Đề: Bàn về ý nghĩa của sự khác biệt. Đoạn 1: Sự khác biệt khiến con người thể hiện được những bản sắc riêng, không bị hòa tan trong đám đông. Sống khác biệt làm ta có những ý tưởng mới, táo bạo, dám đi theo con đường mà chưa ai chọn lựa hoặc mở ra những ngã rẽ mới trên một lối mòn đã quá nhiều người đi. Chẳng hạn như hai anh em nhà Wright, Orville và Wibur, hai người Mỹ đầu tiên trên thế giới vào thế kỉ 19 đã sáng tạo ra máy bay và chinh phục không trung sau hơn hai thế kỉ trước đó người châu u đã thất bại với mộng ước này. Ngay từ đầu, hai anh em nhà Wright chưa hề có ý định sẽ nghiên cứu và chế tạo máy bay, họ cũng như bao người Mỹ cùng thời, bỏ hết thời gian và tiền bạc cho ngành sản xuất xe máy, thứ được cho là sẽ sinh ra vàng lúc bấy giờ. Tuy nhiên chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện, hai anh em lập tức nhận ra việc đầu tư cho xe máy chẳng bao lâu sẽ bị đổ vỡ, họ bàn nhau chuyển hướng sang nghiên cứu xe hơi. Nhưng chính trong lúc này, ý tưởng điên rồ của Wibur đã xuất hiện: "Việc sáng chế xe hơi chẳng dễ dàng gì. Sao không chế tạo một máy bay, có phải là giản dị hơn mà chẳng phải ganh đua với ai không?" Bằng việc coi chế tạo máy bay là một điều đơn giản, hai anh em nhà Wright đã dốc sức nghiên cứu chế tạo phi cơ. Họ trải qua không chỉ là những khó khăn trong việc tìm kiếm linh kiện và nguyên lí phù hợp, không chỉ là cái nhìn ngờ vực của chính người thân mà hơn cả là sự hoài nghi của chính bản thân về thứ mộng họ không hề đoán được kết quả. Hai bộ não với tư duy khác biệt đã đi theo một con đường mà đã có quá nhiều tấm gương trước đó thất bại và thậm chí là mất mạng vì mong ước được bay. Cuối cùng, Orville và Wibur đã có thể xóa bỏ quan niệm trước đó: "Thượng đế Cho loài người bay được như loài chim thì ngài đã cho chúng ta một cặp cánh như loài chim rồi" khi máy bay của họ đã thành công trụ vững trên không trung năm phút với người lái thử là chính họ. Ta tự hỏi, nếu những cá nhân không theo đuổi và thực hiện những tư duy khác biệt, liệu ta sẽ có được một phát minh mang tầm nhân loại, khiến con người có thể bay trong đời thực chứ không chỉ có trong cổ tích? Sự khác biệt ấy không chỉ tạo nên thành công và danh tiếng cho hai anh em Wright mà còn là bước tiến lớn, mở ra kỉ nguyên chinh phục không trung của loài người. Bởi vậy, nếu không dám nghĩ khác và làm khác, con người không thể thực hiện được những điều phi thường. Những tư duy khác biệt chính là khởi nguồn của đa số thành công và là cách để con người có thể khẳng định mình trong cuộc đời. Những giá trị bản thân sẽ lụi tàn nếu ta không tìm được và chứng minh sự khác biệt của bản thân. Đoạn 2: Những câu chuyện cổ được ấp ủ ở xứ sở Disney qua năm tháng bao giờ cũng ngát hương thơm, thấm đẫm chất nhân văn trong từng giây phút. Tôi yêu những thước phim của Disney bởi nơi ấy đã gieo vào lòng ta ý niệm mà ta luôn thiếu: Ý nghĩa của sự khác biệt. Trong bộ phim "Beauty anh the Beast", Bella đã nói với Quái Vật rằng: "Nàng cảnh báo với chàng rằng đừng bị lừa gạt bởi ngoại hình, vì vẻ đẹp chính là ở bên trong." Tại sao người ta lại nhắc về tình yêu bằng nhịp đập thổn thức của trái tim chứ không phải bằng đôi mắt? Phải chăng giá trị đích thực của một con người nằm ở chỗ ta thực sự là ai, ta đã đem đến cho mọi người một cảm giác gì khác so với những người xung quanh chứ không nằm ở việc ngoại hình ta như thế nào, ta đã sống đúng với "tiêu chuẩn của xã hội" ra sao? Sự khác biệt làm nên một con người. Mỗi con người từ khi sinh ra đã là một bản thể riêng biệt không giống với bất cứ ai, cả ngoại hình lẫn suy nghĩ. Nhưng càng lớn lên, cái "tiêu chuẩn", "vòng tròn an toàn" đè nặng lên con người khiến người ta dần biến mình thành "bản sao" theo đúng quan niệm, khuôn của xã hội lúc nào không hay. Thực tế cuộc đời đã buộc ta phải va vấp, mài mòn bản ngã riêng biệt. Không còn sự khác biệt, ta trở nên mờ nhạt và đánh mất chính mình. Dám khác biệt, ta được sống thỏa đam mê, lạc quan và sống một đời không nuối tiếc. Sự khác biệt mở lối cho những phát kiến, phát minh vĩ đại của nhân loại, những con người không bao giờ hài lòng, thỏa hiệp với sự yên ổn của xã hội sẽ làm nên những điều vĩ đại. Josh Sundquist - "chú lính chì" ngoài đời thực với sự khác biệt của bản thân đã khiến ta không khỏi ngưỡng mộ. Khi mới 9 tuổi, Sundquist mắc căn bệnh ung thư xương và phải cưa một chân để sống sót. Vốn là một người mạnh mẽ, ưa thể thao, việc mất đi một bên chân dường như là điều không tưởng với chàng trai đầy nhiệt huyết, đam mê với cuộc sống. Nhưng vượt qua mọi nỗi đau, Josh nhất quyết không chịu ngồi yên một chỗ và quyết tâm biến khiếm khuyết của bản thân thành điểm đặc biệt của mình, bỏ ngoài tai mọi ánh mắt soi xét, cười nhạo để tập luyện đứng lên, di chuyển mỗi ngày dù nhiều lần vấp ngã đau đớn. Năm 16 tuổi cậu đã có thể trượt tuyết bằng một chân, đại diện cho nước Mỹ tham dự Paralympic 2016 tại Torino Italy và trở thành "chú lính chì" được cả thế giới vinh danh. Josh Sundquist cũng vui vẻ sáng tạo ra những ý tưởng hóa trang Halloween độc đáo với một bên chân và được mọi người nhiệt tình đón nhận hàng năm. "Khiếm khuyết có thể khiến bạn tự ti và thụt lùi, nhưng nếu vượt qua được, bạn sẽ nhận ra chính khiếm khuyết là thứ khiến ta trở nên đặc biệt" - Josh Sundquist chia sẻ, và quả thực sự đặc biệt của anh đã truyền cho chúng ta sức mạnh và niềm tin để phá bỏ lớp vỏ an toàn, dám khác biệt để sống một một cuộc đời trọn vẹn. Nhưng khác biệt không có nghĩa là lố lăng, dị hợm. Sự khác biệt của ta nên như một bông hoa góp thêm sắc hương cho cuộc đời chứ không phải khác biệt một cách cực đoan, nổi loạn. Những thước phim của Disney, những bài học nhẹ nhàng mà thấm thía luôn làm ta không khỏi suy ngẫm: "Nếu bạn không là chính mình thì chúng ta sẽ không là chúng ta nữa". Cuộc đời thật dài, nhưng cũng sẽ thật vô nghĩa nếu ta sống hết một đời chỉ để đeo chiếc mặt nạ toàn vẹn, sống không phải chính ta. Liệu bạn có dám bước ra khỏi vòng an toàn để sống là chính mình, sống cuộc đời mình mong muốn?