Với người Sài Gòn trong hơn 50 năm qua, hẳn là ai cũng quen thuộc với hình ảnh một cột tháp cao ở cửa ngõ phía đông của đô thành Sài Gòn. Nếu đi từ Hàng Xanh (Hàng Sanh) vào thì cột tháp nằm bên phải đường Phan Thanh Giản (xưa), nay là đường Điện Biên Phủ, trước khi vào đến cầu. Tuy là hình ảnh quen thuộc nhưng ít người biết cột tháp này là gì, công dụng ra sao? Hình ảnh tháp điều áp trên đường Phan Thanh Giản xưa, nay là con đường Điện Biên Phủ khoảng những năm trước giải phóng Hình ảnh quen thuộc này là cột tháp điều áp (có nơi gọi là tháp cắt áp), theo Ông Nguyễn Tống Đăng Khoa- nguyên Trưởng phòng kỹ thuật của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết cả 2 tháp được xây dựng năm 1966, cùng thời điểm khánh thành nhà máy nước Thủ Đức. Đồng thời là nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, nhà máy nước này vẫn đang là nơi cung cấp nước chính cho Sài Gòn. Ảnh tháp điều áp trên đường Điện Biên Phủ mới được sơn phết lại gần đây. Ảnh do AH. Hoài Sa chụp Cột tháp trên đường Phan Thanh Giản (đường Điện Biên Phủ ngày nay) là một trong 2 tháp điều áp của nhà máy nước Thủ Đức. Tháp còn lại nằm ở gần ngã tư Thủ Đức, ở ngay nhà máy nước. Ảnh tháp điều áp tại Nhà máy nước Thủ Đức vào năm 1967 Ảnh tháp điều áp tại Nhà máy nước Thủ Đức ngày nay Ngoài ra, còn tháp cắt áp ở gần cầu Tham Lương xây dựng hoàn thành vào năm 2004. Tháp ở gần cầu Tham Lương được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhằm giảm áp lực nước. Công dụng của tháp điều áp này là điều tiết, ổn định áp lực nước từ nhà máy nước Thủ Đức. Tháp điều áp này cao hơn 30 m, có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Dọc thân tháp có một đường ống nối thông với đường ống cấp nước lớn bên dưới. Khi nước từ nhà máy bơm vào đường ống lớn chạy về đến tháp, áp lực nước sẽ được điều tiết, giảm xuống, trước khi nguồn nước này hòa vào mạng lưới đường ống nhỏ hơn. Thí dụ nếu nước từ nhà máy bơm ra với áp lực lớn tương đương với cột nước cao hơn 30m thì khi đến tháp điều áp này, nước sẽ được đẩy lên đỉnh tháp. Theo đó, áp lực nước được giảm xuống. Nếu không có tháp điều áp này thì nước từ đường ống lớn đổ vào sẽ có áp lực lớn, khi hòa vào mạng lưới đường ống cấp nước nhỏ hơn sẽ gây ra tình trạng xì, bể đường ống. Nhà máy nước Thủ Đức được khánh thành vào ngày 12 tháng 12 năm 1966, nằm ở khu vực Linh Trung hiện nay, cung cấp 90% nhu cầu nước máy sinh hoạt của thủ đô Sài Gòn. Đây là một sự kiện trọng đại, vì từ thời điểm đó, hầu hết người dân Sài Gòn được dùng nước máy, không còn lấy nước phông tên nữa. Quy trình hoạt động của Nhà máy nước Thủ Đức Thực ra nước máy ở Sài Gòn đã có từ rất lâu, nhưng chỉ có ở khu vực trung tâm, mặt tiền. Chỉ đến khi nhà máy nước Thủ Đức ra đời thì nước máy mới được "phổ cập" đến 90% người dân ở thành đô. Cũng từ thời điểm đó, tháp điều áp của đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, trở thành một hình ảnh thân thuộc với người Sài Gòn. Dù là hình ảnh quen thuộc nhưng ít ai biết đến công dụng của chiếc tháp cổ giữa lòng Sài Gòn này!