Văn hóa đọc là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta. Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức tăng cường khả năng tư duy cũng như hướng con người đến gần hơn với "chân-thiện-mĩ". Vì vậy, có thể nói, quốc gia nào đẩy mạnh được văn hóa đọc, trình độ dân trí sẽ cao và tỉ lệ tội phạm sẽ thấp hơn rất nhiều. Nhật Bản, quốc gia hiếm hoi trên thế giới có số lượng sách xuất bản hằng năm tăng, là một ví dụ điển hình. Thế nhưng, giới trẻ Việt Nam ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách, để lại những hệ quả tiêu cực cho mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của toàn dân tộc. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin với sự xuất hiện của mạng xã hội, game online hay vô số các chương trình truyền hình. Vậy, giải pháp nào để phát triển văn hóa đọc ở nước ta? Thiết nghĩ, ta nên tổ chức thêm nhiều ngày hội sách, phát động phong trào đọc sách trong trường học cũng như các cơ quan, tổ chức, tận dụng công nghệ để đa dạng hóa các loại hình phục vụ, tạo thêm hứng thú cho người đọc. Tóm lại, tất cả chúng ta cần hiểu và trân trọng hơn văn hóa đọc, biến đọc sách trở thành một sở thích hàng ngày. Bởi đúng như Cựu Tổng thống Hoa Kì Barack Obama từng nói: "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn." Lê Gia Hoài giới thiệu