Truyện Teen Đóa Sen Hồng - Lê Quang Huy

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi dongda, 22 Tháng năm 2021.

  1. dongda

    Bài viết:
    39

    Tôi là một học sinh.. học chữ không vô. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét xét như thế cho dù ai cũng mang hết những "chiêu trò" từ dỗ ngọt đến hăm dọa. Mỗi lần cô chủ nhiệm đến nhà, mẹ tôi chỉ biết khóc và nan nỉ. Ba tôi thở dài: Thằng này coi như xong. Lẽ ra với tình cảnh như vậy ai biết suy nghĩ sẽ tỉnh ngộ, còn tôi lại thích thú vì đã làm cho mọi người.. ghét mình.

    Tôi là đứa con trai độc nhất trong một gia đình chỉ sống bằng nghề nông. Hai chị tôi học chưa hết lớp 9 đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, sau đó xin đi làm công nhân một công ty may ở khu công nghiệp tỉnh. Ba mẹ tôi suốt ngày lo công việc đồng áng hết trồng lúa đến trồng dưa, nuôi cá ở suốt ngoài ruộng. Hai chị ngày chủ nhật không đi làm cũng ra phụ ba mẹ hoặc đi nhổ cỏ, cắt lúa mướn. Chỉ có tôi được ưu tiên cho việc học. Sách vở, học phí, tiền học thêm miễn tôi lên tiếng là có ngay. Mọi người trong nhà chỉ hy vọng vào tôi học hành đến nơi đến chốn để còn hãnh diện với dòng họ, làng xóm. Vậy mà..

    Tôi học không đến nỗi tệ, không mê game như mấy đứa khác - như lời của cô nhiều thầy cô nói với ba mẹ - nhưng lại ham chơi, nhất là thường trốn học đi đá banh. Hậu quả là tôi phải học 2 năm lớp 8, trong khi đó bạn bè cũ giờ này đã lớp 10 rồi. Thôi kệ, trước sau gì cũng nghỉ học sớm, đi làm như hai chị. Học chữ để làm gì, đá banh sướng hơn, biết đâu một ngày nào đó lọt vô mắt xanh một huấn luyện viên ở câu lạc bộ V - League thì sao, sẽ không hổ danh là "Maradona" của trường mà bạn bè đặt cho. Có lần trong giấc mơ tôi thấy mình khoác áo của đội tuyển Việt Nam đi bóng lắt léo trước đối phương ở chảo lửa Mỹ Đình. Thầy cô, bạn bè và gia đình xem trên tivi cứ trầm trồ thán phục. Ôi! Cái cảm giác lâng lâng ấy cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí tôi.

    - Ê, mày hay chuyện gì chưa?

    Tiếng thằng An làm tôi giật mình trở về thực tại. Đang nhai ngấu nghiến ổ bánh mì thịt nóng giòn nó cũng ráng ngưng ăn để thông tin với tôi:

    - Cô Lan nghỉ hộ sản, thầy Phong mới về trường chủ nhiệm lớp mình.

    Tôi bĩu môi:

    - Có gì lạ đâu. Mọi chuyện như cũ thôi.

    Ngày đầu tiên thầy Phong đến lớp, cả lớp đứng dậy chào cùng tiếng "ồ" lớn. Cả lớp đều ngạc nhiên vì thầy chủ nhiệm mới còn quá trẻ, dường như chỉ mới ra trường chừng 1 – 2 năm thôi. Thầy Phong với dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, nét mặt chữ điền và đặc biệt giọng nói trầm ấm của thầy xem ra phù hợp với bộ môn lịch sử. Khỏi phải nói, mấy đứa con gái được dịp xì xào bình luận về người thầy chủ nhiệm. Nhỏ Hoa ngồi phía sau khều tôi thì thào:

    - Ổng thầy hiền lại đẹp trai, mày đừng quậy ổng tội nghiệp.

    Tôi mĩm cười, nhún vai. Con Hoa nhéo tôi một cái đau điếng. Sau màn chào hỏi làm quen thầy đến từng bàn, hỏi thăm từng học sinh một. Tôi dõi mắt theo thầy từ lúc thầy mới bước vào lớp, bỗng thấy hồi hộp khi thầy bước lại gần. Bỗng nhiên, thầy vỗ vai tôi, mỉm cười:

    - Hôm qua tình cờ thầy xem em đá bóng. Em đá giỏi lắm, cố gắng phát huy nữa nhé. Có gì khó khăn cứ nói với thầy, đừng ngại.

    Thầy nói và nhìn thẳng vào mắt tôi, mỉm cười. Nụ cười toát lên nét nhân hậu, thân thương và gần gũi. Tôi sượng sùng cuối mặt trước những ánh mắt ngạc nhiên đang hướng về phía mình. Ngay từ lúc đó, tôi cảm thấy mình sẽ gắn bó với thầy.

    Từ lúc thầy Phong về chủ nhiệm, lớp tôi "thay da đổi thịt" hẳn lên. Thứ hạng hàng tuần của lớp cứ nhích dần lên còn tôi cái tật mê chơi, trốn học vẫn không bỏ. Nhưng kỳ thật cứ mỗi lần tôi cúp tiết ra sân bóng lại thấy thầy Phong đứng đó. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy, lẳng lặng quay về lớp. Tôi không nhớ mình đã lì mặt ra như thế bao nhiêu lần khi cô giáo cũ mắng tôi, nhưng tôi vẫn trơ trơ. Vậy mà thầy Phong không nói gì, lại chẳng nêu tên trong giờ sinh hoạt làm tôi lai lo. "Em đá giỏi lắm, cố gắng phát huy nữa nhé. Có gì khó khăn cứ nói với thầy, đừng ngại" câu nói ấy cứ lỡn vỡn trong đầu. Lần đầu tiên tôi được người lớn khen giỏi (cho dù là đá bóng giỏi). Tôi nằm nghĩ cả đêm. Thầy có chiêu trò gì đây mà mình không biết. Có thể lắm! Mà phải công nhận thầy dạy lịch sử rất hay, đám con trai, con gái trong lớp mê tít khác xa với với cô Lan. Giọng trầm ấm, nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường, đặc biệt là những mẫu chuyện của Bác Hồ từ thời niên thiếu đến khi làm Chủ tịch nước, lên chiến khu Việt Bắc.. Có thể những câu chuyện ấy với mọi người là quen thuộc nhưng với những đứa học trò như tôi dường như xa lạ, nhưng lại hấp dẫn. Chốc chốc thầy ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt, im lặng dõi theo bài học. Nghe thầy kể chuyện ngày xưa Bác Hồ tự học, soi rọi lại hoàn cảnh của mình tự nhiên thấy.. mắc cỡ vô cùng. Tôi có thể đá banh cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, đụng vô mấy môn học bài như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân là chịu thua. Học bài trong nhà mà nghe tiếng kêu ơi ới của đám bạn rủ đá banh là dẹp chuyện học sang một bên liền. Suy nghĩ lan man một chút rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.

    Một hôm, tôi thấy thầy chạy xe đến nhà tôi. Chiếc Dream "Tàu" của thầy không biết mua khi nào mà giờ này đã cũ kỹ, xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Nhìn ngôi nhà lá cũ kỹ của tôi một lúc rồi thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Tôi cố tình nấn ná ở nhà để xem chuyện gì xảy ra. Ba tôi và thầy trò chuyện khá lâu ở nhà trên ra vẻ như tâm đầu ý hợp lắm. Tôi cố ý lắng nghe nhưng tiếng được tiếng mất, không biết chuyện gì. Tiễn thầy ra về, ba tôi quay vào bảo:

    - Hôm nay thầy chủ nhiệm con xin phép ba má mỗi buổi chiều con qua nhà phụ thầy làm đề tài gì đó. Ba đồng ý rồi.

    Tôi vùng vằng:

    - Sao ba đồng ý chi vậy?

    Mẹ tôi chen vào:

    - Mẹ cũng đồng ý nữa, như vậy không chừng tốt cho con hơn.

    Tôi biết có năn nỉ gì đi nữa cũng chẳng ăn thua gì. Đợi ba mẹ không để ý, tôi len lén đi ra sân bóng mà lòng buồn rười rượi.

    Thầy ở trọ cách trường không xa, đạp xe chừng 20 phút là tới. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách và cái laptop ra cũng chẳng có gì đáng giá. Thấy tôi chăm chú nhìn hình ảnh các cầu thủ nổi tiếng thế giới dán tên bức tường, thầy ân cần hỏi:

    - Em biết hết những danh thủ này không?

    - Dạ, em cũng biết gần hết – tôi rụt rè trả lời.

    Thầy đưa tôi quyển sách rồi nói:

    - Hôm nay thầy trò mình làm một công việc cũng tương đối vất vả. Quyển sách "Bác Hồ kính yêu" này là món quà hồi thầy còn học lớp 6 nhận từ một người thầy là thương binh trở về từ chiến trường. Quyển sách tuy đã cũ nhưng đối với thầy là vật vô giá. Hôm nay thầy nhờ em đọc những mẫu chuyện đã làm dấu trong này để thầy đánh vào máy gởi cho mấy người bạn tham gia kể chuyện về Bác Hồ ở cơ quan, sẵn đó lưu lại luôn.

    Tôi ngạc nhiên:

    - Em đọc hết quyển sách này à?

    - Không, chỉ một số chuyện thầy đánh dấu thôi. Còn em đọc thấy thêm chuyện nào hay cứ nói với thầy.

    - Dạ! Tôi thở phào.

    Ngày đầu tiên do chưa quen nên tôi đọc có khi nhanh, khi chậm nên thầy nhắc nhở liên tục. Mỗi câu chuyện của Bác dường như là một bài học thấm thía với tôi trong cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình Bác cũng nghèo như gia đình tôi, mới mười mấy tuổi mà hai anh chị của Bác phải đi làm thuê. Tôi còn cố giấu giọt nước mắt chực trào khi đọc đến đoạn mới ở tuổi tiểu học Bác phải mồ côi mẹ, bồng em đi gõ cửa từng nhà xin sữa cho em bú. Gia đình tôi tuy có nghèo nhưng đâu khổ đến thế. Nghĩ lại mình, tự nhiên tôi cảm thấy hối tiếc: Lớn rồi mà chẳng phụ giúp việc gì cho gia đình mà còn bỏ bê chuyện học hành làm cho cả nhà buồn. Chừng khoảng 5 chuyện, thầy bảo tôi:

    - Hôm nay bao nhiêu đây được rồi. Thầy cho em mượn quyển sách này về nhà đọc trước cho quen để mai làm cho nhanh.

    Tôi chào thầy rồi chạy ù ra.. sân bóng. Mấy thằng bạn thấy tôi vừa tới vô cùng mừng rỡ, có đứa còn trách móc sao ra trễ, tôi chỉ biết cười trừ tranh thủ nhào vô đá bởi ông mặt trời đã khuất sau ngọn tre.

    Tối hôm ấy, sau khi học bài xong, tôi lấy sách ra định đọc vài chuyện rồi ngủ. Không ngờ, những mẫu chuyện ngắn gọn, súc tích lại lôi cuốn tôi cứ xem mãi. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu. Tôi đọc đi đọc lại đến độ thuộc lòng lời tâm sự của Bác với các anh phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên". Con người Bác, phong cách Bác, tư tưởng Bác toát lên một chân lý dễ hiểu: Dân dã mà thanh cao, cụ thể dễ hiểu mà uyên bác, tinh tuý. Vậy mà bấy lâu nay sao tôi bỏ phí thời gian không tự tìm hiểu. Phải rồi! Chính nhờ thầy Phong giảng giải trên lớp và phân tích thêm lúcở nhà tôi mới cảm nhận được.

    Mấy ngày sau đó, công việc vẫn diễn ra suôn sẽ. Qua những lần trò chuyện, tôi mới biết quê thầy thuộc vùng Đồng Tháp Mười hàng năm phải hứng chịu lũ lụt. Gia đình thầy có 5 anh em nhưng chỉ có mình thầy được học đến nơi đến chốn. Các anh, chị, em của thầy đều phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình làm ruộng. Vùng này sen mọc bạt ngàn. Những lúc rảnh rổi, mấy anh chị em cùng nhau đi móc ngó sen đem bán. Những lần như thế, người chị của thầy đều bẻ vài cành hoa sen về để chưng trong nhà. Thầy cũng thích hoa sen vì nó tượng trưng cho sự bình dị, thanh cao, thuần khiết và mang trong đó phong thái tôn nghiêm và tươi thắm. Còn hoa sen có mùi hương thanh khiết, dễ chịu, lúc còn nhỏ thầy thường hái những bông sen hít hà mãi. Rồi trong một lần đi móc ngó sen, trên đường về, một tai nạn giao thông đã cướp mất người chị thân yêu của thầy. Khi thầy đến, người ta đã đưa chị đi, chung quanh chỉ còn lại những đóa hoa sen văng tung tóe. Kể từ đó, không đợi đến khi móc ngó sen, thấy nơi nào có hoa sen, thầy xin hoặc hỏi mua về chưng trong nhà và trên bàn thờ người chị. Có lần thầy Phong hỏi tôi:

    - Em có biết câu thơ nào người ta so sánh hoa sen với Bác Hồ không?

    Tôi thú thật:

    - Dạ, em nhớ có đọc hay nghe đâu đó chứ không thuộc.

    Thầy mỉm cười rồi đọc hai câu:

    Tháp Mười đẹp nhất bông sen.

    Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

    Tôi "à" lên một tiếng vì hai câu này đã được học hồi tiểu học. Thầy Phong hỏi tiếp:

    - Ngoài những mẫu chuyện thầy đánh dấu, em có tâm đắc thêm chuyện nào nữa không?

    - Thưa thầy, chuyện Bác Hồ học ngoại ngữ. Phải nhìn nhận Bác hay thật, biết được nhiều thứ tiếng, trong khi đó môn này em học không vô.

    - Không vô cũng phải ráng. Thầy nghĩ, em cần phải trau dồi thêm ngoại ngữ. Em đá bóng giỏi, biết đâu sau này sẽ đá cho câu lạc bộ nào đó hay xa hơn nữa vào đội tuyển quốc gia, chẳng lẽ lúc nào cũng phải có phiên dịch đi theo. Ngoài ra còn học hỏi, trau dồi chuyên môn với nước ngoài nữa. Thầy rất hâm mộ bóng đá ngay từ nhỏ, thấy em có năng khiếu nên khuyên em tập trung chuyện học để có một trình độ học vấn và ngoại ngữ nhất định để làm chủ cuộc đời mình. Ngày xưa, tình hình khó khăn như thế mà Bác vẫn tìm mọi cách tự học, bây giờ điều kiện học thuận lợi hơn nhiều.

    Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm tôi yên lòng không phải những trận đánh đòn hay lời la mắng của ba mẹ, thầy cô trước đây. Chính điều đó là động lực cho tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình. Thời gian tôi ra sân bóng thưa dần và bắt đầu tập trung vào chuyện học hơn. Kể từ đó, kiến thức "tự nhiên" đến với tôi lúc nào không biết. Điểm số cũng nhích dần lên, vui nhất là cùng đội bóng trung học cơ sở huyện đăng quang tại giải bóng đá Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh. Ba mẹ cũng "quên" hẳn chuyện nhắc nhở tôi học hành.

    Năm học qua đi nhanh chóng. Lớp tôi đã trở thành một tập thể rất đoàn kết, được tuyên dương là lớp dẫn đầu trong phong trào thi đua của trường. Còn tôi, từ một học sinh trung bình của năm trước, cuối năm học ấy tôi đạt học sinh giỏi. Khi mang phần thưởng về nhà, mẹ tôi cầm tờ giấy khen khóc to hơn lúc tôi ở lại lớp. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù mỉm cười. Hai người chị tôi hớn hở ra mặt hứa sẽ dẫn ra chợ may cho bộ quần áo mới.

    Thầy Phong đột ngột xuất hiện trước cửa nhà tôi làm ai cũng bất ngờ. Thầy gật đầu chào ba mẹ và hai chị. Trước mặt cả nhà, thầy tươi cười nói:

    - Tôi xin báo cho gia đình một tin vui. Em Tuấn đây vừa được chọn vào đội bóng đá học sinh trung học cơ sở của tỉnh dự Hội khỏe phù đổng toàn quốc vào mùa hè này.

    Tôi sung sướng nhảy cẩng lên ôm chầm lấy thầy. Ba mẹ tôi hớn hở ra mặt, còn hai người chị không kềm chế cảm xúc cứ vỗ tay đôm đốp. Trò chuyện với ba mẹ tôi được mươi phút, thầy xin phép ra về. Tiễn thầy ra cổng, tôi lí nhí nói:

    - Em xin cám ơn thầy..

    Thầy quay lại vỗ vai tôi:

    - Có gì đâu mà cám ơn dữ vậy. Hôm nay phải nói thật: Thầy cám ơn em vì đã giúp thầy hoàn thành một đề tài khá hóc búa là "Cảm hóa học sinh lười học thông qua những câu chuyện về Bác". Bây giờ em đã thấy đấy thầy chỉ là chiếc cầu nối thôi, bản thân em đã tiến bộ là nhờ biết tự giác học tập Bác từ những điều đơn giản, bình dị nhất ai ai cũng thực hiện được, mà có thể từ lâu em quên không thực hiện vì cho rằng những việc đó quá tầm thường, bé nhỏ. Bây giờ thầy về quê, mình chia tay, hẹn gặp lại.

    - Dạ.. thầy chờ em một chút!

    Tôi lật đật chạy ruộng sen mới trồng phía sau nhà, lội xuống hái vội mấy bông gần bờ rồi chạy ù đến thầy, ấp úng:

    - Em xin tặng thầy đóa sen này..

    Cầm đóa sen, thầy Phong tấm tắt khen:

    - Ồ! Hoa sen đẹp quá. Ba mẹ và các chị ở nhà sẽ vui đây. Thầy cám ơn em. Thầy mong em cố gắng học thật tốt, luôn là học trò ngoan của thầy.

    Nói xong thầy quay đi, tôi ngước theo nhìn thầy với cái dáng dong dỏng cao quen thuộc. Tôi quay vào nhà mà lòng thầm cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn thầy của em!

    ---HẾT---​
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...