỷ" chia sẻ mọi vui buồn, đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu. Vậy nhưng hòa bình lập lại, cuộc sống công nghiệp hóa đã làm át đi sức sống của ánh trăng trong tâm hồn con người. Vầng trăng tri kỷ ngày nào bỗng dưng trở thành "người dưng", người khách qua đường xa lạ, hành động "vội bật tung cửa sổ" và cảm giác đột ngột "nhận ra vầng trăng tròn' cho thấy quan hệ giữa người và trăng không còn là tri kỷ, tình nghĩa như xưa, vì có người lúc này thấy trăng như một vật chiếu sáng thay thế cho điện sáng mà thôi. Câu thơ dưng dưng, lạnh lùng, nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống, tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng như ca dao đã từng lên tiếng:" Thuyền về có nhớ bến chăng "? Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc cũng đã diễn tả nỗi băn khoăn của nhân dân việt Bắc khi tiễn đưa cán bộ về xuôi:" Mình về thành thị xa xôi Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng? Phố đông còn nhớ bản làng Sáng đêm còn nhớ mảnh trăng giữa rừng? "Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ, không hẹn trước:" Ngửa mặt lên nhìn mặt có cái gì rưng rưng như là đồng là bể như là sông là rừng ". Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ." Trăng tròn "là một hình ảnh thơ đẹp, không chỉ là ánh trăng tròn mà còn là tình cảm bạn bè trong trăng vẫn trọn vẹn, vẫn chung thuỷ như năm xưa." Ánh trăng "nghĩa tình hiện lên đầy vị tha cao thượng:" Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình ". Trăng tượng trưng cho quá khứ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ, là nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta về cuộc sống hòa bình hôm nay. Ta đã quên mất đi chính mình, quên những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của quá khứ để chìm đắm trong một cuộc sống xô bồ, phồn hoa mà ít nhiều sẽ mất đi những gì tốt đẹp nhất. Quả thật, vầng trăng và ánh trăng đã mang ý nghĩa biểu trưng, trở thành hình tượng xuyên suốt bài thơ, tạo thành dòng chảy liên hồi, là sợi dây kết nối con người trong hiện tại và quá khứ đã qua, giúp tác giả gửi đến bạn đọc lời nhắc nhở về thái độ sống" uống nước nhớ nguồn", ân nghĩa thủy chung.