Diệp tam thảo Tác giả: Thúy Bông Thể loại: Truyện ngắn, Gia đình Tình trạng: Hoàn Một sớm mùa xuân lấm tấm mưa phùn, xóm cửu vạn ẩm ướt, bé xíu và xiêu vẹo trong cái màn tơ mờ mờ của đất trời. Yên ắng. Hiền lành. Nhưng chẳng mấy chốc, những tiếng gọi, tiếng chửi bới chọc thủng màn mưa xuân, thay thế cái tĩnh mịch của thiên nhiên vô tri bằng cái ồn ào của con người. Cuối xóm, có một gia đình đang chuyển đến. Cô bé con chừng bốn, năm tuổi, lẫm chẫm bước đi, vừa túm gấu áo mẹ vừa lấm lét nhìn những người đàn ông mình trần, áo vắt trên vai, màu da như đồng màu với màu đất, đi lại trên đường như những cái bóng. Họ vừa từ bến sông về sau một đêm làm việc mà vết tích còn để lại trên người là mùi tanh nồng quyện cùng mùi mồ hôi tạo thành một thứ mùi thum thủm, cách xa vài bước chân đã nghe thấy và khiến người ta chun mũi. Tốp này về, tốp khác lại đi, ùn ùn tỏa ra từ những ngôi nhà ọp ẹp, cửa đóng lại rồi còn rơi rớt trong không trung những tiếng thở dài kèn kẹt. Từ lúc mờ sáng cho đến trưa, cô bé con ngồi tha thẩn nhìn bố mẹ nó đắp gạch ke lại cửa nhà vệ sinh bé xíu, sửa lại cái mái nhà thủng lỗ chỗ.. Ngôi nhà ọp ẹp, ẩm thấp được mở cửa đón nắng, nhưng đầu xuân ít nắng, hơi ẩm bên ngoài lại càng làm nó ẩm thấp hơn. Ít nhất, nó đã có hơi người. Sau một ngày dọn dẹp sửa sang, phát quang bụi rậm, nhà cuối xóm miễn cưỡng cũng được khoác áo mới cùng đất trời xuân. Vậy là, nhà bé con vào ở, một cách lặng lẽ, trở thành thành viên mới của xóm cửu vạn. *** Ở đây không phải người lớn nào cũng đi làm và trẻ con nào cũng đi học. Những cô những thím ngồi nhà ẵm con, thường tụm năm tụm ba ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện thiên hạ và chuyện nhà mình, từ chuyện đứa con bỏ ăn vì mọc răng sữa hay ông chồng say khướt về nhà đá thúng đụng niêu, chuyện tôm cá mắm muối lên giá đến những chuyện to tát như mở cửa khẩu dăm năm nay, tình hình kinh tế nước nhà khấm khá lên.. Nhà cuối xóm được thành đề tài mới, tất nhiên cái gì mới mẻ đều vô cùng hay ho! Các cô các thím nói chuyện "cái nhà đó" khi ngồi chờ đến giờ nấu cơm, khi ôm đứa con vừa ngậm ti mẹ vừa ngủ gà ngủ vịt, khi ngồi vén ống quần, xổ tóc bắt chấy hay nhổ tóc sâu cho nhau.. túm lại là bất cứ khi nào rảnh. Mà lúc nào họ chẳng rảnh rỗi. - Cái nhà đó á, làm cao làm sang lắm, chẳng bắt chuyện với ai bao giờ đâu. Chuyển đến đây được hơn tuần rồi đấy, nhưng mà á, thằng chồng thì đi suốt tối mới về, con vợ thì quanh quẩn cuốc xới cái vườn.. ối chao ôi cái vườn, đất thì cằn như thế cuốc xới gì, trồng được gì ở đấy, gớm làm ra vẻ chăm chỉ! - Ừ ừ, chẳng biết nhà đấy làm gì nhỉ, trông đến là lầm lì. Mà được đứa con gái, cứ trắng tinh như trứng gà bóc ấy.. - Gớm! Báu gì cái trắng ấy! Con bé đó ở trong nhà suốt, đấy là cớm nắng chứ đẹp đẽ gì. Mà tôi nghi lắm nhé, càng nhìn con bé ấy càng không.. ấy hôm nay giời tối nhanh thế, mới năm giờ chiều mà tối nhỉ.. Tiếng nói chuyện đang to nhỏ bỗng ngắt đoạn, và câu chuyện thời tiết được nói đến một cách thật tự nhiên. Các cô các thím nhấm nháy nhau khi bóng dáng hai mẹ con chị đi qua. Hì hục xách xô nước ra mảnh vườn con bên mé trái nhà, hai mẹ con chị vừa tưới nước xuống đất vừa nhìn nhau cười đùa. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ nhà chị trồng cỏ chứ chẳng trồng rau. Thứ đất cằn lâu không có tay người cuốc xới, các mầm cây còn đang trong quá trình nỗ lực đấu tranh để bật tung cái tầng nâu xám đang đè lên chúng. Không mấy chốc, chúng sẽ vẫy chào mẹ con chị bằng những cánh tay bé xíu xanh mát mắt. Còn đám cỏ dại này là hoa của con chị, sao chị nỡ bỏ. Nhìn đôi tay bé xíu, trắng bềnh bệch của con vuốt ve nhè nhẹ những lá chua me xanh thẫm, nhìn nụ cười ngây ngô của con, chị vừa buồn cười, vừa thương con đến quặn lòng. Một chiều, nó ngước đôi mắt trong veo lên hỏi bố nó: - Bố ơi, sao vườn ở đây không có hoa như ở nhà cũ? Chị đang chưa biết nói sao, thì chồng chị bế con ra vườn, chỉ vào đám cỏ ba lá nói: - Có hoa đây con, đây là một giống hoa mới ở nhà cũ không có. Con bé giãy lên: - Không phải, hoa khác cơ mà! – cái miệng nó chu lên phản đối. Chồng chị lại chỉ vào đám lá cỏ dại: - Cây hoa này chưa lớn, khi nào lớn rồi, hoa sẽ nở và có màu tím. Bé con gật gật, không hiểu nó có nhớ được màu sắc mà chị dạy nó không. Nó lại quay ra bố: - Hoa này tên là gì hở bố? Chồng chị cười với con gái, nói khẽ: - Diệp Tam Thảo con ạ. Con gái lúng búng nói theo bố, nói chệch nói chẹo cái tên hoa mĩ chồng chị gọi cho giống cỏ ba lá, mà ở đây quen gọi là lá chua me. Cái thứ cỏ này ở đâu chẳng có, chỉ là trước kia mảnh vườn đẹp đẽ đủ loại hoa, tô điểm cho ngôi nhà hai tầng khang trang vào hạng nhất nhì trên thị xã, thì sao chị có thể để cỏ dại mọc chen vào đám hoa đó.. Mải miết theo hình ảnh ngôi nhà đẹp đẽ, chị giật bắn mình khi con gái kêu lên. Ném cái gáo nước xuống đất, chị chạy lại thì thấy mắt con bé long lanh, đôi môi hồng nhạt đang toe toét cười. Con bé nắm tay chị vừa kéo vừa chỉ: - Mẹ ơi! Dệp tan thảo nở hoa rồi. Bố bảo hoa nó màu tím. Mẹ nhìn này! Mắt chị cũng long lanh theo, vừa cười vừa nói: - Cây hoa ngoan ngoãn uống nước chị Na tưới nên lớn nhanh, nở hoa đẹp. Chị Na cũng ngoan như cây, chăm chỉ uống thuốc để lớn thật nhanh nhé! Bé con gật đầu, "vâng" một tiếng rõ to. *** Nắng xuân rắc bụi phấn vàng lên cái công trình tỉ mỉ đang hoàn thiện của một cô Nhện. Bé Na ngồi trên giường, tay xếp bằng ngay ngắn trên bậu cửa sổ tuy chỉ được trát bởi một lớp xi măng vụng về xám ngoét nhưng rất sạch sẽ, cằm gác lên mu bàn tay, cái đầu nghiêng nghiêng và đôi mắt chăm chú dõi theo công việc của cô Nhện. Trong mắt Na, cô Nhện thật khéo léo và giỏi giang, có thể tự phun ra sợi tơ và đan lưới, bò nhanh thoăn thoắt từ đầu bên này sang đầu bên kia của cánh cửa sổ. Tấm lưới tơ của cô Nhện trong suốt, mà được nắng nhuộn thành vàng óng, thật là đẹp! Ở nhà mới này thật thích! Tuy nhỏ hơn nhà cũ bé ở, nhưng có nhiều thứ thật hay ho. Nhà cũ to đùng, Na với mẹ ngủ một giường, bố ngủ một giường. Ở đây cả bố cũng ngủ cùng mẹ và Na, vì chỉ có một giường thôi, nhưng Na được gối lên tay bố ngủ nhé. Nhà cũ cho bạn của bố ở nhờ rồi, khi nào bạn của bố có nhà, cả nhà Na lại chuyển về đấy. Khi nào về, nhất định sẽ mang theo hoa Diệp Tam Thảo.. - Mẹ cái Na đâu rồi, có đi chợ chiều không? Tiếng bác hàng xóm lanh lảnh ngoài sân. Mẹ bé tất tả chạy ra mở cửa, nhỏ nhẹ mời: - Bác vào nhà chờ em một chút, em đang dở tay đan nốt cái làn, tối họ đến lấy rồi. - Ừ, ừ cô cứ làm đi, hãy còn sớm! Bác hàng xóm bước vào nhà, vừa đáp lại lời chào của bé vừa lấy nón quạt phành phạch: - Giời với đất, nắng lên một cái đã nóng quá cô nhể! Mẹ bé cười cười đáp lời, tay thoăn thoắt đưa nan trúc qua lại, đan thành chiếc giỏ, chiếc làn. Mẹ bé như cô Nhện, cả hai thật khéo léo. Bé tạm quên cái việc đan lưới tơ của cô Nhện mà quay sang mẹ. Bác hàng xóm ngồi xuống giường, nhìn Na rất lâu. Na quay sang bác, toét miệng cười, rồi lại quay sang mẹ. - Cái Na nhà cô ngoan quá nhỉ, hai đứa con nhà tôi thì nghịch như quỷ. Mà sao cô giữ nó ngồi yên trong nhà được thế? Cơ mà tôi nói chứ, trẻ con không ra ngoài nhiều, cớm nắng đấy. Cứ cho nó nghịch đất nghịch cát cho có hơi đất thì mới lớn nhanh được! Bác nói một tràng, vừa nói vừa đưa tay xoa đầu, vỗ vai Na. Bác hơi giật mình, đôi bàn tay thô kệch đen đủi gượng gạo đặt trên vai bé con. Đây là lần đầu bác ở gần bé con đến thế. Chưa bao giờ bác được thấy một đứa trẻ nào có nước da trắng bệch gần như trong suốt, nhìn rõ từng đường gân xanh xanh chạy ngoằn nghoèo dọc từ bả vai xuống cánh tay. - Chết chửa! Sao con bé trắng xanh thế này, ốm à? Na và mẹ đồng thanh đáp: Không ạ! Na thấy mẹ nuốt nước bọt một hồi mới đáp lời bác hàng xóm: - Con bé Na nhà em trắng thế từ bé đấy bác.. Khổ nỗi nó cũng nhát người, cũng hay ốm vặt, ra gió máy ốm vào mệt lắm bác ạ. Nhà em đi làm cả ngày, em chỉ ở nhà làm vớ vẩn với trông con thôi, mà còn để con ốm thì nhà em mắng chết! Bé con nhăn mặt, định kể khổ thì nhìn thấy mặt mẹ nó đanh lại, nó lại thôi. Bé con phụng phịu quay lại khung cửa sổ với cô Nhện chăm chỉ. Nhưng cô Nhện bò đi đâu mất rồi, chỉ còn lưới tơ nhuộm vàng đang đan dang dở, rung lên nhè nhẹ trong con gió xuân cũng nhè nhẹ như hơi thở dài cố nén. Na lại chống cằm lên mu bàn tay xếp bằng, không nhìn cô Nhện nữa, mà nhớ về cái mảnh vườn đầy hoa ở nhà cũ, hôm nọ cô bé vừa cùng bạn chạy chơi. Rồi hôm nọ Na bị mệt không muốn chơi nữa. Xong rồi bố mẹ đưa Na đến nhiều nơi Na sợ, cả bệnh viện có bác sĩ gớm nữa. Xong rồi hôm nọ Na phải uống thuốc. Uống thuốc từ lúc ở nhà cũ đến bây giờ ở nhà mới vẫn uống. Na hết mệt rồi, muốn chơi nhưng vẫn phải uống, rồi bố mẹ không cho Na đi chơi nữa. Cứ bảo bao giờ Na lớn thì được đi chơi. Na sẽ lớn thật nhanh to đùng như bố mẹ rồi đi chơi với bạn.. Chị đặt con ngủ gật trên bậu cửa sổ nằm xuống giường, len lén lau nước mắt cho con bé, cũng len lén lau nước mắt cho chính mình, rồi lại vội vã đóng cửa, theo bác hàng xóm đi chợ chiều. Trên đường, chị tiếp chuyện bác mà trong đầu cứ ong ong. Bé con của chị mới năm tuổi, mà biết nín nhịn nghe lời, biết khóc không ra tiếng rồi ngủ mệt. Đứa con đáng thương của chị.. *** Anh chị là người cùng làng. Chị ít học, con nhà thuần nông, còn anh xuất thân từ một gia đình Nho gia hết thời. Vốn liếng chữ Hán và một vài điều hay lẽ phải được truyền lại từ ông nội hòa trộn cùng kiến thức tân thời, anh vừa đọc được chữ trong các đền chùa, vừa có hiểu biết, cư xử cũng khác những anh nhà thuần nông, và chị theo anh từ đó. Đời người không có con chữ nó khổ lắm. Anh là người tài, chỉ tiếc cái nghèo cái khổ nó không chừa một ai. Bỏ lại tấm bằng đại học, anh kiếm được đường ra nước ngoài lao động, sao tiền không là tất cả được, ai sống mà chẳng cần tiền. Tích cóp dành giụm được một số vốn kha khá, anh về lại quê hương. Chị vẫn chờ anh, mặc cho gia đình ép đi lấy chồng đã lâu. Một đám cưới nho nhỏ, một căn nhà khang trang với mảnh vườn xinh xắn, một tình yêu thương và sự trân trọng để đền đáp lại những ngày tuổi xuân lấy nước mắt rửa mặt của chị. Bé con của anh và chị chào đời, xinh xắn như một công chúa. Nhìn con gái, nhìn vợ, anh quyết tâm làm giàu, cho vợ con sống cuộc sống sung túc như những bà hoàng, công chúa thực thụ. Anh lăn xả vào những cuộc làm ăn lớn bé, lãi có lỗ có. Con người thuần phác sao làm được kinh doanh. Nhưng làm rồi khắc quen. Dần dà, từ những việc vốn ít lãi ít, anh mạnh dạn đầu tư cùng người quen đi buôn những chuyến hàng lớn, vượt biên, trốn thuế. Mùa hè năm ấy bão to. Nhà bố mẹ anh bị bay mất nóc. Nhà bố mẹ vợ bị đổ gian bếp. Bác vợ qua đời. Người ta nói bị bệnh gì nặng lắm, không chữa được, lại ngấm nước mưa cảm mà chết. Chuyến hàng qua sông bị cảnh sát bắt, mất trắng. Dù nhiều tai ương ập đến cùng lúc, anh vẫn xoay xở được, với số tiền tiết kiệm bấy lâu. Nhưng tai họa thực sự mới chỉ bắt đầu. Bé Na của anh, công chúa của vợ chồng anh, con bé đổ bệnh, y như ông bác vừa mất của nó. Ấy là thứ bệnh bác sĩ Tây chữa không nổi. Chỉ nói nhà anh bồi bổ cho con, không để nó ốm, vì sức đề kháng sẽ ngày một kém. Không chịu nổi ý nghĩ sẽ mất con, vợ chồng anh đi chạy chữa khắp nơi, cắt bao thang thuốc. Con bé cũng thật ngoan làm sao. Mới lên bốn, lên năm, bố mẹ bảo gì nghe nấy, nói uống thuốc sẽ uống, nói không đi chơi sẽ ở yên trong nhà, tha thẩn với những món đồ chơi. Thuốc thang quá tốn kém, công việc làm ăn lại liên tiếp bị thua lỗ, gia đình anh khánh kiệt. Bán đứt căn nhà khang trang, anh chị dắt con về xóm cửu vạn, làm lại từ đầu. Gian khó mấy anh chị cũng chịu được, chỉ mong bé Na của anh có thể khỏi bệnh. Nhưng đôi vai người đàn ông, dù rộng dù khoẻ, cũng đến lúc mệt mỏi. Mệt vì nghèo. Mệt vì những hy vọng ngày một mong manh. Mệt vì những tiếng xì xào của thiên hạ.. *** Tối muộn chồng vẫn chưa về, chị cảm thấy lo lắng, đứng ngồi không yên. Dạo gần đây việc ít người nhiều, anh ngày càng mệt mỏi, hay cáu gắt. Chị cố gắng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhận thêm những công việc gia công về làm, và chăm sóc con thật chu đáo. Na cũng biết bố mệt, con bé sẽ líu lo hát cho bố nghe, hoặc ngoan ngoãn im lặng theo bố. Khi con bé gà gật ngủ, bố nó mới về. Xô cửa bước vào nhà, người bố nồng nặc thứ mùi khó chịu, mặt mũi thì đỏ lựng như bác gà trống hung dữ trong truyện mẹ kể. Bé sợ quá, nằm im giả vờ ngủ say. Chị đỡ lấy anh xuống ghế, vừa lấy cho anh cốc nước vừa khe khẽ càu nhàu: - Sao anh đi uống rượu đâu mà về muộn thế, còn say khướt thế này.. - À ha.. hê hê, tôi.. hức.. tôi đánh cho lão chủ một trận đau.. đau đấy. Hừ hừ, dám đuổi.. hức.. đuổi tôi, để thằng cháu lão vào làm à.. hừ hừ.. cái đồ quỷ.. quỷ hút máu người. Chị tái mặt: - Chết chửa, sao anh lại đánh người? Ngộ nhỡ bị bắt thì làm sao? Anh nên nói khó với người ta, nhà mình khó khăn thế này, mất việc đã đành, anh còn bị họ phạt vạ thì mẹ con em biết sống sao? - Im mồm! – Anh quát chị. Lần đầu tiên sau năm năm chung sống, anh quát vợ mình –Mẹ con em.. mẹ con em.. lúc nào cũng chỉ mẹ con cô thôi à, cô không biết cái nhà này một mình tôi nuôi hết à? Tôi làm ra tiền.. tôi thích làm gì tôi làm! Anh lê bước chân nặng nề xiêu vẹo lại giường, cúi xuống nhìn đứa con gái đang nhắm mắt nhắm mũi, miệng mếu xệch. Lúc tỉnh, anh sẽ biết thừa con gái đang giả vờ ngủ. Nhưng giờ, anh đâu có tỉnh. Hay có chăng, anh cũng lờ đi như không biết, vì anh bực, anh đang bực lắm! Anh ngẩng lên nhìn người vợ đang bàng hoàng không thốt lên lời, đưa tay chỉ vào đứa con gái nằm trên giường, lè nhè nói: - Cả cái xóm này nói nó không giống tôi.. cũng chẳng giống cô mấy.. hay là đúng nó không phải con tôi? - Anh nói cái gì vậy? – Chị kinh hãi, không tin vào tai mình, vào mắt mình. Người chồng chị hết mực yêu thương, tôn trọng, cũng hết mực yêu thương tôn trọng chị, giờ đây anh đang nói gì vậy? Mắt anh vằn những tia máu đỏ, anh vồ lấy con gái, lắc vai con dậy rồi nói như hét: - Nhà tôi không có ai bệnh tật cả, ai nấy đều khoẻ mạnh, ba đời nay đều như thế. Nhà cô cũng vậy, làm quần quật như con trâu con bò ngoài ruộng mà có ai ốm yếu bao giờ. Bác à? Bác nào truyền được bệnh cho đứa cháu chưa bao giờ gặp mặt. Cô nói đi, đứa trẻ yếu rớt này là con ai, máu trong người nó là máu ai mà yếu đến thế, không nuôi được chính nó? - Huhuhu.. bố ơi.. mẹ ơi.. con đau.. –Con bé vừa đau vừa sợ, khóc ré lên. Chị giằng con ra khỏi tay anh, bế thốc nó lên: - Anh làm con sợ đấy. Nó không là con anh thì là con ai.. giời ạ, sao tôi khổ thế này.. –Chị ngồi bệt xuống đất, hai mẹ con cùng khóc, ôm nhau mà khóc. Khóc vì tủi, khóc vì sợ, vì đau, vì ngỡ ngàng trước hành động của con người đã và đang là chỗ dựa cho họ. Anh sực tỉnh lại khi nhìn những dòng nước mắt của hai người thân yêu. Anh định nói gì nhưng miệng cứ khô khốc. Anh vừa làm gì thế này? Con người có học, có đạo đức, con người từng thề cả đời chỉ đem lại hạnh phúc cho vợ con là anh vừa làm gì thế này? Anh đưa tay run run muốn đỡ vợ lên, nhưng anh lại rụt lại. Đôi tay này vừa bóp chặt đôi vai nhỏ bé của con gái yêu mà lay, mà lắc đấy ư? Anh xấu hổ, anh dằn vặt. Anh lại chạy ra khỏi nhà. *** Hè về. Xóm cửu vạn với những mái nhà lợp tôn nóng như những cái lò nung. Đã cả tuần nay, chị không chăm sóc cho mảnh vườn nhỏ. Rau mới lên được gang tay, héo rũ cả. Riêng cỏ dại và "hoa" của bé Na là vẫn cứ sống mơn mởn. Ước gì, con gái chị cũng như đám hoa cỏ dại kia, sống với sức sống mãnh liệt, dù đời khắc nghiệt thế nào vẫn mạnh mẽ vươn lên. Na ốm nặng, nằm liệt giường cả tuần nay. Con bé ngày càng trở nên trong suốt như thuỷ tinh, ngủ li bì, và giật mình thon thót khi nghe tiếng mái tôn dãn nở cọt kẹt trước sức hun đốt của mặt trời. Con bé không ăn uống được gì, thuốc cũng không uống được nữa. Chị thao thức bên con, nắm tay con cũng không dám nắm chặt, sợ con đau. Anh đi phụ hồ, nghe tin con ốm nặng liền tức tốc chạy về, tạt vào dọc đường mua cho con hộp sữa. Anh pha sữa, ôm con vào lòng, đút cho con từng thìa, tỉ mỉ, yêu thương. Như đáp lại sự lo lắng của bố mẹ, con bé tỉnh táo lại vào ngày thứ chín. Nó cười toét miệng, mắt mở to, trong veo. Nó kể cho bố mẹ nghe về chuyện cô Nhện giăng tơ ở cửa sổ, chuyện bác Mối đóng gỗ cọt kẹt, anh Dế kéo đàn ring ring ring. Nó đòi hái hoa Diệp tam thảo. Chị tất tả chạy ra vườn hái cho con. Ôm đám lá xanh, hoa tím li ti vào lòng, con bé cười mãn nguyện lắm. Nó nói với bố: - Các anh chị nói đây là cỏ không phải hoa, nhưng bố nói là hoa. Nó là hoa đẹp nhất, con thích! Đêm hôm ấy, con bé bấu tay chị, khóc nức lên: - Mẹ ơi, con đau quá.. Anh chị sợ hãi, ôm chặt con vào lòng. Chị vừa nghẹn ngào vừa dỗ con: - Con ngoan.. Na ngoan của mẹ, mẹ ôm con, con hết đau thôi. Anh không nói được gì, chỉ lẳng lặng bật đèn sáng, ngồi ôm cả vợ và con gái. Anh biết, điều anh chị lo sợ cuối cùng cũng đã đến. Na cứ khóc mãi, lặp đi lặp lại: "Con đau quá.. đau quá". Mặt con bé đã không còn hột máu, môi tím tái và người lạnh dần dù đang mùa hè. Câu cuối cùng anh chị nghe được, là: "Bố.. mẹ.. thơm thơm." Anh chị hôn con. Chị hôn con mãi. Hôn lên cái môi chúm chím hay líu lo như con chim nhỏ, hôn lên đôi mắt to tròn sáng long lanh, hôn lên cái má khi xưa phúng phính, hôn cả những ngón tay nhỏ xíu của con. Những chỗ chị hôn lên đã lạnh ngắt và những giọt nước mắt của chị đọng lại trên đó, như những hạt sương đọng trên một thân cây con không chịu nổi bão tố vừa qua đời, những hạt sương trôi tuột đi. Trái tim ấm của Na không đập nữa. Con bé bỏ anh chị đi khi trời chưa hửng sáng. Chị cứ ôm con ngồi thẫn thờ, anh ôm lấy chị lặng đi không nói, nhưng mắt anh thì vằn những tia máu đỏ và ầng ậc nước. Chị nhổm dậy, bước xuống giường. Anh giật mình bước theo - Em.. em đi đâu thế? - Sáng rồi, em bế con ra hiên sưởi nắng sớm cho cứng cáp. Anh đau xót nhìn đôi mắt vô hồn của chị. Ngoài hiên, những tia sáng mặt trời đầu tiên rọi xuống sau đám mây hồng hồng. Chị bế con, vừa hát khe khẽ bài hát ru con lúc Na còn ẵm ngửa, hát rồi lại cười và nói chuyện với đứa con đã lạnh ngắt, tắt thở từ lâu. Anh không chịu được, nhẹ nhàng giằng lấy đứa con trong tay vợ: - Em tỉnh lại đi.. con.. con chúng ta chết.. rồi! Chị trợn mắt mắng anh: - Anh điên à, nói gì vậy. Đưa con cho em.. em phải bế con sưởi nắng.. đưa đây! - CON CHẾT RỒI! – Anh hét lên, rồi bất lực ôm con khuỵu xuống đất. Chị nhìn anh và Na, chị nhìn quanh, đôi mắt chị hốt hoảng, và chị cũng khuỵu xuống. Anh ôm chặt lấy chị, đứa con nằm lặng ngắt giữa hai người, giữa tiếng khóc vật vã của một người mẹ vừa mất đi khúc ruột của mình. *** Khu xóm cửu vạn xưa giờ không còn những ngôi nhà be bé ọp ẹp, không còn những người đàn ông mình trần, da đồng màu với màu đất, thay phiên nhau đi làm từ chiều đến tờ mờ sáng và từ tờ mờ sáng đến chiều; không còn những cô những thím hay ngồi buôn chuyện thiên hạ, những đứa trẻ lấm lem mặt mũi chơi với đất và bùn. Một gia đình khá giả đã mua đứt cả khu đất, xây lên một căn nhà nhỏ xinh, và biến toàn bộ khu đất thành vườn cây, vườn hoa. Nằm lọt thỏm trong vườn cây xanh um là một gò đất be bé, trên gò đất bò đầy cỏ ba lá xanh mơn mởn, hoa tim tím nhỏ li ti. Thỉnh thoảng, người ta sẽ thấy một người phụ nữ tầm ngoài bốn mươi, cùng một cô con gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi, đi vào vườn cây và ở bên gò đất cả ngày trời. Cô con gái xinh xắn, làn da hồng hào khoẻ mạnh, đôi môi đỏ chúm chím, tóc tết đuôi sam hai bên lúc lắc. Cô bé thích đi gom những bông hoa tim tím của đám cỏ ba lá, kết thành chùm rồi để trên gò đất. - Tặng chị này! "Diệp Tam Thảo, Diệp Tam Thảo.." Cô bé vừa lẩm nhẩm vừa xoè bàn tay trái. Sinh ra, trong tay cô đã có vết bớt hồng hồng hình cỏ ba lá. Hai mẹ con nhìn nhau mỉm cười. Tên cô bé là Diệp Thảo. Cô bé sẽ như cỏ mọc hoang, mạnh mẽ và đầy sức sống trước bất kì khó khăn nào của cuộc sống. *Đôi lời của tác giả: Truyện ngắn này mình viết cũng 7, 8 năm rồi, sau khi cháu gái mình mất. Mình chỉ mới gặp con bé 1 lần vì quê ngoại mình xa lắm. Con bé xinh, khéo mồm lắm, mất vì ung thư máu khi mới 4 tuổi. Bây giờ thì anh chị mình có 3 người con nữa, đều khỏe mạnh. Mình viết chỉ để giải tỏa cảm xúc thương con bé, lúc viết tới đoạn "con đau lắm" là mình khóc sưng hết mắt mũi vì mẹ kể là lúc con bé sắp mất nó nói như thế. Nó biết kêu đau, đòi ôm đòi bế. Truyện này từng đăng báo tỉnh mình 1 lần. Mình cũng không định đăng lên web, nhưng mà tự nhiên muốn đăng hết mấy truyện "đọc tạm được một tí" mình viết lên, như một nơi lưu giữ vốn viết lách 10 năm nay của mình. Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây. Hi vọng mỗi em bé trên đời sinh ra và sống thật khỏe mạnh. * - End-