Xin chào các bạn thân yêu trong diễn đàn! Bạn có niềm đam mê mãnh liệt với môn Hóa học? Bạn đã vùi đầu trong mớ lý thuyết đặc sệt như kiến và bây giờ muốn được thực hành? Câu trả lời chính là tại đây. Thực hành hóa học tại nhà vốn không phải là điều dễ dàng, bởi nó đòi hỏi nguồn tiền chất (các hóa chất đầu tiên) tương đối dồi dào và ổn định, đi kèm với việc chấp nhận một số rủi ro nhất định, đó là lẽ tất nhiên vì muốn thành công tất phải đánh đổi bằng một thứ giá trị khác. Nhưng có một cái giá có thể cho đi mãi mà không bao giờ biến mất, đó là kiến thức. Bây giờ chúng ta trực tiếp đi vào vấn đề để tránh mất thời gian, trong bài đầu tiên này, mình xin chia sẻ cách điều chế đồng (II) axetat (Cu (CH3COO) 2) chỉ với những vật liệu đơn giản tại nhà. I. Dụng cụ và hóa chất a. Dụng cụ - Các vật dụng đựng nước thông thường (ly nhựa, ly thủy tinh, chung (chén) trà), vì muối đồng không ăn mòn các dụng cụ trên: 1 cái - Nắp đậy (sao cho vừa kích cỡ với vật đựng hóa chất) : 1 nắp b. Hóa chất - Giấm ăn (CH3COOH) (xài giấm giá rẻ, giấm pha hay dung dịch axit axetic đều được, đâu có dùng để uống đâu mà lo) - Nước oxi già (H2O2) (hoặc dung dịch H2O2 30%) - Lõi dây điện đồng (Cu) II. Cách tiến hành Tuốt dây điện lấy lõi đồng (nên lựa dây mỏng vì tuốt ít đau tay và sau này diện tích tiếp xúc của đồng với dung dịch cao hơn). Nếu sợi dây đồng quá to, dùng kìm cắt nhỏ đồng thành hạt, cỡ hạt thức ăn cho cá hoặc nhỏ hơn càng tốt. Việc này giúp diện tích tiếp xúc của đồng tốt hơn và phản ứng cũng nhanh hơn. Cho khoảng 10 đến 15 hạt đồng vào lọ đựng hóa chất, rồi đổ vào khoảng 25 ml giấm ăn và 5 ml nước oxi già. Lắc nhẹ cho hỗn hợp được đều rồi để ở nơi thoáng mát 6 đến 8 tiếng. Phương trình hóa học: Cu + 2CH3COOH + H2O2 = (CH3COO) 2Cu + 2H2O Sau khi đã trải qua đủ số thời gian cần thiết các bạn lấy ra. Nếu dung dịch đã bắt đầu chuyển sang màu xanh nước biển thì đạt yêu cầu, càng đậm màu lại càng tốt vì nó phản ánh việc có nhiều ion đồng hiện diện trong dung dịch. Đây là thành quả của mình, hơn 23 tiếng rồi nhưng chỉ mới lợt lợt có nhiêu đó thôi, do oxi già và giấm để lâu bay hơi giảm hiệu nghiệm, chứ theo kinh nghiệm thì thời gian như ở trên mình đã nói thậm chí là nhanh hơn. Thí nghiệm này mình đã làm khá nhiều lần, nhưng phần lớn sản phẩm thu được đều bị đổ đi hoặc bỏ xó ở một góc nào đó, tới nỗi khô lại thành các tinh thể nhỏ như đầu bút, nhưng tiếc là mình để làm mất rồi. III. Lưu ý khi làm thí nghiệm Muối đồng có độc tính cao, vậy nên khi tiến hành thí nghiệm cần có những biện pháp bảo hộ nhất định (khẩu trang, kính bảo hộ). Các dụng cụ dùng để đựng hóa chất tuyệt đối không dùng để đựng những thứ khác, nhất là thực phẩm. Không nên đựng hóa chất bằng kim loại (nhôm, sắt) vì muối đồng có thể ăn mòn các vật liệu này theo phương trình sau: (CH3COO) 2Cu + Fe = Cu + (CH3COO) 2Fe (đối với sắt) Hoặc 3 (CH3COO) 2Cu + 2Al = 3Cu + 2 (CH3COO) 3Al (đối với nhôm). Mấy ảnh và video trên do mình tự làm nên chất lượng hơi kém, mong mọi người thông cảm ^^
Quào thú thiệt là mình cũng thích làm mấy cái thí nghiệm hóa học này lắm nên là nhìn thấy có người làm rồi đăng lên như vậy thú vị ghê. Hy vọng chủ thớt cho ra thêm nhiều bài như vậy nữa nhé ^^ Tiếc là điều kiện kinh tế không cho phép nên không thể cứ mua hóa chất lung tung rồi về nhà đem thử được